Sửa Luật Thi hành án hình sự cần thận trọng, bảo đảm khả thi 

(Chinhphu.vn) – Nhiều ý kiến thành viên UBTVQH nhấn mạnh, việc xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự cần hết sức thận trọng; bảo đảm được tính khả thi, sự thống nhất trong hệ thống pháp luật nói chung, đặc biệt phải đáp ứng được yêu cầu triển khai thi hành ngay và thống nhất trong áp dụng.

 

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Tờ trình về dự án Luật. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự được Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại phiên họp thứ 27 diễn ra vào chiều 13/9.

Luật Thi hành án hình sự năm 2010 được Quốc hội (khóa XII) thông qua ngày 17/6/2010 tại Kỳ họp thứ 7, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2011. Qua hơn 8 năm thi hành Luật Thi hành án hình sự năm 2010, công tác thi hành án hình sự đã được tổ chức thực hiện đạt hiệu quả cao, bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật và thực hiện chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta trong giáo dục, cải tạo người phạm tội.

Bên cạnh kết quả đạt được, Luật Thi hành án hình sự năm 2010 đã bộc lộ những bất cập, hạn chế, một số quy định đã không còn phù hợp với tình hình thực tiễn; đặc biệt, từ năm 2011 đến nay, Quốc hội đã thông qua Hiến pháp mới và nhiều bộ luật, luật có nội dung liên quan đến thi hành án hình sự nên các quy định của Luật Thi hành án hình sự hiện hành không bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với quy định của Hiến pháp và pháp luật có liên quan.

Theo Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, trong tình hình hiện nay, việc sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án hình sự năm 2010 được đặt ra rất cần thiết, nhằm cụ thể hóa các quy định liên quan đến quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp năm 2013 trong Luật Thi hành án hình sự. Bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, cụ thể là giữa Luật Thi hành án hình sự với Bộ luật Hình sự và các đạo luật khác có liên quan. Khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thực hiện Luật Thi hành án hình sự năm 2010.

“Thực tiễn 8 năm thi hành Luật Thi hành án hình sự năm 2010 cho thấy, bên cạnh những kết quả tích cực cũng đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc, bất cập như chưa quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của phạm nhân; chưa quy định cụ thể về xử lý đồ vật cấm mang vào trại giam và các vướng mắc, bất cập khác. Do vậy, cần sửa đổi Luật Thi hành án hình sự năm 2010 để đáp ứng yêu cầu thực tiễn”, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm lý giải về sự cần thiết xây dựng dự án Luật.

Theo Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, so với Luật Thi hành án hình sự năm 2010, dự thảo Luật mở rộng thêm phạm vi điều chỉnh về thi hành quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện; về thi hành bản án, quyết định đình chỉ hoạt động có thời hạn, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định, cấm huy động vốn và các biện pháp tư pháp áp dụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội; về quyền, nghĩa vụ của pháp nhân thương mại chấp hành án hình sự, biện pháp tư pháp.

Mục đích của việc xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự là nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc thực hiện nghiêm minh bản án, quyết định của Tòa án, tính thống nhất của chính sách hình sự; kết hợp trừng trị và giáo dục cải tạo người phạm tội, góp phần đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của tổ chức, cá nhân.

Với phạm vi đó, dự thảo Luật đã sửa đổi 92/182 điều; bổ sung 52 điều và thay đổi cơ bản về kết cấu của Luật (bổ sung 1 chương, 7 mục, bãi bỏ 1 mục, 4 điều). 

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Thay mặt cơ quan thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, đa số ý kiến Ủy ban Tư pháp (UBTP) tán thành với đề nghị của Chính phủ về việc mở rộng phạm vi sửa đổi và đổi tên gọi của dự án Luật thành Luật THAHS (sửa đổi) vì dự thảo Luật sửa đổi rất nhiều nội dung, trong đó có nhiều chính sách lớn, cơ bản của Luật hiện hành; dự thảo Luật đã sửa đổi số lượng lớn điều luật.

