Tái diễn nạn “cát tặc” tại Quảng Trị 

(TN&MT) - Dù lệnh cấm đã đưa ra từ lâu, thế nhưng tình hình khai thác cát, sỏi trái phép tại tỉnh Quảng Trị vào ban đêm vẫn rất phức tạp. Và mới nhất, dù thấy PV chụp ảnh, ghi hình... nhưng “cát tặc” vẫn không quan tâm, ngang nhiên khai thác như ở chốn không người.

Khai thác cát trái phép ngay cạnh cầu Đông Hà. Ảnh chụp 0h30 sáng 27/8/2019

Khai thác cát trái phép ngay cạnh cầu Đông Hà. Ảnh chụp 0h30 sáng 27/8/2019

Từ đầu năm 2019 đến nay, Báo Tài nguyên & Môi trường đã có nhiều bài viết phản ánh nạn khai thác cát, sỏi trái phép tại Quảng Trị. Đặc biệt là một số “điểm nóng” như khu vực sông Hiếu (thuộc phường Đông Giang, TP. Đông Hà), ngã ba Gia Độ (xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong) và một số điểm trên sông Thạch Hãn.

Đích thân lãnh đạo tỉnh Quảng Trị sau khi nắm bắt tình hình đã nhiều lần đi kiểm tra, thường xuyên chỉ đạo các cơ quan chức năng tuần tra, xử lý, xử phạt. Thế nhưng, “cát tặc” vẫn không tuân thủ pháp luật. Những ngày qua, PV tiếp tục nhận được sự bức xúc của người dân khi các đối tượng khai thác cát, sỏi vẫn lén lút khai thác.

Khoảng 0h30 sáng ngày 27/8, PV đã ngụy trang, đi từ cầu Đông Hà (phường 2, TP. Đông Hà) xuôi về hạ nguồn sông Hiếu. Tuy nhiên, khi đi cách cầu chưa tới 500m, tiếng động cơ khai thác cát “gầm rú” cả một khúc sông, người dân quen gọi nơi này là cảng quân sự Đông Hà.

Sà lan được ngụy trang để “cát tặc” đưa cát vào bờ

Sà lan được ngụy trang để “cát tặc” đưa cát vào bờ

PV nhanh chóng tiếp cận hiện trường. Tại đây, trong không gian tối mịt, có 2 thanh niên cầm “vòi rồng” đưa cát từ dưới thuyền lên. Điều đặc biệt là các đối tượng đã dùng sà lan ngụy trang, một thuyền chở cát nằm phía ngoài, bên cạnh là một xà lan nằm sát bờ. “Vòi rồng” được cắm ở sà lan này và đưa cát từ thuyền bên cạnh vào trong bãi.

Khi thấy bị chụp hình, quay phim... các đối tượng không hề quan tâm mà vẫn tiếp tục hút cát. Sau khi thuyền đưa hết cát lên bờ, các đối tượng nhanh chóng tẩu thoát về phía hạ nguồn sông Hiếu. Trên chiếc sà lan, nhiều thực phẩm còn nóng như cháo, hủ tiếu... đã bị “cát tặc” bỏ lại.

Sau khi di chuyển cách xa khu vực đang khai thác ở trên vài km, PV đã bắt gặp 2 vị cán bộ thuộc Công an kinh tế - Môi trường TP. Đông Hà tại một căn nhà cũ mà theo 2 vị cán bộ này là chỗ nghỉ tạm để tuần tra. Sau khi kể lại việc “cát tặc” đã hút cát ở khu vực cảng Đông Hà cũ, 2 vị cán bộ này cho rằng chuẩn bị đi tuần tra (lúc này là 1h30).

Cát được hút lên ở một bãi tâp kết khu phố Vĩnh Phước. Ảnh chụp 3h sáng 27/8/2019

Cát được hút lên ở một bãi tập kết khu phố Vĩnh Phước. Ảnh chụp 3h sáng 27/8/2019

PV hỏi “Tại sao chúng tôi lại phát hiện thấy các đối tượng khai thác cát như thế mà các anh lại không biết...”. Một cán bộ trả lời rằng “thì bây giờ chúng tôi mới đi kiểm tra đây, nếu phát hiện là lập biên bản liền. Chúng tôi đi nhiều điểm lắm chứ đâu phải một, hai điểm...???”.

