Họp báo giới thiệu Hội thảo "Chiến thắng Ấp Bắc - Tầm vóc, ý nghĩa và bài học lịch sử trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước" - Ảnh: VGP/Nhật Nam
Nhân dịp kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Ấp Bắc (2/1/1963-2/1/2023), Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội thảo khoa học "Chiến thắng Ấp Bắc - Tầm vóc, ý nghĩa và bài học lịch sử trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước".
Theo Đại tá Trần Ngọc Anh, Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn - Tổng cục Chính trị, hội thảo được tổ chức nhằm đánh giá đúng tầm vóc, ý nghĩa, nguyên nhân thắng lợi, đúc rút những bài học kinh nghiệm và bài học lịch sử về sự lãnh đạo, chỉ đạo chiến lược; sự phát triển về nghệ thuật quân sự để vận dụng, phát huy vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.
Đồng thời khẳng định và làm rõ tầm nhìn chiến lược, chủ trương lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt, khả năng chỉ đạo tài tình, linh hoạt, nhạy bén, sáng tạo của Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Cục miền Nam, đặc biệt là quyết định chuyển cuộc đấu tranh của đồng bào miền Nam từ khởi nghĩa từng phần lên chiến tranh cách mạng (1960-1962), tạo cơ sở đánh bại chiến lược "Chiến tranh đặc biệt" của đế quốc Mỹ.
Hội thảo sẽ được tổ chức vào ngày 30/12 tại Hội trường Ấp Bắc - Trung tâm Hội nghị tỉnh Tiền Giang (địa chỉ: Số 6, phố Rạch Gầm, Phường 1, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang).
Đánh giá đúng tầm vóc, ý nghĩa, những bài học lịch sử
Tại cuộc họp báo, Đại tá Nguyễn Văn Sáu - Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, cho biết hội thảo khoa học được tổ chức cấp Bộ Quốc phòng, sẽ tập trung vào 6 nội dung. Một là, tập trung làm rõ bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước; phân tích âm mưu, thủ đoạn của đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai Sài Gòn trong chiến lược "Chiến tranh đặc biệt"; nhất là việc vận dụng những chiến thuật "Trực thăng vận", "Thiết xa vận" mở các cuộc hành quân càn quét nhằm tiêu diệt lực lượng vũ trang giải phóng, hỗ trợ "Chương trình bình định" tại miền Nam Việt Nam.
Hai là, đường lối, chủ trương, sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, sáng tạo của Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Cục miền Nam khi quyết định chuyển cuộc đấu tranh của đồng bào miền Nam từ khởi nghĩa từng phần lên chiến tranh cách mạng (1960-1962). Phân tích, luận giải quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, chuẩn bị, tổ chức lực lượng, xây dựng thế trận chống càn của Ban Quân sự Miền, trực tiếp là Khu ủy Khu 8, Bộ Tư lệnh Quân khu 8 và Tỉnh ủy Mỹ Tho.
Đặc biệt, làm rõ phương châm "Bao vây bức rút, bức hàng", "Đứng lại đánh càn, giải phóng nông thôn" và quyết tâm tiến công tiêu diệt, tiêu hao sinh lực địch, tiến tới đánh bại chiến lược "Chiến tranh đặc biệt" của đế quốc Mỹ của quân và dân Khu 8 khi đó.
Ba là, tái hiện cuộc chiến đấu anh dũng, mưu trí, sáng tạo của quân và dân ta trong Chiến thắng Ấp Bắc; quá trình phát huy phương châm "ba mũi giáp công", tạo sức mạnh tổng hợp; nghệ thuật tổ chức sử dụng lực lượng tác chiến phòng ngự ở địa hình đồng bằng trong điều kiện nhất định; công tác bảo đảm vũ khí, trang bị, hậu cần và sự tham gia phục vụ chiến đấu, phối hợp chiến đấu của quân, dân các địa phương. Bên cạnh đó, cần đánh giá, nhìn nhận những hạn chế, khuyết điểm trong vận dụng phương châm tác chiến, trong tổ chức, chỉ huy chiến đấu của cán bộ lãnh đạo, chỉ huy các cấp.
Bốn là, làm rõ tác động to lớn của Chiến thắng Ấp Bắc đối với phong trào "Thi đua Ấp Bắc, giết giặc lập công" và ảnh hưởng của Chiến thắng đối với sự phát triển thế và lực của cách mạng Việt Nam.
Năm là, khẳng định kết quả công tác xây dựng Đảng bộ, chính quyền; công tác phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm dân sinh; củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh; xây dựng, phát triển văn hóa, bảo đảm an sinh, trật tự của tỉnh Tiền Giang từ sau Chiến thắng Ấp Bắc năm 1963 đến nay. Từ đó, tiếp tục đúc rút kinh nghiệm và xác định những định hướng chiến lược cho tương lai.
Sáu là, đánh giá tầm vóc, ý nghĩa, nguyên nhân thắng lợi và những bài học lịch sử, kinh nghiệm về nghệ thuật chỉ đạo xây dựng, tổ chức chuẩn bị và thực hành tác chiến để vận dụng, phát huy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Đại tá Nguyễn Văn Sáu thông tin thêm, đến nay, Ban Tổ chức đã nhận được tổng số 77 bài, trong đó có 5 bài khung, 72 bài tham luận (trong đó có bài của đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước, thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị; lãnh đạo Tinh ủy, HĐND, UBND, MTTQ Việt Nam tỉnh Tiền Giang; thủ trưởng các quân khu, quân chủng, quân đoàn, binh chủng, bộ tư lệnh, học viện, nhà trường; các đồng chí lãnh đạo của một số tỉnh Đồng Tháp, Long An, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang… các đồng chí nhân chứng lịch sử, các nhà khoa học, các cơ quan chuyên môn trong và ngoài quân đội).
Các tham luận được nghiên cứu công phu, nghiêm túc, đảm bảo chất lượng, bám sát nội dung chủ đề hội thảo. Nhiều bài viết đã cung cấp thêm tư liệu, tài liệu mới; một số bài có cách nhìn nhận mới, phong phú, tin cậy; phương pháp tiếp cận, giải quyết vấn đề khoa học và thuyết phục.
Nhật Nam