Sức mạnh chính trị tinh thần trong chiến dịch Việt Bắc – Thu Đông 1947 

Cách đây 70 năm, chiến dịch Việt Bắc – Thu Đông diễn ra và giành thắng lợi vang dội trong vòng 70 ngày, đánh dấu mốc phát triển mới của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Chiến thắng Việt Bắc - Thu Đông năm 1947 là thành quả tổng hợp của nhiều nhân tố, nhưng nổi bật nhất vẫn là đường lối chiến lược, chiến thuật đúng đắn sự kết hợp sức mạnh chính trị, tinh thần của Đảng ta nhằm xây dựng thế trận toàn dân chung sức chung lòng, quyết tấm đánh thắng giặc Pháp xâm lược.

Sau chủ trương toàn quốc kháng chiến năm 1946 của Đảng, trên khắp các chiến trường Việt Nam thực dân Pháp đã rơi vào tình thế lúng túng, nhưng với bản chất ngoan cố, hiếu chiến và đầy tham vọng, thực dân Pháp đưa ra kế hoạch nhằm mở rộng chiến tranh, cuộc tiến công lên Việt Bắc là một kế hoạch nằm trong chiến lược đó. Mục tiêu của cuộc tiến công là nhằm loại trừ bộ đội chủ lực ra khỏi vòng kháng chiến, lập chính phủ bù nhìn toàn quốc, kết thúc chiến tranh và đặt lại ách thống trị lên toàn bộ nước ta, khóa chặt biên giới Việt – Trung, ngăn chặn mối quạn hệ giữa cách mạng Việt Nam với cách mạng Trung Quốc.

Theo kế hoạch đã được sắp đặt từ trước, ngày 7/10/1947 thực dân Pháp tập trung hơn 20.000 quân tinh nhuệ được trang bị đầy đủ vũ khí, phương tiện hiện đại (máy bay, tàu chiến, đại bác…) mở cuộc tiến công lớn, thọc sâu vào hậu phương ta, đánh thẳng vào trung tâm Việt Bắc, căn cứ địa chính của cuộc kháng chiến.

Kết quả, sau 10 tháng tấn công lên Việt Bắc, thực dân Pháp mất hơn 20.000 quân tinh nhuệ, 3000 triệu bạc, bao nhiêu đồn điền, mỏ than, nhà buôn, xưởng máy của chúng đều tan hoang, chính phủ Pháp và bộ chỉ huy của chúng ở Việt Bắc đã phải thay đổi mấy lần, hậu quả thiệt hại về người và của đã gây ra một làn sóng phản đối chiến tranh lan rộng trong toàn nhân dân Pháp.

Về phía ta, bằng sự lãnh đạo sáng suốt, nhạy bén của Đảng, bằng sức mạnh của tinh thần toàn dân kháng chiến chống giặc chúng ta đã giành được những thắng lợi vang dội. Để đối phó với kế hoạch tấn công của địch, Trung ương ra Chỉ thị: Phải phá cuộc tấn công mùa đông của giặc Pháp, chỉ thị nêu rõ nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta lúc này là: Phải làm cho địch thiệt hại nặng nề không gượng lại được sau chiến dịch mùa đông này1. Thực hiện chỉ thị trên, bộ máy chỉ huy của ta từng bước được kiện toàn, năng động, lực lượng vũ trang và bộ đội chủ lực không ngừng lớn mạnh, trước ngày toàn quốc kháng chiến chúng ta mới có 80.000 chiến sỹ thì tới mùa Hè năm 1947 đã là 125.000 chiến sỹ, bao gồm 57 trung đoàn và 19 tiểu đoàn độc lập, lực lượng dân quân du kích cũng tăng lên hơn 1 triệu người. Về vũ khí, từ vài vạn khẩu súng trường đã củ nay đã lên đến 10.000 khẩu súng lấy được của địch trên các mặt trận, nhiều đơn vị chuyên đánh địa lôi, xe tăng… được thành lập, hàng vạn cán bộ được huấn luyện ngắn ngày.

