|
Các trang trại nuôi lợn ở khu vực Đông Nam Bộ chú trọng đến bảo đảm an toàn sinh học
để bảo vệ đàn gia súc mặc dù dịch tả lợn châu Phi đã được kiểm soát. (Ảnh: K.V)
|
Một số liệu thống kê gần đây của các địa phương khu vực Đông Nam bộ cho hay, sau dịch bệnh, đàn lợn của tỉnh Bình Dương còn khoảng 740.000 con. Tỉnh Bà Rịa –Vũng Tàu khoảng 360.000 con. Riêng tại “thủ phủ lợn” Đồng Nai có khoảng 2,1 triệu con, tăng từ 500.000 đến 600.000 con so với trước khi dịch bệnh xảy ra… Tại tỉnh Đồng Nai, người chăn nuôi và doanh nghiệp muốn tái đàn phải đăng ký với chính quyền và các ngành chức năng.
Hiện tỉnh Đồng Nai có trên 100 cơ sở chăn nuôi đăng ký tái đàn với khoảng hơn 200 nghìn con. Để hỗ trợ người chăn nuôi, ngành thú y tỉnh Đồng Nai đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền về các biện pháp đảm bảo an toàn sinh học, phòng chống bệnh dịch. Theo ông Nguyễn Trường Giang, Phó Chi cục trưởng, phụ trách Chi cục Chăn nuôi – Thú y tỉnh Đồng Nai, tỉnh đang xây dựng tiếp các cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh ở các trang trại, tạo điều kiện cho người chăn nuôi tái đàn tốt hơn.
Ngành chức năng của Đồng Nai đã hỗ trợ người chăn nuôi xây dựng chuồng trại an toàn dịch bệnh. Triển khai tiêu độc khử trùng, làm sạch mầm bệnh, tiêu độc khử trùng nơi có nguy cơ cao như đường xá, chợ, khu giết mổ, chăn nuôi… Đối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không đảm bảo an toàn, nhất là chăn nuôi trong khu dân cư, ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Nai khuyến khích chuyển đổi sang mô hình sản xuất khác phù hợp hơn. Ông Lê Khắc Sơn, Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai cho biết, từ cuối năm 2019, Xuân Lộc đã khống chế được toàn bộ các ổ dịch tả lợn châu Phi đồng thời công bố hết dịch. Tuy nhiên, địa phương này vẫn tập trung cho công tác phòng, chống dịch, hạn chế thấp nhất rủi ro tái phát dịch bệnh này. Việc tái đàn khôi phục sản xuất được địa phương đặc biệt quan tâm, tuy nhiên chỉ khuyến khích những cơ sở đảm bảo an toàn sinh học.
Ông Kiều Minh Lực, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần chăn nuôi C.P. Việt Nam phân tích, doanh nghiệp cần cả năm để khôi phục lại đàn nái. Khi đó, tổng đàn mới tăng được nguồn con giống cung cấp ra thị trường. Tuy nhiên, rủi ro dịch bệnh vẫn rất lớn, doanh nghiệp rất thận trọng trong việc tổ chức tái đàn chăn nuôi. Tại các trang trại đang hoạt động, công tác an toàn sinh học luôn được thực hiện rất chặt chẽ để bảo vệ đàn chăn nuôi trước dịch bệnh.
Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Bình Dương cho hay, từ khi tình hình dịch bệnh trong tỉnh được khống chế, nhiều địa phương không còn tái phát sinh ổ dịch sau nhiều ngày, tạo điều kiện thuận lợi cho người chăn nuôi tái đàn. Huyện Phú Giáo là địa phương có đàn lợn chiếm tỷ lệ cao của tỉnh Bình Dương, để kiểm soát tình hình chăn nuôi và tái phát dịch, giảm thiểu tối đa thiệt hại, ngành chức năng của địa phương này đã phối hợp hướng dẫn người chăn nuôi trong việc tái đàn. Tuy nhiên, huyện chỉ khuyến khích tái đàn ở những cơ sở, trang trại chăn nuôi thực hiện tốt chăn nuôi an toàn sinh học, tránh tái đàn ồ ạt.