Tuy nhiên, để bảo đảm chất lượng của dự án Luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (Luật BHVBQPPL) thì yêu cầu đặt ra đối với luật sửa đổi toàn diện khác cơ bản đối với luật sửa đổi, bổ sung một số điều. Việc thay đổi phạm vi sửa đổi và tên gọi của dự án Luật như đề nghị của Chính phủ sẽ đặt ra yêu cầu phải bổ sung, hoàn thiện thêm nhiều vấn đề như: tổng kết thực tiễn thi hành toàn diện, đầy đủ hơn; đánh giá kỹ tác động nhiều chính sách mới (như việc thi hành các hình phạt, biện pháp tư pháp đối với pháp nhân thương mại, về cụ thể hóa quy định quyền, nghĩa vụ của phạm nhân theo Hiến pháp); hoàn thiện tài liệu tham khảo kinh nghiệm quốc tế; chuẩn bị đầy đủ dự thảo văn bản hướng dẫn những nội dung mà Luật giao cho Chính phủ, các bộ, ngành quy định chi tiết…

UBTP cũng cho rằng, cơ quan chủ trì soạn thảo đã có cố gắng trong việc chuẩn bị hồ sơ dự án Luật, về hình thức, cơ bản đủ điều kiện trình Quốc hội. Tuy nhiên, để bảo đảm chất lượng của dự án Luật thì về nội dung, nhiều vấn đề cần được hoàn thiện thêm.

Cụ thể, Báo cáo đánh giá tác động còn sơ sài, chưa đánh giá cụ thể, thực chất tác động của nhiều chính sách mới, trong đó có những chính sách quan trọng. Dự thảo Luật có tới 15 điều giao Chính phủ quy định chi tiết, 5 điều giao Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hướng dẫn thi hành nhưng Hồ sơ dự án Luật chưa có dự thảo văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn các nội dung này kèm theo, nên chưa bảo đảm yêu cầu của Luật BHVBQPPL. Báo cáo rà soát tính tương thích của dự thảo với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên chưa đầy đủ. Việc tham khảo kinh nghiệm quốc tế có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xây dựng, nghiên cứu, tiếp thu và hoàn thiện dự thảo Luật, tuy nhiên, tài liệu về kinh nghiệm quốc tế trong hồ sơ dự án Luật còn hình thức, chưa sát với nội dung cần tham khảo.

Thảo luận tại phiên họp, nhiều ý kiến cho rằng, đây là dự án Luật rất quan trọng nhằm bảo đảm thực thi Hiến pháp, BLHS, BLTTHS và các đạo luật khác về tư pháp. Đây cũng là dự án có tính chất rất phức tạp, phạm vi điều chỉnh rộng, không chỉ phải đáp ứng yêu cầu cụ thể hóa quyền, nghĩa vụ của các chủ thể mà còn phải quy định chi tiết trình tự, thủ tục thi hành từng loại hình phạt. Vì vậy, việc xây dựng dự án Luật cần hết sức thận trọng; bảo đảm được tính khả thi, sự thống nhất trong hệ thống pháp luật nói chung, đặc biệt phải đáp ứng được yêu cầu triển khai thi hành ngay và bảo đảm thống nhất trong áp dụng.

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Với tính chất quan trọng và phức tạp của dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhấn mạnh, đối với một dự án sửa đổi toàn diện và tính chất phức tạp như này cần có thời gian phù hợp cho việc thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý và đủ thời gian để đại biểu Quốc hội nghiên cứu, thảo luận. Vì vậy, UBTP đề nghị UBTVQH báo cáo Quốc hội cho phép xem xét, thông qua dự án Luật sau 3 kỳ họp. Theo đó, tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2018), Quốc hội cho ý kiến về những vấn đề lớn của dự án Luật, sau đó Chính phủ sẽ phối hợp với cơ quan chủ trì thẩm tra và các cơ quan hữu quan tiếp thu, chỉnh lý trình Quốc hội cho ý kiến lần thứ 2 tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2019), xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2019) theo trình tự, thủ tục quy định tại Điều 76 Luật BHVBQPPL.

Khẳng định sự cần thiết xây dựng dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho rằng, dự án Luật được xây dựng song báo cáo đánh giá tác động còn khá chung chung, vì vậy, trong quá trình xây dựng dự án Luật trong thời gian tới cần tiếp thục hoàn thiện và có những đánh giá tác động đầy đủ và toàn diện hơn. Ông Nguyễn Khắc Định cũng cho rằng, đây là một dự án luật được sửa đổi toàn diện, có nhiều vấn đề khó và phức tạp, vì vậy, cần phải dành thời thỏa đáng để nghiên cứu, thảo luận, xây dựng và hoàn thiện. Đồng thời, cơ quan trù trì soạn thảo cần tiếp tục rà soát nội dung của dự luật vì còn có nhiều điều, mục trùng lắp, chồng chéo.

Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh đề nghị dự Luật cần có các quy định cụ thể hơn về vấn đề bình đẳng giới, chế độ đối với phạm nhân nữ; những quy định ứng xử nhân đạo đối với phạm nhân; chế độ chăm sóc y tế đối với phạm nhân;... 

