Sự phát triển lý luận về đối ngoại độc lập, tự chủ của Đảng ta trong gần 40 năm đổi mới 

Dân tộc Việt Nam từ khi lập nước đã phải vừa dựng nước vừa giữ nước. Ý chí độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường là động lực mạnh mẽ nhất trong lịch sử mấy nghìn năm của dân tộc. Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) trở thành đảng cầm quyền.

Từ đó, việc nhận thức và phát triển lý luận đối ngoại về độc lập, tự chủ được Đảng đặt ra thường xuyên. Lịch sử cách mạng Việt Nam từ năm 1945 đến năm 1985 được chia thành ba thời kỳ1. Mỗi thời kỳ, nhận thức lý luận về đối ngoại độc lập, tự chủ của Đảng có sự phát triển và có những nội dung khác nhau tùy theo hoàn cảnh và yêu cầu lịch sử cụ thể.

Quá trình nhận thức và phát triển lý luận về đối ngoại độc lập, tự chủ trong đổi mới và hội nhập quốc tế của Đảng

Nhận thức và sự phát triển lý luận về độc lập, tự chủ của Đảng ta trong thời kỳ đổi mới được thể hiện qua mỗi kỳ Đại hội Đảng.

Đại hội VI (1986), diễn ra trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh (Chiến tranh Lạnh bắt đầu từ tháng 3/1947 với sự ra đời của thông điệp của Tổng thống Truman trước Quốc hội Mỹ và kết thúc với sự tan rã của Liên Xô vào năm 1991)  đang đi vào hồi kết. Tình hình chính trị thế giới có nhiều biến động, các nước Xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở Đông Âu và Liên Xô lâm vào khủng hoảng trầm trọng, sụp đổ, tan rã. Đại hội VI khởi xướng công cuộc Đổi mới, diễn ra vào thời điểm nước ta rơi vào khủng hoảng kinh tế - xã hội, viện trợ, đầu tư từ các nước XHCN không còn, nền kinh tế ở tình trạng khép kín, bị cô lập, cấm vận, đặc biệt là từ thị trường các nước ngoài khối xã hội chủ nghĩa. Trước tình hình đó, Đảng đã có những phân tích, nhận thức chính xác về tình hình thế giới, khu vực, trong nước và nhận định: Cách mạng khoa học - kỹ thuật phát triển và có vai trò ngày càng quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội của thế giới. Đại hội VI đưa ra chủ trương tranh thủ những điều kiện thuận lợi về hợp tác kinh tế và khoa học - kỹ thuật, tham gia ngày càng rộng rãi vào phân công và hợp tác quốc tế trong “Hội đồng tương trợ kinh tế và mở rộng với các nước khác”. Đồng thời Đảng chủ trương: “tiếp tục giương cao ngọn cờ hòa bình, độc lập dân tộc và CNXH, kết hợp nhuần nhuyễn chủ nghĩa yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế vô sản, giữ vững độc lập tự chủ, tăng cường hợp tác quốc tế, ra sức làm tròn nhiệm vụ dân tộc và làm tốt nghĩa vụ quốc tế đối với nhân dân thế giới”2. Chủ trương này của Đại hội VI thể hiện một cách tiếp cận mới là: độc lập, tự chủ không có nghĩa là biệt lập “đóng cửa” với thế giới, mở đường cho tư duy về hội nhập kinh tế quốc tế trong thời kỳ đầu đổi mới.

