Sửa đổi Luật GDĐH: Tháo gỡ điểm nghẽn, thực sự tự chủ về tài chính 

(Chinhphu.vn) - Trong một thập kỷ qua, các trường đại học đã dần được trao quyền tự chủ, thể hiện qua các văn bản pháp quy của Nhà nước. Trong đó, phần tự chủ về tài chính theo hướng trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị giáo dục đại học công lập là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với chủ trương, đường lối mở cửa hội nhập hiện nay.

 

Để tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục đại học được tự chủ thực sự, nhất là về tài chính, dự thảo Luật Giáo dục Đại học sửa đổi cũng tiếp tục có những sửa đổi, bổ sung quan trọng nhằm khắc phục những bất cập, thực sự huy động được mọi nguồn lực để phát triển hiệu quả.

Tổng quan về chính sách

Hiệp hội Đại học châu Âu xác định vấn đề tự chủ đại học bao gồm các thành tố: Tự chủ về học thuật, tự chủ về tài chính, tự chủ về cơ cấu tổ chức, tự chủ về nhân sự. Tại Việt Nam, vấn đề tự chủ đại học được nêu rõ trong Điều lệ trường đại học, ban hành theo Quyết định số 153/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: “Trường đại học được quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật về quy hoạch phát triển nhà trường, tổ chức các hoạt động đào tạo, khoa học, công nghệ, tài chính, quan hệ quốc tế, tổ chức và nhân sự”.

Đến năm 2005, Luật Giáo dục ra đời đã quy định, trường đại học được quyền tự chủ trong 5 hoạt động: Xây dựng chương trình, giáo trình, kế hoạch giảng dạy, học tập đối với các ngành nghề được phép đào tạo; Xây dựng chỉ tiêu tuyển sinh, tổ chức tuyển sinh, tổ chức quá trình đào tạo, công nhận tốt nghiệp và cấp văn bằng; Tổ chức bộ máy nhà trường, tuyển dụng, quản lý, sử dụng, đãi ngộ nhà giáo, cán bộ, nhân viên; Huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực; Hợp tác với các tổ chức kinh tế, giáo dục, văn hóa, thể dục, thể thao, y tế, nghiên cứu khoa học trong nước và nước ngoài. 

Để triển khai Luật trong thực tiễn, Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 về Quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với sự nghiệp công lập đã được ban hành, đánh dấu khởi đầu một thời kỳ mới – thời kỳ tự chủ của đại học công lập.

Năm 2012, Luật Giáo dục Đại học được chính thức thông qua, đã tái khẳng định quyền tự chủ của các trường đại học. Theo đó, cơ sở giáo dục đại học được tự chủ trong các hoạt động chủ yếu thuộc các lĩnh vực tổ chức và nhân sự, tài chính và tài sản, đào tạo, khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế, bảo đảm chất lượng giáo dục đại học.

Đến năm 2014, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014-2017, quy định cơ sở giáo dục đại học công lập khi cam kết tự bảo đảm toàn bộ kinh phí hoạt động chi thường xuyên và chi đầu tư được thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện trên các mặt: Thực hiện nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học; tổ chức bộ máy và nhân sự; tài chính; chính sách học bổng, học phí với đối tượng chính sách; đầu tư, mua sắm; các nội dung tự chủ khác theo quy định của pháp luật.

Cùng với đó, Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ban hành ngày 14/2/2015 đã thay thế cho Nghị định số 43/2006/NĐ – CP. Nghị định này đã góp phần xác định lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí nhà nước, tiến tới giao quyền tự chủ tài chính hoàn toàn cho các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có các trường đại học công lập.

Khi được tự chủ tài chính hoàn toàn, nguồn thu của trường đại học công lập sẽ không còn nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, hoạt động tài chính của các trường đại học sẽ tương tự như hoạt động tài chính của một doanh nghiệp. Đây vừa là cơ hội phát triển song cũng là thách thức không nhỏ đối với các đại học công lập.

Những con số từ thực tiễn

Với việc ban hành một số chính sách tạo điều kiện thuận lợi, tăng quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học, trong đó có tự chủ về tài chính bước đầu đã mang lại nhiều kết quả thiết thực. Trong đó, các đơn vị đánh giá cao về các cơ chế đối với tự chủ tài chỉnh, bởi đây là yếu tố quyết định đến việc phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm đầu ra cho đơn vị.

Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, 10 trường đại học tự chủ trên 24 tháng đều đã đảm bảo được toàn bộ chi hoạt động thường xuyên, thực hiện trách nhiệm xã hội đối với người học, miễn giảm học phí cho các đối tượng chính sách, trích lập quỹ học bổng khuyến khích theo quy định và đều có chênh lệch thu lớn chi. Các trường đã trích lập quỹ đầu tư phát triển sự nghiệp, quỹ khen thưởng, phúc lợi, ổn định thu nhập.

Đáng chú ý là thu nhập của người lao động đã tăng lên rõ rệt so với thu nhập bình quân giai đoạn trước. Tổng thu giai đoạn thí điểm tự chủ năm 2015-2016 là 8.262 tỷ đồng so với giai đoạn trước khi tự chủ năm 2013-2014 là 6.890 tỷ đồng tăng 19,9%. Trong đó thu từ ngân sách nhà nước cấp chi thường xuyên, không thường xuyên và vốn đầu tư xây dựng cơ bản tăng 29,8%; thu hoạt động sự nghiệp từ thu học phí, lệ phí, thu sự nghiệp khác tăng 23,5%; thu hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ giảm 0,2%. Thu từ học phí và lệ phí tăng 3% so với thời điểm trước tự chủ và vẫn là nguồn thu chính của các trường đại học, chiếm trên 70% trong tổng thu của các trường.

Với tỷ lệ tăng thu chênh lệch 6% so với tỷ lệ tăng chi, các trường tự chủ đã có nguồn tài chính cho việc trích lập quỹ đầu tư phát triển sự nghiệp, quỹ khen thưởng cũng như thực hiện các trách nhiệm xã hội khác của nhà trường. Các mục chi tăng mạnh của các trường tập trung vào đầu tư, mua sắm trang thiết bị (84,4%), chính sách học bổng cho sinh viên (39,5%), tài trợ, viện trợ (35,5%) và hoạt động tư vấn và nghiên cứu khoa học (33,7%).

Cơ cấu nguồn quỹ trích lập trong các trường tự chủ trên 24 tháng cũng có sự phân hóa mạnh mẽ. Cùng với việc tăng học phí theo cơ chế tự chủ tài chính và tiếp tục thu hút giảng viên và sinh viên, các trường cũng tăng quỹ trích lập lên 45,5% kể từ sau tự chủ. Nhờ có cơ chế học phí mới, các trường cũng có cơ hội và thuận lợi hơn trong thực hiện chính sách học bổng, học phí (gia tăng học bổng, số xuất và số người được học bổng) đối với đối tượng chính sách. Cụ thể, nguồn quỹ hỗ trợ sinh viên tăng hơn 10 lần, từ 18 tỷ đồng trước tự chủ lên 186 tỷ đồng năm 2015-2016 trong đó chủ yếu đến từ khoản lãi gửi ngân hàng (133 tỷ đồng).

Một số trường tiêu biểu như Đại học Mở TPHCM đã bù toàn bộ chênh lệch học phí đối với đối tượng chính sách và sinh viên nghèo, năm học 2015-2016 đã cấp 2.020 suất học bổng cho sinh viên, trích lập Quỹ học bổng cho sinh viên trong năm học 2015-2016 khoảng 12 tỷ đồng.  Đại học Tài chính-Marketing, trong năm học 2015-2016 cũng đã trích lập quỹ hỗ trợ sinh viên 3 tỷ đồng và Quỹ học bổng khuyến khích học tập là 9 tỷ đồng…

Cần được tự chủ thực sự

Dù đã đạt được một số kết quả nhất định, song cơ chế tự chủ tài chính đến thời điểm này đã bộc lộ nhiều bất cập, cần chỉnh sửa bổ sung để sát với thực tiễn hoạt động của các trường đại học, tăng cường tính tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học.

Cụ thể là, cơ chế tài chính đối với cơ sở giáo dục đại học công lập thực hiện theo quy định tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có cơ sở giáo dục đại học  công lập. Tuy nhiên, trong lĩnh vực giáo dục, do chưa ban hành được nghị định về cơ chế tài chính cho đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập nên vẫn thực hiện theo quy định của Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ. Việc quản lý chi ngân sách nhà nước cho giáo dục đại học  thực hiện theo quy định chung của Luật ngân sách nhà nước, Luật đầu tư công và các văn bản hướng dẫn thực hiện.

