Thực tế thời gian qua việc phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường luôn là vấn đề cấp bách cùng với các tốc độ phát triển kinh tế-xã hội rất nhanh. Việc sàng lọc các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường được thực hiện ngay từ khâu chuẩn bị dự án, xem xét chủ trương dự án đến quyết định, triển khai thực hiện dự án bằng công cụ Đánh giá tác động môi trường, nhằm tăng cường phòng ngừa các tác động xấu có thể gây ra cho môi trường, hạn chế bị động, đến khi gây ô nhiễm rồi mới xử lý.
Tuy nhiên, theo Tờ trình của Chính phủ thì quản lý môi trường hiện nay mới chỉ tập trung đề cao vai trò, trách nhiệm của Nhà nước, chưa làm rõ vai trò của người dân, doanh nghiệp, sự tham gia của tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội và cộng đồng trong bảo vệ môi trường (BVMT), chưa huy động hiệu quả nguồn lực của xã hội cho BVMT trong khi nguồn lực của Nhà nước chưa đáp ứng được yêu cầu. Cách thức quản lý còn chú trọng nhiều về thủ tục hành chính, chủ yếu dựa vào quy trình, thủ tục, chưa dựa vào kết quả, mục tiêu cuối cùng.
Với yêu cầu cấp bách giải quyết các vấn đề về môi trường ngày càng phức tạp trên phạm vi rộng, mức độ ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng, chất lượng môi trường tại một số nơi đã vượt ngưỡng cho phép, có một số sự cố môi trường lớn gây hậu quả nghiêm trọng như sự cố Formosa, dịch bệnh lớn xuất hiện như COVID-19, Chính phủ đã quyết định cần sửa đổi toàn diện Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 để tạo các căn cứ pháp lý quan trọng, bảo đảm quản lý chặt chẽ hơn, kiểm soát các nguy cơ tiềm ẩn gây ô nhiễm môi trường cao tại các dự án đầu tư lớn, các hoạt động kinh tế-xã hội tập trung đông mật độ dân cư…
Các quy định mới của dự thảo Luật nhằm kiểm soát chất lượng của các thành phần như dất, nước, không khí, cảnh quan thiên nhiên, đa dạng sinh học... với những nguyên tắc BVMT nghiêm ngặt hơn như: Quy định về bảo vệ các thành phần môi trường đất, nước, không khí, biển, cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học, sức khỏe môi trường. Trong đó, nguồn thải vào môi trường phải được phân loại, quản lý phù hợp với mục đích sử dụng và sức chịu tải của nguồn nước; phải tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố trong từng thành phần môi trường; không cấp giấy phép môi trường để xả nước thải vào các nguồn đã không còn sức chịu tải; phân vùng môi trường trong quy hoạch các cấp; quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan nhà nước và chính quyền địa phương…
Các vướng mắc về nội dung đánh giá sơ bộ tác động môi trường trong thời gian qua đã được giải quyết khi Luật Đầu tư quy định trong hồ sơ dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ khi xin chấp thuận chủ trương đầu tư phải có nội dung “Đánh giá sơ bộ tác động môi trường, các giải pháp bảo vệ môi trường”. Đồng thời, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất giảm bớt các loại dự án phải thực hiện đánh giá sơ bộ tác động môi trường, gồm: Dự án đầu tư công có cấu phần xây dựng thuộc loại hình công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; dự án đầu tư xây dựng được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc dự án đầu tư xây dựng thuộc đối tượng phải đánh giá tác động môi trường và thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định của pháp luật về đầu tư. Dự thảo Luật cũng quy định việc đánh giá sơ bộ tác động môi trường được thực hiện trong giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi hoặc đề xuất thực hiện dự án đầu tư, được thể hiện là một phần trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi hoặc đề xuất thực hiện dự án đầu tư và sẽ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét đồng thời với hồ sơ quyết định chủ trương đầu tư dự án, không làm phát sinh thêm thủ tục hành chính.