Đại hội VII (1991)  khẳng định: “nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và CNXH”, coi đây là bài học xuyên suốt của cách mạng Việt Nam. Độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để thực hiện CNXH và CNXH là cơ sơ bảo đảm vững chắc cho độc lập dân tộc”3. Điểm mới trong nhận thức lý luận về độc lập, tự chủ là, Đảng đã làm rõ mối quan hệ hữu cơ giữa độc lập dân tộc và CNXH, đồng thời khái quát coi đây là bài học xuyên suốt của cách mạng. Về đối ngoại, Đại hội VII đề ra nhiệm vụ: “tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện chính sách đối ngoại độc lập tự chủ, rộng mở, đa dạng hóa và đa phương hóa, tranh thủ tối đa mặt đồng, hạn chế mặt bất đồng, tạo điều kiện thuận lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…”4Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH năm 1991 (Cương lĩnh 1991) ra đời, khẳng định bản lĩnh, trí tuệ của Đảng trong sự nghiệp lãnh đạo toàn dân kiên định con đường đổi mới, quyết tâm xây dựng thành công CNXH ở Việt Nam. Theo tinh thần Đại hội VII và Cương lĩnh 1991, từ chỗ bị cô lập, cấm vận, đất nước ta đã chủ động phá thế bao vây; bình thường hóa quan hệ với các nước lớn; thực hiện chủ trương muốn là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế. Đây là minh chứng sinh động và ý nghĩa về tầm quan trọng của việc nhận thức và phát triển lý luận về độc lập, tự chủ trong lựa chọn con đường phát triển cho đất nước của Đảng trước những biến động của thời cuộc.

Đại hội VIII (1996) mở rộng cách tiếp cận tới độc lập, tự chủ từ nâng cao ý thức độc lập, tự chủ đến yêu cầu tạo lập được vị thế độc lập, tự chủ bao gồm “độc lập, tự chủ về kinh tế, quốc phòng, an ninh”5, sao cho trong mọi lĩnh vực chúng ta có cách tư duy độc lập… và “ Giữ vững độc lập tự chủ đi đôi với mở rộng hợp tác quốc tế”6. Cái mới trong nhận thức và phát triển lý luận về độc lập, tự chủ của Đại hội VIII là đưa thuật ngữ “hội nhập kinh tế quốc tế” vào văn kiện, đồng thời làm rõ mối quan hệ biện chứng giữa độc lập, tự chủ và “hội nhập”. Văn kiện Đại hội VIII khẳng định: “Mở rộng quan hệ quốc tế phải trên cơ sở giữ vững độc lập tự chủ, bình đẳng và cùng có lợi, giữ gìn, phát huy bản sắc và những truyền thống tốt đẹp của dân tộc”7. Đến Hội nghị Trung ương 4, khóa VIII (tháng 12/1997) nhận thức lại thêm rõ hơn: Độc lập tự chủ, tự lực, tự cường là cơ sở vững chắc để đẩy mạnh hơn nữa đoàn kết, hợp tác và hội nhập quốc tế nhằm góp phần xây dựng thành công CNXH và bảo vệ vững chắc Tổ quốc XHCN; nâng cao ý chí tự lực, tự cường, giữ vững bản sắc dân tộc trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Đại hội IX (2001) là Đại hội đầu tiên của thế kỷ XXI, diễn ra trong bối cảnh biến động bởi khủng bố quốc tế, thế giới phân tuyến chống khủng bố, chính trị cường quyền nổi lên và kinh tế thế giới dần lâm vào suy thoái, khủng hoảng. Trước tình hình đó, nhận thức của Đảng về lý luận về độc lập, tự chủ được nâng lên một bước, gắn liền mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ với hội nhập kinh tế quốc tế: “Chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực theo tinh thần phát huy tối đa nội lực, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, bảo đảm độc lập tự chủ và định hướng XHCN…”8. Chủ trương này phản ánh một bước chuyển lớn về  tư duy lý luận độc lập, tự chủ trong đường lối phát triển và hội nhập của Đảng. Quan điểm chỉ đạo được Đại hội IX đưa ra là: “…phải bảo đảm xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, trước hết là độc lập tự chủ về đường lối, chính sách… Xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ đi đôi với chủ động hội nhập kinh tế quốc tế…, kết hợp nội lực với ngoại lực thành nguồn lực tổng hợp để phát triển đất nước”9. Mở rộng quan hệ với các nước, các trung tâm kinh tế quốc tế, nhưng không để nền kinh tế nước nhà bị lệ thuộc hay chịu sự chi phối từ bên ngoài.

