Sửa đổi, bãi bỏ nhiều điều kiện sản xuất, nhập khẩu ô tô 

(Chinhphu.vn) – Dự kiến, nhiều điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô được quy định tại Nghị định 116 năm 2017 sẽ được bãi bỏ, sửa đổi trong thời gian tới.

 

Bộ Công Thương đề xuất chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm nhiều quy định về sản xuất, lắp ráp ô tô.

Dự thảo sửa đổi Nghị định này cũng đang được Bộ Công Thương đưa ra lấy ý kiến.

Sẽ kiểm tra ô tô nhập khẩu theo kiểu loại thay vì theo lô

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Chính phủ sẽ sớm ban hành văn bản sửa đổi quy định của Nghị định 116/2017 về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô, trong đó ô tô nhập khẩu sẽ được kiểm tra theo kiểu loại.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng cho biết như vậy tại cuộc làm việc với các bộ ngành về việc sửa đổi điều kiện kinh doanh và kiểm tra chuyên ngành ngày 21/8.

Cụ thể, thay vì hình thức kiểm tra theo lô như quy định hiện hành, Chính phủ sẽ sửa đổi Nghị định 116/2017 theo hướng các xe nhập khẩu sẽ được kiểm tra theo kiểu loại, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm.

"Đề nghị Bộ Giao thông vận tải có văn bản báo cáo Thủ tướng sửa nghị định theo hình thức rút gọn. Cố gắng đến cuối tháng 8, đầu tháng 9 sẽ ban hành nhanh" - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, việc sửa đổi Nghị định 116 là phù hợp trong bối cảnh thị trường ô tô, hoạt động nhập khẩu ô tô đã đi vào ổn định.

Thực tế trong 2 năm qua sau khi nghị định được ban hành, ngành ô tô trong nước đã có bước phát triển nhất định, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và quản lý nhà nước cũng chặt chẽ hơn, không còn tình trạng lộn xộn trong hoạt động nhập khẩu xe.

Bằng chứng là lượng xe nhập khẩu tăng, các hãng xe đều xác nhận nguồn gốc và kiểu loại, thực hiện nghiêm túc quy định của Nghị định 116. Vì vậy, với năng lực của các trung tâm đăng kiểm hiện nay, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng việc cải cách trong quản lý, chuyển sang hậu kiểm là phù hợp.

Bãi bỏ nhiều điều kiện về lao động, cháy nổ

Trong khi đó, dự thảo Nghị định sửa đổi một số Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương cũng đang được Bộ này lấy ý kiến.

Dự thảo được Bộ Công Thương xây dựng nhằm triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2019 của Chính phủ, trong đó giao các bộ, cơ quan ngang bộ tiếp tục rà soát, trình Chính phủ bãi bỏ, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh không rõ ràng, không cụ thể, không khả thi.

Dự thảo Nghị định đưa ra đề xuất sửa đổi, bãi bỏ điều kiện kinh doanh trong các lĩnh vực: sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô; điện lực; hóa chất; thực phẩm; than, khoáng sản; kinh doanh khí.

Trong đó, với lĩnh vực sản xuất và nhập khẩu ô tô, dự thảo sửa đổi, bãi bỏ các quy định về điều kiện an toàn, vệ sinh lao động, an toàn phòng cháy và chữa cháy, phương án chữa cháy. Theo đó, bãi bỏ khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 7 của Nghị định số 116/2017/NĐ-CP. 

Khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 7 của Nghị định số 116/2017/NĐ-CP đang đưa ra các điều kiện sau:

- Người phụ trách kỹ thuật các dây chuyền sản xuất, lắp ráp ô tô phải có trình độ đại học trở lên, thuộc ngành cơ khí, ô tô và có kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ô tô tối thiểu 05 năm.

- Có đủ nhân lực, phương án bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.

- Đáp ứng đủ điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy, phương án chữa cháy theo quy định của pháp luật phòng cháy, chữa cháy.

Như vậy, nếu đề xuất của Bộ Công Thương được chấp thuận, việc quản lý nhà nước sẽ chuyển hướng từ tiền kiểm sang hậu kiểm đối với các điều kiện này mà sẽ không đặt ra trong điều kiện cấp giấy phép kinh doanh.

 

Bộ Công Thương cũng cho biết, có 02 định hướng cơ bản trong quá trình xây dựng Nghị định này. Thứ nhất, trong quá trình xây dựng Dự thảo Nghị định, có thể đề xuất bãi bỏ thêm một số điều kiện trong một số lĩnh vực đồng thời có đề xuất giữ lại điều kiện kinh doanh trong một số lĩnh vực.

Thứ hai, theo phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh của Bộ, một số điều kiện kinh doanh được đơn giản hóa theo hướng chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Tuy nhiên, vì việc chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm đối với một số điều kiện kinh doanh sẽ trực tiếp ảnh hưởng lớn đến cấu trúc, nội hàm chính sách và quy trình, phương pháp quản lý nhà nước đang được quy định tại văn bản pháp quy chuyên ngành về lĩnh vực này. Do vậy, đối với những điều kiện đề xuất bãi bỏ thì bãi bỏ ngay tại Dự thảo Nghị định sửa nhiều Nghị định đang xây dựng và ngược lại các điều kiện kinh doanh có liên quan đến hậu kiểm thì sẽ được quy định tại Nghị định chuyên ngành của ngành, lĩnh vực có liên quan. 

Hà Chính

350 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 599
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 599
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87216883