|
Nhiều sản phẩm sau khi được bảo hộ đã được người tiêu dùng biết đến rộng rãi, giá trị sản phẩm gia tăng đáng kể như cam Cao Phong. |
Theo Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) Đinh Hữu Phí, tài sản trí tuệ (TSTT) đã trở thành một bộ phận không thể tách rời trong kết cấu giá trị của các doanh nghiệp cũng như của nền kinh tế quốc dân.
Số liệu thống kê cho thấy số lượng đơn, bằng sáng chế và giải pháp hữu ích của tổ chức, cá nhân Việt Nam tăng đều trong những năm gần đây (trung bình 9,86%/năm đối với đơn và 20,05%/năm đối với bằng trong giai đoạn 2006-2018). Nhiều doanh nghiệp lớn đã sở hữu trong nhiều sáng chế và nhãn hiệu được bảo hộ độc quyền như Viettel, Công ty Cổ phần sao Thái Dương, Công ty Cổ phần Traphaco...
Bên cạnh tài sản có trình độ sáng tạo cao là sáng chế, các TSTT khác như nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cũng được các tổ chức, cá nhân Việt Nam quan tâm, đăng ký bảo hộ và đưa vào khai thác thương mại. Đến nay, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam đã nhận thức được tầm quan trọng của nhãn hiệu và chủ động đăng ký bảo hộ nhãn hiệu từ sớm. Các địa phương trong cả nước đều triển khai nhiều hoạt động, chương trình, dự án để phát triển đặc sản địa phương thông qua việc đăng ký chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận hay nhãn hiệu tập thể, qua đó gia tăng các giá trị kinh tế cũng như xã hội của các sản phẩm này.
Trong khuôn khổ của Chương trình phát triển TSTT giai đoạn 2016-2020, đã có gần 200 sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc thù của địa phương được hỗ trợ đăng ký bảo hộ quyền SHTT và đưa vào sản xuất kinh doanh. Nhiều sản phẩm sau khi được bảo hộ đã được người tiêu dùng biết đến rộng rãi, uy tín sản phẩm được nâng cao, giá trị sản phẩm gia tăng đáng kể như cam Cao Phong, nước mắm Phú Quốc, vải thiều Lục Ngạn, bưởi Năm Roi…
Bên cạnh đó, một số viện nghiên cứu, trường đại học đã kết nối được với các doanh nghiệp để ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ (KH&CN) vào hoạt động sản xuất, kinh doanh như Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Bách khoa TPHCM, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam...
Ông Đinh Hữu Phí cũng cho biết, Cục SHTT cũng đã phối hợp với nhiều cơ quan, tổ chức để hỗ trợ đăng ký bảo hộ TSTT và ứng dụng vào thực tiễn hoạt động sản xuất kinh doanh cho nhiều cá nhân, tổ chức, qua đó góp phần thúc đẩy đổi mới sáng tạo, gia tăng TSTT phục vụ phát triển kinh tế, xã hội.
Có thể kể đến một số dự án điển hình áp dụng thành công các sáng chế đã được bảo hộ như dự án sản xuất vật liệu và thiết bị xử lý nước uống an toàn sinh học” do Viện Công nghệ môi trường, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam (chủ sở hữu sáng chế) chủ trì thực hiện; dự án áp dụng giải pháp hữu ích để sản xuất sản phẩm giàu axit béo omega-3 (thực phẩm chức năng)... Các dự án đều có sự phối hợp triển khai của doanh nghiệp, sau đó chính họ là đối tượng nhận chuyển giao và ứng dụng sáng chế.
Mặc dù vậy, ông Đinh Hữu Phí cho rằng, đánh giá một cách khách quan thì hoạt động SHTT vẫn chưa đáp ứng được đầy đủ các đòi hỏi ngày càng cao của sự phát triển kinh tế - xã hội, chưa thực sự phát huy vai trò động lực cho phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Số lượng TSTT của Việt Nam, đặc biệt là sáng chế, chưa nhiều, giá trị tài sản còn nhỏ, chưa có nhiều sản phẩm trí tuệ mang tính đột phá và có giá trị cạnh tranh trong khu vực cũng như trên phạm vi toàn cầu. Một nghiên cứu của Bộ KH&CN cho thấy, những năm gần đây số lượng đơn sáng chế (bao gồm cả giải pháp hữu ích) nội địa tính trên đầu người của Việt Nam là khoảng 10 đơn/1 triệu dân.
Việc thương mại hóa TSTT cũng chưa được quan tâm và đẩy mạnh, chủ yếu diễn ra ở phạm vi hẹp về ngành nghề, tập trung ở công nghệ của nước ngoài. Hiện nay, các ngành đóng góp nhiều cho GDP của Việt Nam vẫn là những ngành sử dụng nhiều lao động, hàm lượng công nghệ thấp. Các sáng chế, công nghệ của Việt Nam chưa được thương mại hóa và chuyển giao, ứng dụng rộng rãi, nguyên nhân chính là do trình độ sáng tạo chưa cao, không đủ hấp dẫn dể kêu gọi đầu tư…
Thu Cúc