Sữa học đường – Phải minh bạch, công khai 

(Chinhphu.vn) - Nếu Chương trình sữa học đường không được thực hiện một cách minh bạch, rõ ràng thì rất dễ trở nên phản tác dụng khi Nhà nước vẫn mất một khoản ngân sách (hỗ trợ một phần cho Chương trình), phụ huynh cũng vừa mất tiền vừa thêm nỗi lo về chất lượng sữa cho con uống và những nghi ngại từ phía dư luận.

 

Ông Tống Xuân Chinh, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Ảnh: VGP/Thúy Hà

Đại diện cho cơ quan quản lý chất lượng sữa tươi nguyên liệu, trao đối với phóng viên, ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, đối với chất lượng sữa, phải có sự giám sát chặt chẽ của tất cả các thành phần trong xã hội, không chỉ mỗi cơ quan quản lý, doanh nghiệp, mà đặc biệt phải có sự tham gia giám sát của phụ huynh, của cộng đồng.

Thưa ông, có ý kiến cho rằng cần đưa thêm các loại sữa khác ngoài sữa tươi (như sữa từ thực vật, sữa bột pha lại…) vào chương trình sữa học đường, trong khi sữa tươi trong nước đang đủ tiêu thụ, mà sữa bột phải nhập khẩu. Ông có nhận định gì về vấn đề này?

Ông Tống Xuân Chinh: Chăn nuôi bò sữa ở Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc. Năm 2017, tổng đàn bò sữa cả nước đạt 302.000 con, sản lượng sữa đạt 881.000 tấn, đáp ứng khoảng 40% nhu cầu trong nước. Doanh thu của ngành sữa đạt trên 100.000 tỷ đồng, tương đương trên 4 tỷ USD.

Sữa của Việt Nam cũng đã được xuất khẩu sang 36 quốc gia và vùng lãnh thổ, đạt kim ngạch hơn 300 triệu USD.

Với sự phát triển đó, đặc biệt với sữa tươi nguyên liệu trong nước, chúng ta có nhiều cái lợi, như tạo công ăn việc làm cho bà con nông dân trong nước với thu nhập ổn định, nguồn sữa cũng ổn định, an toàn cho các doanh nghiệp chế biến sữa, đồng thời không phải phụ thuộc vào nhập khẩu sữa bột, và đảm bảo an ninh sữa khi có vấn đề về dịch bệnh hoặc có vấn đề gì xảy ra với sữa nhập khẩu. Đặc biệt, sữa tươi đã được chứng minh có khả năng hấp thụ dinh dưỡng vi chất và các enzym sinh học tốt hơn nhiều so với các loại sản phẩm khác.

Theo ông, có nên đưa sữa thực vật vào Chương trình không và vì sao, thưa ông?

Ông Tống Xuân Chinh: Hiện nay, trên thị trường xuất hiện nhiều loại sữa được chế biến từ các loại hạt và ngũ cốc khác nhau. Ở Việt Nam chủ yếu là đỗ tương, đây là nguồn sữa thay thế một phần nhỏ của sữa bò, về quy mô phổ rộng thì vẫn phải chủ yếu sử dụng sữa từ động vật như bò, dê...

Sản lượng đỗ tương trong nước hiện nay mới hơn 200.000 tấn, còn lại chủ yếu phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu, mà khi nhập khẩu nguyên liệu này thì rất khó khẳng định rằng đậu tương không biến đổi gene. Chúng ta cũng có thể sử dụng các loại hạt khác chế biến sữa, nhưng không nhiều, vì vậy vẫn phụ thuộc phần lớn vào sữa động vật.

Trong Chương trình sữa học đường, điều phụ huynh băn khoăn nhất hiện nay là chất lượng sữa, theo ông, làm thế nào để tạo niềm tin tới người dân về chất lượng sữa vì mục tiêu của Chương trình này vốn rất nhân văn và cần thiết?

Ông Tống Xuân Chinh: Đối với chất lượng sữa, theo tôi phải có sự giám sát chặt chẽ của tất cả các thành phần trong xã hội, không chỉ mỗi cơ quan quản lý, doanh nghiệp, mà đặc biệt phải có sự giám sát của phụ huynh, giám sát của cộng đồng. Từ đó, chúng ta phải bảo đảm an toàn từ quá trình chăn nuôi, thu gom, chế biến, bảo quản, phân phối và đưa ra thị trường.

Ngay cả khi tiêu dùng, các bà mẹ cũng cần phải chú ý xem sữa đó còn hạn sử dụng không, đặc biệt là hộp sữa còn kín không, tránh sản phẩm méo mó, hở mà nên chọn các sản phẩm của công ty có lượng đàn bò lớn để sử dụng.

Còn chất lượng sữa khi được đóng gói tức là sữa thành phẩm sẽ có sự kiểm soát chất lượng từ các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Y tế, Bộ Công Thương, riêng sữa tươi nguyên liệu sẽ là trách nhiệm của Bộ NN&PTNT, giám sát theo quy chuẩn.

Về phía địa phương, tôi cho rằng, để thực hiện tốt chương trình này, mỗi địa phương nên thành lập một ban chỉ đạo từ các cấp trên địa bàn, như tỉnh Bắc Ninh đang thực hiện rất tốt. Tỉnh Bắc Ninh là một trong 13 tỉnh thành này đã thí điểm triển khai chương trình từ 2013-2014 và thực hiện đại trà từ 2015-2016 với 211 trường cùng triển khai trong năm học 2018-2019.

Có 50% kinh phí mua sữa cho trẻ là ngân sách tỉnh, 25% do công ty sữa chi trả và bố mẹ đóng góp 25%. Kết quả của chương trình là tăng trưởng hàng năm về cân nặng và chiều cao của trẻ đều tốt hơn so với trước kia, trong đó về chiều cao tăng trưởng từ 2,3 cm/năm.

Khi hình thành một ban chỉ đạo thống nhất như vậy, sẽ có sự giám sát của cộng đồng, đặc biệt là phụ huynh học sinh, doanh nghiệp, cơ quan quản lý và các hiệp hội. Đồng thời phải công khai, minh bạch các thông tin về Chương trình sữa học đường để nâng cao việc giám sát của cộng đồng.  

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Thúy Hà (thực hiện)

367 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1266
    • Thành viên Thành viên 1
    • Tổng Tổng 1267
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87226013