Nghị quyết Trung ương 8, khóa IX (tháng 8/2003) về bảo vệ an ninh quốc gia làm rõ hơn lý luận về độc lập, tự chủ khi nêu tư tưởng chỉ đạo đối với công tác đối ngoại: giữ vững độc lập tự chủ, đi đôi với mở rộng quan hệ đối ngoại và củng cố môi trường quốc tế hòa bình, ổn định phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cần tiếp tục giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và CNXH; tích cực chủ động tiến hành hoạt động đối ngoại trên cơ sở đường lối độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, thực hiện hội nhập khu vực và quốc tế.

Đại hội X (2006), nhận thức của Đảng về lý luận về độc lập, tự chủ đã được đúc rút thành bài học kinh nghiệm: “… trong quá trình đổi mới phải kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh”10. Đại hội X bổ sung thêm cụm từ “tích cực” vào chủ trương hội nhập: “Chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực khác…”11. Đồng thời bổ sung thêm: “Chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế theo lộ trình, phù hợp với chiến lược phát triển đất nước …Chuẩn bị tốt các điều kiện để ký kết các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương”12.

Đại hội XI (2011), nhận thức của Đảng về lý luận về độc lập, tự chủ được khẳng định rõ ràng hơn khi thống nhất dùng khái niệm “độc lập, tự chủ” thay cho “độc lập tự chủ” để thể hiện đúng hai mặt “độc lập” và “tự chủ” của “chủ quyền quốc gia”. Nhằm cụ thể hóa mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ với hội nhập quốc tế trong đường lối phát triển, ngày 10/4/2013, Bộ Chính trị khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TW về hội nhập quốc tế để hướng tới củng cố môi trường hòa bình, tranh thủ tối đa điều kiện quốc tế thuận lợi để phát triển đất nước nhanh và bền vững, nâng cao đời sống Nhân dân; giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN; quảng bá hình ảnh Việt Nam, bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc; tăng cường sức mạnh tổng hợp quốc gia, nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước; góp phần tích cực vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ trên thế giới. Một điểm mới trong nhận thức và phát triển của Đảng về lý luận về độc lập, tự chủ là đã đưa mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế thành một trong tám mối quan hệ lớn cần tập trung giải quyết trong Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 201113.

Đại hội XII (2016), trên cơ sở nhận thức đúng về xu thế thời đại và cục diện thế giới, Đảng tiếp tục khẳng định quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế là một trong mười mối quan hệ lớn14, phải đặc biệt chú trọng nắm vững và giải quyết tốt. Đồng thời, trên cơ sở nhận thức sáng tỏ về lý luận về độc lập, tự chủ, Đảng chỉ đạo việc thực hiện các chính sách: “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”15. Đảng khẳng định quan điểm: “Bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi…”; “xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tham gia có hiệu quả vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu”16.

Đại hội XIII (2021), diễn ra và triển khai trong bối cảnh thế giới, khu vực có nhiều biến động phức tạp, khó đoán định. Đại dịch Covid-19 gây đảo lộn nghiêm trọng về kinh tế, xã hội toàn cầu, tuy nhiên khi dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát tại hầu hết các nước trên thế giới, thì những bất định, rủi ro từ an ninh phi truyền thống như: thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, xung đột chính trị, cạnh tranh chiến lược; rủi ro lạm phát, tài chính - tiền tệ; an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh chuỗi cung ứng … đã và đang đặt ra bài toán cho độc lập, tự chủ, hội nhập quốc tế và phát triển của Việt Nam. Trong bối cảnh đó, Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại”17. Đồng thời tiếp tục nhấn mạnh: “Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, giải quyết tốt mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; thúc đẩy hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, linh hoạt, hiệu quả vì lợi ích quốc gia - dân tộc, bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền quốc gia”18.

 Bối cảnh mới đặt ra nhiều vấn đề cho việc giải quyết mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế của Việt Nam. Nên Đảng xác định, “Xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân”19.  Muốn làm tốt điều này cần kế thừa và phát triển ngoại giao truyền thống của ông cha, đặc biệt tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh. Trong đó, tư tưởng cốt lõi là bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc; độc lập, tự chủ gắn với CNXH; hội nhập quốc tế luôn gắn liền với độc lập, tự chủ, giữ gìn bản sắc văn hóa; phát huy ý chí tự lực, tự cường, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.

