SỨC SỐNG MÙA XUÂN CỦA NHÂN LOẠI 

Cuộc đời và sự nghiệp của Các Mác – Ăngghen – Lênin là bản anh hùng ca bất tử mãi mãi đi vào lịch sử nhân loại như những nhà tư tưởng, lý luận vĩ đại, những lãnh tụ thiên tài của giai cấp vô sản và người lao động, ngự trị sâu sắc trong lương tri, tâm khảm của triệu triệu người yêu chuộng hòa bình, công lý và tiến bộ trên toàn thế giới. Học thuyết cách mạng và khoa học của các ông là ánh đèn pha rọi chiếu trên mỗi bước đường phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc trên thế giới, kể cả những quốc gia lựa chọn con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH) với tư cách là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam hành động, xóa bỏ áp bức, bóc lột; và ngay cả đối với các các quốc gia theo chủ nghĩa tư bản (CNTB) với sự góp phần điều chỉnh khắc phục những khiếm khuyết, hạn chế trong quá trình vận hành thể chế chính trị của mình.

Mùa xuân nhân loại khởi đầu từ nhà tư tưởng, lý luận vĩ đại Các Mác.

Ngày 5/5/1818, bên bờ sông Mozel của thành phố Trier nước Đức, một cậu bé có mái tóc xoăn, da ngăm ngăm, vầng trán cao rộng, đôi mắt sáng trong, cương nghị chào đời. Với đặc điểm mái tóc của mình, cậu bé được các bạn đồng trang lứa và anh chị em trong gia đình gọi là Mô-rơ1, còn bố mẹ của cậu đặt tên là Karl Heinrich Marx (Các Mác).

Từ nhỏ, Các Mác là một cậu bé thông minh, biết tìm ra các trò chơi hấp dẫn, sáng tác những câu chuyện tưởng tượng. Tuổi thơ của Các Mác trải qua những tháng năm ở thành phố yên tĩnh Trier nhưng chứa đựng những mâu thuẫn xã hội sâu sắc giữa dân nghèo thành thị với thiểu số tầng lớp thị dân giàu có. Lớn lên trong tình yêu thương của cha mẹ, đặc biệt là tình cảm của người cha đã nuôi dưỡng tâm hồn cao thượng và ý chí chiến đấu xóa bỏ áp bức, bất công, vì hạnh phúc nhân loại của Các Mác. 

Thời đi học, Các Mác là một học sinh thông minh, học giỏi, đặc biệt là các lĩnh vực đòi hỏi tính độc lập sáng tạo. Tháng 10 năm 1835, Các Mác theo học trường  Đại học Tổng hợp Bon, sau đó theo lời khuyên của người cha, Các Mác chuyển đến trường Đại học Tổng hợp Béc-lin. Tại trường này, ngoài luật học, sử học và ngoại ngữ, Các Mác còn đi sâu nghiên cứu triết học. Vào năm 1841, lúc còn 23 tuổi, Các Mác đã bảo vệ thành công luận án tiến sỹ triết học tại trường Đại học Tổng hợp Jane, trở thành một trong những những nhà khoa học trẻ, thực thụ. Đây là nền tảng tri thức, trình độ học vấn để Các Mác tiếp tục nghiên cứu và đề ra học thuyết giải phóng giai cấp, giải phóng con người, giải phóng xã hội, nghiên cứu chặt đứt từng mắt xích của hệ thống CNTB – một hình thái xã hội mà theo Các Mác nhất định sẽ được thay thế bằng một hình thái xã hội tiến bộ và văn minh hơn bởi quy luật vận động khách quan của lịch sử xã hội loài người, đó là chủ nghĩa cộng sản (CNCS).

Tháng 11 năm 1842, lần đầu tiên Các Mác và Ăngghen gặp nhau tại nước Anh (tháng 8/1844, Mác và Ăngghen gặp nhau lần thứ hai tại Pari, Pháp). Sau những cuộc trò chuyện cởi mở, hai ông đã trở thành đôi bạn thân thiết, những người đồng chí cùng chung lý tưởng, quan điểm trên tất cả các lĩnh vực lý luận và thực tiễn. Tình bạn, tình đồng chí giữa Các Mác và Ănghen nảy nở từ những cuộc gặp gỡ này đã tạo nên sức sống mùa xuân của nhân loại.

