Điều đó cho thấy, chính sách đối ngoại của các nước suy cho cùng, là quan niệm về lợi ích quốc gia và phương thức thực hiện lợi ích quốc gia. Tuy nhiên, nếu một quốc gia chỉ vì lợi ích của đất nước mình, bất chấp lợi ích của quốc gia khác và luật pháp quốc tế thì sức mạnh mềm của nước đó sẽ bị tổn hại; ngược lại, nếu quốc gia biết đặt lợi ích của đất nước mình hài hòa với lợi ích của quốc gia khác và trên cơ sở luật pháp quốc tế, sức mạnh mềm của quốc gia đó sẽ gia tăng.
Quá trình hoạch định và triển khai chính sách đối ngoại của hầu hết các nước đều chịu ảnh hưởng trực tiếp của nhà lãnh đạo, giới tham mưu chính sách và gián tiếp từ các nhóm lợi ích, giới truyền thông, công chúng. Theo đó, sức mạnh mềm của một nước có thể tác động tới quá trình đối tác hoạch định và triển khai chính sách đối với quốc gia đó qua hai kênh: Một là, nhận thức của nhà lãnh đạo và giới tham mưu chính sách của nước đối tác; hai là, nhận thức của các nhóm lợi ích, giới truyền thông và công chúng của nước đối tác, qua đó tác động tới nhà lãnh đạo và giới tham mưu chính sách.
Trong khi sức mạnh cứng có thể được dùng để đánh đổi, răn đe, áp đặt (hay dùng để chống lại những điều này) và gây tác động trực tiếp tới chính sách và hành vi của nước đối tác; sức mạnh mềm chủ yếu mang lại tác động gián tiếp tới chính sách của nước đối tác thông qua tình cảm tốt đẹp (với mình), ấn tượng tích cực (về mình) của nhà lãnh đạo và giới tham mưu chính sách của nước đối tác. Đơn cử như, nếu nhà lãnh đạo và giới tham mưu chính sách của nước này có thiện cảm, ấn tượng tích cực về một nước khác thì trong các tính toán lợi ích, nước đó có thể có cách tiếp cận, xử lý vấn đề “mềm” hơn đối với nước kia. Tuy nhiên, cũng cần phân biệt giữa quốc gia và các chính sách của quốc gia đó. Một số quốc gia có nguồn sức mạnh mềm lớn, nhưng không phải khi nào cũng được sự ủng hộ của các quốc gia khác khi điều này đi ngược lại Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.
Nguồn sức mạnh mềm của Việt Nam
Nếu cho rằng, sức mạnh mềm là khả năng hấp dẫn đối tác thì khi xác định nguồn sức mạnh mềm của Việt Nam cần tiếp cận theo nghĩa rộng, bao hàm tất cả những gì có thể tạo nên và gia tăng khả năng ấy, trong đó quan trọng nhất, bao gồm:
Thứ nhất, lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam khiến các nhà lãnh đạo, học giả và những người quan tâm đến lịch sử ở nhiều nước trên thế giới ngưỡng mộ. Giữ vững độc lập sau gần 1.000 năm Bắc thuộc, đẩy lùi các nỗ lực xâm lược, đồng hóa, nhất là ba lần đánh tan quân Nguyên Mông xâm lược và giành thắng lợi trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ trong thời đại Hồ Chí Minh, đã đưa dân tộc Việt Nam lên vị trí hàng đầu trong các dân tộc yêu độc lập, tự do và kiên quyết bảo vệ độc lập, tự do. Thắng lợi đó không chỉ khích lệ các dân tộc bị áp bức trên thế giới đứng lên đấu tranh giải phóng dân tộc, mà còn tác động mạnh mẽ tới tính toán và lực lượng của các thế lực thực dân, đế quốc, góp phần quan trọng vào quá trình phi thực dân hóa ở khu vực châu Phi. Độc lập, tự do là giá trị chung của nhân loại. Lịch sử hào hùng của cha ông ta đã tạo nên nguồn sức mạnh mềm to lớn cho các thế hệ sau tiếp nối. Hiện nay, nhiều nhóm nước bạn bè quốc tế vẫn luôn sẵn sàng ủng hộ Việt Nam, bỏ phiếu ủng hộ Việt Nam ứng cử tại các tổ chức đa phương khu vực và quốc tế, nhất là Liên hợp quốc, mà không đưa ra hoặc yêu cầu bất cứ điều kiện gì.
