Đây là ý kiến của ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế - Bộ Tài chính về tác động của Dự án Luật sửa 5 Luật Thuế gồm: Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT), Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và Thuế tài nguyên đối với người dân, doanh nghiệp và ngân sách Nhà nước.
Đơn giản hoá thuế TNCN, tăng thuế với trúng thưởng
Phân tích về thuế TNCN, loại thuế tác động trực tiếp nhất tới người dân, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế - Bộ Tài chính cho biết, Bộ này đề xuất sửa đổi biểu thuế lũy tiến từng phần đối với cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công để phù hợp với thực tế, đơn giản, dễ tính toán, tạo thuận lợi cho người nộp thuế.
Bộ Tài chính cho rằng, biểu thuế lũy tiến từng phần hiện hành là không hợp lý dẫn đến nhiều vướng mắc. Lý do vì có quá nhiều bậc, giãn cách giữa ở các bậc thấp quá hẹp dễ dẫn đến “nhảy” bậc thuế khi tổng hợp thu nhập vào cuối năm làm tăng số thuế phải nộp. Khi đó, số lượng phải quyết toán thuế tăng một cách không cần thiết trong khi số thuế phải nộp thêm không nhiều.
Bên cạnh đó, thu nhập tính thuế ở từng bậc theo số lẻ dẫn đến khó nhớ, người nộp thuế khó khăn trong việc tự xác định số thuế phải nộp.
Do đó, thực hiện Chiến lược cải cách thuế giai đoạn 2011-2020, Bộ Tài chính trình Chính phủ cho sửa đổi biểu thuế lũy tiến từng phần theo hướng giảm số bậc thuế chỉ còn 5 bậc, đồng thời quy định khoảng cách rộng ở các bậc thấp và điều chỉnh thu nhập tính thuế ở từng bậc theo số chẵn.
Biểu thuế mới sẽ có 5 bậc tính thuế. Cụ thể, mức thuế phải đóng đối với phần thu nhập tính thuế đến 10 triệu đồng/tháng là 5%; trên 10 đến 30 triệu/tháng là 10%; trên 30 đến 50 triệu/tháng là 20%; trên 50 đến 80 triệu/tháng là 28%; trên 80 triệu/tháng là 35%.
Bộ Tài chính cũng đề nghị sửa đổi mức thuế suất đối với thu nhập từ trúng thưởng để để điều tiết hợp lý thuế TNCN đối với thu nhập từ trúng thưởng, theo hướng sẽ tăng thuế.
Cụ thể, Bộ Tài chính lập luận, từ khi Việt Nam xuất hiện mô hình trả thưởng của xổ số Vietlott, có ý kiến cho rằng cần nghiên cứu để có quy định thu thuế TNCN đối với người trúng thưởng phù hợp hơn đối với loại hình này với lý do tỷ lệ đóng thuế ở Việt Nam quá thấp so với thế giới.
Vì vậy, Bộ Tài chính trình Chính phủ cho sửa đổi thuế suất đối với thu nhập từ trúng thưởng theo 3 bậc. Cụ thể, thuế suất đối với thu nhập tính thuế đến 5 tỷ đồng là 10%; trên 5 đến 10 tỷ đồng là 20% và trên 10 tỷ đồng là 30%.
Miễn thuế TTĐB linh kiện sản xuất trong nước, tăng thuế xe bán tải
Ông Phạm Đình Thi cho biết, Luật Thuế TTĐB hiện nay đang quy định giá tính thuế đối với hàng hóa sản xuất trong nước, còn đối với hàng hóa nhập khẩu là giá do cơ sở sản xuất, cơ sở nhập khẩu bán ra. Chính quy định này không khuyến khích các doanh nghiệp nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, chưa tạo điều kiện cho hàng sản xuất trong nước cạnh tranh được với hàng nhập khẩu.
Trước đó, Bộ Công Thương cũng đã đề xuất thay đổi cách tính thuế TTĐB đối với xe sản xuất trong nước theo tỷ lệ nội địa hóa (tức là các linh kiện, phụ tùng được sản xuất trong nước được miễn thuế tiêu thụ đặc biệt). Theo Bộ Công Thương, thực tế là tỷ lệ nội địa hóa với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi còn thấp so với mục tiêu đề ra. Do đó, Bộ Tài chính thống nhất trình Chính phủ hai phương án đánh thuế TTĐB với mặt hàng ô tô. Phương án 1, giá tính thuế TTĐB với ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống sản xuất trong nước là giá bán ra trừ đi giá trị linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước. Phương án 2, giá tính thuế TTĐB sẽ giữ nguyên như hiện hành, tức là không trừ giá trị linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước.