Ph. Ăngghen là lãnh tụ thiên tài, người thầy vĩ đại của giai cấp vô sản, người đã cùng Các Mác xây dựng nên lý luận chủ nghĩa xã hội khoa học và đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng giai cấp công nhân, nhân dân lao động.

Ph. Ăngghen sinh ngày 28/11/1820 trong một gia đình chủ xưởng dệt ở thành phố Barơmen, vương quốc Phổ (ngày nay là nước Đức). Người sinh sống, thâm nhập thực tiễn vào phong trào cách mạng ở nhiều nước khác nhau để tìm hiểu cuộc sống người dân.

Xuất thân từ một gia đình tư sản, nhưng Ph. Ăngghen đã hiến dâng toàn bộ cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng của giai cấp công nhân. Ph. Ăngghen là người bạn, người đồng chí gần gũi nhất của Các Mác, đã cùng Các Mác xây dựng nên chủ nghĩa cộng sản khoa học.

Trong nhiều thập kỷ, Ph. Ăngghen ra sức nghiên cứu, tiếp thu, kế thừa những tinh hoa tư tưởng của nhân loại, mà trước hết và trực tiếp là triết học cổ điển Đức, kinh tế chính trị học Anh và chủ nghĩa xã hội Pháp. Quá trình nghiên cứu lý luận luôn gắn chặt với thực tiễn phong phú, sinh động của phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân. Từ đó, Ph. Ăngghen đã cùng với Các Mác xây dựng nên một hệ thống lý luận khoa học và cách mạng, bao gồm triết học, kinh tế chính trị học và chủ nghĩa xã hội khoa học. Cái đặc sắc nhất là Các Mác và Ph. Ăngghen đã sáng tạo ra chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử; phát hiện ra quy luật khách quan của sự phát triển xã hội và sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân; xây dựng lý luận giá trị thặng dư chỉ ra các quy luật chi phối sự vận động, phát triển và diệt vong tất yếu của CNTB. Đây chính là vũ khí tư tưởng của giai cấp công nhân; là những trụ cột của cả một hệ thống lý luận khoa học đồ sộ.

Rất nhiều tác phẩm cơ bản của chủ nghĩa Mác là do Mác và Ăngghen cùng viết. Tiêu biểu nhất là “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”. Nhiều công trình nghiên cứu của Ph. Ăngghen là sự phát triển những tư tưởng hình thành trong quá trình trao đổi thường xuyên với Các Mác. Về phía mình, nhiều tác phẩm của Các Mác được viết với những ý tưởng và kiến thức của Ph. Ăngghen. Lênin cho rằng: “Không thể nào hiểu được chủ nghĩa Mác và trình bày đầy đủ được chủ nghĩa Mác, nếu không chú ý đến toàn bộ những tác phẩm của Ăngghen”. Ăngghen cùng sát cánh với Các Mác trong truyền bá tư tưởng cách mạng, xây dựng các tổ chức cách mạng của giai cấp công nhân, trở thành lãnh tụ của phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân các nước châu Âu ở nửa cuối thế kỷ XIX. Lênin kết luận: “Sau bạn ông là Các Mác, Ăngghen là nhà bác học và người thầy lỗi lạc nhất của giai cấp vô sản hiện đại trong toàn thế giới văn minh”.

Ph. Ăngghen được ngưỡng mộ, kính trọng không chỉ bởi trí tuệ của một nhà bác học, lòng dũng cảm, nhiệt huyết của một chiến sỹ cách mạng vĩ đại, mà còn bởi phẩm chất cao cả thể hiện trong tình bạn, tình đồng chí khăng khít, thủy chung, cảm động, hiếm có với Các Mác. Người tự nhận mình là “cây vĩ cầm số 2” bên cạnh Các Mác. Lênin khẳng định: “Giai cấp vô sản châu Âu có thể nói rằng khoa học của mình là tác phẩm sáng tạo của hai nhà bác học kiêm chiến sỹ mà tình bạn đã vượt xa tất cả những gì là cảm động nhất trong những truyền thuyết của đời xưa kể về tình bạn của con người”.

