|
Cần tăng cường công tác giáo dục pháp luật cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài |
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã lên danh sách 100 quận/huyện thuộc diện xem xét tạm dừng tuyển chọn lao động. Đây là những địa phương có tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước từ 30% trở lên.
Sau khi thống nhất với phía Hàn Quốc về việc tạm dừng một số địa phương có tỷ lệ lao động ở lại cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc cao, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã ban hành công văn số 1684/LĐTBXH-QLLĐNN thông báo tới các tỉnh, thành phố danh sách các địa phương bị tạm dừng tuyển chọn lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS năm 2019.
Theo đó, 40 quận/huyện thuộc 10 tỉnh, thành phố: Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Hải Dương, Nam Định, Thái Bình, Quảng Bình, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên bị tạm dừng tuyển chọn lao động. Đây là những địa phương có số lượng lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc từ 60 người trở lên.
Như vậy, Nghệ An và Thanh Hóa tiếp tục là 2 địa phương dẫn đầu về số lượng lao động cư trú bất hợp pháp. Trước đó, vào năm 2018, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đã thông báo cả nước có 107 quận/huyện có tỉ lệ lao động hết hạn hợp đồng tại Hàn Quốc không về nước trên 30%, thuộc 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số lao động cư trú bất hợp pháp cao nhất tại Hàn Quốc thuộc diện đưa vào xem xét tạm dừng tuyển chọn trong năm 2018. Trong số 107 quận/huyện này, 49 quận/huyện có số lượng lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc lớn nhất bị yêu cầu tạm dừng tuyển chọn trong năm 2018.
Căn cứ vào thông báo của phía Hàn Quốc về tỷ lệ và số lượng lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc vào thời điểm cuối năm 2019, năm 2020 sẽ tiếp tục dừng tuyển chọn lao động tại các địa phương không giảm được tỷ lệ và số lượng lao động cư trú bất hợp pháp. Đồng thời, việc tạm dừng sẽ được dỡ bỏ đối với các địa phương giảm được tỷ lệ và số lượng lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc.
Hiện tại, để giảm tình trạng lao động cư trú bất hợp pháp, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành đã phối hợp cùng các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết đầy đủ về thông tin thị trường lao động, tình trạng lao động vi phạm hợp đồng, cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc, danh sách lao động hết hạn hợp đồng không về nước để chính quyền địa phương, đoàn thể và gia đình kêu gọi, vận động con em về nước.
Các huyện, thành phố giao chỉ tiêu cho các tổ chức, đoàn thể và chính quyền cơ sở trong việc vận động lao động của địa phương về nước đúng hạn. Đồng thời, chú trọng công tác giáo dục pháp luật cho người lao động trước khi đi xuất khẩu lao động về ý thức tổ chức kỷ luật và chấp hành pháp luật. Thực hiện nghiêm các chế tài, biện pháp xử lý đối với người lao động cố tình ở lại cư trú bất hợp pháp.
Thu Cúc