SỰ NGUY HIỂM CỦA ĐỢT COVID-19 LẦN NÀY 

Chỉ tính từ ngày 27/4/2021 đến ngày 7/5/2021 trên cả nước đã có 121 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước. Đây là lần bùng phát dịch thứ tư tại Việt Nam kể từ năm ngoái đến nay, sau đợt dịch tháng 3-4/2020, tháng 7-8 liên quan Đà Nẵng, tháng 1-2 liên quan Hải Dương. Theo các chuyên gia, đợt dịch này có nhiều điểm khác biệt lớn so với "làn sóng COVID-19 thứ hai" tại Đà Nẵng vào tháng 7/2020 hay hai ổ dịch bùng phát, nhanh chóng lan rộng vào tháng 1/2021 tại Công ty Poyun, Hải Dương và Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Quảng Ninh và theo các cơ quan chức năng dự đoán số ca mắc sẽ còn tăng trong thời gian tới, bởi những nguyên nhân như xuất hiện nhiều ổ dịch, nhiều biến chủng cùng lúc và tâm lý chủ quan, lơ là của người dân…

Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội đồng chuyên môn điều trị Covid-19, cho biết các đợt dịch trước đây là từ một ổ dịch lây sang nguồn khác, chẳng hạn Đà Nẵng là Bệnh viện Đà Nẵng hay Hải Dương là từ khu công nghiệp Poyun, còn đợt dịch này là lây từ nhiều điểm khác nhau.

Đầu tiên là chuỗi siêu lây nhiễm cộng đồng ở Hà Nam, lây lan bốn tỉnh thành gồm Hà Nam, Hà Nội, Hưng Yên, TP HCM. Tiếp đến là chuỗi lây nhiễm từ khách sạn Như Nguyệt 2, Yên Bái ghi nhận 5 ca nhiễm liên quan nhóm chuyên gia Ấn Độ và trong khu cách ly tập trung của khách sạn. Thứ ba là chuỗi lây nhiễm cộng đồng từ Vĩnh Phúc ghi nhận 6 ca liên quan nhóm chuyên gia Trung Quốc hết cách ly di chuyển nhiều nơi. Thứ tư là từ ổ dịch mới tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, Hà Nội, bao gồm nhân viên y tế, người nhà và bệnh nhân đang điều trị, đã có ít nhất 52 bệnh nhân COVID-19 ở 15 tỉnh thành lây lan từ ổ dịch này. Và mới đây nhất là ổ lây nhiễm tại vũ trường New Phương Đông – Đà Nẵng.

Việc xuất hiện các biến chủng mới, có khả năng nhiễm nhiều hơn, thời gian ủ bệnh để lây từ người này sang người khác ngắn hơn, lây lan nhanh chỉ trong một thời gian ngắn cũng là khó khăn đối với công tác phát hiện, kiểm soát các ổ dịch. Theo kết quả giải trình tự gene của các chuyên gia Ấn Độ và nhân viên khách sạn Yên Bái do Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương thực hiện, kết quả cho thấy đều thuộc biến chủng Ấn Độ là B.1.167. Chiều 4/5, Bộ Y tế công bố kết quả giải trình tự gene 3 mẫu virus bệnh nhân COVID-19 cộng đồng ở Vĩnh Phúc thuộc biến chủng B.1617 Ấn Độ. Đây là biến chủng kép, lần đầu tiên phát hiện tại Việt Nam. Các chuyên gia cũng giải trình tự gene virus 6 mẫu bệnh phẩm ở Hà Nam, hai mẫu ở Hưng Yên, hai mẫu tại Hà Tĩnh lấy từ hai bệnh nhân Covid-19 từ Lào sang Việt Nam qua đường bộ, kết quả nhiễm chủng B.117, là biến thể từ Anh.

Một khó khăn nữa mới xuất hiện trong đợt dịch lần này là mất dấu F0. Nếu đợt dịch thứ nhất với 16 ca đầu tiên ghi nhận trong cả nước, tất cả đều tìm thấy F0, cách ly F1 rất nhanh, 99 ngày sau đó cả nước không ghi nhận lây nhiễm cộng đồng. Giai đoạn thứ hai ở Đà Nẵng, dù F0 đầu tiên mất dấu nhưng một số F0 khác phát hiện được, từ đó nhanh chóng khoanh vùng, dập dịch hay ngày 28/11/2020, TP HCM xuất hiện chuỗi lây nhiễm nhưng nhanh chóng xác định được F0, từ đó kiểm soát tốt tình hình, khả năng lây lan thấp trong cộng đồng. Thì đợt dịch này cũng giống như đợt ở Hải Dương khi mất dấu hoàn toàn F0, đây chính là vấn đề nan giải đang đặt ra khi mà biến chủng thì ngày càng nhiều, triệu chứng cũng có những đặc thù riêng khi có người không hề có biểu hiện bệnh…Những bệnh nhân không triệu chứng- những “quả bom nổ chậm”, di chuyển khắp nơi trở thành nguồn lây bệnh cho cộng đồng.

Vừa qua, ngày 5/5/2021 Bộ Y tế đã quyết định kéo dài thời gian cách ly tập trung từ 14 ngày lên 21 ngày đối với những người có tiếp xúc gần với các ca bệnh dương tính với SARS-CoV-2 và các trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam. Quyết định này được đưa ra sau một loạt các trường hợp dương tính sau khi hết thời gian cách ly tập trung. Đó là trường hợp bệnh nhân 2899 ghi nhận ngày 29/4, sau khi hoàn thành cách ly tập trung tại Đa Nẵng và 3 lần kết quả âm tính. Sau khi trở về Hà Nam, người này trở thành nguồn lây cho 19 ca khác. Đó là 5 chuyên gia Trung Quốc, hoàn thành cách ly tập trung ở Yên Bái và xuất cảnh ngày 29/4, cũng dương tính nCoV. Một chuyên gia Ấn Độ sống tại Hà Nội, dương tính sau khi hoàn thành cách ly tập trung 2 ngày. Một phụ nữ 32 tuổi từ Dubai về TP HCM, hết hạn cách ly tập trung với ba lần xét nghiệm âm tính, khi về quê Thạch Hà xét nghiệm lại dương tính, ghi nhận chiều 5/5.

Cùng với những nguy hiểm xuất phát từ đặc thù dịch bệnh thì một mối nguy hại không kém là tâm lý chủ quan, lơ là của người dân trong đợt dịch này, khi mà người dân đóng một vai trò cực kỳ lớn trong thành công chống dịch. Nếu không có sự chung tay của người dân, chỉ dựa vào nỗ lực của nhà nước, ngành y tế, các ban ngành đơn thuần thì không thể hiệu quả. Có thể thấy tâm lý chủ quan này trong dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 vừa qua, khi rất nhiều người tập trung tại các bãi biển, địa điểm du lịch, các tụ điểm karaoke, lễ hội; hay việc không thực hiện giữ khoảng cách, đeo khẩu trang khi đi ngoài đường, tới các địa điểm công cộng…

Với những mối nguy hiểm đang hiển hiện, công tác chống dịch trở nên gấp gáp hơn bao giờ hết, đòi hỏi các ngành chức năng phải căng mình thực hiện nhiệm vụ, càng nhanh càng tốt kiểm soát dịch bệnh, khống chế tình hình; đòi hỏi người dân chung tay, đồng lòng đồng sức với Đảng, Nhà nước trong công tác phòng chống dịch bệnh, nêu cao ý thức bảo vệ mình, bảo vệ cả cộng đồng, để mình không trở thành gánh nặng cho xã hội trong lúc này. Hằng Nga

540 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 564
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 564
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87235696