Thứ hai, nền văn hóa Việt Nam có sức hấp dẫn cao. Điều này thể hiện qua một số điểm chính sau: Một là, tính bao dung. Là một trong những dân tộc chịu nhiều đau thương, mất mát trong lịch sử, nhưng người dân Việt Nam không bao giờ nuôi thù hận. Việt Nam không quên những tội ác và hậu quả bi thảm mà các thế lực ngoại bang gây ra trong các cuộc chiến tranh xâm lược tàn khốc, nhưng chúng ta gác lại quá khứ, nhìn về tương lai. Việt Nam không sử dụng lịch sử làm công cụ triển khai chính sách đối ngoại. Với cách ứng xử đó, Việt Nam đã chuyển hóa được tất cả thế lực ngoại bang xâm lược (trong lịch sử cận đại và hiện đại) trở thành đối tác. Hai là, sự hiếu khách. Sự hiếu khách của người dân Việt Nam không chỉ thể hiện ở tính cởi mở, sẵn sàng đón nhận, mà còn là sự tôn trọng khách. Phần lớn người nước ngoài đến Việt Nam, nếu vượt qua được những cú “sốc” văn hóa, đều có ấn tượng rất tốt và sâu sắc về đất nước, con người Việt Nam. Ba là, tính đa dạng và đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam. Trong thế giới công nghiệp hóa, văn hóa của 54 dân tộc Việt Nam với nhiều giá trị được bảo tồn và phát triển, có sức hấp dẫn lớn đối với người nước ngoài. Bên cạnh những món ẩm thực đã trở thành thương hiệu, như “bún chả tổng thống”, “bánh mì thủ tướng”, các sản phẩm văn hóa của Việt Nam cũng thu hút mạnh mẽ nhiều người nước ngoài đến chiêm ngưỡng, hưởng thụ và cùng bảo tồn, phát triển, qua đó, sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam đã dần cảm hóa họ.
Thứ ba, mục tiêu và thành tựu phát triển của Việt Nam tạo được ấn tượng tốt đối với cộng đồng quốc tế. Chủ nghĩa xã hội mà Việt Nam xây dựng có đặc trưng bao quát là “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Điều này được phần lớn các nước trong cộng đồng quốc tế tán đồng. Cũng chính điều này đã giúp nhiều học giả nước ngoài hiểu được Việt Nam đã và đang hướng tới các mục tiêu chung của nhân loại tiến bộ. Bên cạnh đó, những thành tựu phát triển vì con người cũng góp phần tạo nên sự hấp dẫn của nền văn hóa Việt Nam. Từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, trong số các nước giành được độc lập từ chủ nghĩa thực dân và chiến thắng ngoại xâm, Việt Nam là một trong số ít trường hợp thành công trong duy trì hòa bình, ổn định và phát triển. Sau gần 40 năm đổi mới, Việt Nam từ một nước cần sự hỗ trợ, viện trợ vật chất của cộng đồng quốc tế, trở thành một nước tự chủ được các nguồn lực cơ bản và bước đầu đóng góp những nguồn lực vật chất cho công việc chung của cộng đồng khu vực và quốc tế. Các thành tựu về xóa đói, giảm nghèo, bao phủ chăm sóc y tế, đẩy mạnh giáo dục, bảo đảm công bằng xã hội được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Ngày 30/6/2023, Tổng Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) sau khi khảo sát thực tế tại Việt Nam, đã nhận xét: “ILO nói riêng và Liên hợp quốc nói chung lấy Việt Nam là mô hình của sự nỗ lực, phát triển để các nước tham khảo, học tập”... Trong các vấn đề về quyền con người, dân chủ và tự do tôn giáo, Việt Nam cũng tiếp thu phần lớn các mục tiêu chung của nhân loại. Điểm khác biệt giữa Việt Nam với một số nước phương Tây là phương cách và lộ trình đi đến các mục tiêu đó. Để thu hẹp sự khác biệt, Việt Nam chuyển từ “đấu tranh” sang phương thức thiên về “chia sẻ, thuyết phục”. Với cách tiếp cận này và đặc biệt là những thành tựu đạt được trong bảo đảm quyền con người đã góp phần nâng tầm vị thế, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trong lòng bạn bè quốc tế, kể cả các nước phương Tây.
