Chương trình giao lưu nghệ thuật “Chung một dòng sông" được tổ chức nhân kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị, 47 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2022) do Báo Nhân Dân, Hội Nhà báo Việt Nam, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị tổ chức diễn ra tối ngày 26/4 tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô Hà Nội.
50 năm giải phóng tỉnh Quảng Trị cũng là chừng đó năm cây cầu Hiền Lương chứng kiến những thay đổi của lịch sử, của đất nước. Khát vọng “chung một dòng sông” nay đã thành hiện thực và khát vọng kết nối tình yêu quê hương, tinh thần dân tộc của những người con đất Việt từ khắp thế giới vẫn mãi chảy không ngừng. Chương trình giao lưu nghệ thuật “Chung một dòng sông" đã tái hiện những ký ức hào hùng, bi tráng của mảnh đất thép Quảng Trị với con sông Bến Hải gắn với một giai đoạn lịch sử của đất nước thể hiện khát vọng hòa hợp dân tộc, tình yêu quê hương xứ sở. Chương trình cũng là một bản hòa tấu để ca ngợi tinh thần dân tộc, khát vọng hòa bình và cội nguồn quê hương.
|
Chương trình nghệ thuật “Chung một dòng sông" là một bản hòa tấu ca ngợi tinh thần dân tộc, khát vọng hòa bình và cội nguồn quê hương. |
Chương trình diễn ra ở địa điểm chính tại Hà Nội và một đầu cầu dẫn chuyện ở cầu Hiền Lương, sông Bến Hải, tỉnh Quảng Trị với sự dẫn dắt của nhà thơ, nhà báo Hữu Việt. Chương trình gồm 5 trục nội dung chính: Khát vọng, hạt giống hòa hợp vượt qua chia cắt - Tình yêu quê hương, xứ sở - Chung tay xây dựng, phát triển, giữ gìn đất nước - Cùng chung tiếng Việt yêu thương - Thế hệ mới, cội nguồn xưa.
Với chủ đề hướng tới hòa hợp dân tộc, chương trình gồm các tiết mục nghệ thuật đặc sắc, ca ngợi tình yêu quê hương, tinh thần dân tộc, với sự thể hiện của nhiều thế hệ ca sĩ được yêu mến như NSND Quốc Hưng, nhóm Oplus, các ca sĩ Ánh Tuyết, Quỳnh Anh, Thanh Thanh, Bạch Trà, vũ đoàn HT, rapper Quốc Trung… cùng các nghệ sĩ Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam.
Xen kẽ giữa các tiết mục nghệ thuật là các đoạn phóng sự ngắn về những câu chuyện, những nhân vật chưa bao giờ được kể, như tình yêu của vợ chồng ông Hoàng Nghi, người ở bờ Bắc, người bờ Nam sông Bến Hải thời điểm đất nước bị chia cắt, câu chuyện một gia đình với các anh em trai chiến đấu cho hai bên chiến tuyến, hay tình bạn của hai người lính ở hai phía của chiến trường…
|
Chương trình nghệ thuật “Chung một dòng sông" tái hiện ký ức hào hùng, bi tráng của mảnh đất thép Quảng Trị.
|
Những câu chuyện của những người con ở xa quê hương, những người từng rời bỏ đất nước ra đi và đã quay trở lại hoặc hướng về quê hương với những việc làm khác nhau, như doanh nhân Văn Lê, luật sư Hoàng Duy Hùng… cũng lần đầu được kể.
Chương trình còn kể những câu chuyện về tình yêu bị chia cắt hai miền, câu chuyện về tình đồng bào giữa những người lính ở hai bên bờ chiến tuyến. Cuộc chiến đầy những người lính ở thế đối đầu nhau, một mất một còn, nhưng họ vẫn mang trong lòng một tình yêu với quê hương và cùng có chung một khát vọng hòa bình.
“Chung một dòng sông” không chỉ mang ý nghĩa nước non đã nối liền một dải, cây cầu đã xóa nhòa ranh giới, nối liền hai bờ sông Bến Hải, mà còn mang ý nghĩa nối liền trái tim, tình cảm của những người con đất Việt, dù ở trong hay ngoài nước, bằng cùng một tình yêu quê hương, cùng một tinh thần dân tộc./.
Tin, ảnh: HN