Sau khi Các Mác qua đời (ngày 14/3/1883), Ăngghen đã tập trung thời gian, công sức để thực hiện một công việc vô cùng nặng nề, hết sức khó khăn, mà chỉ Người mới có thể làm được, đó là chỉnh lý, biên tập và cho xuất bản tiếp tục các bản thảo còn lại của bộ “Tư bản” – tác phẩm lớn nhất, vĩ đại nhất của Các Mác. Lênin cho rằng, thông qua công việc quan trọng này: “Ăngghen đã dựng cho người bạn thiên tài của mình một đài kỷ niệm trang nghiêm, trên đó Ăngghen cũng không ngờ là đã khắc luôn cả tên mình bằng những chữ không bao giờ phai mờ được”. Ngoài ra, Ăngghen còn tiếp tục truyền bá sâu rộng những tư tưởng của Các Mác, đấu tranh bảo vệ và phát triển học thuyết Mác…

Các Mác và Ăngghen đã nghiên cứu lịch sử tư tưởng thế giới, những thành tựu đạt được của các nhà khoa học trong việc nghiên cứu những lĩnh vực cơ bản chính trị, kinh tế, triết học, tư tưởng từ cổ đại đến đương thời.

Hai ông đã kế thừa những thành tựu nghiên cứu của các nhà khoa học đi trước, tiếp thu có phê phán toàn bộ những giá trị tinh hoa của quá trình phát triển tư tưởng của nhân loại, đặc biệt là kinh tế - chính trị cổ điển Anh, triết học cổ điển Đức và CNXH không tưởng Pháp. Những học thuyết về giá trị lao động của Ađam Xmít và Đavít Ricácđô, phương pháp biện chứng của Hêghen, chủ nghĩa duy vật nhân bản của Phơbách, những tư tưởng tiến bộ về xã hội của các nhà tư tưởng Pháp như Sanh Simông, Phuriê cũng đóng góp những cơ sở nhận thức quan trọng vào quá trình hình thành học thuyết của Các Mác và Ăngghen. Lần đầu tiên trong lịch sử tư tưởng nhân loại, Các Mác và Ăngghen đã phát hiện ra tính quy luật trong sự vận động của xã hội loài người, trong đó nhân tố quyết định là mối quan hệ biện chứng giữa lực lượng sản xuất với quan hệ sản xuất. Đây chính là cơ sở để hai ông dự báo về tất yếu loài người sẽ tiến tới CNCS qua một giai đoạn quá độ là CNXH. Ngày nay, những gì mà CNTB đang thể hiện vẫn không đi ra ngoài tính quy luật mà chủ nghĩa Mác – Lênin đã chỉ ra. Có điều các nước đế quốc – TBCN đã và đang khắc phục những khiếm khuyết, hạn chế và điều chỉnh chế độ xã hội cho phù hợp với thực tế phát triển của thời đại. Nhưng dù điều chỉnh với phương thức như thế nào thì cũng không thể xóa bỏ triệt để những mâu thuẫn nội tại đã và đang chứa đựng trong lòng xã hội tư bản.

“Các Mác và Ăngghen đã phát triển CNXH từ không tưởng trở thành khoa học khi nhìn nhận nó từ quy luật vận động của lịch sử, như sự vận động tất yếu từ những cơ sở xã hội, những yếu tố kinh tế, vật chất vốn đã được hình thành ngay trong lòng CNTB” (GS.TS Tạ Ngọc Tấn, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương).

