Thực hiện kế hoạch của Ban Dân vận Trung ương về phát động phong trào thi đua “Dân vận khéo”, trong những năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã ban hành các văn bản tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt thực hiện các chủ trương của Trung ương về công tác dân vận của hệ thống chính trị các cấp trong tỉnh, chú trọng công tác dân vận chính quyền, thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. như: Chương trình hành động số 79-CTHĐ/TU, ngày 28/10/2013 thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng khoá XI về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”; Công văn số 106-CV/TU, ngày 30/3/2016 triển khai thực hiện Kế luận số 120-KL/TW, ngày 07/10/2016 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh, nanag cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở”; Quyết định số 300-QĐ/TU, ngày 26/10/2011 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ thực hiện Quyết định số 290-QĐ/TW của Bộ Chính trị khoá X về ban hành Quy chế công tác dân vận trong hệ thống chính trị...
Các cấp ủy đảng đã có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát các cấp, các ngành, các lực lượng làm công tác dân vận và chỉ đạo Ban Dân vận cơ sở xây dựng kế hoạch, hướng dẫn triển khai tổ chức thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh uỷ. Ðồng thời, xác định rõ việc phát động, tổ chức triển khai thực hiện phong trào, xây dựng và nhân rộng các điển hình “Dân vận khéo” là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị; phải sâu rộng trong tất cả các cấp, các ngành, Mặt trận, đoàn thể; cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân; trên mọi lĩnh vực hoạt động xã hội.
Phong trào “Dân vận khéo” đã thực sự lan rộng trên tất cả các lĩnh vực, ở khắp các địa phương, đơn vị trong cả nước, mang lại hiệu quả thiết thực, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo ra động lực mạnh mẽ cho việc phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ chính trị Căn cứ đặc điểm, tình hình cụ thể của từng địa phương đơn vị, các cấp ủy đảng đã định hướng cho các tổ chức trong hệ thống chính trị lựa chọn, xác định nội dung sao cho phù hợp để khéo vận động các tầng lớp nhân dân, phát huy sức mạnh của Nhân dân, thực hiện các nhiệm vụ chính trị trọng tâm, chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đông đảo quần chúng nên đã đem lại hiệu quả thiết thực. Từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh đã triển khai được 1.751 mô hình trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội, củng cố quốc phòng – an ninh, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Các cấp, các ngành trong hệ thống chính trị đã tập trung hướng về cơ sở, tiếp tục vận động Nhân dân tham gia thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; sản xuất, kinh doanh giỏi, làm giàu chính đáng; xóa đói, giảm nghèo, tích cực giải quyết các vấn đề khó khăn, bức xúc của dân, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; động viên các thành phần kinh tế, huy động được các tiềm năng nguồn lực và sự năng động, sáng tạo của nhân dân vào việc thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển. Nhiều điển hình “Dân vận khéo” làm ăn có hiệu quả trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; xây dựng doanh nghiệp, xây dựng trang trại, phát triển nghề, làng nghề; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở...
Trên lĩnh vực an ninh quốc phòng, phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã góp phần đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật, bám sát tình hình quần chúng, với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, khéo tuyên truyền, vận động, khơi dậy truyền thống yêu nước, phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ an ninh trật tự, tăng cường nền quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân, xây dựng nền quốc phòng toàn dân với các mô hình: “an ninh biên giới”, kết nghĩa bản - bản hai bên biên giới của Bộ đội biên phòng tỉnh; phong trào “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin” của Công an tỉnh; mô hình khu phố, thôn, bản, làng, dòng họ không có tội phạm và tệ nạn xã hội... Phát hiện và ngăn chặn kịp thời, cung cấp nhiều nguồn tin có giá trị cho cấp ủy, chính quyền giải quyết, làm thất bại mọi âm mưu và các thủ đoạn của các thế lực thù địch; từng bước đẩy lùi tội phạm, tệ nạn xã hội tạo ra sự ổn định về chính trị cho đất nước, đồng thuận trong Nhân dân và tăng cường sự gắn bó máu thịt giữa Ðảng, Nhà nước với Nhân dân.
Trong lĩnh vực phát triển kinh tế, có nhiều điển hình trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng trang trại, gia trại, phát triển ngành nghề tăng thu nhập và giải quyết việc làm cho nhiều lao động, phát triển kinh tế địa phương, xoá đói giảm nghèo như: mô hình trang trại chăn nuôi bò kết hợp trồng rừng, mô hình trồng cây hồ tiêu tập trung...
Trên lĩnh vực văn hoá – xã hội, phong trào thi đua “dân vận khéo” đã được triển khai thực hiện gắn với phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở”, từng bước đẩy lùi các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, các tệ nạn xã hội, góp phần xây dựng địa phương, đơn vị, vùng biên giới lành mạnh; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc; vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh, phát huy truyền thống “uống nước nhớ nguồn”... Tiêu biểu như mô hình “việc tang, việc cưới văn minh, tiết kiệm” ở huyện Cam Lộ, Gio Linh; mô hình khuyến học ở Gio Linh, Triệu Phong, Đakrông...
Phong trào thi đua Dân vận khéo góp phần tăng cường công tác xây dựng Ðảng, chính quyền; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng hiệu quả của các phong trào vận động quần chúng của các đoàn thể nhân dân và nâng cao năng lực tham mưu cho cấp ủy về công tác dân vận của Ban Dân vận các cấp. Phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã góp phần phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, vận động Nhân dân tham gia xây dựng Ðảng, chính quyền, đoàn thể trong sạch, vững mạnh.
“Dân vận khéo” cũng đã có tác động tích cực trong xây dựng hệ thống chính trị, góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng. Đẩy mạnh các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, nhất là phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biẻu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ”. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra công vụ, xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, viên chức có hành vi cửa quyền, tham nhũng, gây phiền hà cho Nhân dân. Việc đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, phát huy dân chủ, tăng cường đoàn kết nội bộ góp phần quan trọng xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Công tác dân vận khéo ở các cơ quan hành chính nhà nước đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm và rèn luyện phong cách, kỹ năng công tác dân vận của cán bộ, đảng viên. Chính quyền các cấp đã quan tâm giải quyết những vấn đề bức xúc của Nhân dân, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, từng bước xóa bỏ tình trạng quan liêu, gây phiền hà đối với Nhân dân, đề cao vai trò người đứng đầu cơ quan trong thực hiện công tác dân vận với các mô hình tiêu biểu như: “Một cửa điện tử” ở huyện Hướng Hoá, tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa liên thông ở thành phố Đông Hà...
Nhìn lại phong trào thi đua xây dựng mô hình, điển hình 'Dân vận khéo' trong những năm vừa qua, nhất là từ khi Ban Dân vận Trung ương phát động đến nay đã thực sự trở thành phong trào thi đua yêu nước của các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị, của các tầng lớp nhân dân trong cả nước nói chung và tỉnh Quảng Trị nói riêng đã mang lại hiệu quả thiết thực trên các mặt. Nhận thức của các cấp, các ngành, các cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, các tầng lớp nhân dân nâng lên một bước quan trọng, càng thấy rõ hơn trách nhiệm của mình phải làm tốt công tác dân vận đối với tất cả mọi công việc và phải có phương pháp, nghệ thuật, khéo trong công tác vận động quần chúng. Trách nhiệm, nghĩa vụ của cán bộ, đảng viên, công chức và cả hệ thống chính trị về công tác dân vận đã có chuyển biến rõ nét. Các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã có nhiều biện pháp tích cực để giáo dục, rèn luyện cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân học tập và làm theo tư tưởng, phong cách dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ðể nâng cao chất lượng, hiệu quả của phong trào thi đua Dân vận khéo trong thời gian tới, cần tiếp tục cụ thể hoá việc triển khai, thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” theo tinh thần Nghị quyết số 25-NQ/TW của Chương trình hành động số 79-CTHĐ/TU của Tỉnh uỷ về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”, thắt chặt hơn nữa mối đoàn kết, tập hợp, động viên các tầng lớp nhân dân trong toàn tỉnh tíêp tục phát huy quyền làm chủ của Nhân dân và nghĩa vụ, trách nhiệm của mọi công dân.
Các cấp uỷ, chính quyền, mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội cần có sự quan tâm và tập trung chỉ đạo, nâng cao nhận thức về công tác dân vận nói chung và phong trào thi đua “Dân vận khéo” nói riêng. Xác định trọng tâm của phong trào thi đua “Dân vận khéo” là xây dựng mô hình, điển hình thường xuyên, liên tục gắn với cá phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động; đảm bảo thiết thực, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ chính trị ở từng địa phương, đơn vị. Các mô hình phải có tính bền vững, sức lan toả và hưnớg vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu chủ yếu, 03 nhiệm vụ đột phá và 03 nhiệm vụ trọng tâm được xác định trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020. T.T