Sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội: Giải quyết căn cơ những vướng mắc từ thực tiễn 

(ĐCSVN) - Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, đại biểu Đặng Bích Ngọc, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình cho rằng, dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có nhiều sửa đổi bổ sung nhằm giải quyết căn cơ những vướng mắc, bất cập từ thực tiễn, bảo đảm an sinh xã hội của người dân dựa trên quyền con người...

Ngày 22/11, bên hành lang Quốc hội đại biểu Đặng Bích Ngọc, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình đã trao đổi với phóng viên xung quanh những nội dung sửa đổi, bổ sung tại dự luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Theo chương trình Kỳ họp thứ 6, dự án luật này sẽ được Quốc hội cho ý kiến vào ngày mai (23/11).

Đại biểu Đặng Bích Ngọc, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình (Ảnh: QH) 

Phóng viên: Qua khảo sát việc thực hiện chính sách pháp luật về BHXH giai đoạn 2020 - 2023 của Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình cho thấy, quá trình thực hiện Luật BHXH năm 2014 đã giúp tăng diện bao phủ cũng như thụ hưởng chính sách BHXH cho mọi người dân, song đã phát sinh những bất cập. Theo đại biểu, Luật BHXH (sửa đổi) lần này sẽ giải quyết những tồn tại gì?

Đại biểu Đặng Bích Ngọc: Qua 7 năm thi hành Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014 đã khẳng định được tính đúng đắn của chính sách, chế độ BHXH theo nguyên tắc đóng - hưởng, đáp ứng được nguyện vọng của người lao động (NLĐ), đảm bảo an sinh xã hội. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cũng bộc lộ những khó khăn, bất cập, hạn chế như: Diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH và thụ hưởng BHXH vẫn thấp so với tiềm năng, tính tuân thủ pháp luật về BHXH còn chưa cao, còn tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH diễn ra ở nhiều doanh nghiệp, thậm chí xảy ra ở một số cơ quan Nhà nước; những chính sách chưa hấp dẫn người tham gia BHXH tự nguyện. 

Chính vì vậy, Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) lần này đã có nhiều quy định được bổ sung, sửa đổi trên cơ sở tổng kết thực tiễn quá trình thực hiện, phân tích, đánh giá tiềm năng thực tiễn để bổ sung, hoàn thiện quy định liên quan nhằm tạo điều kiện, khuyến khích mở rộng đối tượng tham gia BHXH như: Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) bổ sung chương III về trợ cấp hưu trí xã hội, trong đó hạ tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 tuổi xuống còn 75 tuổi. Nhà nước khuyến khích các địa phương tùy theo điều kiện kinh tế xã hội, khả năng cân đối ngân sách kết hợp huy động các nguồn lực xã hội hỗ trợ thêm cho người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội. NLĐ khi đến tuổi nghỉ hưu có thời gian đóng BHXH (gồm cả tự nguyện và bắt buộc) mà chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu (chưa đủ 15 năm đóng) và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí (chưa đủ 75 tuổi) thì được lựa chọn hưởng trợ cấp hàng tháng do quỹ BHXH chi trả cho thời gian trước khi đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội tùy thuộc vào thời gian đóng, tiền lương, thu nhập tháng đóng BHXH của NLĐ. Mở rộng hơn các đối tượng tham gia BHXH bắt buộc (Điều 3) với chủ hộ kinh doanh (có đăng ký kinh doanh); người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố; người quản lý, điều hành doanh nghiệp…

Ngoài ra, Dự thảo Luật BHXH còn bổ sung quyền lợi hưởng chế độ ốm đau, thai sản đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn; bổ sung chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện. Điều đặc biệt, của Dự thảo Luật lần này, quy định giảm điều kiện về số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu hàng tháng từ 20 năm xuống 15 năm nhằm tạo cơ hội cho nhiều người tham gia muộn hoặc quá trình tham gia không liên tục có thời gian đóng BHXH ngắn được hưởng lương hưu (Điều 64); quy định cơ chế về BHXH một lần…

Tôi cho rằng những quy định mới góp phần tiếp tục thực hiện bao phủ BHXH nhằm giải quyết căn cơ những bất cập, khó khăn trong tổ chức triển khai thời gian qua.