V.I. Lênin là người tiếp tục phát triển những tư tưởng của Các Mác và Ăngghen trong điều kiện mới khi CNTB đã chuyển sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa vào thời kỳ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Nhà lãnh đạo kiệt xuất của Cách mạng Tháng Mười Nga đã phát triển tư tưởng về khả năng thắng lợi của cách mạng vô sản ở một nước tư bản riêng biệt; xây dựng học thuyết về một chính đảng mác xít kiểu mới; tổ chức cuộc cách mạng XHCN thắng lợi và vận dụng học thuyết của Các Mác để phân tích, giải quyết hàng loạt vấn đề trong quá trình xây dựng CNXH ở nước Nga và Liên bang xô viết. Không những thế, Lênin còn đóng góp nhiều để hoàn thiện tư tưởng kinh tế - chính trị, triết học của Các Mác và Ăngghen, trong đó chính sách kinh tế mới (NEP) là một ví dụ. Ở đây thể hiện rõ quan điểm lịch sử - cụ thể và quan điểm phát triển luôn luôn được V.I.Lênin quán triệt vận dụng trong nhiều nhận thức thực tiễn giải quyết mối quan hệ gắn bó giữa lý luận với thực tiễn.“Điều hiển nhiên và không thể chối cãi là, dù được hiểu theo nghĩa nào, chủ nghĩa Mác - Lênin vẫn là khoa học về những quy luật chung nhất của sự vận động, phát triển của tự nhiên, xã hội và tư duy; quy luật về sự phát triển của sản xuất xã hội, về cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản và nhân dân lao động chống lại áp bức, bóc lột, mưu cầu tự do, hạnh phúc; quy luật về cách mạng XHCN và con đường xây dựng, phát triển đi tới CNCS” (Tạp chí Tuyên giáo điện tử số tháng 2/2020).

CNXH hiện thực ở nước Nga nói riêng và Liên bang xô viết nói chung đã đạt những thành tựu tuyệt vời trong lịch sử văn minh nhân loại. Có thể khái quát như sau:

Về chính trị,  chế độ XHCN đã từng bước đưa nhân dân lao động lên làm chủ xã hội, thúc đẩy trào lưu đấu tranh cho quyền tự do, dân chủ trên toàn thế giới. Sự ra đời của chế độ XHCN cũng có nghĩa là chế độ dân chủ XHCN được thiết lập, dân chủ gấp triệu lần dân chủ tư sản (theo V.I.Lênin). Từ bản chất giai cấp của nó, chế độ dân chủ XHCN, chế độ dân chủ cho tuyệt đại đa số nhân dân lao động, thực hiện ngày càng đầy đủ những quyền dân chủ, ngăn ngừa và trấn áp những hành vi xâm phạm quyền tự do dân chủ của nhân dân. Chế độ XHCN không chỉ bảo đảm quyền làm chủ trên thực tế cho nhân dân mà hơn thế nữa còn thúc đẩy trào lưu đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền ở các nước TBCN và trên toàn thế giới. Với sự lớn mạnh toàn diện, CNXH có ảnh hưởng sâu sắc trong đời sống chính trị thế giới, đóng vai trò quyết định đối với sự sụp đổ hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc, mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc và thời đại quá độ lên CNXH trên phạm vi toàn thế giới. Chế độ XHCN được thiết lập không chỉ mở ra một xu thế phát triển tất yếu cho các dân tộc là con đường XHCN, mà bằng sự giúp đỡ tích cực, có hiệu quả về nhiều mặt, các nước XHCN đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ phong trào giải phóng dân tộc. Năm 1919, các nước thuộc địa và nửa thuộc địa chiếm 72% diện tích và 70% dân số thế giới, tới những năm cuối của thế kỷ XX chỉ còn 0,7% diện tích và 5,3% dân số thế giới2.

Về kinh tế,  trong hơn 70 năm xây dựng CNXH, Liên Xô và các nước XHCN khác đã đạt được sự phát triển mạnh mẽ về tiềm lực kinh tế, xây dựng cơ sở vật chất của CNXH trên quy mô lớn với trình độ hiện đại, bảo đảm ngày càng tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Nước Nga trước Cách mạng Tháng Mười so với các nước tư bản phát triển khác bị lạc hậu từ 50 đến 100 năm. Khi bắt tay vào xây dựng CNXH, thu nhập quốc dân tính theo đầu người chỉ bằng 1/22 của Mỹ cùng thời. Nhưng, chỉ sau một thời gian ngắn, Liên Xô đã trở thành một trong hai siêu cường của thế giới. Năm 1985, thu nhập quốc dân của Liên Xô bằng 66% của Mỹ, sản lượng công nghiệp bằng 85% của Mỹ3.