Thứ tư, chính sách đối ngoại và quan hệ của Việt Nam với các đối tác cũng tạo thiện cảm nhất định trong cộng đồng quốc tế. Từ quan điểm “nhất biên đảo”, Việt Nam dần chuyển sang đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, hội nhập quốc tế, sẵn sàng làm bạn, là đối tác tin cậy, thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Nguyên tắc đối ngoại là bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi. Đường lối, chính sách này mang quan điểm riêng của Việt Nam, nhưng cũng chia sẻ với phần lớn các nước vừa và nhỏ trên thế giới, nhất là trong phương châm làm bạn với tất cả các nước, nhưng không làm đồng minh của nước nào.
Trong quan hệ với các nước, Việt Nam thu hút được nhiều thiện cảm của hầu hết các nước; Việt Nam quan niệm về lợi ích một cách hài hòa giữa lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài, giữa “điểm” và “diện”; hết sức tránh tình huống phải hành động vì lợi ích quốc gia - dân tộc mà gây ảnh hưởng tiêu cực tới lợi ích của nước khác; xử lý hài hòa mối quan hệ với các nước, nhất là các nước lớn. Đối với công việc chung của khu vực và quốc tế, từ việc ủng hộ, đóng góp ý tưởng, Việt Nam dần đóng góp cả nguồn lực tài chính, vật chất và con người. Những hoạt động gần đây, như đóng góp vào nỗ lực cứu trợ nhân đạo cho nhân dân U-crai-na; cử đoàn cứu hộ, cứu nạn tới Thổ Nhĩ Kỳ sau thảm họa động đất; gia tăng đóng góp vào các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc ở Nam Xu-đăng, khu vực Abyei, Trung Phi,... có tác động tích cực tới việc duy trì quan hệ truyền thống với các nước; đồng thời, tạo hình ảnh mới về một Việt Nam có trách nhiệm đối với công việc chung của cộng đồng thế giới.
Đối với các đối tác, dù là cá nhân, tổ chức hay quốc gia, Việt Nam cũng tạo dựng được hình ảnh ngày một tích cực hơn về một đất nước, một dân tộc biết giữ chữ “tín”, “nói đi đôi với làm”. Việt Nam luôn nghiêm chỉnh, tuân thủ các cam kết quốc tế và điều này là một trong những lý do quan trọng để các nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư vào Việt Nam, các nước muốn ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam; tại các diễn đàn đa phương khu vực và quốc tế, hầu hết ứng cử viên của Việt Nam đều được bầu với số phiếu cao.
Phát huy sức mạnh mềm của Việt Nam trong giai đoạn mới
Năm 1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn cán bộ ngoại giao: “làm gì cũng cần vì lợi ích dân tộc mà làm”. Hiện nay, mục tiêu quan trọng nhất của Việt Nam là: Đến năm 2030, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Mục tiêu đó được thực hiện trong bối cảnh khu vực và quốc tế có nhiều điểm khác so với trước: giữa các nước lớn, cạnh tranh nổi trội hơn hợp tác; trong quan hệ quốc tế, chính trị cường quyền nổi trội hơn hợp tác bình đẳng; chia rẽ đan xen với liên kết; toàn cầu hóa tiến triển song song với phân tuyến, đứt gãy... Trước bối cảnh đó, cùng với việc tiếp tục gia tăng sức mạnh cứng, quá trình phát triển sức mạnh mềm của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cần tính tới một số điểm sau:
Mục tiêu phát triển sức mạnh mềm: Đến năm 2030, Việt Nam sẽ duy trì sự cảm thông, chia sẻ, tạo dựng và củng cố lòng tin của các nước lớn, sự ủng hộ của các nước vừa và nhỏ; sự hấp dẫn đối với người dân và nhà đầu tư các nước. Đồng thời, gia tăng uy tín quốc tế để đến năm 2045 có thể dẫn dắt trong một số vấn đề, khía cạnh mà Việt Nam thành công và được cộng đồng quốc tế, nhất là các nước vừa và nhỏ, đánh giá cao.
