Ngày 26/4, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cùng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An đã có buổi tiếp xúc với cử tri đại diện cho các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn. Cùng dự còn có đại diện Văn phòng Chính phủ, lãnh đạo tỉnh Long An cùng các sở, ngành trong tỉnh.

Tại buổi tiếp xúc cử tri, các doanh nghiệp đã nêu nhiều ý kiến, kiến nghị quan trọng liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư phát triển. Trong đó, nổi bật là các ý kiến về chính sách phát triển điện năng lượng mặt trời; ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp; phát triển hạ tầng giao thông kết nối; phát triển vùng nguyên liệu…

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trao đổi với các cử tri doanh nghiệp.
Ảnh: Bùi Giang-TTXVN

Ông Trần Ngọc Nhật, đại diện Tập đoàn Hoàn Cầu cho biết: Tập đoàn đang có các dự án điện năng lượng mặt trời với tổng công suất khoảng 1.000 MW, tuy nhiên hiện chỉ mới được phê duyệt quy hoạch 200MW, số còn lại đang chờ cấp có thẩm quyền phê duyệt bổ sung quy hoạch. Trong khi đó, công tác bổ sung quy hoạch hiện nay quá khó khăn, thời gian kéo dài gây ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư của doanh nghiệp. Do đó, đơn vị kiến nghị Quốc hội, Chính phủ có chính sách rút ngắn thời gian quy hoạch phát triển điện để tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư.

Về vấn đề hạ tầng giao thông, ông Võ Quốc Thắng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Đồng Tâm (Long An) nêu kiến nghị, Cảng quốc tế Long An đã đi vào hoạt động và được kỳ vọng nâng cao khả năng vận chuyển, tiếp nhận hàng hóa cho địa phương nói chung và vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng. Tuy nhiên hiện nay, cửa sông Soài Rạp bị bồi lấp nên tàu có trọng tải lớn không vào được, gây ảnh hưởng đến hoạt động của cảng. Do đó, ông Võ Quốc Thắng kiến nghị Chính phủ cần có chính sách, thực hiện các dự án nạo vét không chỉ ở sông Soài Rạp mà còn ở nhiều sông, kênh rạch trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; tập trung phát triển giao thông đường thủy nhằm giảm áp lực cho các tuyến đường bộ, nâng cao khả năng logistics…

Nhiều ý kiến của đại diện các doanh nghiệp cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần sớm xem xét sửa đổi Luật Đất đai để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thực hiện dự án; có chính sách ưu đãi lãi suất cho doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu gạo; xem xét lại cơ chế vay vốn sản xuất của các hợp tác xã nông nghiệp. Ngoài ra, đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp để nâng cao giá trị sản phẩm; phát triển hạ tầng giao thông đường bộ kết nối đến từ các vùng sản xuất nguyên liệu đến các khu, cụm công nghiệp và các cảng biển…

 

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri.
Ảnh: Bùi Giang - TTXVN


Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An cho biết, Quốc hội tới đây sẽ họp và xem xét nhiều quyết sách quan trọng, trong đó có nhiều chủ trương, chính sách liên quan đến hoạt động của các doanh nghiệp. Chính phủ cũng đề ra nhiều mục tiêu to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội; nghiên cứu chính sách đặc thù để tạo điều kiện cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Đặc biệt, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đang nỗ lực hoàn thiện các chính sách, thể chế; tăng cường cải cách hành chính; phòng chống tham nhũng…để tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp thuận lợi trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Để nền kinh tế phát triển mạnh mẽ thì vai trò của cộng đồng doanh nghiệp là rất lớn. Do đó, Phó Thủ tướng mong rằng các doanh nghiệp luôn cố gắng phấn đấu, phát huy mạnh mẽ nội lực, đổi mới tư duy…để phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao khả năng cạnh tranh, phát triển chất lượng sản phẩm. Từ đó, góp phần thúc đẩy nền kinh tế đi lên.

Ghi nhận những ý kiến, kiến nghị của cử tri doanh nghiệp tỉnh Long An, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết, tới đây, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan sẽ họp bàn để tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách trong quy hoạch phát triển năng lượng tái tạo; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…để tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động. Về việc phát triển hạ tầng giao thông trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Chính phủ sẽ làm việc với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành trong khu vục để bàn bạc các chuyên đề phát triển giao thông, tập trung nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông, từ đó thúc đẩy kinh tế - xã hội của vùng.

Những ý kiến, kiến nghị vượt quá thẩm quyền của Chính phủ, bộ, ngành, địa phương sẽ được Đoàn đại biểu Quốc hội tiếp thu và trình cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết./.

 

Bùi Giang/TTXVN