Tác phẩm “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh và bài học đối với công tác dân vận hiện nay 

Ngày 15/10/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm “Dân vận” đăng trên Báo Sự thật, số 120, với bút danh X.Y.Z. Tuy 72 năm trôi qua nhưng tác phẩm “Dân vận” của Người vẫn còn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc; có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong công tác dân vận của Đảng hiện nay, nhất là khi chúng ta đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ nghị quyết đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra. Bài báo được thể hiện một cách toàn diện, hoàn chỉnh, cô đọng, khúc chiết, dễ hiểu, dễ nhớ tư tưởng Hồ Chí Minh về những vấn đề căn cốt nhất trong công tác dân vận của Đảng, như mối quan hệ giữa dân chủ và dân vận; quan điểm, nguyên tắc tiến hành công tác dân vận; trách nhiệm vận động quần chúng của cả hệ thống chính trị; phương pháp vận động quần chúng và những phẩm chất cần có đối với cán bộ dân vận.

Ngay phần mở đầu, Bác viết: “Vấn đề Dân vận nói đã nhiều, bàn đã kỹ nhưng vì nhiều địa phương, nhiều cán bộ chưa hiểu thấu, làm chưa đúng, cho nên cần phải nhắc lại”. Trên cơ sở đó, Bác đã xác định 3 vấn đề quan trọng kế tiếp là: Dân vận là gì? Ai phụ trách dân vận? Dân vận phải thế nào? Với cách đặt câu hỏi và trả lời ngắn gọn, nhưng Người đã đề cập một cách toàn diện những nguyên lý cơ bản nhất trong công tác dân vận của Đảng.

Trong mục I của tác phẩm, Bác khẳng định: “NƯỚC TA LÀ NƯỚC DÂN CHỦ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”. Chữ “dân” được Người nhắc đến nhiều lần trong từng câu, đó là nguyên lý cơ bản để xây dựng những nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng ta đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam.

Trong mục II của tác phẩm “Dân vận là gì?”, Bác lưu ý, “không thể chỉ dùng báo chương, sách vở, mít tinh, khẩu hiệu, truyền đơn, chỉ thị mà đủ. Trước nhất là phải tìm mọi cách giải thích cho mỗi một người dân hiểu rõ ràng: Việc đó là lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được”.

Trong mục III của tác phẩm “Ai phụ trách dân vận?”, Người nhắc việc “cùng nhau đi giải thích cho dân hiểu”. Giải thích, đó là cách tốt nhất để dân hiểu đúng, làm đúng, ủng hộ cách mạng, ủng hộ đường lối kháng chiến. Và khi dân đã thông rồi thì phải “đi sát với dân, thiết thực bày vẽ cho dân cách trồng trọt, chăn nuôi, cách chọn giống, ủ phân, làm cỏ, v.v..”. Đặc biệt, yêu cầu của Người đối với cán bộ làm công tác dân vận là “cần phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”, “phải thật thà nhúng tay vào việc” trở thành những phẩm chất, tác phong không thể thiếu đối với mỗi cán bộ dân vận. Trong thư gửi đồng bào cả nước đăng trên Báo Cứu quốc ngày 28-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Lúc chúng ta nâng bát cơm mà ăn, nghĩ đến kẻ đói khổ, chúng ta không khỏi động lòng. Vậy tôi xin đề nghị với đồng bào cả nước, và tôi xin thực hành trước: Cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn 3 bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo”.

Nhận thức sâu sắc về giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về công tác dân vận, những năm qua Đảng ta luôn quan tâm, ra nhiều nghị quyết cụ thể hóa đường lối, chủ trương đối với công tác dân vận, thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức tiến hành, từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận. Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 03/6/2013, của Hội nghị Trung ương 7 khóa XI, về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”, đã nêu rõ, tăng cường lãnh đạo công tác thông tin, tuyên truyền, phát huy sức mạnh tổng hợp của các cơ quan thông tin đại chúng; mở rộng các kênh thông tin truyền thông, đối thoại trực tiếp với Nhân dân, góp phần giải tỏa bức xúc, hoài nghi trong xã hội; người làm công tác dân vận phải có phong cách trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với Nhân dân. Đặc biệt, Văn kiện đại hội lần thứ XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Công tác dân vận được chú trọng và tiếp tục đổi mới; quan điểm "dân là gốc", là chủ thể của công cuộc đổi mới được nhận thức và thực hiện ngày càng sâu sắc, đầy đủ hơn; mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân được củng cố, tăng cường”. Những kết quả đạt được trong công tác dân vận đã góp phần quan trọng vào những thành tựu của 35 năm đổi mới đất nước.