Về văn hóa - xã hội, với công cuộc phát triển kinh tế, văn hóa, Liên Xô đã trở thành một nước có trình độ học vấn cao, thu được những thành tựu quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe, phát triển y tế và bảo đảm phúc lợi xã hội cho nhân dân lao động. Trước Cách mạng Tháng Mười, 3/4 nhân dân Nga mù chữ, chỉ sau 20 năm, nạn mù chữ đã được xóa bỏ. Vào cuối năm 1980, Liên Xô là một trong những nước có trình độ học vấn cao nhất thế giới (164 triệu nguời có trình độ trung học và đại học, số lượng các nhà khoa học trên nhiều lĩnh vực cũng đứng vào hàng đầu thế giới). Liên Xô và các nước XHCN khác trước đây đã đạt được những bước tiến lớn trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, chinh phục vũ trụ, có tiềm lực quân sự và công nghiệp quốc phòng hùng mạnh. Trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, khoa học và công nghệ cũng có những thành tựu rất to lớn.

Về an ninh – quốc phòng thế giới,  sức mạnh của CNXH hiện thực đóng vai trò quyết định đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, bảo vệ hòa bình thế giới; là sức mạnh vật chất, tinh thần, cổ vũ cho sự nghiệp cải cách, đổi mới vì CNXH4.

Đến giữa thế kỷ XX, Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh là người tiếp thu, vận dụng chủ nghĩa Mác – Lênin một cách sáng tạo vào thực tiễn Việt Nam để giải quyết những nhiệm vụ to lớn của cách mạng Việt Nam. Sau thắng lợi của Cách mạng tháng Mười Nga, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế phát triển mạnh mẽ, đầu năm 1919, Lênin và những người theo chủ nghĩa Mác ủng hộ lập trường của Lênin họp đại hội ở Mátxcơva, thành lập Quốc tế III - tức Quốc tế Cộng sản. Quốc tế Cộng sản đã kiên quyết ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc ở các nước phương Đông. Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin được Đại hội lần thứ hai Quốc tế Cộng sản họp năm 1920 thông qua, đã vạch ra đường lối cơ bản cho phong trào cách mạng ở các nước thuộc địa và phụ thuộc. Lần đầu tiên trên báo Nhân đạo, Pháp ngày 16 và ngày 17/7/1920 đã đăng Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin. Trong văn kiện này, Lênin phê phán mọi luận điểm sai lầm của những người đứng đầu Quốc tế II về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa, lên án mạnh mẽ tư tưởng sô vanh, tư tưởng dân tộc hẹp hòi, ích kỷ, đồng thời nhấn mạnh nhiệm vụ của các đảng cộng sản là phải giúp đỡ thật sự phong trào cách mạng của các nước thuộc địa và phụ thuộc, về sự đoàn kết của giai cấp vô sản các nước tư bản với quần chúng cần lao của tất cả các dân tộc để chống kẻ thù chung là đế quốc và phong kiến.

Luận cương của Lênin đã chỉ cho Nguyễn Ái Quốc con đường giành độc lập cho dân tộc và tự do cho đồng bào. Sau này, khi kể lại sự kiện quan trọng đó, Người nói: “Trong Luận cương ấy, có những chữ chính trị khó hiểu. Nhưng cứ đọc đi, đọc lại nhiều lần, cuối cùng tôi cũng hiểu được phần chính. Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vùng mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: Hởi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta. Từ đó tôi hoàn toàn tin theo Lênin, tin theo  Quốc tế thứ ba”4.