Ngày 7/10/1947 với khoảng 12.000 lính Âu – Phi gồm cả hải, lục, không quân (5 trung đoàn bộ binh, 3 tiểu đoàn dù, hai tiểu đoàn pháo binh, 40 máy bay, 40 tàu chiến và ca nô, 800 xe cơ giới và phần lớn lực lượng thủy quân, cơ giới phối hợp), thực dân Pháp mở cuộc tấn công quy mô lớn lên chiến khu Việt Bắc. Để đối phó với sự tấn công của thực dân Pháp, quân và dân Việt Bắc bố trí lực lượng  thành ba tuyến chính: Mặt trận sông Lô, Mặt trận đường số 4 và Mặt trận đường số 3. Những ngày đầu chiến tranh, do thực dân Pháp chủ động lại  dựa vào phương tiện, kỷ thuật chiến tranh hiện đại nên gây cho chúng ta ít nhiều tổn thất. Sau những ngày đầu lúng túng, chúng ta đã kịp thời rút kinh nghiệm và đề ra được những phương châm chống địch hiệu quả hơn, bộ độ chủ lực ta đã phân tán thành 30 đại đội độc lập và 18 tiểu đoàn tập trung, phối hợp chặt chẻ với dân quân, du kích đánh thắng nhiều trận lớn trên các Mặt trận Sông Lô, đường số 3, đường số 4. Đồng bào các dân tộc Việt Bắc đoàn kết thành một khối, anh dũng chiến đấu giết giặc lập công.

Sau hơn hai tháng hành quân, đổ bộ, lùng sục, càn quét quyết liệt, ngày 20/12/1947, do bị tổn thất nặng nề về người và của, quân đội Pháp phải âm thầm, lặng lẽ rút lui. Trong chiến dịch Việt Bắc, 3.300 quân xâm lược Pháp bị tiêu diệt, 3.900 tên bị thương, 270 tên ra hàng, 18 máy bay bị hạ, 38 ca nô và 16 tàu chiến bị bắn chìm. Việt Bắc trở thành mồ chôn giặc Pháp. Âm mưu nhanh chống kết thúc chiến tranh đặt lại chế độ thực dân lên đất nước ta của Pháp bị dập nát.

Đối với mặt trận Trung Bộ và Nam Bộ, với tinh thần phối hợp cùng với Việt Bắc, chia lửa cùng Việt Bắc, quyết tâm bảo về căn cứ địa thần thánh của dân tộc, quân và dân ta hàng ngày, hàng giờ đã lập nên nhiều chiến công mới, những hoạt động quân sự của quân và dân ta ở Trung Bộ và Nam Bộ đã diễn ra khắp nơi. Tại khu 5 và 6, quân và dân ta đã đánh địch mãnh liệt ở Quảng Nam, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Tây Nguyên… các căn cứ kháng chiến như Ninh Hòa, Cam Ranh, Đắc Lắc, Kon Tum được thành lập và ngày càng phát triển.

 Ở Quảng Trị, từ tháng 5/1947 đã hình thành thế trận cài răng lược giữa ta và địch, địch từ thị xã tỉnh lỵ, thị trấn và các vị trí đồn bốt liên tục mở các trận càn quét, bình định, mở rộng vùng chiếm đóng. Quân và dân Quảng Trị đoàn kết, dùng đủ mọi cách đánh địch, chống càn hết trận này đến trận khác, kết hợp trừ gian, phá hội tề, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân. Hè – Thu năm 1947, ở Hướng Hóa, tranh thủ thời gian thực dân Pháp đang tập trung lực lượng đánh phá, bình định nông thôn, Ban Cán sự Đảng ở miền núi đã chỉ đạo nhân dân tăng cường công tác phòng gian, bảo mật, đẩy mạnh sản xuất lương thực, thực phẩm, ra sức phát triển văn hóa,  y tế, giáo dục,  xây dựng mạng lưới giao thông liên lạc vững mạnh… Thu Đông năm 1947, quân và dân tỉnh Quảng Trị đã đoàn kết đứng lên chống giặc bằng sức lực, vũ khí trong tay của mình, kết quả đã giữ vững được vùng đồi núi và một phần nông thôn, đồng bằng, nối liền chiến khu của tỉnh Quảng Trị với chiến khu các tỉnh Trị Thiên – Quảng Bình… góp phần vào thắng lợi chung của chiến dịch Việt Bắc - Thu Đông năm 1947.

Ở Nam Bộ, phối hợp với Việt Bắc, quân và dân ta đã hoạt động đều khắp. Quán triệt Chỉ thị “Phá tan cuộc hành quân mùa đông của giặc Pháp”, ngày 11/10/1947 một tên phản quốc đầu sỏ bị trừng trị tại Sài Gòn, ngày 22/11/1947, quân ta tập kích một số tiệm ăn trên đường Ca – ti – na (Sài Gòn), tiêu diệt gần 40 tên Pháp, đêm 4/12/1947 quân ta tiến công nhiều đồn bốt, kho tàng của địch tại Sài Gòn, Gia Định, ngày 19/12, ta tiêu diệt gần 10 xe của địch trên đương Thủ Dầu Một – Phú Riềng…Kết hợp với những cuộc tiến công quân sự, đồng bào ở nhiều địa phương đã vùng lên tiêu diệt bọn ác ôn, bọn Việt gian phản động phá nát bộ máy cai trị của chúng ở nhiều xã thôn. Những thắng lợi này đã góp phần làm cho kẻ địch hoang mang, hoảng loạn, vấp hết sai lầm này sang sai lầm khác dẫn đến thất bại trong chiến dịch Việt Bắc - Thu Đông năm 1947.