Đối tượng sức mạnh mềm Việt Nam hướng tới: Bao gồm: giới tinh hoa, nhà lãnh đạo trẻ, giới truyền thông, doanh nghiệp, thanh niên và nhân dân các nước. Đây là những lực lượng sẽ tham gia trực tiếp vào quá trình hoạch định và triển khai chính sách đối ngoại của Việt Nam ở các nước; trở thành những nhà đầu tư vào Việt Nam; bảo vệ Việt Nam trước âm mưu và hành động chống phá của các thế lực thù địch, phản động...
Định hướng phát triển sức mạnh mềm: Đến năm 2030, nếu xét về mức độ ảnh hưởng tới quan niệm của các đối tác, thì trong bốn nguồn sức mạnh mềm của Việt Nam, chính sách đối ngoại và cách hành xử trong đối ngoại có ảnh hưởng lớn nhất và trực tiếp nhất; tiếp đến là mô thức, thành tựu phát triển, văn hóa và lịch sử. Tất cả nguồn sức mạnh mềm này cần được phát triển và biến chúng trở thành sức mạnh đối ngoại Việt Nam. Để hiện thực hóa được điều đó, chúng ta cần nhấn mạnh một số vấn đề sau:
Một là, quá trình hoạch định và triển khai chính sách đối ngoại đối với các đối tác cần tiếp tục tăng cường tính minh bạch, nhất quán ở cả ba tầng nấc: cá nhân, tổ chức và quốc gia; nghiêm chỉnh, tuân thủ các cam kết quốc tế, nỗ lực củng cố và tăng cường lòng tin với các đối tác; từng bước gia tăng mức độ chia sẻ với hệ giá trị tiến bộ của nhân loại, trước hết là thượng tôn luật pháp quốc tế, từng bước xác lập vị thế trong nhóm các nước đi đầu về thúc đẩy những xu hướng tiến bộ của nhân loại; đẩy mạnh thực hiện định hướng “đối tác tin cậy, thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế” thông qua chủ động, tích cực đóng góp các nguồn lực, kể cả tài lực, vật lực và nhân lực, vào quá trình giải quyết những vấn đề chung của cộng đồng khu vực và quốc tế.
Hai là, mô thức phát triển cần tiếp tục được thiết kế và thúc đẩy theo các tiêu chí chung của nhân loại (tương tự các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030), vì hạnh phúc của người dân và lấy người dân làm trung tâm; đẩy nhanh quá trình xây dựng và hoàn thiện các thể chế phát triển, tiếp thu kinh nghiệm thành công trên thế giới, nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế; cùng với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền con người và quan tâm thích đáng đến bảo vệ môi trường. Nếu Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, trong đó có cam kết đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050, thì sức hấp dẫn của Việt Nam đối với quốc tế sẽ gia tăng gấp nhiều lần, các nhà hoạch định chính sách của các nước sẽ có thêm ấn tượng tốt về Việt Nam, nhiều khách du lịch và nhà đầu tư nước ngoài sẽ đến với Việt Nam.
Ba là, thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030. Để phát triển sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam, nguồn lực văn hóa cần được phát huy trong tất cả các khâu, từ bảo tồn, phát triển đến quảng bá ra thế giới. Đồng thời, để gia tăng sức hấp dẫn đối với cộng đồng quốc tế, văn hóa cần có tính đặc sắc và chiến lược để bạn bè quốc tế hiểu và muốn “thưởng thức” tính đặc sắc đó. Do vậy, bên cạnh việc bảo tồn, phát triển văn hóa, cần tận dụng các cơ hội từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, toàn diện của Việt Nam, để nâng cao hiệu quả các hoạt động quảng bá văn hóa Việt Nam. Đồng thời, cần nêu cao ý thức của mỗi người dân Việt Nam trong việc gìn giữ những nét đẹp văn hóa của dân tộc.
