Với tấm lòng nhân từ, bao la và cả trách nhiệm lớn lao của người đứng đầu Đảng, Nhà nước, tháng 6/1947, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bước sang năm thứ hai, tại chiến khu Việt Bắc, Hồ Chủ tịch đã chỉ thị chọn một ngày trong năm làm ngày Thương binh để đồng bào có dịp tỏ lòng hiếu nghĩa, yêu mến Thương binh và gia đình Liệt sĩ.
Thực hiện Chỉ thị của Người, một hội nghị trù bị đã được tổ chức tại xã Phú Ninh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Trong hội nghị này, đại biểu của các cơ quan, ban, ngành ở Trung ương, khu, tỉnh đã nhất trí đề nghị lấy ngày 27/7/1947 là ngày Thương binh toàn quốc.
Nhân sự kiện này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho đồng bào cả nước. Bức thư có đoạn“Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì vậy, Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy”. Đồng thời, Hồ Chủ tịch đã gửi ủng hộ một áo lụa của Hội phụ nữ gửi biếu Bác, một tháng lương, một bữa ăn của Bác và nhân viên trong Phủ Chủ tịch với số tiền 1.127 đồng để giúp các thương binh. Từ đó, hàng năm ngày Thương binh (đến năm 1955 được đổi thành ngày Thương binh, Liệt sĩ) đã được xã hội quan tâm tổ chức chu đáo, thắm đượm nghĩa tình. Năm nào cũng vậy, vào dịp này, Hồ Chủ tịch cũng đều có thư và quà gửi anh, em thương binh và gia đình liệt sĩ.
Khi nghe tin con trai bác sĩ Vũ Đình Tụng hy sinh, Hồ Chủ tịch liền gửi thư cho Bác sĩ “Tôi được báo cáo rằng, con trai Ngài đã oanh liệt hy sinh cho Tổ quốc. Ngài biết rằng tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là đại gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu tôi. Mất một thanh niên, thì hình như tôi đứt một đoạn ruột. Những cháu và anh em thanh niên khác, dũng cảm hy sinh để giữ gìn đất nước. Thế là họ đã làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi. Họ chết cho Tổ quốc sống mãi, tinh thần họ đã luôn luôn sống với non sông Việt Nam”. Đối với các chiến sĩ, Bác luôn luôn dành nhiều tình cảm ưu ái và sự quan tâm đặc biệt. Có dịp là Bác hỏi thăm bộ đội ta ăn có đủ no, mặc có đủ ấm và có thiếu thốn gì không? Bác vui mừng và khen ngợi đối với mỗi chiến công của bộ đội nhưng Người cũng rất đau buồn khi hay tin mỗi khi có chiến sĩ, đồng bào bị thương hay hy sinh ngoài mặt trận. Bác nói “Ngày 27/7 là một ngày kỷ niệm. Mỗi năm đến ngày ấy thì những người ái quốc Việt Nam càng tưởng nhớ đến anh em thương binh, tưởng nhớ đến các gia đình tử sĩ, tưởng nhớ đến những người vô danh anh hùng hoặc đã hy sinh tính mệnh, hoặc đã góp một phần xương máu trong cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc ta”. Cho nên “Cán bộ và đồng bào các nơi sẵn sàng săn sóc và giúp đỡ các gia đình Liệt sĩ, Thương binh, Bệnh binh trong công việc sản xuất, trong các hợp tác xã, tổ đổi công”. Đồng thời, Bác yêu cầu “Các cơ quan, đoàn thể chấp hành chu đáo chính sách của Đảng và Chính phủ đối với thương binh và liệt sĩ, để anh em thương binh và gia đình liệt sĩ được ổn định hơn nữa trong công tác và đời sống”. Về phần anh em thương binh, bệnh binh, Bác dặn:“Phải hoà mình với Nhân dân, tôn trọng Nhân dân, tránh phiền nhiễu Nhân dân; phải tránh tâm lý “công thần”; coi thường lao động, coi khinh kỹ luật; chớ bi quan chán nản, phải luôn luôn cố gắng. Trước kia anh em đã xung phong diệt giặc thì ngày nay anh em sẽ tuỳ điều kiện mà xung phong tăng gia sản xuất”
Tuân theo lời dạy của Người, Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đã sớm xây dựng và hình thành hệ thống chính sách, chế độ ưu đãi đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công cách mạng. Trong điều kiện đất nước còn khó khăn, chúng ta vẫn quyết tâm “Chăm lo tốt hơn đối với các gia đình chính sách và người có công với cách mạng, bảo đảm tất cả các gia đình chính sách đều có cuộc sống bằng hoặc khá hơn mức sống trung bình với người dân địa phương…”
Cùng với cả nước, ở tỉnh ta công tác thương binh, liệt sỹ, chính sách đối với người có công và hỗ trợ cho người nghèo trong những năm qua đã được toàn xã hội chăm lo. Nhiều phong trào như “xây nhà tình nghĩa", "xoá nhà dột nát"...”. Các cuộc vận động quỹ "đền ơn đáp nghĩa", “Chung tay xây dựng nghĩa trang” đã được toàn dân hưởng ứng mang lại hiệu quả cao.
Kỷ niệm 73 năm, Ngày Thương binh, Liệt sĩ ôn lại lời dạy của Bác, phát huy truyền thống và đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”; “Ăn quả nhớ người trồng cây”, các cấp uỷ Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, địa phương, cơ quan, đơn vị doanh nghiệp và mọi người dân hãy làm những gì có thể để không ngừng chăm lo anh em thương binh, gia đình liệt sĩ, các đối chính sách. Coi đó vừa là trách nhiệm, vừa là đạo lý và cũng chính là nghĩa cử để tôn vinh, đền đáp một phần sự hy sinh to lớn của những người vì dân vì nước mang lại vinh quang cho dân tộc và hạnh phúc cho chúng ta. Trí Ánh-Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