Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa trình bày Tờ trình về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần để triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành

Tờ trình về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần để triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành do Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa trình bày, ngày 25 tháng 6 năm 2015, Quốc hội khóa XIII tại Kỳ họp thứ 9 đã có Nghị quyết số 94/2015/QH13 thông qua chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, tỉnh Đồng Nai.

Tại Nghị quyết, Quốc hội đã giao Chính phủ xây dựng phương án cụ thể và chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác thu hồi đất một lần cho toàn bộ dự án, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải quyết việc làm cho người có đất thu hồi; xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội; tổ chức phát triển sản xuất, đảm bảo ổn định đời sống nhân dân vùng chịu ảnh hưởng của Dự án.

Đến nay, căn cứ vào các quy định của pháp luật và tình hình triển khai thực hiện Dự án cho thấy cần thiết phải tách nội dung thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của Dự án thành dự án thành phần để thực hiện trước khi Quốc hội thông qua Báo cáo nghiên cứu khả thi nhằm sớm triển khai Dự án. Bởi theo Báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai, tỉnh cần ít nhất 3 năm để hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng giai đoạn 1 của Dự án. Nếu không tách nội dung thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần trước khi Quốc hội thông qua Báo cáo nghiên cứu khả thi của Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành (dự kiến năm 2019) thì có thể phải kéo dài thời gian thực hiện Dự án thêm 2 – 3 năm. Khi đó, kinh phí giải phóng mặt bằng sẽ tăng thêm do giá thị trường xung quanh khu vực dự án liên tục tăng. Hơn nữa, Dự án có quy mô thu hồi đất lớn, đã có quy hoạch từ năm 2005, người dân sống trong vùng Dự án không thể đầu tư sản xuất, kinh doanh lâu dài, không được xây dựng nhà ở kiên cố, tách hộ; cơ sở hạ tầng không được đầu tư.

Báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày cho biết, đa số ý kiến Ủy ban Kinh tế tán thành với việc tách nội dung thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần để thực hiện trước đảm bảo tiến độ của Dự án theo Nghị quyết 94 của Quốc hội, tiết kiệm chi phí và đáp ứng nguyện vọng của nhân dân.

Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị Chính phủ cần quan tâm bảo đảm công tác tái định cư, ổn định đời sống, sản xuất của nhân dân vùng chịu ảnh hưởng; bảo đảm người dân có nơi ở mới tốt hơn; có chính sách, giải pháp chuyển đổi việc làm, đào tạo nghề cho người dân trong vùng thu hồi đất để có thể tham gia vào việc phục vụ trong quá trình khai thác Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Về hình thức quyết định của Quốc hội, Ủy ban Kinh tế cho rằng, mặc dù là dự án thành phần, tuy nhiên, đây là nội dung rất quan trọng, liên quan đến công tác an sinh xã hội, bảo đảm ổn định đời sống, sản xuất của nhân dân, tổng mức đầu tư lớn nên cần thiết phải có các quy định cụ thể về cơ chế, chính sách để thực hiện đồng bộ, thuận lợi hơn trong quá trình thực hiện cũng như theo dõi, giám sát. Do đó, đa số ý kiến Ủy ban Kinh tế đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết riêng và tiếp tục giao Chính phủ lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thành phần trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 4.

Về kinh phí thực hiện công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; Ủy ban Kinh tế nhận thấy, việc thu hồi đất một lần cho toàn bộ Dự án nhằm thực hiện đồng bộ, hạn chế việc tăng chi phí thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho những lần thu hồi sau, tránh tình trạng lấn chiếm đất Dự án, khiếu kiện liên quan đền bù đất đai... Qua khảo sát trực tiếp với người dân vùng Dự án của Ủy ban Kinh tế Quốc hội khóa XIII cho thấy, người dân cũng mong muốn thu hồi một lần để yên tâm đầu tư sản xuất, ổn định cuộc sống tại nơi ở mới.

Tuy nhiên, trong bối cảnh ngân sách còn rất khó khăn, công tác giải phóng mặt bằng rất quan trọng, phải thực hiện trước và cần nguồn kinh phí rất lớn, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ cần tiếp tục làm rõ hơn các phương án huy động nguồn lực để thực hiện, trong đó, lưu ý tính khả thi của các nguồn thu từ việc đấu giá quyền sử dụng đất khi giao đất tái định cư, phương án khai thác, tạo nguồn thu từ quỹ đất chưa sử dụng của Dự án; rà soát các nguồn lực cho đầu tư công, kể cả từ nguồn dự phòng đầu tư trung hạn 2016 – 2020.

Bên cạnh đó, Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị Chính phủ rà soát, đảm bảo tính chính xác, đầy đủ của số liệu như diện tích thu hồi đất để xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, diện tích xây dựng các khu tái định cư, dự toán chi phí cho công tác giải phóng mặt bằng đưa vào Nghị quyết của Quốc hội, hạn chế việc phát sinh chi phí trong quá trình thực hiện; đồng thời cần báo cáo rõ hơn về sự đồng thuận của người dân trong việc thu hồi đất.

