Tai nạn đường sắt: Hạ tầng hư hỏng, bồi thường không đủ sửa chữa 

(Chinhphu.vn) – Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) cho biết, trong 3 năm (2017, 2018, 2019), doanh nghiệp này đã ứng ra hơn 16 tỷ đồng để khắc phục thiệt hại của các vụ tai nạn giao thông đường sắt do nguyên nhân khách quan hoặc không xác định được nguyên nhân.

 

Liên tiếp 4 vụ tai nạn đường sắt trong năm 2018 đã khiến hạ tầng đường sắt hư hỏng đáng kể. Ảnh minh họa.

Tổng Công ty ĐSVN (Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp) vừa có văn bản gửi Bộ GTVT về những vướng mắc, khó khăn trong công tác xử lý, khắc phục hậu quả gây ra do các vụ tai nạn giao thông đường sắt.

Về thiệt hại của các vụ tai nạn giao thông đường sắt đối với ngành đường sắt (gồm: đầu máy, toa xe, khai thác đường sắt, chạy chậm, vận tải và kết cấu hạ tầng đường sắt) trong 3 năm (2017,2018, 2019) do nguyên nhân khách quan hoặc không xác định được nguyên nhân là 16.120.879.095 đồng.

Thiệt hại lớn, bồi thường “hầu như không thực hiện được”

Tổng Công ty ĐSVN cho biết, hiện nay, sau khi có sự cố tai nạn, các đơn vị trong ngành đường sắt buộc phải ứng trước kinh phí để khẩn trương, kịp thời thực hiện công tác giải quyết, cứu chữa, khôi phục kết cấu hạ tầng đường sắt đảm bảo giao thông đường sắt thông suốt, an toàn trong điều kiện đường đơn. Chi phí bồi thường thiệt hại sẽ do các cá nhân tổ chức sai phạm có trách nhiệm bồi thường.

Tuy nhiên, việc giải quyết với các vụ tai nạn giao thông đường sắt thường gặp khó khăn bởi phải giải quyết, thẩm định thiệt hại dẫn đến thời gian kéo dài.

Thêm vào đó, hầu hết các vụ tai nạn đường sắt đều thiệt hại lớn về người và tài sản nhưng việc giải quyết, bồi thường thiệt hại gặp nhiều khó khăn, phức tạp và hầu như không thực hiện được do đối tượng chịu trách nhiệm đền bù thiệt hại (người điều khiển phương tiện, chủ phương tiện gây ra tai nạn) có thể đã thiệt mạng hoặc không có khả năng chi trả hoặc chỉ đủ khả năng bồi thường một phần rất nhỏ thiệt hại. Khi khắc phục hư hỏng, các đơn vị của Tổng Công ty Đường sắt thường phải sử dụng vật tư, vật liệu mới nên chi phí thực tế để khắc phục hư hỏng lớn hơn rất nhiều so với chi phí được đền bù.

“Do đó, khi các đơn vị tham gia cứu chữa, khắc phục sự cố tai nạn đường sắt không có nguồn kinh phí để bù đắp lại chi phí đã ứng trước, ảnh hưởng lớn đến nguồn vốn sản xuất kinh doanh của đơn vị”, văn bản nêu rõ.

Đặc biệt, do thiếu kinh phí, nên trong một số trường hợp, các đơn vị quản lý hạ tầng chỉ có thể sửa chữa tạm công trình đường sắt để đảm bảo giao thông thông suốt và an toàn mà chưa thể khắc phục, sửa chữa trả tốc độ chạy tàu theo công lệnh tốc độ.

Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty ĐSVN cho biết, theo Nghị định 46/2018/NĐ-CP quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia có nêu rõ “Ngân sách Nhà nước bảo đảm kinh phí cho việc khắc phục hậu quả sửa chữa tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia để đảm bảo khôi phục hoạt động chạy tàu an toàn, thông suốt”.

“Như vậy, theo quy định của Nghị định này, kinh phí cho việc khắc phục hậu quả, sửa chữa tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia sẽ do ngân sách Nhà nước chi trả”, ông Vũ Anh Minh cho hay.

Thống nhất cách giải quyết, sữa chữa, chi trả

 

Trước những khó khăn nêu trên, Tổng Công ty ĐSVN cho biết, doanh nghiệp đã kiến nghị lên Bộ GTVT cho phép bố trí nguồn kinh phí trong nguồn vốn sự nghiệp kinh tế đường sắt hàng năm để Tổng Công ty có nguồn kinh phí dự phòng, ứng trước ban đầu và chi trả các chi phí khắc phục thiệt hại để phục vụ giải quyết hậu quả, sự cố, tai nạn giao thông đường sắt theo quy định của pháp luật.

Song song với đó, Tổng Công ty ĐSVN cũng đề nghị Bộ GTVT cho phép doanh nghiệp thực hiện các bước xử lý, giải quyết sửa chữa như sau:

Bước 1, tính từ thời điểm xảy ra sự cố, có công điện phong tỏa khu gian, cấm chạy tàu cho đến khi có công điện trả tốc độ > = 15km/h. Bước này sẽ gồm 2 giai đoạn: Cứu chữa thông xe tạm 5km/h và sửa chữa công trình đảm bảo ổn định khai thác chạy tàu > = 15km/h.

Bước 2, khôi phục công trình sau sự cố, đảm bảo an toàn chạy tàu, trả tốc độ khu gian.

Đối với số tiền sau khi thu được từ việc bồi thường thiệt hại của các đối tượng gây tai nạn giao thông đường sắt sẽ chuyển trả vào ngân sách Nhà nước.

Theo thống kê của Tổng Công ty ĐSVN, năm 2017, toàn quốc xảy ra 334 vụ tai nạn đường sắt; năm 2018 toàn quốc xảy ra 267 vụ tai nạn và 9 tháng năm 2019 con số này là 121 vụ tai nạn. Phần lớn tai nạn giao thông đường sắt trong những năm gần đây xảy ra tại các điểm giao cắt đồng mức chiếm khoảng 85%. Trong đó, đường ngang hợp pháp chỉ chiếm 1.518 đường còn lối đi tự mở (không phép) lên đến 4.040 điểm.

Phan Trang

333 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 909
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 909
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77037922