Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Đông Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km và có khả năng mạnh thêm. Đến 7 giờ ngày 5/8, vị trí tâm bão ở khoảng 22,6 độ Vĩ Bắc; 116,9 độ Kinh Đông, cách Hồng Kông (Trung Quốc) khoảng 280km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 11.
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên): phía Bắc vĩ tuyến 20,0 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 113,5 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và lốc xoáy.
Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai trên vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông: Cấp 3.
Cảnh báo, ở vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông có mưa dông, vùng gần tâm bão có gió mạnh cấp 8, sau tăng lên cấp 9, giật cấp 11; sóng biển cao từ 3,5-5,0m, biển động rất mạnh.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh, từ 4/8 đến ngày 7/8 ở vùng biển từ Bình Định đến Cà Mau, khu vực Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa) có gió Tây Nam mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8; sóng biển cao từ 2,0-4,0m, biển động mạnh.
* Theo Báo cáo nhanh số 50/BC-VPTT của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Giang, đêm ngày 2/8, rạng sáng ngày 3/8, mưa kèm giông, lốc, sét trên địa bàn tỉnh đã làm 1 người chết; 53 nhà ở bị tốc mái. Về nông, lâm nghiệp và thủy sản, 1 nhà lưới rau màu bị tốc mái; 9 con gia súc bị chết; 2,4 ha cây lâm nghiệp bị gẫy đổ. Về giao thông và thủy lợi, gãy 10m kênh dẫn; trên 20m3 đất bùn tràn ra mặt đường (khu vực thị trấn Vinh Quang huyện Hoàng Su Phì). Ngoài ra, 4 điểm trường, 1 chợ, 1 nhà văn hóa, 1 hội trường thôn bị tốc mái. Ước thiệt hại khoảng 2 tỷ đồng.
Ngay sau khi thiên tai xảy ra, chính quyền địa phương đã kịp thời đến thăm hỏi và động viên gia đình có người bị chết và huy động lực lượng hỗ trợ, di dời, sửa chữa nhà ở để sớm ổn định đời sống nhân dân.
Để ứng phó với tình hình thiên tai đang diễn biến phức tạp, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Thừa Thiên - Huế tiếp tục triển khai thực hiện công văn số 369/VPTT của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo. Các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ chủ động ứng phó với mưa dông, mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất, lốc, sét, gió giật mạnh.
Đồng thời, duy trì lực lượng trực ban, thường xuyên tổng hợp, báo cáo tình hình về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn./.