Chiều 1/12, tại Hà Nội, đồng chí Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương đã có buổi làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) về tình hình thực hiện và công tác tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 26/NQ-TW ngày 5/8/2008 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
|
Đồng chí Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại buổi làm việc (Ảnh: BT) |
Đánh giá toàn diện tác động giữa công nghiệp hóa, đô thị hóa và vấn đề Tam nông
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho biết, nông nghiệp, nông dân, nông thôn là những vấn đề lớn, có tính chiến lược và là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Sau hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, nông nghiệp, nông thôn nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, có ý nghĩa to lớn, bao trùm, toàn diện, nhiều mặt đã phát triển ngang bằng và vượt các nước trong khu vực ASEAN. Góp phần vào thành tựu đạt được có phần đóng góp quan trọng từ kết quả thực hiện thắng lợi Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 của Hội nghị Trung ương 7 (khoá X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Sau hơn 13 năm thực hiện Nghị quyết, nông nghiệp đã có bước phát triển vượt bậc. Cụ thể, trong giai đoạn 2008 - 2020, nông nghiệp nước ta duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao với 2,94%/năm và phát triển khá toàn diện, chất lượng tăng trưởng ngày càng được cải thiện hơn. Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tăng trưởng 8,17%/năm, cán cân thương mại liên tục xuất siêu, nông sản Việt Nam có mặt trên 196 quốc gia và vùng lãnh thổ, đưa Việt Nam thành một trong những cường quốc nông sản; bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia. Bên cạnh đó, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều ở nông thôn giảm nhanh, bình quân giảm khoảng 1,5%/năm và đến hết năm 2020 còn 4,2%,…
Tuy vậy, đồng chí Trần Tuấn Anh cũng nhấn mạnh, hiện, khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta vẫn còn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế. Điều này có thể thấy qua giá trị tăng trưởng nông nghiệp có xu hướng chậm lại, chưa bền vững. Xây dựng nông thôn mới còn chưa gắn được với đô thị hóa và công nghiệp hóa. Thu nhập ở nông thôn còn thấp, chênh lệnh vùng miền, giữa nông thôn và đô thị còn cao. Môi trường nông thôn còn ô nhiễm; nếp sống văn hoá nông thôn, nơi gìn giữ những truyền thống văn hóa của dân tộc ở một số nơi có nguy cơ ngày càng mai một…
Tại buổi làm việc, đồng chí Trần Tuấn Anh đề nghị qua thời gian thực hiện Nghị quyết 26, cần làm rõ những vấn đề còn tồn tại, những nguyên nhân, bài học, kinh nghiệm cần rút ra. Đồng chí nhấn mạnh, nếu chúng ta không đánh giá tác động nhiều chiều của công nghiệp hóa, đô thị hóa và vấn đề Tam nông, đời sống của người nông dân thì rất khó rút ra được các vấn đề cần khắc phục, do đó, cần đánh giá đầy đủ và toàn diện.
Bên cạnh đó, cần có quan điểm mang tính toàn diện, mang tính lan tỏa, có tính liên thông, có tác động qua lại. Cụ thể như về đất đai, đây là nguồn lực quan trọng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và là nguồn tư liệu sản xuất đối với người nông dân. Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, chúng ta cần đánh giá, nhìn nhận được các yêu cầu đối với phương thức sản xuất và giá trị mang lại cho người nông dân mà không phải theo các nguyên tắc cứng nhắc.
