Các đồng chí Chủ trì Hội thảo.

Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; GS.TS Vũ Văn Hiền, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương, Trưởng Tiểu ban Quốc phòng-An ninh-Đối ngoại, Hội đồng Lý luận Trung ương; Thiếu tướng Nguyễn Bá Dương, Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội Nhân văn quân sự-Bộ Quốc phòng cùng đông đảo tướng lĩnh, các nhà khoa học trong và ngoài quân đội đã tham dự hội thảo.

Báo cáo đề dẫn hội thảo, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, Đại hội lần thứ XII của Đảng nhận định: Cục diện thế giới theo xu hướng đa cực, đa trung tâm diễn ra nhanh hơn. Các nước lớn điều chỉnh chiến lược, vừa hợp tác, thỏa hiệp, vừa cạnh tranh, đấu tranh kiềm chế lẫn nhau, tác động mạnh mẽ đến cục diện thế giới và các khu vực.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, phát triển kinh tế tri thức và sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; sự tùy thuộc, phụ thuộc lẫn nhau, sự đan cài lợi ích giữa các nước ngày càng gia tăng và phức tạp, thì việc nhận diện đúng thực chất chiến lược và quan hệ giữa các nước lớn cũng như những biểu hiện của nó trong những hoàn cảnh, tình huống cụ thể là vấn đề rất phức tạp, khó khăn và bức thiết đặt ra đối với các nước, nhất là đối với các nước vừa và nhỏ, các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Nhận định không đúng, không thấy rõ mức độ và chiều hướng tác động từ quan hệ giữa các nước lớn, thì không thể có đối sách ứng phó phù hợp, đúng đắn, không thể có chiến lược phát triển đúng, có thể làm cho đất nước rơi vào tình thế bị động, bất ngờ…, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định.

 

Các đại biểu tham gia Hội thảo.

Hơn 40 bài tham luận gửi tới Hội thảo đã tập trung vào 3 nhóm vấn đề cơ bản là: Sự điều chỉnh chiến lược của các nước lớn hiện nay và tác động đến Việt Nam; Thực tiễn xử lý mối quan hệ với các nước lớn của Việt Nam thời gian qua; Định hướng đối phó trước tác động của quan hệ giữa các nước lớn và xử lý quan hệ của Việt Nam với các nước lớn trong tình hình mới. Các tham luận cũng đề cập và làm rõ nhiều vấn đề, như: Tăng cường nội lực, đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao sức mạnh tổng hợp quốc gia, sức mạnh quốc phòng-an ninh, bảo đảm sự trong sạch, vững mạnh và vai trò lãnh đạo của Đảng, xây dựng “thế trận lòng dân”…

Tại hội thảo, nhiều tham luận, ý kiến đã phân tích những tác động của quan hệ giữa các nước lớn đối với thế giới, khu vực và Việt Nam; chỉ ra những mặt tích cực và tiêu cực, thuận và nghịch của sự tác động đối với Việt Nam. Nhiều tham luận, ý kiến đã khái quát được những vấn đề đặt ra, những vấn đề mới, bức thiết để Việt Nam ứng phó có hiệu quả. Nhiều kinh nghiệm của thế giới và Việt Nam về vấn đề này cũng đã được các tham luận, ý kiến tham gia đề cập và phân tích sâu sắc./.

PV