|
Lực lượng chức năng kiểm tra xe quá tải |
Trong báo cáo gửi Bộ GTVT về kết quả kiểm soát tải trọng xe trong tháng 7 vừa qua (từ ngày 21/6-20/7), Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, các trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động và cố định, thanh tra các sở GTVT và các cục quản lý đường bộ đã sử dụng cân xách tay kiểm tra gần 16.000 xe. Trong số này có 1.580 xe vi phạm, tước 483 giấy phép lái xe, xử phạt nộp Kho bạc Nhà nước hơn 16 tỷ đồng.
Cũng theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, tình trạng xe tải, xe ben cơi nới kích thước thành thùng chở quá tải có dấu hiệu bùng phát trở lại, nhất là trên các quốc lộ và một số tuyến đường tỉnh, đường đô thị nơi có các mỏ vật liệu xây dựng, các dự án xây dựng, nhà máy xi măng, khu công nghiệp, bến thủy nội địa…
Một số tuyến đường nhức nhối tình trạng xe tải, xe ben cơi nới kích thước thành thùng vượt quá quy định chở hàng hóa có thể kể đến như: Quốc lộ 1 đoạn Hà Nội-Bắc Giang; đường Hồ Chí Minh tại các địa phận huyện Lương Sơn, Yên Thủy, Lạc Sơn (Hòa Bình) và đoạn qua thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ, đê Hữu Hồng, huyện Thường Tín (Hà Nội); khu vực các mỏ thuộc xã Cát Tường, Cát Nhơn, lưu thông trên Quốc lộ 19B địa phận huyện Phù Cát, các tuyến đường nội thị thị xã An Nhơn (Bình Định).
Ngoài ra, nhiều tuyến đường thường xuyên có xe ben chở hàng quá tải lộng hành, điển hình như tuyến đường xã Thanh Tâm, Thanh Nguyên, huyện Thanh Liêm (Hà Nam); Quốc lộ 48E và các tuyến đường xã Nghi Lâm, Nghi Văn (huyện Nghi Lộc, Nghệ An); Quốc lộ 28 và các tuyến đường địa phương thuộc huyện Krông Nô (Đắk Nông) và huyện Lắk (Đắk Lắk); đường Nguyễn Duy Trinh, Đồng Văn Cống (TPHCM)...
Đặc biệt, xe quá tải trọng, quá khổ giới hạn đường bộ, xe chở hàng siêu trường, siêu trọng không có giấy phép lưu hành, chở hàng với kích thước, khối lượng không đúng với nội dung trong giấy phép lưu hành xe hoặc sử dụng giấy phép lưu hành xe giả vẫn ngang nhiên lưu thông trên các tuyến đường.
Trước sự tái diễn của xe quá tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị các địa phương tiếp tục củng cố lực lượng, bố trí kinh phí, duy trì hoạt động của các trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động và sử dụng cân xách tay để thực hiện công tác kiểm soát trọng tải xe ngay từ đầu nguồn hàng.
Các sở GTVT, cục quản lý đường bộ có trách nhiệm chỉ đạo lực lượng thanh tra giao thông, tăng cường kiểm tra tại các cơ sở đầu nguồn hàng như các cảng, nhà máy, xí nghiệp lớn, các mỏ đá, vật liệu xây dựng; tăng cường kiểm tra, xử lý loại xe tải ben cơi nới thành thùng để chở hàng quá tải. Đồng thời tổng hợp các xe vi phạm kích thước thùng hàng vượt quá quy định gửi về Cục Đăng kiểm Việt Nam để xử lý theo quy định.
Tổng cục đề nghị UBND các tỉnh, thành phố có nhiều xe quá tải lưu thông nêu trên chỉ đạo lực lượng chức năng, các ngành, các cấp phối hợp xử lý, không để tái diễn tình trạng xe quá tải.
BT