Đồng thời, cần làm rõ vấn đề tại sao nguồn lực được sử dụng cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn chưa thực hiện được theo yêu cầu đến vấn đề khoa học công nghệ, khởi nghiệp nông nghiệp. Đồng chí Trần Tuấn Anh đề nghị cần đi vào phân tích sâu hơn về những nguyên nhân của các tồn tại yếu kém, để chỉ rõ các vấn đề còn vướng mắc là đâu, tại sao vẫn chưa giải quyết được triệt để?,…
Hỗ trợ, nâng cao năng lực cho người nông dân
Tại buổi làm việc, đồng chí Đoàn Thị Thanh Mai – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, Bộ NN&PTNT cần đánh giá việc triển khai mô hình tích tụ ruộng đất trong thực tiễn vừa qua và đề xuất mô hình tập trung trong thời gian tới để phù hợp với điều kiện sản xuất của Việt Nam. Đồng thời, nếu cần mở rộng và thay đổi, Bộ cần có kiến nghị cụ thể hạn mức bao nhiêu là phù hợp để sau đó đưa vào Luật hoặc quy định của Chính phủ.
Bên cạnh đó, về phát triển kinh tế tập thể, với các chính sách ưu đãi về đào tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, ưu đãi về thuế,…nhưng cần đánh giá hiệu quả của việc thực hiện các chính sách này. Bởi có rất nhiều ý kiến phản ánh các hợp tác xã gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận và thụ hưởng các chính sách của nhà nước. Do vậy, đồng chí Đoàn Thị Thanh Mai đề nghị Bộ NN&PTNT đánh giá cụ thể nhằm khắc phục các khó khăn còn tồn tại, thực sự đưa các chính sách ưu đãi cho kinh tế tập thể đi vào cuộc sống.
Bên cạnh đó, về phát triển chuỗi liên kết sản xuất nông sản, xu thế tất yếu hiện nay là liên kết “4 nhà” gồm: nhà nước, nhà nông, doanh nghiệp, nhà khoa học. Trong thời gian qua, đã có nhiều mô hình thành công, tuy nhiên, trên thực tiễn vẫn còn nhiều khó khăn trong liên kết này do sự liên kết còn lỏng lẻo. Nguyên nhân do doanh nghiệp chưa giữ được vị trí đầu tàu, trong khi đó nông dân sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, hoặc một số hộ còn chưa thực hiện tốt trong vấn đề hợp đồng với doanh nghiệp; vai trò của nhà khoa học trong vấn đề này còn hạn chế, còn thiếu các giống cây trồng, vật nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu,…
Do vậy, đồng chí Đoàn Thị Thanh Mai cho rằng, cần đánh giá và rút kinh nghiệm từ liên kết “4 nhà” này, phân định rõ vai trò trách nhiệm của từng nhà và phát huy nội lực của từng nhà trong liên kết này, từ đó thực hiện tốt hơn về liên kết 6 nhà, gồm có thêm ngân hàng và nhà phân phối.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 26 vừa qua, cần đánh giá công nghiệp hóa đã gắn với nông nghiệp, nông dân, nông thôn hay chưa?. Hiện nay, đô thị hóa, công nghiệp hóa đang tác động rất lớn đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nếu thấy rõ được các vấn đề còn tồn tại sẽ rút ra được nhiều vấn đề cần đề xuất trong Nghị quyết mới.
Bên cạnh đó, về vấn đề phát triển kinh tế tập thể, điều đáng lo ngại là số hợp tác xã có tăng về số lượng nhưng số lượng thành viên của hợp tác xã lại giảm đi, do đó, cần làm rõ nguyên nhân do thiếu về vốn hay do người dân tự rời bỏ hợp tác xã,… Nếu phân tích được điều này sẽ thấy rõ được rất nhiều vấn đề cần khắc phục.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, về vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn, còn rất nhiều câu chuyện trăn trở cần phải giải quyết. Đồng thời, cần nâng cao năng lực cộng đồng nông thôn, nâng cao năng lực của người nông dân để từ đó phát huy chính năng lực của người nông dân, để họ tự làm chủ, sáng tạo, để người nông dân tự giúp mình và giữa những người nông dân tự giúp nhau.
Đặc biệt, cần hiễu rõ những suy nghĩ của người nông dân để tham gia hỗ trợ, đồng hành với người nông dân. Ngoài ra, với nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn cần tích hợp các giá trị lại với nhau trong các chương trình cụ thể để phát huy giá trị của nguồn lực,…/.