Hiện nay, trước yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, đòi hỏi cần phải tiếp tục nghiên cứu, vận dụng một cách hiệu quả những bài học mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu trong tác phẩm “Dân vận” nhằm góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và Nghị quyết XIII của Đảng. Chính vì vậy, xuất phát từ những yêu cầu nhiệm vụ đó, trong thời gian tới công tác dân vận cần thực hiện tốt các giải pháp như sau:

Một là, tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động về công tác dân vận của các cấp ủy đảng, hệ thống chính trị. Văn kiện Đại hội XIII chỉ rõ: “Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động, của các cấp uỷ đảng, hệ thống chính trị về công tác dân vận. Tăng cường đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận của các cơ quan đảng, nhà nước và cả hệ thống chính trị; phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh trong tình hình mới”. Theo đó, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng theo hướng nâng cao năng lực dự báo, tầm nhìn chiến lược trong hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng liên quan đến công tác tuyên truyền, vận động nhân dân phù hợp với tình hình mới; bảo đảm các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước liên quan đến cuộc sống người dân phải sát thực tiễn, khả thi và bố trí đủ nguồn lực để thực hiện hiệu quả.

Hai là, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, vận động nhân dân sát với thực tiễn, có tính thuyết phục cao, tạo sự đồng thuận trong nhân dân để thực hiện có hiệu quả, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, vận động tương tác với người dân; ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với điều kiện phát triển, trình độ dân trí và môi trường sống của các tầng lớp nhân dân một cách phù hợp. Thường xuyên sâu sát, gần gũi nắm bắt tình hình, những vấn đề bức xúc trong nhân dân để có nội dung, hình thức tuyên truyền phù hợp, kịp thời, nhất là những vấn đề nhạy cảm, phức tạp. Qua đó, chủ động dự báo, đánh giá xu hướng của dư luận xã hội; vận động nhân dân nhận thức đúng, phối hợp để phản bác các thông tin không đúng, luận điệu xuyên tạc, chia rẽ, gây mất đoàn kết, ảnh hưởng đến quan hệ giữa Đảng với nhân dân.

Ba là, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức công tác dân vận theo hướng thiết thực, lấy cuộc sống và quyền lợi hợp pháp, chính đáng của Nhân dân làm trọng tâm của công tác dân vận. Theo đó cần tiếp tục “cụ thể hoá phương châm: Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, cho phù hợp với điều kiện thực tiễn ở Việt Nam hiện nay. Coi trọng công tác dân vận của cơ quan nhà nước, nhất là công tác dân vận chính quyền, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đạo đức công vụ, cải cách hành chính; lấy sự hài lòng của Nhân dân là mục tiêu hoạt động.

Bốn là, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và hội quần chúng theo hướng sát cơ sở, thực chất, hiệu quả hơn. Nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, phối hợp với chính quyền các cấp và các cơ quan quản lý nhà nước ngày càng thực hiện tốt hơn tính minh bạch và thông tin cho nhân dân và xã hội các vấn đề nguồn lực, sử dụng nguồn lực và kiểm soát tính hiệu quả của sử dụng các nguồn lực xã hội. Tăng cường công tác phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội với các cơ quan nhà nước trong lắng nghe, tiếp thu, giải trình ý kiến của nhân dân; kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết các chủ trương, đường lối của Đảng liên quan đến đời sống Nhân dân, giải quyết kịp thời, hiệu quả những điểm nóng, phức tạp trong cộng đồng dân cư.

Năm là, không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ làm công tác dân vận. Mỗi cán bộ, đảng viên phải thực sự gương mẫu trong cuộc sống, theo đó cần “Tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ thật sự" gần dân, tin dân, trọng dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân và có trách nhiệm với dân” luôn đặt lợi ích tập thể lên trên hết, kiên quyết phòng, chống chủ nghĩa cá nhân. Đặc biệt, cần quan tâm lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng và có cơ chế, chính sách chăm lo, động viên đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận, Mặt trận và các tổ chức thành viên; kiên quyết không bố trí cán bộ vi phạm kỷ luật, thiếu gương mẫu, đạo đức kém làm công tác dân vận.

Sáu là, đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo”, tăng cường phối hợp, thực hiện quy chế công tác dân vận trong toàn hệ thống chính trị. Các cấp, các ngành cần động viên các tầng lớp nhân dân tham gia tích cực các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động cách mạng; phát huy mọi tiềm năng, trí tuệ trong Nhân dân đóng góp cho xã hội, cho đất nước; biểu dương, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước.

72 năm đã trôi qua, song những điều Người tâm huyết, những chỉ dẫn kịp thời của Người trong tác phẩm “Dân vận” vẫn còn nguyên giá trị cả về lý luận và thực tiễn, tiếp tục soi sáng công tác dân vận của Đảng ta hiện nay, nhất là trong lúc toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang ra sức phấn đấu, quyết tâm đầy lùi dịch bệnh Covid – 19, sớm đưa cuộc sống trở lại cuốc sống bình thường mới. Tân Linh

2824 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1089
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1089
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76434655