Trong những năm triển khai nghị quyết Đại hội XIII 2022 - 2023, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, bùng phát các cuộc xung đột vũ trang Nga - Ukraina; Israel - Hamas với mức độ khốc liệt chưa từng có. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, đồng thời đưa tới cả thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia, dân tộc. Hòa bình, hợp tác, phát triển vẫn là xu thế lớn nhưng đang bị thách thức nghiêm trọng. Cạnh tranh chiến lược nước lớn, nhất là cạnh tranh giữa Mỹ - Trung Quốc - hai cường quốc hàng đầu thế giới đã và đang tác động đa chiều đến định hình trật tự thế giới mới. Chạy đua vũ trang, chiến tranh thương mại ngày càng phức tạp làm cho quá trình toàn cầu hóa và kinh tế thế giới đối mặt với nhiều trở ngại. Chủ nghĩa cường quyền, chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa dân túy gia tăng. Vấn đề tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ, biển, đảo diễn biến phức tạp ở nhiều khu vực. Trong bối cảnh thế giới, khu vực, cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung gay gắt, phức tạp nêu trên, từ nhận thức ngày càng đầy đủ về lý luận độc lập, tự chủ, Việt Nam đề cập nhiều hơn tới khái niệm “tự chủ chiến lược” và xác định đây là phương châm chủ đạo, lâu dài trong việc hoạch định chính sách đối ngoại. Nghĩa là, muốn giữ vững độc lập, toàn vẹn lãnh thổ, thể chế chính trị của mình trong tình hình hiện nay, nhất định phải có đủ thế và lực cùng quyết tâm, bản lĩnh cao, kiên trì theo đuổi thực hiện mục tiêu, lý tưởng, phải xây dựng đường lối phát triển rõ ràng, trong đó, tự chủ chiến lược là nội dung căn cốt.

Như vậy là, từ Đại hội VI đến Đại hội XIII, qua gần 40 năm đổi mới và hội nhâp quốc tế, nhận thức của Đảng về lý luận độc lập, tự chủ trong đối ngoại, hội nhập quốc tế ngày càng sâu sắc, đầy đủ hơn, phản ánh năng lực tư duy và tầm trí tuệ lãnh đạo đất nước, đáp ứng yêu cầu xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội.

Nội dung lý luận về đối ngoại độc lập, tự chủ trong đổi mới và hội nhập quốc tế

Lý luận về đối ngoại độc lập, tự chủ của Đảng được hình thành, phát triển qua các thời kỳ: lãnh đạo cách mạng dân tộc, dân chủ (1945 - 1975); thời kỳ bảo vệ nền độc lập và tìm tòi con đường đổi mới (1975 - 1985); thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế (1986 - 2024), có những nội dung khác nhau tùy theo hoàn cảnh và yêu cầu lịch sử cụ thể. Sau gần 40 năm đổi mới và hội nhập quốc tế có thể khái quát những nội dung chính của lý luận về đối ngoại độc lập, tự chủ như sau:

Nội hàm của độc lập, tự chủ trong đối ngoại của một quốc gia là: khả năng của quốc gia trong việc bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia và thực hiện quyền tự quyết lựa chọn chế độ chính trị, con đường, mô hình phát triển, về các chính sách đối nội, đối ngoại của mình, không bị sự thống trị, áp đặt, lệ thuộc, chi phối, thao túng từ bên ngoài. Độc lập, tự chủ được thể hiện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội như chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, ... của đất nước.

Lý luận về đối ngoại độc lập, tự chủ trong đổi mới và hội nhập quốc tế là phải giải quyết tốt các mối quan hệ:

Thứ nhất, mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ với mở cửa, hội nhập. Độc lập, tự chủ không có nghĩa là biệt lập “đóng cửa” với thế giới, mà phải mở cửa, hội nhập vào khu vực và thế giới.