Đồng tình với việc tách nội dung thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư của Dự án thành dự án thành phần để thực hiện trước khi Quốc hội thông qua Báo cáo nghiên cứu khả thi nhằm sớm triển khai Dự án, nhiều đại biểu cho rằng đây là dự án quan trọng quốc gia, có quy mô thu hồi đất lớn, đã có quy hoạch từ năm 2005, ảnh hưởng đến đời sống và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của cộng đồng dân cư địa phương. Người dân sống trong vùng dự án không thể đầu tư sản xuất, kinh doanh lâu dài, không được xây dựng nhà ở kiên cố, tách hộ… do quyền sử dụng đất bị hạn chế bởi quy hoạch; cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội không được đầu tư, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Việc sớm thực hiện hạng mục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của Dự án, không những sớm ổn định cuộc sống của người dân, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân có đất bị thu hồi, mà còn đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, bảo đảm tiến độ thực hiện dự án, đồng thời tiết kiệm được kinh phí. 

Qua thảo luận, đa số đại biểu tán thành việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ tái định cư thành dự án thành phần để triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành với lý do như Ủy ban Kinh tế đã thẩm định. Đại biểu Lê Hồng Tịnh (đoàn Đồng Nai) cho rằng, việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ tái định cư sẽ đảm bảo thực hiện nhanh việc đền bù, hỗ trợ tái định cư, tránh việc đội chi phí đền bù giải tỏa như trong tờ trình Chính phủ cũng như thẩm định Ủy ban kinh tế. Theo đại biểu Lê Hồng Tịnh, việc tách ra như vậy là nên và sớm đẩy nhanh vì dự án 10 năm rồi, dân mong muốn “an cư lạc nghiệp”, đời sống khó khăn, vướng quy hoạch muốn triển khai gì không làm được. Hiện nay dân rất ủng hộ. Còn việc đồng thuận và quá trình làm. Việc giải phóng mặt bằng một lần, không sao, nếu người được lấy trước, người lấy sau là một vấn đề. Đại biểu Lê Hồng Tịnh cho rằng, đầu tư trung hạn bố trí 5.000 tỷ, thì vấn đề lo nhất là vấn đề này. Nếu Quốc hội thông qua thì tôi cho rằng chính phủ phải trình và lấy từ các nguồn dự phòng, bằng các nguồn khác như tái định cư, xã hội hóa bến bãi…nếu quyết tâm là được.

Một số đại biểu cũng đề nghị, Chính phủ phải tính toán hết các nguồn, không để đến lúc đặt Quốc hội vào sự đã rồi vì thiếu vốn. Đồng thời cho rằng, chủ trương xây dựng sân bay Long Thành Quốc hội đã thông qua, Chính phủ phải có trách nhiệm làm báo cáo khả thi hết sức kỹ lưỡng, không thể đặt Quốc hội vào tình cảnh phải bấm nút thông qua cho kịp tiến độ. Đại biểu Trần Anh Tuấn (đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) đề nghị, cần làm rõ cơ cấu vốn từng phần để huy động được nguồn lực thực hiện:

Đại biểu Trần Anh Tuấn cho rằng, theo hình thức này đặt ra là phải có những việc kinh doanh trong đó, có thành phần kinh doanh sinh lời, cần phải làm rõ. Khi chúng ta huy động nguồn lực này chúng ta phải chỉ được nhà đầu tư tư nhân khu nào được kinh doanh để họ tham gia cấu thành vốn và góp vốn cùng vốn màu của ngân sách. Hiện nay, Ngân sách chỉ có 5.000 tỷ trong đó tổng là 23.000 tỷ. Cái thứ hai là làm rõ tính khả thi thông qua các tiêu chí về kinh tế tài chính, xã hội. Phải bảo đảm về việc làm, nghề, chỗ ở, phù hợp điều kiện mới khi mà chúng ta làm dự án đền bù giải tỏa. Bên cạnh đó, làm rõ tính khả thi tài chính, kinh tế, thì mới huy động nguồn lực bên ngoài.

Về lâu dài, nhiều đại biểu cũng đề nghị có một kế hoạch cụ thể, lộ trình thực hiện dự án để thống nhất thực hiện theo đúng chỉ tiêu Quốc hội đến 2025 phải đưa vào hoạt động giai đoạn 1. Đại biểu Nguyễn Văn Thể (đoàn Sóc Trăng) đề nghị Bộ Giao thông và các Bộ ngành có liên quan nên có tham mưu cụ thể làm gì, thời gian bao lâu, từ ngày này đến khởi công. Nếu bày ra hạng mục lúc đó có theo kế hoạch làm. Đại biểu Nguyễn Văn Thể  cho rằng, cảm giác thời gian qua chúng ta chưa có kế hoạch. Về yêu cầu khi bàn hành Nghị quyết 94, đúng theo Luật đầu tư công, có thể 2017 – 2018 phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi. Đúng theo Luật đầu tư công thì lúc đó mới tiến hành giải phóng mặt bằng. Nhưng mà đến giờ quá chậm trễ 2019 – 2020 mới phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi như thế là quá chậm. Đại biểu Nguyễn Văn Thể cho rằng, việc trình của Chính phủ hiện nay, tách hạng mục giải phóng mặt bằng hỗ trợ tái định cư thành một dự án thành phần là hết sức cần thiết.

Mạnh Hùng