Phóng viên: Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) với phạm vi ảnh hưởng lớn, đối tượng chịu sự tác động rộng, nhất là các quy định về rút BHXH một lần. Xin được biết quan điểm của đại biểu về 2 phương án rút BHXH một lần tại Tờ trình của Chính phủ. Theo đại biểu, việc điều chỉnh tỉ lệ rút BHXH một lần so với hiện hành và giảm thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu có hạn chế được tình trạng rút BHXH một lần hiện nay không?

Đại biểu Đặng Bích Ngọc: Theo số liệu Chính phủ báo cáo tại Tờ trình sửa đổi Luật BHXH, giai đoạn 2016 - 2022, có gần 5 triệu lượt người hưởng BHXH một lần, trong số này, có gần 1,3 triệu người quay lại, tiếp tục tham gia. Như vậy, trong 7 năm qua, đã có khoảng 3,5 triệu người hưởng BHXH một lần và rời bỏ hoàn toàn hệ thống BHXH.

Nhằm hạn chế tình trạng rút BHXH một lần, Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã có nhiều nội dung bổ sung theo hướng gia tăng quyền lợi, tính hấp dẫn, khuyến khích NLĐ bảo lưu thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu thay vì nhận BHXH một lần (điều kiện hưởng lương hưu giảm từ 20 năm xuống 15 năm), hưởng trợ cấp hàng tháng; hưởng BHYT do NSNN đảm bảo trong thời gian hưởng trợ cấp hàng tháng. Ngoài ra NLĐ bị mất việc chưa có việc làm còn được hưởng chính sách hỗ trợ về tín dụng nhằm giải quyết khó khăn trước mắt cho NLĐ, tất cả các chính sách này sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho NLĐ, giúp NLĐ vượt qua khó khăn, tính toán thật kỹ trước khi thực hiện rút BHXH một lần để giải quyết những khó khăn trước mắt, khó khăn đột xuất.

Với 2 phương án mà Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đưa ra, những đánh giá tác động về mặt chính sách, xã hội cũng như những ưu, nhược điểm, tôi chọn ủng hộ phương án 1.

Phóng viên: Trước Kỳ họp Quốc hội thứ 6 diễn ra, 13 hiệp hội doanh nghiệp, gồm: Dệt may, da giày, sữa, bia rượu - nước giải khát thực phẩm... nêu một loạt vấn đề chưa hợp lý trong Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), đồng thời đề xuất nhiều nội dung như: giảm tỷ lệ đóng BHXH, giảm tuổi nghỉ hưu, thay đổi cách tính tỷ lệ hưởng lương hưu... Xin được biết ý kiến của đại biểu trước những kiến nghị này?

Đại biểu Đặng Bích Ngọc: Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) lần này đã được xem xét trên cơ sở tổng kết, đánh giá Luật BHXH năm 2014 xuất phát từ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn để thiết kế những quy định đảm bảo luật được ban hành sẽ sớm đi vào đời sống. Những vấn đề các doanh nghiệp, hiệp hội đưa ra cũng đã được xem xét. Thực tế, Dự thảo Luật đã có những quy định sửa đổi, bổ sung điều chỉnh lại những nội dung mà qua quá trình thực hiện còn khó khăn, nhiều kiến nghị.

Song với kiến nghị giảm tỷ lệ đóng BHXH, giảm tuổi nghỉ hưu hay cách tính lương hưu… cần được xem xét đánh giá, lấy ý kiến nhiều chiều, trên phương diện đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước - người dân - doanh nghiệp để cân nhắc và có những quy định cho phù hợp.

Phóng viênTrân trọng cảm ơn đại biểu!./.

 
Kim Thanh
69 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 849
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 849
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87230838