|
Ảnh minh họa. (Ảnh: AT) |
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), hiện nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã có chiều hướng giảm mạnh. Đến hết ngày 18/12/2019 có 6.020 xã (chiếm 71% tổng số xã có dịch) thuộc 412 huyện của 56 tỉnh, thành phố đã qua 30 ngày. Tỉnh Hưng Yên và Hải Dương đã hết dịch.
Dự báo hết tháng 12/2019, số lợn buộc phải tiêu hủy khoảng 50 nghìn con, giảm 67% so với tháng 11/2019 với 152 nghìn con lợn buộc tiêu hủy, giảm 96% so với tháng 5/2019 (tháng cao điểm). Cả nước đã có 860 vùng, cơ sở chăn nuôi lợn an toàn dịch bệnh và hàng chục doanh nghiệp chăn nuôi lớn bảo đảm an toàn sinh học nên lợn không mắc bệnh DTLCP. Tuy nhiên, bệnh DTLCP là bệnh rất nguy hiểm đối với lợn, vi rút DTLCP có khả năng tồn tại rất lâu trong môi trường và trong các sản phẩm của lợn, hiện chưa có vắc xin, chưa có thuốc điều trị. Vì vậy, giải pháp quan trọng nhất hiện nay là áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi lợn.
Để bảo đảm việc nuôi tái đàn lợn hiệu quả, kiểm soát được nguồn cung và giữ ổn định thị trường mặt hàng thịt lợn, Bộ NN&PTNT đề nghị các doanh nghiệp chăn nuôi tổ chức việc nuôi tái đàn lợn thận trọng và giảm thiểu nguy cơ tái phát dịch bệnh theo quy định hiện hành và hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống bệnh DTLCP tại công văn số 13/BCĐDTLCP ngày 19/12/2019 về việc tái đàn trong chăn nuôi lợn.
Áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, kết hợp sử dụng các chế phẩm nâng cao sức đề kháng cho đàn lợn. Tổ chức chăn nuôi, sản xuất bảo đảm bình ổn giá, cung cấp thông tin đầy đủ kịp thời về nguồn cung và giá mặt hàng thịt lợn để người sản xuất và tiêu dùng biết, tránh hiện tượng găm hàng, thổi giá lên cao bất thường.
Đặc biệt, tuyệt đối không tham gia, tiếp tay cho các hoạt động vận chuyển, giết mổ lợn, buôn bán trái phép lợn, các sản phẩm lợn qua biên giới giữa Việt Nam và các nước.
Bên cạnh đó, để bảo đảm tái đàn lợn và phát triển chăn nuôi gia súc khác để phục vụ tăng trưởng chung của ngành cũng như bù đắp lượng thịt lợn bị thiếu do bệnh DTLCP, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán Canh Tý và đầu năm 2020, Bộ NN&PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các Sở, ngành và chính quyền các cấp triển khai nuôi tái đàn lợn theo quy định hiện hành và hướng dẫn của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống bệnh DTLCP nhằm góp phần bình ổn giá thịt lợn.
Chỉ đạo, hướng dẫn việc áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp cách ly, vệ sinh, sát trùng bằng hóa chất, bằng vôi; nâng cấp cơ sở vật chất, dụng cụ chăn nuôi bảo đảm để áp dụng có hiệu quả các biện pháp an toàn sinh học. Chính quyền cơ sở và các cơ quan thú y địa phương tổ chức kiểm tra, hướng dẫn, xác nhận điều kiện nuôi tái đàn, tăng cường việc hướng dẫn, kiểm tra, giám sát tình hình chăn nuôi và công tác phòng, chống dịch bệnh. Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp chăn nuôi lớn, các trang trại, gia trại có điều kiện đảm bảo chăn nuôi an toàn sinh học được tái đàn và phát triển đàn lợn của địa phương.
Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan truyền thông, thông tin đầy đủ, chính xác và kịp thời nguồn cung, giá thực phẩm trên địa bàn, nhất là mặt hàng thịt lợn, tránh cho người dân hiểu không đầy đủ, những người sản xuất, kinh doanh thiếu trách nhiệm có thể lợi dụng trục lợi đầu cơ tăng giá.
Chỉ đạo Ban Chỉ đạo 389 của địa phương, chính quyền các cấp và các cơ quan chuyên môn tập trung tổ chức ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp nhập lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt là lợn, sản phẩm lợn ra, vào Việt Nam./.