Thêm vào đó, cơ chế phân bổ ngân sách cho các cơ sở giáo dục đại học  còn mang tính bình quân; tiêu chí cấp kinh phí chủ yếu căn cứ vào quy mô, số lượng sinh viên đầu vào mà chưa gắn với tiêu chí chất lượng và kết quả đầu ra khiến việc đầu tư ngân sách còn dàn trải, chưa hiệu quả và chưa phát huy được tính cạnh tranh giữa các cơ sở giáo dục đại học .Điều này cũng dẫn tới hệ quả là các trường tập trung vào tăng quy mô, số lượng đầu vào mà chưa chú trọng tới việc nâng cao chất lượng tương xứng với quy mô đào tạo.

Các quy định về tài chính, tài sản cũng không phù hợp với chủ trương thực hiện tự chủ đại học. Mức học phí chưa chưa được tính theo cơ chế định giá dịch vụ phù hợp với chi phí đào tạo thực tế của các nhóm ngành, các loại hình đào tạo và bậc đào tạo. Bên cạnh đó, Luật  chưa quy định về khoản thu từ kinh phí đặt hàng của nhà nước theo phương thức đấu thầu, thu nhập từ hoạt động kinh doanh; từ dịch vụ phục vụ cộng đồng; từ lãi tiền gửi ngân hàng nếu có và nguồn thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Các quy định về tài chính của Luật cũng chưa giúp các cơ sở giáo dục chủ động thu hút nhân tài, phục vụ công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học.

Về chính sách học phí, lộ trình tăng học phí thực hiện theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP (năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021). Tuy nhiên mức học phí vẫn còn thấp, chưa phù hợp với chi phí đào tạo thực tế của các nhóm ngành và các loại hình, trình độ đào tạo. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả trong đào tạo đại học cần thay đổi cách phân bổ kinh phí, tạo cơ chế để các trường tự chủ được xác định mức học phí hợp lý, tương xứng với chất lượng đào tạo. Khái niệm “học phí” cũng cần thay đổi để phù hợp với các văn bản pháp luật mới được ban hành, thay vào đó cần sử dụng khái niệm “Giá dịch vụ đào tạo”…

Qua đó có thể thấy, quy định của Luật hiện hành về tài chính, tài sản là chưa phù hợp, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn cho các cơ sở giáo dục đại học thực hiện quyền tự chủ.

Tiếp tục sửa đổi để sát với thực tiễn

PGS.TS Vũ Thị Lan Anh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng tự chủ về tài chính là nội dung rất quan trọng được đề xuất sửa đổi bổ sung trong Luật. Bởi một trường đại học muốn tự chủ thực sự phải đảm bảo kiềng 3 chân tự chủ: Tài chính-nhân sự-học thuật. Dự thảo lần này cũng đã có các quy định tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình vận hành các cơ sở giái dục đại học liên quan đến nội dung, quyền quyết định về tài chính, tài sản.

Theo Luật hiện hành, dù cho phép cơ sở giáo dục đại học được tự quyết định thu học phí, mức thu học phí, nhưng mức chi từ nguồn này vẫn bị giới hạn do quy định của Luật ngân sách. Với những nguồn thu từ ngân sách nhà nước thì nhà nước sẽ quy định khung, giá và mức giá, với những nguồn thu học phí không xuất phát từ ngân sách nhà nước thì cơ sở giáo dục đại học được tự quyết định. 

Dự thảo Luật mới cũng cho phép, với những khoản chi từ nguồn vốn từ ngân sách nhà nước phải chịu sự khống chế theo quy định của Luật ngân sách cũng như các quy định có liên quan liên quan đến vấn đề vốn nhà nước và quản lí tài sản nhà nước.

Theo bà Lan Anh, cần đổi mới chính sách học phí theo hướng chuyển sang tính giá dịch vụ của các cơ sở giáo dục đại học, kết hợp với phát triển chính sách tín dụng sinh viên và quỹ học bổng. Điều này sẽ giúp các cơ sở giáo dục đại học có nguồn thu để nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học đáp ứng yêu cầu xã hội, vừa đảm bảo cơ hội tiếp cận giáo dục cho các đối tượng chính sách xã hội, hộ nghèo và những đối tượng có khác có nhu cầu. Đối với những nguồn vốn do cơ sở giáo dục đại học tự huy động được (từ nguồn thu hợp pháp ngoài ngân sách, gồm cả học phí) thì các cơ sở giáo dục đại học được tự quyết định. Đây là một quyết định quan trọng giúp cho các cơ sở giáo dục tăng quyền tự chủ về mặt tài chính.

Nhật Nam

313 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 797
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 797
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77215213