Từ bản Luận cương của Lênin, Nguyễn Ái Quốc đã tìm thấy phương hướng và đường lối cơ bản của phong trào cách mạng giải phóng dân tộc, trong đó có cách mạng Việt Nam. Niềm tin ấy là cơ sở tư tưởng để Nguyễn Ái Quốc vững bước đi theo con đường cách mạng triệt để của chủ nghĩa Mác – Lênin. Nguyễn Ái Quốc xin gia nhập Ủy ban Quốc tế III, do một số đồng chí trong Đảng Xã hội Pháp lập ra, nhằm tuyên truyền vận động gia nhập Quốc tế III.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XVIII của Đảng Xã hội Pháp, họp từ ngày 25-30/12/1920, ở thành phố Tua (Pháp), cùng với những người cách mạng chân chính của nước Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã bỏ phiếu tán thành tham gia Quốc tế III – Quốc tế Cộng sản, trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp và Người cũng trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên.

Đảng Cộng sản Việt Nam lấy chủ nghĩa Mác – Lênin làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam hành động, không chỉ thành công trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc mà còn có những đóng góp to lớn vào kho tàng lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin. Đó là:  Độc lập dân tộc gắn liền với CNXH là một tính quy luật của cách mạng Việt Nam, trong điều kiện thời đại ngày nay. Vận dụng triết học mác- xít, Đảng ta đã kết hợp chặt chẽ ngay từ đầu đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị, lấy đổi mới kinh tế làm trung tâm, đồng thời đổi mới từng bước về chính trị, đảm bảo giữ vững sự ổn định chính trị, tạo điều kiện và môi trường thuận lợi để đổi mới và phát triển kinh tế, xã hội; thực hiện gắn phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm và xây dựng Đảng là khâu then chốt với phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, tạo ra ba trụ cột cho sự phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững. Trên lĩnh vực kinh tế, Đảng ta chủ trương xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, tăng cường vai trò kiến tạo và quản lý của Nhà nước. Giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa tăng trưởng, phát triển kinh tế với bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội. Xây dựng phát triển kinh tế đi đôi với giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái. Trên lĩnh vực chính trị, Đảng ta chủ trương phát huy dân chủ, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN; đổi mới và hoàn thiện hệ thống chính trị, từng bước xây dựng và hoàn thiện nền dân chủ XHCN, bảo đảm toàn bộ quyền lực thuộc về nhân dân; Mở rộng và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy sức mạnh của mọi giai cấp và tầng lớp nhân dân, mọi thành phần dân tộc và tôn giáo, mọi công dân Việt Nam ở trong nước và nước ngoài, tạo nên sự thống nhất, đồng thuận xã hội, động lực cho công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trên lĩnh vực đối ngoại, hội nhập quốc tế, Đảng ta tiếp tục chủ trương mở rộng quan hệ đối ngoại, thực hiện hội nhập quốc tế, tạo lợi ích đan xen, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ và giúp đỡ của nhân dân thế giới, khai thác mọi khả năng có thể hợp tác nhằm mục tiêu xây dựng và phát triển đất nước theo định hướng XHCN, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam - nhân tố quan trọng hàng đầu bảo đảm thắng lợi của sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cách mạng Việt Nam không ngừng phát triển, giành được nhiều thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng nhân loại thoát khỏi áp bức, bất công và chung tay cùng các quốc gia, dân tộc trên thế giới giải quyết những vấn đề thách thức toàn cầu, bảo vệ hòa bình, công lý, gắn kết tình hữu nghị, hợp tác hướng đến mục tiêu xây dựng, phát triển thế giới văn minh.

Học thuyết Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn mãi thôi thúc những con người tranh đấu cho độc lập dân tộc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân, yêu chuộng hòa bình, công lý và tiến bộ xã hội học tập, nghiên cứu và vận dụng sáng tạo để tiếp tục xóa đi đói nghèo, áp bức, bất công./. Phan Văn Lãn

 

1. Theo sách “Cuộc đời và Sự nghiệp của Các Mác”, Nhà xuất bản Sự thật - 1978.

2, 3, 4: Theo tạp chí Lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam.

4. Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia.

519 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 632
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 632
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77468169