Rõ ràng, đối với một quân đội non trẻ, chưa phải là chính quy như quân đội ta, đối với một dân tộc anh dũng, kiên cường nhưng chưa có cơ sở vật chất kỷ thuật, phương tiện chiến tranh hiện đại như dân tộc ta thì đây là một thắng lợi hết sức lớn lao, thắng lợi của sức mạnh chính trị tinh thần của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Nhân tố chính trị, tinh thần này không phải tự nhiên mà có, nó là sản phẩm của truyền thống đoàn kết chống giặc ngoại xâm, của tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, hình thành từ nhận thức sâu sắc về tính chất chính nghĩa của cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Nhân tố đó không chung chung, trừu tượng mà được thể hiện cụ thể ở: sự giác ngộ sâu sắc mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc; lòng yêu nước nồng nàn của nhân dân, khát vọng mong muốn sống trong hòa bình, độc lập, tự do, kiên quyết đấu tranh để giải phóng quê hương, đất nước, thể hiện rõ chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”; tinh thần quyết chiến quyết thắng, v.v. Đó là nội dung cốt lõi trong sức mạnh chính trị, tinh thần của quân và dân ta. Nó là chất keo dính kết các nhân tố cùng hội tụ để chuyển hóa lực lượng, tạo nên sức mạnh tổng hợp hơn hẳn đối phương để giành chiến thắng.

Trong chiến dịch Việt Bắc Thu Đông rõ ràng, kẻ thù có ưu thế vượt trội về tiềm lực kinh tế - quân sự, nhưng lại kém hẳn ta về sức mạnh chính trị, tinh thần và xét một cách tổng thể thì ta mạnh hơn địch. Cho nên thắng lợi cuối cùng thuộc về nhân dân ta là hợp với quy luật của chiến tranh: mạnh được yếu thua. Trong giai đoạn đầu của chiến dịch khi so sánh tương quan lực lượng giữa ta và địch có sự chênh lệch lớn về nhiều mặt mà ưu thế thuộc về kẻ thù. Nhưng với ý chí tự lực “lấy sức ta mà giải phóng cho ta”; từ quan điểm phát huy sức mạnh tổng hợp, nhận rõ tính chính nghĩa và ưu thế tuyệt đối về mặt chính trị, tinh thần thuộc về nhân dân ta, Đảng ta khẳng định ý chí, quyết tâm đánh thắng giặc Pháp xâm lược và đề ra những đường lối đúng đắn, sáng tạo. Đây chính là biểu trưng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam cũng là nét độc đáo của chiến tranh nhân dân Việt Nam, huy động được mọi nguồn lực, sức mạnh chính trị, tinh thần của quân và dân ta trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Từ nhận thức đúng tính chính nghĩa của cuộc kháng chiến, với niềm tin tất thắng dưới sự lãnh đạo của Đảng thì ý Đảng, lòng dân thống nhất, hòa quyện là một, thôi thúc ý chí quyết tâm: dám đánh, quyết đánh, quyết thắng giặc Pháp xâm lược. Đây chính là sức mạnh của chính trị, tinh thần vô địch mà kẻ thù không có được. Sức mạnh đó không phải là sức mạnh trừu tượng mà biến thành sức mạnh vật chất - “kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn. Nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả bè lũ cướp nước và bán nước”.

Chính vì thế, tại hội nghị mở rộng của Trung ương Đảng tháng 1/1948 Đảng ta đã đánh giá: “Cuộc phản công thắng lợi ở Việt Bắc chứng tỏ Việt Nam nước nhỏ, không có căn cứ địa vững chắc, biên giới có thể bị bao vây, vũ khí kém nhưng với sự đoàn kết và cố gắng của toàn dân vẫn có thể kháng chiến thắng lợi”1.

Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay có những thuận lợi mới, song cũng đứng trước không ít những khó khăn, thách thức. Tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố bất trắc, khó lường. Việc xuất hiện một số loại hình chiến tranh kiểu mới, như: chiến tranh thông tin, chiến tranh mạng, sử dụng sức mạnh mềm thông qua các hoạt động kinh tế, ngoại giao, văn hóa kết hợp với “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ,… là sức mạnh nguy hiểm. Trong nước, sự nghiệp đổi mới, hội nhập kinh tế quốc tế đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử; tuy nhiên, vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém. Tác động mặt trái của kinh tế thị trường thời kỳ hội nhập ngày càng sâu rộng và gay gắt hơn. Bốn nguy cơ mà Đảng ta chỉ ra vẫn còn tồn tại, có mặt diễn biến phức tạp, v.v. Điều đó tác động, ảnh hưởng không nhỏ tới việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

Tình hình trên đòi hỏi chúng ta phải thường xuyên coi trọng xây dựng, phát huy sức mạnh chính trị, tinh thần, tạo nên sức mạnh tổng hợp để bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Theo đó, cần phải tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó thực hiện tốt một số trọng tâm sau:

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt và thực hiện mục tiêu, quan điểm, phương hướng, phương châm chỉ đạo của Đảng về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới  mà Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) đã đề ra. Phải nắm vững và vận dụng nhuần nhuyễn bài học của ông cha ta: “Dựng nước đi đôi với giữ nước”; “giữ nước từ khi nước chưa nguy”; có kế sách ngăn ngừa, loại bỏ các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa. Nhất quán thực hiện cho được: “kinh tế phải vững, quốc phòng phải mạnh, thực lực phải cường, lòng dân phải yên, chính trị - xã hội ổn định, cả dân tộc là một khối đoàn kết thống nhất”.

Thứ hai, cần có chiến lược về xây dựng, động viên và phát huy nhân tố chính trị, tinh thần trong tình hình mới. Chiến lược đó phải kết hợp chặt chẽ và nằm trong tổng thể chiến lược quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc, là một bộ phận hợp thành sức mạnh tổng hợp quốc gia, gắn bó chặt chẽ với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược xây dựng đất nước. Điểm cơ bản, cốt lõi nhất là phải ra sức củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ, chăm lo và bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân, củng cố “thế trận lòng dân” vững chắc.

Thứ ba, Đẩy mạnh xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có chất lượng tổng hợp, sức chiến đấu cao, thực sự là lực lượng nòng cốt cho toàn dân trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đưa ra mục tiêu trọng yếu của nhiệm vụ quốc phòng an ninh trong tình hình mới là: Phát huy mạnh mẽ sức mạnh của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, tranh thủ tối đa sự đồng tình ủng hộ của cộng đồng quốc tế, kiên quyết, kiên trì đấu tranh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc….Để thực hiện được mục tiêu trên, trước hết, phải tập trung xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, làm cơ sở xây dựng Quân đội vững mạnh về mọi mặt, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân. Bởi, theo V.I. Lê-nin: “Ở đâu mà công tác chính trị trong quân đội, công tác của các chính uỷ làm được chu đáo nhất thì ở đấy không hề có tình trạng lỏng lẻo trong quân đội, quân đội giữ được trật tự tốt hơn và tinh thần của họ cũng cao hơn. Ở đấy thu được nhiều thắng lợi hơn”. Theo đó, cần tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với Quân đội; nâng cao hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ chính trị, chính ủy, chính trị viên vững mạnh; tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Quân đội với nhân dân. Đồng thời, chủ động đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch, nhất là âm mưu “phi chính trị hóa” quân đội của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc trận địa tư tưởng của Đảng trong Quân đội.

Xây dựng nền quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân vẫn là quan điểm cơ bản, xuyên suốt của Đảng ta trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc; trong đó, sức mạnh cơ bản và vũ khí sắc bén vẫn là sức mạnh chính trị, tinh thần. Do đó, việc chăm lo xây dựng nhân tố chính trị, tinh thần cho nhân dân ta, Quân đội ta vẫn là nội dung quan trọng có ý nghĩa quyết định để giành chiến thắng trong nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Để xây dựng nhân tố chính trị, tinh thần cần phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đối với đội ngũ cán bộ chính trị - những cán bộ của Đảng trong Quân đội, lực lượng lòng cốt, trực tiếp xây dựng nhân tố chính trị, tinh thần cho bộ đội thì đây là vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhiệm vụ cơ bản, trọng yếu nhất. Lê Thị Châu Minh

 

1 Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương, Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb Sự Thật, Hà Nội, 1999, tr.558.

1 Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương, Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb Sự Thật, Hà Nội, 1999, tr 561.

3548 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 765
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 765
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87003479