Thứ hai, mối quan hệ hữu cơ giữa độc lập, tự chủ với định hướng xây dựng chủ nghĩa xã hội. Độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để thực hiện CNXH và CNXH là cơ sơ bảo đảm vững chắc cho độc lập dân tộc.

Thứ ba, mối quan hệ biện chứng giữa độc lập, tự chủ với hội nhập quốc tế. Tâm điểm của Lý luận về đối ngoại độc lập, tự chủ chính là sự gắn kết giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế. Đó là, tiếp cận toàn diện về độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế, lấy nội lực là quyết định, huy động tối đa ngoại lực. Hội nhập quốc tế để phục vụ độc lập, tự chủ còn độc lập, tự chủ là nền tảng cho hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện và hiệu quả.

Thứ tư, mối quan hệ giữa kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Muốn giữ được độc lập tự chủ thì trong đối ngoại nói riêng cần nắm vững quan điểm kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, trong đó dựa vào sức mình, dựa vào nội lực đất nước là chính, khơi dậy và phát huy cao độ nội lực, trong khi tranh thủ tối đa các nguồn ngoại lực.

Thứ năm, mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ với tự chủ chiến lược. Đây là mối quan hệ giữa mục tiêu và phương thức thực hiện. Trong bối cảnh thế giới biến động, phức tạp hiện nay để đảm bảo độc lập, tự chủ cần hoạch định chính sách đối ngoại “tự chủ chiến lược”. Khả năng tự chủ chiến lược của một quốc gia tùy thuộc vào việc quốc gia đó giải quyết tốt đến đâu mối quan hệ biện chứng giữa ba thành tố: ý chí chính trị, khả năng tự quyết định và khả năng hành động.

Như vậy, có thể khẳng định rằng, lý luận về đối ngoại độc lập, tự chủ trong đổi mới và hội nhập quốc tế hình thành cùng với quá trình Đảng lãnh đạo công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế tại Việt Nam. Trong bối cảnh hiện nay, việc Việt Nam hoạch định, triển khai chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, cân bằng quan hệ với các nước lớn và theo hướng ngày càng tự chủ chiến lược, vừa giúp đất nước giữ vững tổng thể cục diện đối ngoại, vừa khẳng định một Việt Nam bản lĩnh, tin cậy và có trách nhiệm, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, góp phần bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Vững vàng, kiên định lý luận về đối ngoại độc lập, tự chủ nhằm đảm bảo tự chủ chiến lược nhất định chúng ta sẽ bảo đảm được độc lập, tự chủ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trước những biến động của thời cuộc, đưa nước ta thực hiện thắng lợi mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên CNXH.  Mai Linh         

----------------

1. Kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954); thời kỳ kháng chiến chống Mỹ (1954 -1975); thời kỳ bảo vệ nền độc lập và tìm tòi con đường đổi mới (1975 - 1985).

2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới và hội nhập (Đại hội VI, VII, VIII, IX, X, XI), Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2013, tr. 84.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới và hội nhập (Đại hội VI, VII, VIII, IX, X, XI), Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2013, tr 224.

4. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới và hội nhập (Đại hội VI, VII, VIII, IX, X, XI), Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2013, tr 331.

5. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới và hội nhập (Đại hội VI, VII, VIII, IX, X, XI), Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2013, tr 22.

6. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới và hội nhập (Đại hội VI, VII, VIII, IX, X, XI), Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2013, tr 84.

7. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, ), Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 1996. Tr 74.

8. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX, ), Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2001. Tr 43.

9. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX, ), Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2001. Tr 25 - 26.

10. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới và hội nhập (Đại hội VI, VII, VIII, IX, X, XI), Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2013, tr 622.

11. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứX, ), Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2006. Tr 112.

12. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X, ), Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2006. Tr 114.

13. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.72-73. 

14. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2016, tr.17-18.

15. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2016, tr 153.

16. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2016, tr 153, 77.

17. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2021, tr 161.

18. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2021, tr 164.

19. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2021, tr 164.

 

 

 

98 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Thông tin hướng dẫn, trao đổi nghiệp vụ

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 549
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 549
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 85291041