Anh Nguyễn Văn Nhanh và anh Trần Đình Công tại Lễ trao giải. (Ảnh: HH) 


Có mặt tại Lễ trao giải lần này, nhiều thí sinh đến từ tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre, Phú Yên, Ninh Bình, Tuyên Quang, Bắc Giang…đã bày tỏ sự vui mừng, tự hào vì đã đoạt giải cao và được tuyên dương tại buổi Lễ. Đó là niềm vui không chỉ của cá nhân mỗi người đoạt giải, mà đó là niềm vui của gia đình, của cơ quan nơi các đồng chí công tác.

Chia sẻ niềm vui khi là người vừa nhận giải nhất, anh Nguyễn Văn Nhanh, Văn phòng Tỉnh ủy Vĩnh Long cho biết, ngay từ khi biết thông tin có cuộc thi, anh đã tham gia trả lời câu hỏi. Không những thế, anh Nhanh còn có “chiến lược” và “chiến thuật” để có thể trúng giải cao. Chia sẻ với chúng tôi, anh cho biết, theo yêu cầu, thể lệ Cuộc thi, sau 60 phút mới được tiếp tục tham gia trả lời câu hỏi, nên anh đã đặt chuông đồng hồ để tham gia liên tục với số dự đoán người trả lời đúng khác nhau. Đều đặn hằng ngày, anh dậy tham gia từ 5 giờ sáng, sau mỗi 1 tiếng anh trả lời 1 lần cho đến khi đêm đi ngủ. Khi được hỏi “Anh có mất nhiều thời gian để thực hiện trả lời không?”. Anh Nhanh cho biết, anh đã cài sẵn trên màn hình điện thoại logo cuộc thi nên dù di chuyển đi bất cứ nơi đâu có mạng điện thoại là anh cũng có thể thực hiện trả lời. Phần trả lời không mất nhiều thời gian vì đáp án là anh đã khẳng định đúng, chỉ thay đổi số lượng người trả lời đúng.

Với cách làm như vậy, xác xuất để có thể dự đoán đúng số người trả lời đúng của anh Nhanh rất cao và anh đã trúng giải nhất. Không chỉ mình anh Nhanh tham gia, anh còn vận động vợ mình cùng tham gia và cũng với cách làm như trên, chị vợ của anh Nhanh cũng đã đoạt giải ba trong quý này.

Với anh Trần Đình Công, phường Tân Quang, TP Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang (giải nhất) lại đến với Cuộc thi thông qua gia đình vợ. Anh cho biết, khi đến gia đình nhà vợ ăn cơm, được nghe mọi người nói đến cuộc thi nên anh đã truy cập vào Báo để dự thi. Anh Công cho biết thêm, anh là giáo viên dạy môn Quốc phòng – An ninh trong trường cấp 3, thời gian anh biết thông tin cũng là dịp nghỉ hè nên anh có nhiều thời gian tham gia cuộc thi. Chia sẻ với chúng tôi, anh Công cho biết, anh cũng có “chiến thuật” giống như anh Nhanh, cũng 1 tiếng tham gia trả lời 1 lần và anh đã đoạt giải. Tương tự như vậy, chị vợ anh Công cũng đã tham gia và đoạt giải ba.

Còn bạn Bùi Xuân Vịnh, phường 1, Tp Tuy Hòa, Phú Yên thì cho biết, cơ may đến với mình khi trong quá trình xử lý công văn nhận được Kế hoạch phát động cuộc thi, anh đã ngay lập tức truy cập vào mạng và trả lời câu hỏi rồi nghĩ “chắc có nhiều người có đáp án đúng” nên anh cũng bẵng đi không theo dõi kết quả ra sao. Đến khi Ban Tổ chức gọi điện và gửi giấy mời dự trao giải, anh Vịnh mới tin rằng kết quả dự thi của mình đã chuẩn xác. Anh Vịnh cũng cho biết, anh sẽ tích cực tuyên truyền nhiều hơn cho gia đình, người thân, bạn bè đồng nghiệp cùng tham gia trong thời gian tới.

 

Nhận được giải thưởng, các cá nhân đều bày tỏ niềm vui và sự tự hào. (Ảnh: HH)


Là cán bộ Ngân hàng BIDV, anh Trần Trung Trực, ấp Thanh Hòa, xã Phước Mỹ Trung, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre và bạn cùng phòng làm việc cùng tham gia dự thi, nhưng may mắn chỉ đến với anh khi anh dự đoán số người trả lời đúng gần nhất. Anh cho biết, tại cơ quan anh, có nhiều người tham gia dự thi với đáp án đúng 100%, nhưng do số người dự đoán lệch quá xa nên không trúng giải. Anh hy vọng, trong thời gian tới, bạn bè, đồng nghiệp của anh – những người tích cực tham gia dự thi cũng sé có cơ hội đoạt giải cao.

Theo chia sẻ của các cá nhân đoạt giải, tại các trường học, cơ quan, đơn vị đã phát động toàn thể cán bộ, đảng viên, nhân viên tham gia Cuộc thi tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào năm 2017. Trong đó, nhiều nơi, nhiều cá nhân tham gia cả thi trắc nghiệm và thi viết. Chị Đoàn Kim Oanh ở số nhà 104 Nguyễn Khuyến, Đống Đa, Hà Nội (giải 3) cho biết, chị hiện là giáo viên tiểu học, tại trường chị đã phát động toàn thể giáo viên tham gia dự thi. Bản thân chị Oanh cũng là người tham gia thi cả chắc nghiệm và thi viết, chị hy vọng mình cũng sẽ đoạt giải trong cuộc thi viết.