Ông Nguyễn Văn Trinh, chủ trang trại lợn tại xã An Linh, huyện Phú Giáo cho biết, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi, trang trại đã chủ động áp dụng các biện pháp an toàn sinh học hàng ngày như vệ sinh chuồng trại; vệ sinh, tiêu độc khử trùng người, phương tiện ra vào khu vực chăn nuôi. Trang trại hạn chế tối đa việc ra vào thăm cơ sở chăn nuôi; thực hiện biện pháp tiêu độc khử trùng từ xa trên lối ra vào bằng vôi bột… Hiện trang trại có trên 2.000 con lợn, trong thời gian tới sẽ tăng đàn nhằm ổn định chăn nuôi, bảo đảm nguồn cung cho thị trường.
Để an toàn sau khi tái đàn, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Bình Dương cũng đã đề nghị chính quyền các địa phương và cơ quan thú y ở cơ sở tổ chức kiểm tra, xác nhận điều kiện nuôi tái đàn; tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, giám sát tình hình chăn nuôi và công tác phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời tiếp tục tuyên truyền các biện pháp chăn nuôi an toàn và vận động người chăn nuôi cần chủ động phối hợp với cơ quan chuyên môn nếu muốn tái đàn nhằm bảo đảm hiệu quả trong chăn nuôi.
Tại tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, theo ông Nguyễn Xuân Trung, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, mặc dù dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh này đã được kiểm soát. Tuy nhiên, các trang trại, hộ chăn nuôi khi tái đàn cần phải đặc biệt coi trọng an toàn vệ sinh chuồng trại và con giống. Hiện người chăn nuôi ở Bà Rịa- Vũng Tàu đã được các ngành chức năng ở đây khuyến cáo và hướng dẫn về việc tái đàn, tăng đàn. Theo đó, người chăn nuôi cần đáp ứng được các yêu cầu sau: Trước hết, các trang trại muốn tái đàn, tăng đàn đều phải được công nhận an toàn dịch bệnh.
Đối với các trại nuôi chưa từng có lợn nhiễm bệnh thì được phép tái đàn 100% quy mô. Đối với các trại đã từng có lợn nhiễm bệnh được phép tái đàn lần đầu 10% quy mô, sau 30 ngày, lấy mẫu xét nghiệm, nếu tất cả đều âm tính mới được phép tái đàn thêm. Ông Nguyễn Xuân Trung, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho rằng, người chăn nuôi muốn tái đàn cũng cần phải chú ý, bảo đảm các yêu cầu như lợn đưa về nuôi phải có nguồn gốc từ cơ sở không nhiễm bệnh và được lấy mẫu xét nghiệm âm tính với bệnh tả lợn châu Phi.
Trước khi tiếp nhận lợn nuôi, chủ trang trại cần báo cáo với chính quyền địa phương và cơ quan thú y để theo dõi, quản lý; đồng thời, thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng dịch theo quy định và tiêm phòng cho đàn lợn.
Có thể nói, với giá thịt lợn vẫn đang ở mức cao, trong khi dịch bệnh đã được kiểm soát, đã thúc đẩy người chăn nuôi ở Đông Nam Bộ tái đàn. Tuy nhiên, để tái đàn hiệu quả ngoài giải pháp bảo đảm an toàn sinh học thì các cơ quan chức năng cần có chính sách phát triển đàn lợn giống chất lượng, vì đây cũng là yếu tố quyết định sự phát triển chăn nuôi bền vững. Chính vì vậy, Hiệp hội chăn nuôi tỉnh Đồng Nai đã kiến nghị cơ quan chức năng của Trung ương và địa phương cần hỗ trợ cung cấp con giống tốt để đàn lợn nái năng suất cao, phát triển chăn nuôi bền vững hơn, tránh tình trạng đàn lợn nái nhiều nhưng năng suất không cao như trước đây./..