Tài chính vi mô đẩy lùi tín dụng đen 

(Chinhphu.vn) - Hoạt động tài chính vi mô được triển khai ở đâu thì ở đó, hình thức cho vay nặng lãi, tín dụng đen giảm hẳn. Tuy nhiên, khi triển khai lĩnh vực này vẫn còn nhiều nút thắt như, nguồn vốn cho vay vẫn còn hạn chế, khung pháp lý còn chưa sát với thực tiễn, cần tiếp tục hoàn thiện.

 

Ảnh: VGP/Huy Thắng

Đây là những nội dung được trao đổi Hội thảo khoa học quốc gia: "Tài chính vi mô hỗ trợ phụ nữ giảm nghèo tại Việt Nam” do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp tổ chức ngày 25/9.

Đòn bẩy hữu hiệu cho người nghèo

Theo số liệu thống kê, trong những năm gần đây, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo mới giảm từ mức 9,88% năm 2015 xuống còn 6,7% vào năm 2017 đi cùng với sự gia tăng thu nhập mạnh mẽ đối với các hộ gia đình ở mọi mức thu nhập.

Bà Nguyễn Thị Tuyết, Phó Chủ tịch Hội LHPN nữ Việt Nam đánh giá: Ngành ngân hàng có vai trò quan trọng hỗ trợ xoá đói giảm nghèo, trong đó có hoạt động tài chính vi mô (TCVM).

Hoạt động TCVM tại Việt Nam từ lâu đã được biết đến là một bộ phận cấu thành quan trọng của hệ thống tài chính và là một trong những công cụ xóa đói giảm nghèo hữu hiệu. Khách hàng chủ yếu của TCVM là nhóm dân số có thu nhập thấp, nhóm người yếu thế, dễ bị tổn thương trong xã hội, đặc biệt là phụ nữ.

Thực tiễn cho thấy, với điều kiện vay vốn đơn giản, không cần tài sản thế chấp, cấp và nhận vốn ngay tại nơi người dân sinh sống, TCVM được xem như một công cụ “đòn bẩy” hữu hiệu nhằm tăng cường sự tự tin của phụ nữ, thúc đẩy họ tham gia vào các hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập và thoát nghèo, từ đó khẳng định vai trò và vị thế của họ trong gia đình và xã hội.

Tuy nhiên, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cũng chỉ ra lĩnh vực này vẫn còn hoạt động khá manh mún, sản phẩm, dịch vụ chưa đa dạng, các chỉ số bền vững hoạt động và tài chính của các tổ chức TCVM chưa cao, đặc biệt khuôn khổ pháp lý vẫn còn chưa toàn diện, thống nhất... Hơn nữa, công tác tư vấn, hỗ trợ, giáo dục về quản lý tài chính cho khách hàng TCVM nói chung và cho phụ nữ trong hộ gia đình nói riêng vẫn còn khiêm tốn. Những hạn chế này sẽ tác động không tốt tới cơ hội phát triển kinh tế lâu dài của hộ gia đình, trong đó có những người phụ nữ.

“Cần tăng cường trao đổi kiến thức, kinh nghiệm giữa các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học và người làm thực tế trong lĩnh vực TCVM. Từ đó, các khuyến nghị thiết thực sẽ giúp phụ nữ phát triển kinh tế và nâng cao vai trò, vị thế xã hội của phụ nữ trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước”, Phó Thống đốc đề nghị.

Còn nhiều khoảng trống cần khắc phục

Về hoạt động TCVM trong thực tiễn Việt Nam, hội thảo đã lắng nghe các tham luận của các diễn giả từ các tổ chức cung ứng dịch vụ TCVM tại Việt Nam.

Theo các chuyên gia, hoạt động TCVM được triển khai ở đâu thì ở đó, hình thức cho vay nặng lãi, tín dụng đen giảm hẳn.  Còn ngược lại, khi các tổ chức TCVM kém phát triển, thì các hình thức cho vay tài chính khác lại phát triển. Ông Nguyễn Hải Đường, Tổng Giám đốc Tổ chức TCVM TNHH Thanh Hoá dẫn chứng, hiện ở Thanh Hoá ước tính hiện có tới 3.000 công ty cầm đồ, thu hồi nợ “không chính thống”, đôi khi gây nguy hiểm người dân.

Các chuyên gia về TCVM cho rằng, khi triển khai  hoạt động lĩnh vực này vẫn còn nhiều nút thắt, trong đó nguồn vốn cho vay vẫn còn hạn chế, khung pháp lý cho hoạt động TCVM vẫn chưa thực sự toàn diện…

Bà Lê Thị Lân, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển nguồn lực tài chính cộng đồng (CFRC) cho rằng, việc triển khai TCVM ở Việt Nam vẫn còn khó khăn về cơ chế chính sách, khung pháp lý chưa phù hợp với tổ chức TCVM.

“Cần có chính sách tạo nguồn vốn, nâng cao năng lực tài chính cho các tổ chức TCVM như tiếp cận nguồn vốn nước ngoài, vay vốn từ các DN trong nước…cũng như các chính sách về tiếp cận đất đai, hỗ trợ kỹ thuật… để các tổ chức này phát triển thuận lợi hơn. Việc quy định việc khá cứng về huy động vốn từ các tổ chức, hay yêu cầu phải giao dịch tại phòng giao dịch mà không được triển khai tại các điểm giao dịch, là không hợp lý, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa”, bà Lê Thị Lân kiến nghị.

Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh lưu ý, các tổ chức TCVM cần giảm chi phí hoạt động thông qua áp dụng hệ thống quản lý vận hành tốt, sử dụng công nghệ để giảm chi phí, giảm các chi phí hoạt động không cần thiết ở mức tối đa, tiết kiệm chi phí hoạt động, mở rộng hoạt động theo chiều rộng và chiều sâu để giảm chi phí trên 1 đồng vốn cho vay, đa dạng hóa loại hình khách hang, giảm chi phí huy động vốn của tổ chức TCVM thông qua thu hút các nhà đầu tư trong nước và quốc tế trên thị trường…

Bên cạnh đó, việc tăng nguồn thu cũng cần được song song tiến hành thông qua việc đa dạng hóa nguồn thu, tăng cường bán chéo sản phẩm để khuyến khích khách hàng hiện tại sử dụng nhiều dịch vụ hơn, phát triển đa dạng hơn các loại sản phẩm TCVM, như các dịch vụ đại lý (chuyển tiền qua điện thoại, bảo hiểm, thu hộ)… Ngoài ra, các tổ chức TCVM cũng cần tăng cường minh bạch hóa thông tin để tăng uy tín và bảo vệ quyền lợi khách hàng.

Huy Thắng

708 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1295
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1295
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87168820