Bà Nguyễn Thúy Anh cũng đề nghị, đối với vấn đề về sử dụng kết quả lao động của phạm nhân, nên bổ sung thêm quy định chi một phần thu nhập để phạm nhân gửi về cho gia đình, qua đó tạo động lực cho phạm nhân lao động, cải tạo và gia đình phạm nhân có một khoản tiền trang trải cho cuộc sống.

Về cụ thể hóa quy định quyền, nghĩa vụ của phạm nhân theo Hiến pháp (Điều 25a), dự thảo Luật bổ sung Điều 25a quy định 9 nhóm quyền của phạm nhân được bảo đảm và 1 nhóm quyền mang tính nguyên tắc: “Phạm nhân được hưởng các quyền khác của công dân nếu không bị hạn chế bởi Luật này và luật khác có liên quan, trừ trường hợp các quyền đó không thể thực hiện được do họ đang chấp hành án tại trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ”.

Về vấn đề này nhiều ý kiến cho rằng, về nguyên tắc, quyền cơ bản của con người, quyền công dân đã được quy định trong Hiến pháp, do đó các luật chuyên ngành cần phải cụ thể hóa các quyền này.

Tuy nhiên, đối với người chấp hành án phạt tù, do họ bị hạn chế quyền tự do đi lại, bị cách ly khỏi xã hội nên có một số quyền công dân khác sẽ khó bảo đảm thực hiện được đầy đủ như đối với công dân bình thường đang ở ngoài xã hội. Vì vậy, một số ý kiến cho rằng quy định về quyền của phạm nhân phải có điểm mới để cụ thể hóa Hiến pháp nhưng cũng phải có bước đi phù hợp để bảo đảm tính khả thi, bảo đảm khả năng đáp ứng của Nhà nước, tránh hình thức.

Ở khía cạnh khác, có ý kiến cho rằng, quy định như dự thảo Luật chưa thể hiện rõ việc hạn chế quyền của phạm nhân, chưa khắc phục được những vướng mắc phát sinh trong thực tiễn công tác thi hành án phạt tù như Báo cáo tổng kết 8 năm thi hành Luật THAHS đã nêu. Đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát các luật liên quan về quyền con người, quyền công dân; nghiên cứu, thu thập ý kiến các cơ quan, tổ chức liên quan và các chuyên gia, tham khảo chọn lọc quy định về thi hành án phạt tù trên thế giới, qua đó hoàn thiện lại các điều, khoản quy định về quyền và nghĩa vụ đối với phạm nhân.

Về tổ chức khu sản xuất, điểm lao động ngoài trại giam và phối hợp giữa trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ với doanh nghiệp, cá nhân hoặc tổ chức trên địa bàn để tổ chức lao động cho phạm nhân (Điều 16 và khoản 5 Điều 29), nhiều ý kiến cho rằng, việc huy động doanh nghiệp, cơ sở dạy nghề tham gia tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân là cần thiết, tuy nhiên, cần bảo đảm mục đích chính của công tác tổ chức lao động cho phạm nhân là nhằm giáo dục cải tạo phạm nhân, đồng thời phải bảo đảm an ninh, an toàn trong quá trình quản lý giam giữ và tổ chức lao động. Hoạt động lao động của phạm nhân phải được tổ chức trong trại giam hoặc tại khu sản xuất, điểm lao động thuộc khu vực quản lý của trại giam và phải có sự quản lý, giám sát chặt chẽ của cán bộ trại giam.

Cũng về vấn đề nêu trên, dự thảo Luật bổ sung điểm a.1 khoản 4 Điều 16 quy định: “Căn cứ yêu cầu thực tế của công tác giam giữ, quản lý và tổ chức lao động dạy nghề cho phạm nhân, trại giam tổ chức khu sản xuất, điểm lao động, dạy nghề ngoài trại giam. Việc tổ chức khu sản xuất, điểm lao động, dạy nghề ngoài trại giam do Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định”, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải băn khoan, những đối tượng phạm nhân được ra ngoài lao động dựa trên tiêu chí nào? Ra ngoài như vậy, thì có bảm đảm được vấn đề về an ninh, quản lý phạm nhân hay không?

Ngoài ra, nhiều ý kiến đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, hoàn thiện kỹ thuật lập pháp theo yêu cầu của Luật BHVBQPPL, nhất là việc rà soát các quy định để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Nguyễn Hoàng

374 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 691
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 691
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88334387