Sụt lún đất tại Cam Lộ ngày càng khó lường 

(CADN)- Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, trong đó có văn bản 2753 ngày 23-6-2020 về việc tham mưu giải pháp xử lý sụt lún đất trên địa bàn H.Cam Lộ, đơn vị này đã chủ trì phối hợp với UBND H.Cam Lộ, Sở TN&MT và các cơ quan liên quan thu thập các thông tin, tài liệu từ năm 2006 đến nay nhằm đánh giá hiện trạng và đề xuất các giải pháp ứng phó với hiện tượng trên.

Hiện nay, tình trạng sụt lún tại địa phương này được cho đang diễn ra với quy mô phức tạp, mức độ ảnh hưởng gia tăng.

Người dân Tân Hiệp đến nơi ở mới vẫn chưa quên cảnh tượng sụt lún đất nhiều năm trước.

Người dân Quảng Trị vẫn chưa quên cảnh tượng sụt lún đất xuất hiện vào năm 2006 ở địa bàn thôn Tân Hiệp, xã Cam Tuyền (H.Cam Lộ). Từ ngày 18-2 đến 10-3-2006, hiện tượng trên đã làm nứt, vỡ 60 ngôi nhà dân và một số công trình xây dựng. Cứ sau một đêm thức dậy, lại có thêm những hố sụt đất lớn nhỏ, phân bố thành một dải có chiều rộng từ 150 đến 200m, chiều dài 300m, đường kính hố sụt lớn nhất là 25m, độ sâu trung bình 4 đến 5m. Tổng cộng đã có 52 hố “tử thần” như thế ở Tân Hiệp. Đây là điều chưa từng xảy ra trên địa bàn Tân Hiệp nói riêng và cả H.Cam Lộ nói chung. Lòng dân hoang mang, các ngành, chức năng vào cuộc nghiên cứu.

 Sang năm 2007 và kéo dài đến năm 2018, hiện tượng sụt lún vẫn tiếp tục diễn ra tại một số khu vực phía tây và phía đông thôn Tân Mỹ, xã Cam Thành. Hố sụt có đường kính từ 2 đến 4m, độ sâu từ 5 đến 7m. Và gần nhất là vào sáng 4-4-2019, người dân thôn Quật Xá, xã Cam Thành ra cánh đồng Cơn Đèn thì tá hỏa phát hiện 1 hố sâu giữa ruộng vừa sụt lún, đường kính rộng 5m, sâu 4m mà chiều hôm trước họ chưa phát hiện. Quá trình khảo sát cũng ghi nhận hiện tượng sạt lở bờ sông tiếp tục diễn ra ở một số khu vực dọc 2 bờ sông Hiếu đoạn qua xã Cam Tuyền, Cam Hiếu, Cam Thủy và TT Cam Lộ. Những vấn đề trên đã gây thiệt hại về tài sản, đất sản xuất, đe dọa đến tính mạng của người dân và khó khăn trong vấn đề ổn định đời sống lâu dài.

Khi hiện tượng trên xảy ra trong năm 2006, chỉ thời gian ngắn sau, Quảng Trị đã lập tức xây dựng dự án di dời dân cư ra khỏi vùng sụt lún ở thôn Tân Hiệp, đến khu vực tái định cư cũng trên địa bàn xã Cam Tuyền, cách chỗ cũ 2km, nhanh chóng ổn định cuộc sống. Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Xuân Hòe cho hay, đến nay đã di dời ổn định được 143 hộ dân cư trong vùng nguy hiểm (cấp độ A) đến định cư ở vùng dự án. Tại đây, các hộ dân tận dụng đất sản xuất đã được chính quyền cấp trước đây để trồng lúa, hoa màu (29 ha), 15 ha đất thổ cư, đất vườn, bên cạnh đó các hộ dân còn nhận sản xuất, chăm sóc và bảo vệ rừng trồng với diện tích bình quân 1ha/hộ. Ở thời điểm xảy ra hiện tượng trên, các cơ quan chuyên môn cũng đã thực hiện khảo sát, xác định nguyên nhân sụt lở đất và diện tích có nguy cơ sụt lún. Qua đây, đã đưa ra nhiều nguyên nhân, bao gồm về cấu trúc địa chất, thủy văn, địa hình và các hoạt động xây dựng, khai thác cát, sỏi lòng sông, hiện tượng thời tiết bất thường. Trong đó, đáng chú ý, vùng Cam Lộ có lớp phủ Đệ Tứ mỏng, thành phần trầm tích chủ yếu là cát, cát pha sét kết cấu yếu, dễ bị rửa trôi. Quá trình karst (hiện tượng phong hóa đặc trưng của những miền núi đá vôi bị nước chảy xói mòn) phát triển làm cho nước mặt, nước ngầm ngày càng có quan hệ mật thiết và thúc đẩy quá trình karst hóa diễn ra nhanh hơn. Cam Lộ lại có địa hình lòng chảo thu nước của 2 sườn đồi phía bắc, nam và sườn núi phía tây nên thường lũ lụt vào mùa mưa, kết cấu đất ngày càng kém bền vững...

Điểm sụt lút ở ruộng Cơn Đèn, thôn Quật Xá ngoài danh mục khoanh vùng nguy hiểm trước đây.

Ngoài yếu tố tự nhiên thì việc xây dựng một số tuyến đường giao thông đã làm giảm khả năng thoát lũ, gây ngập lụt một số khu vực; hoạt động khai thác cát lòng sông làm giảm bề dày trầm tích, hạ thấp mực nước sông khu vực thượng nguồn, làm thay đổi đáng kể động thái nước mặt và nước ngầm trong khu vực khiến tầng trầm tích Đệ Tứ ngày càng yếu, karst hóa đá gốc xảy ra mạnh hơn. Nhiều khu vực bị ảnh hưởng đã được khoanh vùng, tùy cấp độ, trong đó tập trung ở Cam Tuyền, Cam Thành, TT Cam Lộ.

Tuy nhiên, kết quả khảo sát, nghiên cứu trên đã qua thời gian thực hiện khá dài, đến nay có nhiều thay đổi. Cụ thể, điểm sụt lún ở thôn Quật Xá, xã Cam Thành vào năm 2019 không có trong khoanh vùng nguy hiểm (bao gồm các cấp độ A,B,C) trước đây. Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, hiện tượng sụt lún đất đã và đang tiếp tục diễn ra trên địa bàn huyện với tính chất, quy mô phức tạp, khó lường, mức độ ảnh hưởng ngày càng gia tăng. Để có cơ sở đề xuất các giải pháp tổng thể, lâu dài nhằm khắc phục, chủ động ứng phó với tình hình mới hiện nay. Sở NN&PTNT đề nghị UBND tỉnh giao cho Sở này chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện đề tài “Điều tra, khảo sát, nghiên cứu bổ sung và xây dựng giải pháp tổng thể ứng phó với tình trạng sụt lún trên địa bàn H.Cam Lộ”. Trong đó có việc lập bản đồ, khoanh vùng chi tiết các khu vực cảnh báo nguy cơ sụt lún theo cấp độ nguy hiểm, khoanh vùng các khu vực dân cư cần phải di dời, khuyến nghị và cảnh báo về quy mô cho phép xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng đảm bảo an toàn...

BẢO HÀ

312 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1382
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1382
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87142616