|
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng việc sửa Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học phải đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết 29. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Đây là hai dự án luật đã được các đại biểu Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá XIV, dự kiến sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 6. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị các chuyên gia giáo dục, đại điện trường đại học, phổ thông góp ý vào những vấn đề lớn của giáo dục nói chung cũng như giáo dục đại học nói riêng.
Luật không chỉ sửa những điểm cụ thể
“Làm luật hay sửa đổi, bổ sung một số điều của luật thì đều phải xem xét trong một quá trình không chỉ hiện tại mà phải bảo đảm tầm nhìn dài hạn, theo đúng xu thế quốc tế. Hai dự án Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học không chỉ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hiện nay mà phải đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết 29”, Phó Thủ tướng nói.
Thảo luận về dự án Luật Giáo dục, nhiều chuyên gia cùng cho rằng ban soạn thảo phải làm rõ hơn nữa những vấn đề mang tính nền tảng của giáo dục Việt Nam từ triết lý giáo dục đến những nguyên tắc cơ bản.
Cụ thể, mục tiêu giáo dục trong dự thảo Luật Giáo dục cần khẳng định triết lý giáo dục Việt Nam là nhằm xây dựng con người Việt Nam toàn diện ở Đức-Trí-Thể-Mỹ, nhân văn, yêu thương con người; khai mở trí tuệ, khuyến khích, phát huy tài năng sáng tạo của học sinh, giáo viên; có tinh thần dân tộc, lòng yêu nước gắn với ý thức quốc tế, hướng tới công dân toàn cầu.
Một số nguyên tắc giáo dục được các chuyên gia đề cập như: Nhà nước phải bảo đảm ai cũng có quyền được đi học, không phân biệt đầu vào; trường, lớp, giáo viên được bố trí đầy đủ, thuận lợi cho người dân; các trường công lập đáp ứng yêu cầu giáo dục đại trà, cơ bản, đào tạo tài năng, năng khiếu, lo cho đối tượng yếu thế, còn đào tạo chất lượng cao dành cho xã hội hoá; nguyên tắc về miễn học phí…
Về đổi mới quản trị trong các cơ sở giáo dục, đặc biệt là nhà trường, nhiều chuyên gia thống nhất luật phải quy định để bảo đảm dân chủ, theo cơ chế tập thể bao gồm phụ huynh, người học, cộng đồng dân cư, chính quyền, tập thể giáo viên và các thành phần bên ngoài như doanh nghiệp. Với cách tiếp cận như vậy, quy định về tài chính trong trường phổ thông cũng cần theo hướng mở để các nhà trường có thể huy động được nguồn tài trợ từ cộng đồng, xã hội, quy định khung cơ chế để một số trường công lập có chất lượng, uy tín có thể tự chủ, tự lo được lương cho giáo viên.
Qua kỳ thi THPT quốc gia 2018, một số chuyên gia đã đưa ra phương án khi học sinh học hết lớp 12 thì sẽ được cấp chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông và được thi tốt nghiệp. Những em đỗ tốt nghiệp được đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng. Những em không đỗ có thể dùng chứng nhận để học nghề.
Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc mong muốn cơ quan soạn thảo, ở đây là Bộ GD&ĐT, mạnh dạn đưa các ý tưởng mới theo xu thế thế giới và tìm mọi cách thuyết phục các đại biểu Quốc hội thay vì lựa chọn phương án an toàn.
Đồng tình với quan điểm này, GS.TS Nguyễn Hữu Đức, Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội nhận xét dự án Luật Giáo dục vẫn chưa tiếp cận đầy đủ, căn bản về xu thế giáo dục, đào tạo trên thế giới. Một số quy định như về giáo dục thường xuyên vẫn giữ nguyên từ những năm 1960-1970 nên dù vẫn đúng nhưng cứng nhắc, không theo kịp yêu cầu cũng như xu thế đào tạo mới trên thế giới
PGS.TS Trần Kiều nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam nêu ý kiến: Chúng ta không nên loay hoay sửa ở những điểm cụ thể mà phải đặt vấn đề căn bản từ triết lý giáo dục, nguyên tắc giáo dục. Đây là điều vô cùng cần thiết.
Các chuyên gia cũng thảo luận về quy định liên quan đến trường chuyên tại địa phương cũng như hệ thống các trường đào tạo tài năng, năng khiếu; nhà giáo có nên bao gồm cả những người làm quản lý giáo dục; cần thiết ghi rõ trong luật yêu cầu chi tối thiểu 20% ngân sách địa phương cho giáo dục; cơ sở giáo dục tư thục hoạt động vì lợi nhuận, không vì lợi nhuận…
|
Ảnh: VGP/Đình Nam |
Tự chủ là thuộc tính của đại học
Trao đổi về quy định những đại học được kiểm định về chất lượng giáo dục mới được cho phép tự chủ trong dự án luật Giáo dục đại học, nhiều chuyên gia cho rằng như vậy còn cứng nhắc, mang tính xin-cho.
Theo ông Trần Đức Viên, Chủ tịch Hội đồng Học viện Nông nghiệp, tự chủ là quyền của các đại học để thực hiện sứ mệnh, mục tiêu. Tuy nhiên cách thể hiện trong Luật lại không thể hiện điều này. Vì vậy, cơ quan soạn thảo cần thể hiện được tinh thần sau khi luật ra thì tất cả các đại học sẽ tự chủ.
Bổ sung cho ý kiến này, GS.TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội đề nghị phân định rõ tự chủ tài chính, tự chủ học thuật, tự chủ tổ chức bộ máy. Cụ thể, dù ngân sách nhà nước vẫn cấp cho một đại học nhưng không có nghĩa trường này không tự chủ về học thuật, tổ chức bộ máy. Tương tự như vậy, khi chưa được kiểm định chất lượng không có nghĩa đại học không được tự chủ về tài chính, bộ máy tổ chức.
Thảo luận sâu hơn về tự chủ đại học, các đại biểu đề nghị các điều khoản liên quan đến hội đồng trường phải rất rõ ràng để bảo đảm đây là cơ quan quyền lực nhất của trường đại học, có tiếng nói quyết định định hướng, chiến lược phát triển, các dự án đầu tư, tuyển dụng nhân sự, giảng viên…
Về vị trí, vai trò của đại học tư thục, luật cần theo hướng tiến tới không phân biệt đại học công lập, đại học tư thục.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu quy định về đại học tư thục phải làm sao để các trường này có trách nhiệm với người học, với xã hội “không chấp nhận tình trạng thích thì mở trường, không thích hay khi có tranh chấp thì ngừng tuyển sinh”.
Cơ quan soạn thảo cũng đã ghi nhận ý kiến góp ý của chuyên gia như: không phân biệt “trường đại học” và “đại học” để tương thích với quốc tế; quy định viện nghiên cứu, bệnh viện được đào tạo tiến sĩ, bác sỹ chuyên khoa I, II nhưng về lâu dài cần đề cao vai trò của trường đại học đúng với hệ thống văn bằng quốc gia; các hình thức đào tạo khác tại cộng đồng, địa phương…
Đình Nam