Sự kiện thành lập Đảng bộ tỉnh Quảng Trị (21/4/1930) 

Đầu năm 1929, nhận thấy tôn chỉ và khẩu hiệu của Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên không còn phù hợp với tình hình, nhiệm vụ đấu tranh thời kỳ mới những người tiên tiến trong Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên chủ trương giải thể Thanh niên để thành lập tổ chức cộng sản.

Tại Quảng Trị, Ngày 15/5/1929, đồng chí Trần Văn Cung đến Quảng Trị gặp đồng chí Nguyễn Đình Cương bàn việc giải tán Thanh niên, thành lập nhóm cộng sản. Ngày 16/5/1929, đồng chí Nguyễn Đình Cương triệu tập số hội viên Thanh niên tích cực ủng hộ việc tổ chức cộng sản, họp lại làng Long Hưng (Hải Lăng). Sau khi nghe đồng chí Trần Văn Cung giới thiệu khái quát về chủ nghĩa cộng sản và chuyên chính vô sản, đường lối cách mạng Đông Dương, tất cả hội viên Thanh niên có mặt tại cuộc họp đều nhất trí tuyên bố giải tán Thanh niên, thành lập tổ chức cộng sản. Nhóm cộng sản đầu tiên của Quảng Trị gồm các đồng chí: Nguyễn Đình Cương, Đoàn Lân, Trần Hữu Dực, Trịnh Đức Tân, Hoàng Thị Ái, Nguyễn Đạm, Trần Ngung.

Sau khi thành lập, nhóm cộng sản thực hiện vụ rải truyền đơn cộng sản vào tối 17/6/1929 làm chấn động dư luận, gây xôn xao khắp mọi nơi trong tỉnh. Bọn mật thám huy động lực lượng bủa vây, số người bị bắt ngày càng nhiều. Các đồng chí: Trần Hữu Dực, Đoàn Lân bị địch bắt, giam cầm tại nhà lao Quảng Trị. Một số đồng chí khác chưa sa vào tay giặc như Hoàng Thị Ái, Nguyễn Đạm, Nguyễn Xuân Luyện đã tìm cách vào Hội An hoặc ra Vinh hoạt động, xây dựng cơ sở, tiếp tục bắt mối để xây dựng cơ sở Đảng ở Quảng Trị.

Trước sự lùng sục, bắt bớ, vây rắp, đàn đáp của kẻ thù việc xây dựng Đảng ở Quảng Trị bị chững lại mất 4-5 tháng. Đến tháng 11/1929, trong dịp kỷ niệm cách mạng Tháng Mười Nga, qua thư chỉ đạo của đồng chí Đoàn Lân, Đoàn Bá Thừa từ trong các nhà tù, ở bên ngoài các đồng chí đã vận động, thành lập chi bộ An Tiêm.

Trước những khởi sắc trên địa bàn tỉnh, đồng chí Lê Viết Lượng là một cán bộ của Xứ ủy đang dạy học và hoạt động ở Huế, được đồng chí Hoàng Thị Ái cung cấp tình hình Quảng Trị và giới thiệu một số cơ sở cách mạng. Qua một cơ sở cũ của Việt Nam Cách mạng thanh niên, đồng chí Lê Viết Lượng đã bắt mối với đồng chí Lê Thế Tiết. Sau khi gặp nhau, hai đồng chí dùng chiếc thuyền của một cơ sở nằm trên sông Hiếu (gần thị xã Đông Hà) để họp. Cuộc họp thống nhất chuyển một số đảng viên Tân Việt, hội viên của Việt Nam Cách mạng thanh niên sang đảng viên cộng sản như đồng chí Lê Thế Tiết, đồng chí Nguyễn Ổn, đồng chí Hoàng Hữu Mão, đồng chí Lê Thị Quế… và bàn cách tổ chức, thành lập các chi bộ Tường Vân (Triệu Phong), Tân Tường (Cam Lộ); cùng với chi bộ An Tiêm, đây là 3 chi bộ ra đời sớm ở Quảng Trị.

Tháng 01/1930, đồng chí Trần Hữu Dực ra tù, gặp đồng chí Đoàn Bá Thừa, với sự giúp đỡ của chi bộ An Tiêm, đồng chí lại tiếp tục hoạt động, vận động quần chúng và xây dựng cơ sở Đảng ở nhiều nơi thuộc huyện Triệu Phong, Hải Lăng. Việc kết nạp đảng viên được tiến hành một cách chặt chẽ, kỹ lưỡng.

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập (03/02/1930), do tác động trực tiếp của sự kiện trọng đại này, việc xây dựng cơ sở Đảng, thành lập các chi bộ ở Quảng Trị đã được xúc tiến mạnh mẽ hơn. Đến tháng 3/1930, đã có hàng chục làng xóm trong tỉnh có đảng viên hoặc thành lập được chi bộ.

Đầu tháng 4/1930, đồng chí Trần Hữu Dực đã họp với các Bí thư chi bộ tại nhà ông Nguyễn Huyên ở làng Vệ Nghĩa để bàn bạc thống nhất và vạch ra một số công việc phải làm gấp. Giữa tháng 4/1930, phái viên của Phân khu ủy Xứ ủy Trung kỳ đến gặp đồng chí Lê Thế Tiết tại làng Tường Vân, bàn việc vận động thành lập Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Trị, giao đồng chí Lê Thế Tiết chịu trách nhiệm. Tại làng Tường Vân, đồng chí Lê Thế Tiết và  đồng chí Trần Hữu Dực thống nhất số người tham gia vào Tỉnh ủy, chuẩn bị địa điểm tổ chức hội nghị thành lập Tỉnh ủy.

Ngày 21/4/1930, Ban vận động họp tại nhà ông Nguyễn Phu ở làng Đại Hào (Triệu Phong) có đồng chí phái viên Xứ ủy Trung Kỳ tham dự. Sau khi nghe thông báo về tình hình Hội nghị thành lập Đảng cộng sản Việt Nam, đọc thư của Quốc tế cộng sản, hội nghị lần lượt nghe các đồng chí Lê Thế Tiết, Nguyễn Hữu Mão, Trần Hữu Dực báo cáo về các cơ sở Đảng do mình đã xây dựng trong thời gian qua. Hội nghị nhất trí thành lập Ban Chấp hành lâm thời của Đảng bộ Đảng cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Trị gồm 3 ủy viên; đồng chí Lê Thế Tiết được cử làm Bí thư Tỉnh ủy lâm thời.

Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Trị được thành lập đáp ứng yêu cầu lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng ở tỉnh trong thời kỳ mới. Là Đảng bộ ra đời sớm so với cả nước, 94 năm qua, Đảng bộ tỉnh Quảng Trị đã phát huy truyền thống cách mạng của Đảng, của quê hương Quảng Trị anh hùng, lãnh đạo nhân dân Quảng Trị đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, cũng như công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Lịch sử 94 năm ra đời, chiến đấu và trưởng thành của Đảng bộ tỉnh mãi mãi là niềm tự hào của cán bộ, đảng viên và nhân dân Quảng Trị; là tài sản tinh thần và “nguồn lực nội sinh” to lớn để xây dựng quê hương vững bước đi lên. Ngọc Tuấn (Tổng hợp)

595 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 320
    • Thành viên Thành viên 1
    • Tổng Tổng 321
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87649364