Bốn là, tăng cường quảng bá về truyền thống lịch sử Việt Nam đến gần hơn với thế giới; biên soạn lịch sử Việt Nam phù hợp với từng nhóm độc giả mục tiêu, trước hết là giới lãnh đạo và tham mưu chính sách; tiếp đó là, thanh niên, sinh viên và nhân dân các nước, những người quan tâm tới Việt Nam; cách viết và hình thức truyền tải cần phù hợp với từng đối tượng. Xây dựng hệ giá trị chuẩn mực, những hình tượng đẹp, nhân cách điển hình của con người Việt Nam, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang bước vào thời kỳ hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng. Mỗi người dân Việt Nam phải là một “sứ giả” truyền bá văn hóa, lịch sử, sự chân thành, thân tình, lòng mến khách của dân tộc Việt Nam đến với thế giới, để bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn về Việt Nam, chia sẻ hơn với Việt Nam.
Năm là, lồng ghép các nội dung về xây dựng và phát huy sức mạnh mềm Việt Nam vào chiến lược, kế hoạch xây dựng con người, trước hết là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ làm công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế, tiếp đó là cá nhân, tổ chức, cộng đồng có các hoạt động liên quan đến người nước ngoài, yếu tố nước ngoài, trên cả ba không gian: trong nước, ngoài nước và trên mạng. Huy động mọi nguồn lực, mọi thành phần tham gia, sự chung tay của cả cộng đồng trong việc quảng bá thương hiệu, hình ảnh Việt Nam. Vai trò chủ lực của các cơ quan, ban, bộ, ngành, sự vào cuộc của doanh nghiệp, người dân, sự kết nối của vai trò mạng lưới lãnh sự Việt Nam tại hàng trăm quốc gia trên thế giới cũng như mạng lưới du học sinh..., tạo thành sức mạnh tổng hợp để đưa hình ảnh Việt Nam đến gần với thế giới và đưa thế giới đến gần với Việt Nam. Bên cạnh đó, sự tham gia, đóng góp của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài sẽ “góp phần gìn giữ, phát huy tiếng Việt, bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc, thu hút nguồn lực chất lượng cao ở nước ngoài đóng góp cho sự phát triển bền vững của đất nước”.
Tựu chung, sức mạnh mềm là một bộ phận quan trọng của sức mạnh tổng hợp quốc gia. Trong hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, vì độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, Việt Nam đã phát huy hiệu quả sức mạnh mềm, nhất là tính chính nghĩa của cuộc kháng chiến vì lợi ích quốc gia - dân tộc Việt Nam, nhưng cũng vì những giá trị chung của nhân loại yêu chuộng hòa bình, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội. Sau chiến tranh, nhất là từ khi thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, Việt Nam tiếp tục củng cố và phát triển sức mạnh mềm thông qua nỗ lực phát triển văn hóa, kinh tế - xã hội, mở cửa, hội nhập quốc tế, theo đuổi đường lối, chính sách đối ngoại phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, với xu hướng chung của cộng đồng quốc tế. Sau gần 40 năm đổi mới, bây giờ là thời điểm phù hợp để Việt Nam tiếp tục phát huy hơn nữa nguồn sức mạnh mềm của đất nước. So với các quốc gia trong khu vực, Việt Nam có nguồn sức mạnh mềm khá lớn. Tuy nhiên, để nguồn sức mạnh mềm của Việt Nam đạt được mức độ có thể tạo tác động tích cực hơn tới các đối tác, nhất là các đối tác lớn, cần sự nỗ lực rất nhiều của tất cả người dân Việt Nam./. Văn Lãn (tổng hợp)