Thận trọng trong công bố ca bệnh
|
ThS.BS Nguyễn Đình Anh, Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng (Bộ Y tế) |
Những ngày qua, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam nhận được nhiều câu hỏi từ các độc giả đề cập đến vấn đề nhiều tin giả, tin độc khiến dư luận hoang mang, thậm chí dẫn dắt cả các Báo. Nhiều ý kiến từ bạn đọc cho rằng, thông tin chính thống từ các Bộ, ngành có cần nhanh hơn để những tin fake news không còn đất sống.
Về vấn đề này, trao đổi với Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Nguyễn Đình Anh nhấn mạnh: “Chúng tôi là những người làm truyền thông trong ngành y tế, những thông tin chúng tôi đưa ra không đơn giản chỉ phục vụ thị hiếu, sự tò mò của người dân, mà còn liên quan đến đời sống, mối quan hệ thậm chí sinh mạng của người bệnh hoặc người bị nghi nhiễm bệnh”.
Ông lí giải, để có được thông tin khẳng định về ca bệnh, ngành y tế cần phải kiểm chứng, đối chứng và khi nào khẳng định chắc chắn ca bệnh thì mới công bố và cung cấp thông tin cho báo chí, cho người dân.
“Chúng tôi gần như là tuyến cuối, thông tin chúng tôi đưa ra ảnh hưởng không chỉ một người mà rất nhiều người. Trong công cuộc phòng chống dịch bệnh COVID-19, ai cũng muốn có thông tin nhanh, chúng tôi biết điều đó. Nhưng, việc để công bố một ai đó mắc bệnh, chúng tôi cần thận trọng” – ông nói.
Ông cũng nhấn mạnh, hiện nay, Tổ chức Y tế thế giới công nhận 3 đơn vị đầu ngành của Việt Nam đạt chuẩn xét nghiệm, đó là Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur Nha Trang, Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Mính. Do vậy, nếu các mẫu từ các địa phương gửi trực tiếp đến 3 Viện trên, khi có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 thì khẳng định bệnh nhân đó mắc bệnh COVID-19.
Nếu các mẫu do các đơn vị đủ điều kiện và năng lực xét nghiệm, được Bộ Y tế cấp chứng nhận đạt chuẩn (hiện nay có gần 30 bệnh viện, viện, Trung kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phố) có kết quả dương tính, họ phải chuyển mẫu về 3 Viện đầu ngành để xét nghiệm khẳng định. Nếu xét nghiệm tại 3 Viện này cũng cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2, thì khi đó mới khẳng định bệnh nhân bị bệnh COVID-19.
Theo ông, có những việc cần làm ngay và luôn, nhưng có những việc cần chậm một tý, yêu thương nhiều hơn, cuộc đời sẽ tốt đẹp hơn.
“Trong cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh COVID -19 này, bạn, tôi và tất cả mọi người đều ngồi trên một con thuyền. Chúng ta hãy cùng nhau ĐỒNG HÀNH, ĐỒNG LÒNG, ĐỒNG SỨC với Chính phủ, với chính quyền địa phương ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh COVID-19” – ông nhấn mạnh lại.
Tin giả, hậu quả thật
|
PGS.TS Vũ Xuân Phú – Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương |
Theo ông Nguyễn Đình Anh, thời gian qua, việc một số đối tượng đã đăng tải những thông tin không chính xác, bịa đặt về tình hình dịch bệnh, lan truyền những biện pháp phòng ngừa không đúng, không có căn cứ, gây hoang mang dư luận đã gây khó khăn cho ngành y tế.
Khi phát hiện những thông tin không chính xác, thiếu căn cứ hoặc tin giả, Vụ Truyền thông và Thi đua, khen thưởng (Bộ Y tế) đã phối hợp với các đơn vị liên quan để kiểm chứng thông tin và kịp thời xử lý. Đồng thời phối hợp với các cơ quan báo chí tăng cường đăng tải và phát sóng các thông tin chính xác, các thông điệp truyền thông để cung cấp cho người dân kịp thời, tránh gây hoang mang dư luận và ảnh hưởng đến kết quả công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19.
Ông cũng chia sẻ, theo thông tin mới nhất, Thủ tướng Chính phủ cũng đã cho chủ trương, cơ quan công an đã và sẽ xử lý nghiêm, thậm chí là xem xét hình sự những hành vi tung tin bịa đặt, thiếu căn cứ hoặc tin giả.
“Tôi mong muốn mọi người hãy tỉnh táo kiểm chứng thông tin, đừng vội chia sẻ. Hãy nghe lời khuyên của các nhà chuyên môn” – ông Đình Anh kêu gọi.
Cũng liên quan tới vấn đề này, PGS.TS Vũ Xuân Phú - Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương khẳng định, trong phòng chống dịch thì công tác truyền thông, giáo dục sức khoẻ rất quan trọng. Các thông tin cần kịp thời, nhanh, đúng, đủ và phù hợp số đông dân chúng. Với sự phát triển của công nghệ thông tin như hiện nay và cộng đồng mạng rất đa dạng về tính cách, nhân cách, tồn tại và phát tán với tốc độ nhanh, rộng các tin giả, sai sự thật, gây hoang mang, ảnh hưởng đến phát hiện ca bệnh, quản lý và điều trị, đến uy tín của thầy thuốc, đến ngành y tế, hậu quả mang lại với xã hội rất lớn.
Ông Nguyễn Xuân Phú cũng trao đổi thêm về việc sau khi Bộ Y tế công bố các ca mắc Covid-19, trên mạng xã hội lan truyền chóng mặt danh tính, hình ảnh của bệnh nhân và danh sách những người tiếp xúc với họ, thậm chí tấn công, quy kết họ trên mạng xã hội đã dẫn đến hậu quả nghiêm trọng trong việc tìm kiếm, phát hiện bệnh nhân mới do gieo rắc tâm lý sợ bị kỳ thị, xa lánh trong cộng đồng.
Theo ông, với tất cả các bệnh xã hội, người bệnh và gia đình thường phải chịu đựng sự kỳ thị, xa lánh của cộng đồng. Điều này làm cho tăng sự tự ti, giấu bệnh, không khai báo, không thực hiện đầy đủ phác đồ điều trị, bệnh có nguy cơ lan rộng, khó kiểm soát. “Đây là hiểm họa của đạo đức trong phòng chống dịch” – ông nói.
Nhấn mạnh vai trò của các kênh truyền thông chính thống là rất quan trọng, ông đề nghị, cần tăng cường tuyên truyền giáo dục sức khỏe một cách rõ rệt về bệnh tật, đường lây, mức độ nghiêm trọng, cũng như tuyên truyền giáo dục sức khoẻ, chủ yếu cho người lành để cảm thông và nhận thức rõ về bệnh đúng mức độ, cũng như cho người bệnh không tự ti, giấu bệnh, giấu dịch./.