Thứ nhất, các ngành và doanh nghiệp chế tạo của Việt Nam (chiếm 16% GDP) đang chịu áp lực nặng nề từ việc gián đoạn chuỗi cung ứng tại khu vực kể từ khi dịch Covid-19 bùng nổ tại Trung Quốc, bởi đây là Trung Quốc là nước cung cấp nguyên liệu quan trọng và là thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam, chỉ sau thị trường Mỹ. Việc thiếu nguyên liệu đầu vào do kinh tế Trung Quốc thu hẹp và việc Trung Quốc tạm thời đóng cửa biên giới thời gian qua, cộng với việc Trung Quốc “khóa chặt” nhiều tỉnh, thành phố để hạn chế dịch lây lan, ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp chế tạo của Việt Nam trong 06 tháng đầu năm 2020. Dịch bệnh cũng làm ảnh hưởng đến một số dự án, doanh nghiệp do Trung Quốc làm chủ thầu hoặc chủ đầu tư sử dụng số lượng lớn chuyên gia và lao động Trung Quốc do bị hạn chế trở lại Việt Nam phòng lây lan dịch bệnh.
Thứ hai, sự sa sút về kinh tế cũng như đóng cửa biên giới tạm thời của Trung Quốc cũng tác động làm gián đoạn quan hệ giao thương của nước này với thế giới, trong đó có Việt Nam. Tình trạng xuất nhập khẩu bị đình trệ, một nguồn thu ngân sách quan trọng bị tác động rõ rệt. Theo Tổng cục Hải quan, trong tháng 2, số thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 23.700 tỷ đồng, giảm hơn 2.300 tỷ đồng so với tháng 01, bình quân mỗi ngày số thu 02 tháng đầu năm khoảng 1.308 tỷ đồng, ít hơn 150 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019.
Thứ ba, ngành du lịch là ngành chịu tác động nghiêm trọng nhất do lượng khách du lịch bị hạn chế. Theo Tổng cục Du lịch, ngành Du lịch Việt Nam ước thiệt hại khoảng từ 6 - 7 tỷ USD trong 02 quý đầu năm bởi riêng du khách Trung Quốc giảm từ 90 - 100%; lượng khách từ các quốc gia khác giảm mạnh khoảng 50 - 60% trong giai đoạn có dịch. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch bị thiệt hại mạnh, kéo theo các ngành, lĩnh vực khác. Theo nghiên cứu của Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân Việt Nam, nếu Covid-19 kéo dài 06 tháng, có khoảng 74% doanh nghiệp du lịch có khả năng phá sản.
Thứ ba, ngành giao thông vận tải, nhất là hàng không, là ngành phải gánh chịu thiệt hại nặng nề nhất do Covid-19. Theo nhận định của Cục Hàng không Việt Nam, các hãng hàng không Việt nam có thể thất thu khoảng 30.000 tỷ đồng trong năm 2020. Tiếp theo là ngành vận tải biển, khai thác cảng biển và dịch vụ hàng hải cũng chịu tác động khá tiêu cực.
Thứ tư, thương mại hàng nông sản của Việt Nam cũng bị ảnh hưởng nặng nề do Trung Quốc là thị trường lớn, chiếm 24% tổng giá trị nông sản xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới. Đến hết tháng 01/2020, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản ước chỉ đạt 3 tỷ USD, bằng 83,4% so với cùng kỳ năm 2019. Hầu hết các sản phẩm trái cây chủ lực, nhất là thanh long, dưa hấu là xuất khẩu tươi, chưa qua chế biến, đã bị tồn đọng hàng chụ nghìn tấn. Ảnh hưởng này không chỉ là trước mắt mà có thể còn kéo dài, bởi dịch bệnh vẫn đang tiềm ẩn.
Thứ năm, sự bùng phát và lan rộng của dịch Covid-19 và việc hạn chế nhập cư của một số quốc gia như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… đã tác động trực tiếp, làm đình trệ tình hình xuất khẩu lao động của Việt Nam.
Trước những tác động trực tiếp của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp, ngành nghề đang gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh việc tập trung chống dịch, Chính phủ, các bộ, ngành, doanh nghiệp đã có nhiều giải pháp để ứng phó, bảo đảm mục tiêu vừa chống dịch, vừa ổn định nền kinh tế.
- Về phía Chính phủ và các bộ, ngành: Đã luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp để lắng nghe, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng; thông tin đầy đủ cho các doanh nghiệp thực trạng thị trường trong và ngoài nước và cùng doanh nghiệp bàn cách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng để giúp doanh nghiệp chuyển đổi cơ cấu kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đa dạng hóa thị trường đầu vào, khơi thông thị trường đầu ra. Khuyến khích các ngân hàng thương mại có chính sách tài chính, tín dụng hợp lý như giảm thuế, giãn thời gian nộp thuế và phí bảo hiễm xã hội, hạ lãi suất cho vay, hạ chi phí logistic và không tăng giá các loại dịch vụ thiết yếu.
- Về phía các địa phương: Đã có nhiều giải pháp có tác dụng khơi thông điểm nghẽn thủ tục hành chính, vướng mắc liên quan đến những dự án đầu tư công quy mô lớn, quan trọng, có tác động lan tỏa đến phát triển kinh tế - xã hội nói chung.
- Về phía các doanh nghiệp: Các doanh nghiệp xây dựng phương án chuyển đổi, tìm kiếm nguồn cung nguyên liệu thay thế cũng như tiếp cận đa dạng hóa các thị trường tiêu thụ mới, giảm sự lệ thuộc vào các đầu mối kinh doanh truyền thống, chú trọng đến thị trường trong nước. Từng bước cơ cấu lại hoạt động, đẩy mạnh liên kết, hợp tác để tạo ra những yếu tố phát triển bền vững, ổn định. Thanh Lan