Nền tảng phục hồi từ những tháng đầu năm 2021
Báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XV đã phản ánh được bức tranh khái quát cao về hiện trạng kinh tế - xã hội của đất nước trong 6 tháng đầu năm, nhất là đánh giá được bối cảnh của tình hình thế giới.
Qua nửa thời gian của năm 2021, diễn biến trên thực tế thay đổi liên tục, tuy nhiên Chính phủ đã rất nhạy bén, linh động, năng động để tiếp cận, đi trước một bước so với thực tiễn. Đó là lý do mặc dù vất vả nhưng chúng ta đã giành được kết quả rất khích lệ.
Bối cảnh thế giới ngay từ đầu năm 2021 cho thấy một bức tranh rất sáng, tất cả dự báo cho năm 2021 đều rất tốt. Trong đó các nền kinh tế lớn như Mỹ, Australia, châu Âu… phục hồi nhờ chiến lược tiêm chủng vaccine. Đây đều là những đối tác quan trọng của Việt Nam trong thương mại, đầu tư.
Trong nước, chúng ta thực hiện thành công mục tiêu kép trong năm 2020, nhất là kết quả kiểm soát dịch bệnh, được thế giới đánh giá cao. Tiếp sau thành công của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, bộ máy Nhà nước được kiện toàn nhân sự, và chúng ta tổ chức thành công bầu cử Quốc hội, bầu cử HĐND các cấp. Tất cả đi đúng nhịp, theo hoạch định chính sách tạo cơ sở cho sự phát triển nhanh trong nửa đầu năm.
Nửa đầu năm, nền kinh tế tăng trưởng 5,64% trong khi 6 tháng đầu năm 2020 chỉ tăng 1,81%. Các chỉ số kinh tế vĩ mô khác như lạm phát, tỉ giá, thu chi ngân sách… rất ổn định. Vấn đề còn lại chính là đối đầu với sự biến đổi không ngừng của dịch COVID-19, gây khó khăn cho cả thế giới, trong đó có Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã làm việc với các địa phương như TPHCM, Hà Nội - những động lực tăng trưởng quan trọng. Thủ tướng dành thời gian lắng nghe, kịp thời tháo gỡ những kiến nghị, quan trọng hơn là trong điều hành, Thủ tướng luôn đưa ra yêu cầu và truyền năng lượng cho bộ máy để thực hiện thành công tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII.
Một tư tưởng nổi bật trong điều hành những tháng qua là Thủ tướng rất quan tâm rà soát thể chế, phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm cho từng cấp, từng ngành, cho các địa phương, với quan điểm cái gì địa phương làm được, làm tốt thì mạnh dạn phân cấp. Tư tưởng đó rất thích hợp với bối cảnh COVID-19 bởi các biện pháp phòng dịch là giãn cách, hạn chế việc đi lại nên việc phân cấp, phân quyền cho cấp dưới sẽ giúp họ chủ động để xử lý nhanh hơn, mới có thể triển khai hiệu quả những yêu cầu như “4 tại chỗ” với các địa phương, “3 tại chỗ” trong các doanh nghiệp,…
Bảo vệ sức khoẻ, tính mạng nhân dân là trên hết, trước hết
Làn sóng dịch thứ tư khiến thế giới rất vất vả, kể cả Mỹ, châu Âu, đặc biệt là các nước Đông Nam Á - những nước có mật độ dân số đông và điều kiện về y tế, an sinh xã hội chưa tốt như Indonesia, Philippines, Malaysia, Brunei, Campuchia… Việt Nam cũng không tránh khỏi làn sóng dịch này, vào thời điểm cuối tháng 4, đầu tháng 5, dịch bùng phát tại Bắc Ninh, Bắc Giang, tiếp đến là TPHCM và các tỉnh phía nam.
Do vậy, mục tiêu năm 2021, Việt Nam cần ưu tiên bảo vệ sức khỏe, tính mạng nhân dân. Xác định mục tiêu như vậy, những tháng tới đây, chúng ta phải đầu tư nhân lực, vật lực, để tổng tấn công COVID-19, làm sao kiểm soát và đẩy lùi được dịch bệnh. Muốn như vậy, vấn đề vaccine là quan trọng, phải huy động các nguồn lực, cả trong và ngoài nước, để có đủ vaccine tiêm cho nhân dân đạt miễn dịch cộng đồng.
