|
Khi được thải bỏ không đúng cách, tàn thuốc là một dạng ô nhiễm nhựa có thể gây hại cho sinh vật biển và làm nhiễm độc nước. (Ảnh: UN) |
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chịu trách nhiệm gây ra hơn 8 triệu ca tử vong hàng năm, ngành công nghiệp thuốc lá còn là nguyên nhân khiến 600 triệu cây xanh bị biến mất. Việc trồng thuốc lá cũng sử dụng 200.000 ha đất và 22 tỷ tấn nước hàng năm và thải ra khoảng 84 triệu tấn CO2.
Tiến sĩ Ruediger Krech, Giám đốc Bộ phận Xúc tiến Y tế của WHO, cho biết các sản phẩm thuốc lá là chất thải chính trên hành tinh, và chứa hơn 7.000 hóa chất độc hại, chúng xâm nhập vào môi trường của chúng ta khi bị thải bỏ. Khoảng 4,5 nghìn tỷ đầu lọc thuốc lá gây ô nhiễm đại dương, sông ngòi, vỉa hè, công viên, đất và bãi biển của chúng ta mỗi năm.
Một nghiên cứu chỉ ra rằng lượng khí thải carbon của ngành công nghiệp phát sinh từ quá trình sản xuất, chế biến và vận chuyển thuốc lá tương đương với 1/5 lượng CO2 do ngành hàng không kinh doanh hàng năm. Điều này góp phần vào sự nóng lên toàn cầu.
Các sản phẩm như thuốc lá điếu, thuốc lá không khói và thuốc lá điện tử cũng góp phần vào việc tích tụ ô nhiễm nhựa. Đầu lọc thuốc lá chứa vi nhựa và là loại ô nhiễm nhựa cao thứ hai trên thế giới.
Thực tế thuốc lá thường được trồng ở các nước đang phát triển, nơi có nhu cầu thiết yếu về nước và đất nông nghiệp để sản xuất lương thực cho khu vực. Thay vào đó, những nguồn tài nguyên này đang được sử dụng để trồng những cây thuốc lá, trong khi nạn phá rừng ngày càng nhiều.
Thêm vào đó, những chi phí cho việc làm sạch chất thải của ngành công nghiệp thuốc lá do những người nộp thuế trên khắp thế giới phải gánh chịu là rất lớn.
Tại Việt Nam, Tổ chức Y tế Thế giới ước tính, mỗi năm chúng ta có khoảng 40.000 người tử vong vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá và nếu không có biện pháp kịp thời, đến năm 2030, con số này sẽ tăng lên tới 70.000 người (gấp gần 4 lần số ca tử vong vì tai nạn giao thông đường bộ tại nước ta mỗi năm).
Tuy nhiên, điều này hoàn toàn có thể phòng ngừa được nếu mọi người thực hiện nghiêm theo những quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Thời gian qua, thực hiện Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá, các cấp, các ngành đã đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của việc hút thuốc lá, xây dựng môi trường không khói thuốc lá, tổ chức công tác tư vấn cai nghiện thuốc lá, kiểm tra, giám sát,… Nhờ đó, công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. So với năm 2015, năm 2020 tỷ lệ sử dụng hút thuốc lá chung giảm từ 22,5% năm 2015 xuống 21,7% năm 2020. Tỷ lệ nam giới hút thuốc giảm từ 45,3% năm 2015 xuống 42,3% năm 2020. Đặc biệt tỷ lệ hút thuốc thụ động cũng giảm đáng kể tại các địa điểm như: Nơi làm việc, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục, trên phương tiện giao thông công cộng và khu vực trong nhà.
Minh An