Cũng theo các thí sinh, nguyên nhân thu hút được đông bạn đọc tham gia trả lời câu hỏi trắc nghiệm đó là quy trình thao tác đơn giản; câu hỏi không quá khó, bạn đọc có thể dễ dàng tìm hiểu tài liệu để có câu trả lời chính xác. Ngay từ tuần đầu tiên đã có 1.712 bạn trả lời đúng cả 3 đáp án. Các tuần tiếp theo, con số này tăng dần lên cùng với lượng bạn đọc tham dự nhiều hơn. Đến tuần thứ 10, có 4.967 người trả lời đúng trên tổng số 12.338 người dự thi; tuần thứ 19 kết thúc ngày 10/9, đã có 9.142 người trả lời đúng trên tổng số 15.290 người dự thi.  

Sức hút của Cuộc thi đã được chứng minh khi qua gần 4 tháng triển khai, Cuộc thi đã thu hút tổng số 166.244 lượt người tham gia dự thi. Một số địa phương có lượng người tham gia thi đông như: Bắc Giang, Vĩnh Long, Hà Tĩnh, Điện Biên, Ninh Bình…  Nhiều người tham gia dự thi nhiều lần. Nhiều người dự thi là người trong gia đình, cùng địa bàn cư trú, là cán bộ, hội viên ở các trường, cơ quan, hội, đoàn thể các địa phương. Có nhiều cá nhân đã bỏ công sức đầu tư, tìm hiểu, nghiên cứu, tham gia dự thi rất nhiệt tình, nghiêm túc, hiệu quả, đoạt giải liên tiếp trong hai, ba tuần của Cuộc thi.

Ban Tổ chức Cuộc thi cho biết, trong quá trình dự thi, nhiều bạn đọc có tìm hiểu thêm về thể lệ, cách thức dự thi đã gọi về đường dây nóng của Cuộc thi và được Ban Thư ký Cuộc thi hỗ trợ, giải đáp cụ thể, kịp thời. Ban Tổ chức Cuộc thi đánh giá cao lòng nhiệt tình, tinh thần học hỏi, tìm tòi của nhiều người tham gia dự thi. Sự tham gia nhiệt tình, đông đảo của các tầng lớp nhân dân đã thể hiện rõ tình cảm, sự trân trọng và niềm tự hào về mối quan hệ hữu nghị, gắn bó thủy chung giữa hai Đảng, hai Chính phủ và nhân dân hai nước Việt Nam - Lào.

 

Đồng chí Phạm Văn Linh, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo Cuộc thi “Tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào” năm 2017 trả lời phỏng vấn báo chí. (Ảnh: HH)


Để có được sức hút như trên, theo đồng chí Trần Doãn Tiến, Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, đó là do có sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt, trách nhiệm của lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương trong chỉ đạo triển khai Cuộc thi. Đó là sự phối hợp nhiệt tình, hiệu quả của các vụ, đơn vị chức năng của Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Trung ương; cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể ở địa phương; các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương, đặc biệt là sự phối hợp tuyên truyền của 6 cơ quan báo chí gồm Báo Nhân dân, Báo Quân đội nhân dân, Báo Thanh niên, Báo Tiền phong, Báo Tuổi trẻ và Tạp chí Tuyên giáo. Cùng với đó là sự chỉ đạo nghiêm túc, khẩn trương của lãnh đạo Ban Biên tập Báo; sự nỗ lực chủ động trong điều hành, phân công, triển khai và kiểm tra, giám sát chặt chẽ các khâu công việc của Ban Tổ chức, Ban Thư ký Cuộc thi; sự cộng tác hiệu quả, nhiệt tình, trách nhiệm của các đồng chí chuyên gia; sự phối hợp, hưởng ứng nhiệt tình, trách nhiệm, hiệu quả các cấp ủy, chính quyền, các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương.

Đánh giá cao những kết quả đã đạt được của Cuộc thi trong thời gian qua, đồng chí Phạm Văn Linh, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo Cuộc thi “Tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào” năm 2017 và đồng chí Khăm Xỉnh Đuông Văn Đy, Tham tán Đại sứ quán nước CHDCND Lào tại Việt Nam cho rằng, Cuộc thi trắc nghiệm là một trong những hoạt động nổi bật và có ý nghĩa sâu sắc, thiết thực trong “Năm Đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt Nam – Lào 2017”, góp phần tô thắm thêm tình hữu nghị đặc biệt giữa hai dân tộc ngày càng đơm hoa, kết trái. Đánh giá cao Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã đảm bảo các điều kiện để cuộc thi có sức lan tỏa rộng rãi với trên 166.000 lượt người tham gia, đồng chí Phạm Văn Linh và đồng chí Khăm Xỉnh Đuông Văn Đy yêu cầu trong thời gian tới, cần tiếp tục tuyên truyền sâu rộng mục đích, ý nghĩa cuộc thi để nhân dân hai nước tham gia./.

HH