Ông Thi cho biết, Bộ Tài chính nghiêng về phương án 1, tức là miễn thuế TTĐB hoàn toàn cho phần linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước.
Bộ Tài chính cũng đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với xe bán tải. Theo quy định tại Luật Thuế TTĐB hiện hành thì xe ô tô vừa chở người, vừa chở hàng áp dụng thuế suất thuế TTĐB đối với loại có dung tích xi lanh từ 2.500 cm3 trở xuống là 15%; loại có dung tích xi lanh trên 2.500 cm3 đến 3.000 cm3 là 20%; loại có dung tích xi lanh trên 3.000 cm3 là 25%.
Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, trong những năm qua số lượng xe ô tô vừa chở người, vừa chở hàng nhập khẩu và tiêu dùng tăng nhanh. Do loại xe này có thuế suất thuế TTĐB thấp hơn so với xe ô tô chở người có cùng số chỗ ngồi. Cụ thể, dòng xe thể thao đa dụng (SUV) thuế suất thuế TTĐB áp dụng đối với loại trên 2.500 cm3 đến 3.000 cm3 là 55%. Vì vậy, một số người tiêu dùng đã chuyển sang mua xe bán tải thay vì mua xe SUV.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, qua nghiên cứu rà soát, Bộ Tài chính cho rằng, các nước trong khu vực thường áp dụng thuế suất thuế TTĐB đối với xe ô tô vừa chở người vừa chở hàng ở mức thấp hơn mức thuế suất đối với xe ô tô chở người dưới 9 chỗ.
Do vậy, để bảo đảm đúng mục đích sử dụng xe, Bộ Tài chính đề nghị áp dụng mức thuế suất thuế TTĐB bằng 60% mức thuế suất xe con cùng dung tích xi lanh. Loại xe này chủ yếu có dung tích xi lanh từ 2.000 đến 3.000 cm3, nên nếu thuế suất là 55% như xe từ 9 chỗ ngồi trở xuống thì mức thuế suất của xe bán tải là 33%.
Về những tác động của việc sửa đổi các luật về thuế, ông Phạm Đình Thi cho biết, khi sửa đổi, trước mắt sẽ có những khoản tăng, khoản giảm thuế, nhưng bảo đảm nguồn thu được nuôi dưỡng đủ để tăng trong dài hạn, đồng thời điều tiết, khuyến khích phát triển một số ngành theo định hướng của Nhà nước.
“Việc sửa đổi theo hướng bảo đảm cơ cấu lại thu ngân sách Nhà nước, cơ cấu lại theo mở rộng cơ sở thu. Các đề xuất sửa đổi theo hướng, tăng tỷ lệ thu đội địa, chống thất thu. Ví dụ, tăng cường quản lý chặt chẽ chống thất thu thu thuế các hộ kinh doanh, các loại hình kinh doanh mới, như thương mại điện tử, siết chặt hơn chống buôn lậu, gian lận thương mại, chuyển giá”, ông Phạm Đình Thi nói.
Dự án Luật sửa 5 Luật Thuế sẽ tác động nhất định tới người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế nên được lãnh đạo Chính phủ đặc biệt quan tâm. Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cũng vừa có ý kiến về các đề xuất sửa đổi 5 luật này.
Theo đó, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính rà soát, bổ sung về mục đích, quan điểm xây dựng dự án Luật, trong đó lưu ý phải đáp ứng, tương thích với các Luật mới được Quốc hội ban hành như Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Đầu tư...; định hướng sản xuất và tiêu dùng, qua đó thực hiện mục tiêu cơ cấu lại tổng thể nền kinh tế; đúng bản chất của sắc thuế, nhất quán, rõ ràng, công khai, minh bạch, dễ thực hiện, giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người nộp thuế và tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh; phù hợp mục tiêu hội nhập kinh tế quốc tế và xu hướng phát triển; đảm bảo nguồn thu, nuôi dưỡng nguồn thu, đặc biệt trong bối cảnh các khoản thu từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm do thực hiện các cam kết quốc tế; đảm bảo động viên ngân sách, chống xói mòn cơ sở thuế. Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính phải nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đơn vị liên quan.
Huy Thắng
g thời điều tiết, khuyến khích phát triển một số ngành theo định hướng của Nhà nước.