Luật BVMT 2014 quy định đánh giá tác động môi trường như một công cụ quản lý môi trường cho suốt vòng đời dự án, nhưng chỉ là công cụ có tính dự báo nên quy định này đã bộc lộ nhiều bất cập bởi thực tế khi triển khai dự án có nhiều thay đổi nên sửa đổi luật theo hướng quản lý dự án, cơ sở khi đi vào vận hành được thay thế bằng công cụ giấy phép môi trường, đăng ký môi trường. Mặt dù, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất thay đổi theo hướng thu hẹp phạm vi phải đánh giá tác động môi trường, phân nhóm các trường hợp bắt buộc và không bắt buộc phải có đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường, nhưng tại Hội thảo góp ý Luật Bảo vệ môi trường của VCCI, một số chuyên gia cho rằng, nên tiếp tục thu hẹp đối tượng phải đánh giá tác động môi trường hoặc cấp giấy phép môi trường, nhất là các dự án nhỏ, có nguồn lực hạn hẹp và tránh trùng lắp với đánh giá sơ bộ tác động môi trường.
Thời điểm đánh giá tác động môi trường cũng được các chuyên gia góp ý, cho rằng cần phải được thực hiện trước khi quyết định cấp phép đầu tư dự án hoặc trước khi cấp phép xây dựng dự án. Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị đánh giá tác động môi trường phải được thực hiện trong giai đoạn lập báo cáo nghiên cứu khả thi theo quy định của pháp luật về xây dựng hoặc trước khi quyết định đầu tư dự án có thể không thực hiện được, vì có dự án có thể thực hiện được trong giai đoạn cấp phép đầu tư nhưng có dự án không thể thực hiện được trong giai đoạn này do không đủ thời gian. Cần quy định rõ một dự án đầu tư của cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ tại một địa điểm chỉ thực hiện một báo cáo đánh giá tác động môi trường, trong quá trình hoạt động khi có mở rộng quy mô sản xuất hoặc thay đổi công nghệ phải lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường thì báo cáo đánh giá tác động môi trường sau sẽ thay thế cho báo cáo đánh giá tác động môi trường phê duyệt trước đây để tránh cách hiểu khác nhau giữa chủ đầu tư và cơ quan quản lý khi thực hiện các thủ tục đầu tư
Việc thẩm định đánh giá tác động môi trường được Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất sửa đổi theo hướng giao thẩm quyền thẩm định đánh giá tác động môi trường của các bộ quản lý chuyên ngành chủ trì, phối hợp với UBND cấp tỉnh tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư của mình, trừ đối tượng thuộc thẩm quyền thẩm định báo cáo đánh giá tác động của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Một số chuyên gia cho rằng cần làm rõ hơn nữa trách nhiệm pháp lý của Hội đồng thẩm định, có thể quy định theo hướng cho phép các tổ chức đủ điều kiện tổ chức thẩm định, chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả thẩm định, làm căn cứ cho cơ quan thẩm định xem xét, quyết định dự án để giảm bớt gánh nặng cho các cơ quan nhà nước trong việc tổ chức thẩm định. Trường hợp cần thiết, cơ quan nhà nước có thể thẩm định lại.
Một số đề xuất mới của Bộ Tài nguyên và Môi trường để cắt giảm bớt các thủ tục hiện hành như: Tích hợp các loại giẩy phép xả thải; bãi bỏ thủ tục về xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường, thay vào đó là quản lý bằng công cụ giấy phép môi trường hoặc đăng ký môi trường; không quy định về việc phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và thay vào đó, quy định việc phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường để làm căn cứ cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện việc ban hành văn bản thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế cơ sở của dự án, quyết định phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, cấp giấy phép khai thác khoáng sản, cấp giấy phép môi trường, cấp giấy phép nhận chìm ở biển…
Việc sửa Luật Bảo vệ môi trường với quan điểm, cách tiếp cận coi BVMT ở vị trí trung tâm của các quyết định phát triển, là nền tảng phát triển bền vững, bảo vệ sức khỏe nhân dân là mục tiêu hàng đầu, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế, phòng ngừa là chính, kết hợp khắc phục ô nhiễm, suy thoái và cải thiện chất lượng môi trường... Nếu đạo luật này được sửa đổi theo đúng những quan điểm này thì đây là đạo luật sẽ được sự ủng hộ, đồng tình cao của Quốc hội, của Nhân dân vì tính cấp thiết của nó./.
Lê Văn Hà