Như vậy giải pháp cho cả năm 2022 theo tôi là kiểm soát được dịch bệnh COVID-19, dài hạn là chuẩn bị để thích nghi với dịch bệnh. Thiên tai, dịch bệnh là không lường trước được, do đó lâu dài là phải đầu tư cho vaccine, đầu tư cho hạ tầng và nguồn nhân lực y tế, thậm chí là cả đầu tư cho thể chế liên quan đến y tế, để chúng ta thích nghi với dịch bệnh.
Quan điểm của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ khá rõ, thực hiện mục tiêu kép nhưng tùy vào tình hình, tùy địa phương, nơi đang có dịch phải tập trung kiểm soát dịch, phải tập trung bảo vệ sinh mạng nhân dân. Đây là sự linh hoạt trong chỉ đạo điều hành.
Ưu tiên chi cho y tế
Hiện hầu hết các địa phương đóng vai trò quan trọng trong xuất khẩu, như TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội… đang phải đối mặt nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào khu công nghiệp, đây là thách thức lớn. Do đó giải quyết bài toán vaccine đang là chìa khóa để các địa phương này tránh nguy cơ mất kiểm soát dịch bệnh trong thời gian tới.
Về mặt xã hội, phải gia tăng thêm gói hỗ trợ an sinh xã hội bởi quá trình giãn cách năm nay kéo dài hơn năm 2020, ảnh hưởng nhiều đến đời sống của người dân, nhất là người lao động nghèo, các đối tượng chính sách… Các doanh nghiệp hiện nay cũng rất khó khăn.
Với kinh tế, phải tiếp tục giữ ổn định nền tảng kinh tế vĩ mô để năm sau chúng ta có thể bứt phá hơn. Trong bối cảnh này, 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá chiến lược mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII xác định và việc cụ thể hóa trong ngắn hạn là 5 mục tiêu và 9 giải pháp trong Nghị quyết 63 của Chính phủ mới đây đưa ra là rất phù hợp.
Quan trọng là phải giữ ổn định kinh tế vĩ mô, giữ ổn định các cân đối lớn, giảm được bội chi, giúp chính sách tài chính, chính sách tiền tệ đồng bộ để giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn này.
Đáng mừng là Chính phủ xác định tiết kiệm tối đa các khoản chi thường xuyên, giám sát các khoản chi, ưu tiên chi cho y tế, tất cả các khoản chi khác phải cắt giảm. Ngoài ra, trong tình hình hiện nay, do tác nhân từ giá cả bên ngoài, giãn cách có thể tạo ra đứt gãy nguồn cung, có thể dẫn đến cú sốc về giá cả, nên phải có biện pháp để không cho lạm phát trở lại.
Để đồng bộ, Quốc hội sẽ sớm thông qua kế hoạch đầu tư công, với những tiêu chí cụ thể, như việc phân bổ thế nào, biện pháp thúc đẩy ra sao để đầu tư công triển khai nhanh hơn. Đẩy nhanh các dự án đầu tư công, dự án hạ tầng trọng điểm trong lúc này sẽ giúp tăng công ăn việc làm, tạo động lực cho tăng trưởng những tháng cuối năm và tăng trưởng ở năm sau.
Trong khó khăn luôn có cơ hội mới, dịch bệnh khiến hàng loạt hoạt động trực tiếp phải chuyển sang trực tuyến, làm việc tại nhà, học tập tại nhà, kinh doanh cũng thực hiện online trên mạng, trong khi chính quyền đẩy nhanh dịch vụ công trực tuyến… Tất cả những điều kiện này sẽ thúc đẩy một nền kinh tế số, thúc đẩy đổi mới, cải cách thể chế đi cùng.
Quay trở lại mục tiêu cho những tháng cuối năm, quan trọng nhất vẫn là bảo vệ sức khoẻ nhân dân, củng cố hệ thống y tế, chăm lo đội ngũ y tế, và nhất là cho chính gia đình đội ngũ y tế để họ yên tâm làm nhiệm vụ.
Tôi cho rằng trong “nguy” có “cơ”, biết chấp nhận sự hy sinh ngắn hạn để bảo vệ sức khỏe của người dân và sớm kiểm soát dịch bệnh, với sự năng động, sáng tạo của Chính phủ, chúng ta sẽ có được sự tăng trưởng bền vững trong dài hạn.
PGS.TS. Trần Hoàng Ngân
Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM