Sửa Luật Giáo dục: Bảo đảm quyền học tập của mọi trẻ em 

(Chinhphu.vn) – Tại phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), sáng 12/9, về dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã làm rõ thêm một số vấn đề về chính sách tài chính trong giáo dục phổ thông, miễn học phí, chuẩn đào tạo…
Ảnh: VGP/Đình Nam
Huy động thêm nguồn lực xã hội cho giáo dục phổ thông
Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi lần này đã bổ sung thêm 2 chính sách mới về miễn học phí và nâng chuẩn đào tạo cho giáo viên mầm non. 
Về chính sách tài chính trong giáo dục phổ thông nói chung, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết một nguyên lý của giáo dục phổ thông trên thế giới là nhà nước lo phần giáo dục căn bản, phổ cập; phần bồi dưỡng tài năng, năng khiếu đặc biệt có sự tham gia nhiều của xã hội, còn phân khúc giáo dục chất lượng cao ở các nước chủ yếu do các trường được thành lập bởi tư nhân. Trong khi đó, tại Việt Nam các trường chuyên, lớp chọn, giáo dục chất lượng cao hầu hết đều thuộc công lập nên chi ngân sách cho giáo dục chiếm tới 20% nhưng chi thường xuyên, tiền lương cơ bản đã lên đến 80-90%.
“Việc sửa luật lần này cần huy động thêm nguồn lực xã hội vào các trường phổ thông, nhưng không thể tư nhân hoá, bằng cách giao tự chủ, tự quản trị trong các trường phổ thông bảo đảm mọi trẻ em đều có cơ hội đi học, nhất là trong diện phổ cập”, Phó Thủ tướng nói.
Đối với việc miễn học phí, ở nhiều nước trên thế giới đã thực hiện ở cấp học được phổ cập. Còn tại Việt Nam, hiện chúng ta đã hoàn thành phổ cập THCS và đang có lộ trình hoàn thành phổ cập THPT, tuy nhiên mới chỉ miễn học phí bậc tiểu học. Phó Thủ tướng cho biết vấn đề này đã được đưa ra bàn nhiều lần trong Chính phủ và đi đến quyết định trình UBTVQH về nguyên tắc miễn học phí còn lộ trình thực hiện tuỳ thuộc vào trình độ phát triển và khả năng cân đối ngân sách, nhưng không vượt quá 20% chi ngân sách cho giáo dục.
Liên quan đến chính sách nâng chuẩn đào tạo giáo viên mầm non, Phó Thủ tướng khẳng định đây là việc cần thiết và cần xem xét gắn với quy hoạch hệ thống các trường sư phạm, hệ thống các trường ĐH, trong đó nhiều trường ĐH ở địa phương được nâng cấp từ trường cao đẳng sư phạm. “Tới đây chúng ta sẽ bàn và phải có một cách làm rất mới”.
Trao đổi thêm về một số ý kiến của đại biểu Quốc hội trong phòng, chống bạo hành trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, Phó Thủ tướng nhìn nhận vấn đề này cần làm đậm nét hơn, liên quan đến nguyên lý quản lý, quản trị các cơ sở giáo dục phổ thông và mầm non.
Theo Phó Thủ tướng, quy trình quản lý, quản trị cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông trên thế giới có sự tham gia của 5 nhân tố: Chính quyền, ban giám hiệu, cộng đồng dân cư, tập thể giáo viên và người lao động trong cơ sở giáo dục, tập thể học sinh và phụ huynh.
“Nếu chúng ta thể chế hoá cụ thể hơn những điều này sẽ phần nào bảo đảm cho dân chủ cơ sở, giảm các tiêu cực trong trường học, đặc biệt liên quan đến bảo vệ trẻ em. Mặc dù Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nói rằng các quy định bảo vệ trẻ em phần lớn nằm trong Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em nhưng lần sửa luật Giáo dục tư duy này cũng được tăng cường và làm đậm nét hơn”, Phó Thủ tướng nói.
Không chủ trương cải cách tiếng Việt
Trước các tranh luận liên quan đến một số thí điểm trong giáo dục, điển hình là cách dạy và học tiếng Việt ở lớp 1 thời gian qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Bộ GD&ĐT đã có ý kiến chính thức, đây chỉ là phương pháp dạy học tiếng Việt, chủ yếu là dạy phát âm cho trẻ mới bắt đầu đi học chứ không phải đổi mới hay cải cách tiếng Việt. Chính phủ hoàn toàn không có chủ trương này.
“Mặc dù giáo dục phổ thông của Việt Nam được quốc tế đánh giá tích cực nhưng chúng ta cần phải liên tục đổi mới hơn nữa. Tuy nhiên giáo dục luôn được cả xã hội quan tâm nên trong quá trình đổi mới phải rất thận trọng nhưng không thể không làm. Và đã đổi mới thì phải có thử nghiệm, thực nghiệm nhưng tôi khẳng định lại cải cách tiếng Việt thì Chính phủ chưa có chủ trương này ít nhất trong những năm tới đây”, Phó Thủ tướng nói.
Đình Nam
850 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 925
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 925
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87012588