Trong không gian yên tĩnh, 3h sáng cùng ngày, PV tiếp tục di chuyển đến một bãi tập kết cát ở khu phố Vĩnh Phước, phường Đông Lương cách TP. Đông Hà chưa đầy 5km và gần cầu Đại Lộc bắc qua sông Thạch Hãn. Dù xung quanh là nhà dân, ánh đèn điện rất nhiều, tiếng chó sủa lớn nhưng hoạt động khai thác cát vẫn diễn ra. Dưới sông, khoảng 3-4 người, có cả phụ nữ soi đèn pin hỗ trợ vận hành tàu. Cát liên tục được hút lên bờ, chất thành đống lớn, nước chảy lênh láng... Cứ thế, hoạt động khai thác cát trái phép tại bãi này đến rạng sáng. PV cũng nhận thấy hai bên bờ sông Thạch Hãn cạnh đó đã xảy ra tình trạng sạt lở nặng... Không chỉ các địa điểm trên, rất nhiều khu vực vắng khác cũng có rất nhiều động cơ khai thác cát “gầm rú” trên sông.

Sạt lở 2 bên bờ sông, nơi “cát tặc” đang hút cát

Sạt lở 2 bên bờ sông, nơi “cát tặc” đang hút cát

Theo người dân địa phương, “cát tặc” hoạt động tầm vào khoảng 22h đêm đến 5-6h sáng hôm sau. Mỗi thuyền chở từ 10-20m3 cát. Qua tìm hiểu, hiện trên các tuyến sông lớn ở tỉnh Quảng Trị như sông Hiếu, sông Thạch Hãn phía hạ nguồn tập trung khoảng 50 bãi tập kết cát sỏi (trong đó chỉ có hơn 10 bãi có giấy phép), khoảng gần 50 phương tiện thủy khai thác cát sỏi. Trên các sông ở tỉnh Quảng Trị cũng chỉ có 3 mỏ khai thác cát. Như vậy, nhiều trường hợp khai thác cát trên các sông đều là trái phép cần được xử lý, nhưng không hiểu lý do gì vẫn không thể xóa vấn nạn này, để tái diễn lặp đi lặp lại nhiều lần khiến nhân dân bức xúc?

Ông Phạm Uy Vũ - Giám đốc đoạn quản lý đường thủy nội địa (Sở GTVT Quảng Trị) cho biết, đơn vị quản lý 27km đường sông đoạn từ hạ lưu cầu Cửa Việt lên gần bến Đuồi, trong đó có khu vực mà PV đã bắt gặp “cát tặc”...

“Trên sông Hiếu hiện không có mỏ khai thác cát nào được cấp phép hết. Đơn vị không thể xử phạt khai thác cát sỏi trái phép vì không có thẩm quyền, chỉ quản lý nhà nước về luồng tuyến và đường thủy nội địa. Thỉnh thoảng đơn vị cũng có tuần tra phối hợp với cảnh sát giao thông nhằm hỗ trợ mà thôi...”- ông Vũ trình bày.

Lãnh đạo tỉnh đã nhiều lần kiểm tra, nhưng tình trạng khai thác cát trái phép tại Quảng Trị vẫn là một vấn nạn chưa có lời giải...

Lãnh đạo tỉnh đã nhiều lần kiểm tra, nhưng tình trạng khai thác cát trái phép tại Quảng Trị vẫn là một vấn nạn chưa có lời giải...

Trả lời PV, ông Nguyễn Đức Chính - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho rằng, rất cảm ơn sự vào cuộc kịp thời cũng như hỗ trợ của báo Báo Tài nguyên & Môi trường cho tỉnh. Thời gian qua tỉnh đã chỉ đạo nhiều đơn vị vào cuộc chống khai thác cát, sỏi trái phép nhưng vẫn còn nhiều lý do chủ quan lẫn khách quan nên còn khó khăn...

“Khi mình đi kiểm tra thì chúng (cát tặc) trốn, khi mình không theo dõi thì chúng lại xuất hiện khai thác. Tôi đang chỉ đạo quyết liệt các anh em, đặc biệt thành lập các tổ trinh sát theo dõi thường xuyên hơn...”- ông Chính nói.

Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường sẽ tiếp tục thông tin.

Văn Dinh

632 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 967
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 967
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87077635