Sửa đổi Nghị định 27: Cần thời gian để hoàn thiện công cụ, thể chế 

(Chinhphu.vn) – Việc xây dựng Nghị định sửa đổi đang vướng phải một số khó khăn, nhất là trong tuyên truyền nhận thức từ người dân đến các tổ chức, cơ quan quản lý để bảo đảm tính đồng bộ trong triển khai. Đây là khó khăn cần thời gian để các cơ quan hoàn thiện công cụ, thể chế.

 

Hình ảnh tại hội thảo. Ảnh: VGP/Thu Hương

Thời gian qua, công tác cải cách thủ tục hành chính, xóa bỏ rào cản cho các DN được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hết sức quan tâm và kiên quyết chỉ đạo thực hiện. Đến nay, công tác này đã đạt được một số kết quả. Tuy nhiên người dân, doanh nghiệp vẫn còn kêu ca về sự phiền hà, rắc rối, chậm trễ trong giải quyết thủ tục hành chính ở khâu này, khâu khác tại nhiều cơ quan khác nhau, làm nản lòng nhà đầu tư cũng như cộng đồng DN.

Trước tình hình trên, Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng Nghị định mới thay thế Nghị định 27/2007/NĐ-CP về giao dịch điện tử trong lĩnh vực tài chính. Với mục đích khắc phục hạn chế của Nghị định cũ, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc triển khai giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính, góp phần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông, giảm gánh nặng chi phí cho DN, nhất là các DN nhỏ và vừa…

Hội thảo lấy ý kiến Đề cương xây dựng Nghị định thay thế Nghị Định 27/2007/NĐ-CP về giao dịch điện tử trong lĩnh vực tài chính do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Tài chính tổ chức ngày 6/9 là dịp để các DN, các cơ quan liên quan chia sẻ những vướng mắc, khó khăn trong việc thực hiện các giao dịch điện tử thuộc lĩnh vực này, đóng góp thiết thực cho việc xây dựng Nghị định mới, bảo đảm tính hợp lý, khả thi của văn bản.

Vẫn còn tư duy chứng từ giấy

Bà Lê Minh Chi, Trưởng phòng Quản lý an ninh thông tin, Cục Tin học và Thống kê tài chính (Bộ Tài chính) thay mặt Ban soạn thảo trình bày Đề cương xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 27, nhấn mạnh những điểm bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn và hệ thống pháp luật hiện hành của Nghị định 27, cũng như những điểm mới đang được đề xuất sửa đổi trong Đề cương.

Cụ thể, theo đại diện Ban soạn thảo, các quy định chưa được sửa đổi của Nghị định 27 thiên về mô phỏng thực tiễn theo phương thức giấy tờ truyền thống trên môi trường điện tử, chưa mạnh dạn khai thác lợi thế phương thức điện tử như: Xử lý tự động, giảm thao tác thủ công và can thiệp của con người, làm hạn chế hiệu quả của việc triển khai giao dịch điện tử trong lĩnh vực tài chính.

Theo ông Đinh Công Hiệp, Trường Phòng pháp chế (Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Sài Gòn-Hà Nội), hệ thống pháp luật nói chung và các quy định của pháp luật trong hoạt động tài chính nói riêng vẫn còn chịu ảnh hưởng bởi tư duy chứng từ giấy. Đề cương đề xuất sửa đổi Nghị định 27 có nhiều điểm mới, tuy nhiên vẫn còn một số khoản mục chưa hợp lý. Cụ thể, tại Khoản a, Mục 7, Đề cương này quy định: “Chứng từ giấy được chuyển thành điện tử dưới dạng hình ảnh nguyên trạng (quét thành tệp ảnh hoặc PDF). Vậy nguyên trạng sẽ được hiểu như thế nào? Nếu hiểu ‘nguyên trạng’ là bao gồm cả chữ ký và dấu mộc, trong khi DN đã cung cấp bản mềm có chữ ký số thì đó là tư duy chứng từ giấy”, ông Hiệp nêu vấn đề.

Chưa đồng bộ

Ông Đinh Công Hiệp cũng cho biết, theo Khoản c, Mục 17, chương 3 của Đề cương, nếu hiểu chỉ có một số đơn vị được liệt kê như: Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng… không được yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân xuất trình chứng từ giấy khi đã thực hiện giao dịch điện tử, “vậy còn những đơn vị khác thì sẽ thực hiện như thế nào, họ vẫn yêu cầu DN cung cấp chứng từ giấy hay sao?”

Đồng tình với quan điểm này, chuyên gia kinh tế Đặng Thị Minh An cho rằng ngoài các cơ quan được liệt kê như trong Mục 17, thì khi DN xuất trình được các chứng từ điện tử đã giao dịch rồi, các cơ quan quản lý khác cũng phải thực hiện truy xuất trên hệ thống để kiểm tra, không nên yêu cầu DN xuất trình chứng từ giấy.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI cũng cho rằng một trong những thách thức của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực tài chính là sự chuyển động không đồng đều giữa các cơ quan khác nhau. Khi vẫn có tình trạng một mặt khuyến khích DN tiến hành giao dịch điện tử nhưng việc ứng dụng công nghệ thông tin, giao dịch điện tử, hóa đơn điện tử… của một số cơ quan như công an, quản lý thị trường, biên phòng… còn hạn chế và chuyển động chưa tương xứng thì lại gây những trở ngại cho các DN.

Ông lấy ví dụ với những chuyến hàng chạy trên đường thì các cơ quan quản lý phải có cách thức nào đó để đánh giá tính hợp pháp của lô hàng, không thể bắt DN phải xuất trình hóa đơn bản in, gây phiền hà.

Ông Nguyễn Việt Hùng, Phó Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính (Bộ Tài chính) cho biết, Ban soạn thảo cũng đã nhận thức được “giao dịch điện tử với cơ quan tài chính” thực ra có phạm vi rất lớn, gồm nhiều giao dịch: Có giao dịch phát sinh chi phí, liên quan đến trách nhiệm pháp lý, nhưng có những giao dịch chỉ đơn giản là gửi báo cáo lên cơ quan chức năng. “Nếu các cơ quan này vẫn máy móc, yêu cầu bản mềm và cả bản scan giấy tờ có chữ ký, đóng dấu thì tôi cho rằng như vậy là không cần thiết. Chúng tôi sẽ xem xét để có những phân loại khoa học và cố gắng để có những chính sách phù hợp với mỗi loại giao dịch”.

Ông Nguyễn Việt Hùng chia sẻ, việc xây dựng Nghị định sửa đổi đang vướng phải một số khó khăn, nhất là trong tuyên truyền nhận thức từ người dân đến các tổ chức, cơ quan quản lý. Đây là khó khăn cần thời gian để các cơ quan hoàn thiện công cụ, thể chế.

“Bộ Tài chính đã lường trước vấn đề này nên sẽ lắng nghe, tiếp thu ý kiến để hoàn thiện Nghị định, cũng như ban hành các thông tư hướng dẫn giao dịch điện tử cho các lĩnh vực tài chính là ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, hải quan… sao cho sát thực tế và khả thi nhất”, đại diện Bộ Tài chính cho biết.

Thu Hương

463 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 911
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 911
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76784494