Đại diện một số doanh nghiệp tư nhân đã khẳng định điều này tại lễ phát động thi đua “Chương trình doanh nhân đổi mới sáng tạo vì sự phát triển bền vững của đất nước”, ngày 25/1, của Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam.
|
Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Tập đoàn Công nghệ CMC. ẢNh: VGP/Nhật Bắc |
Tại lễ phát động, ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Tập đoàn Công nghệ CMC đã giới thiệu về mô hình phát triển doanh nghiệp trên quan điểm “tổ chức sáng tạo”. CMC hiện có trên 2.500 cán bộ, nhân viên với kết quả kinh doanh năm 2017 đạt hơn 5.400 tỷ đồng và lợi nhuận là 300 tỷ đồng, tăng trưởng so với năm 2016 là 30%.
Theo ông Nguyễn Trung Chính, hiện CMC đã xây dựng được mô hình “tổ chức sáng tạo”, trong đó đã tập trung xây dựng Viện nghiên cứu phát triển ứng dụng công nghệ CMC và các trung tâm sáng tạo để thúc đẩy, kết nối sáng tạo với các Viện nghiên cứu, các trường Đại học trên cả nước. Đồng thời, trong mô hình này, CMC đã dành một nguồn lực đầu tư lớn xây dựng có các phòng thí nghiệm, các đơn vị ứng dụng công nghệ mới để tận dụng, đón đầu các cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Bên cạnh đó, CMC cũng tiến hành các lĩnh vực đầu tư mạo hiểm về công nghệ, công nghệ thông tin để khơi dậy tiềm năng trí tuệ người Việt Nam, phát triển các ý tưởng sáng tạo.
Ông Nguyễn Trung Chính nhận định, trong xu thế của thời kỳ công nghiệp 4.0, cơ hội rất to lớn, song thách thức không hề nhỏ, những thách thức chỉ có thể được giải quyết từ sự năng động, đổi mới, sáng tạo; đồng thời khẳng định, “CMC nhiệt liệt hưởng ứng và sẽ luôn đồng hành cùng Chương trình doanh nhân đổi mới sáng tạo vì sự phát triển bền vững của đất nước”.
|
Ông Lê Khắc Hiệp, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingoup. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Đại diện cho hơn 50.000 cán bộ, nhân viên của Tập đoàn Vingroup, ông Lê Khắc Hiệp, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingoup nhận định, trong thời gian qua, lực lượng doanh nghiệp tư nhân ngày càng phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, đóng góp ngày càng lớn cho ngân sách nhà nước. Những kết quả mà khối doanh nghiệp tư nhân có được trước hết là do khu vực này luôn nhận được sự quan tâm và tạo điều kiện của Đảng và Nhà nước.
Theo ông Lê Khắc Hiệp, cộng đồng doanh nghiệp tư nhân rất vui mừng khi năm 2017, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết Trung ương 5 về phát triển kinh tế tư nhân, Nghị quyết khẳng định phát triển kinh tế tư nhân trở thành một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 3/10/2017 và gần đây là Nghị quyết số 01 năm 2018 của Chính phủ, trong đó Chính phủ đã đặt doanh nhân ở vị trí trung tâm của sự phát triển, đây là sự ghi nhận, khuyến, khích, tạo động lực mới để các doanh nghiệp nói chung và khối doanh nghiệp tư nhân tiếp tục cống hiến, đầu tư và tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa cho xã hội.
Để kinh tế tư nhân thực sự là động lực phát triển, ông Lê Khắc Hiệp cho rằng, ngoài sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của mỗi doanh nghiệp, cần tăng cường hơn nữa sự hợp tác giữa các doanh nghiệp tư nhân nói riêng và các thành phần kinh tế khác nói chung thành một cộng đồng chặt chẽ.
“Chúng tôi rất vui mừng khi Đảng và Nhà nước quyết tâm kiến tạo, tạo mọi điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp. Lễ phát động thi đua hôm nay cũng là một trong những minh chứng về điều đó”, ông Lê Khắc Hiệp bày tỏ.
Theo ông Lê Khắc Hiệp, là một tập đoàn kinh tế tư nhân hoạt động đa ngành, Vingroup rất coi trọng sự tham gia hợp tác của các doanh nghiệp ở các thành phần kinh tế trong xây dựng chuỗi giá trị, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh. Vingroup cũng đã và đang hỗ trợ thiết thực về kỹ thuật cho các doanh nghiệp, các hợp tác xã, các hộ nông dân tham gia sản xuất nông sản sạch, các doanh nghiệp cung ứng hàng hóa, dịch vụ và nhiều lĩnh vực khác.
Khẳng định Vingroup sẽ luôn tích cực, chủ động tham gia “Chương trình doanh nhân đổi mới sáng tạo vì sự phát triển bền vững của đất nước”, ông Lê Khắc Hiệp tin tưởng: “Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương, sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam sẽ ngày càng phát triển lớn mạnh, trở thành lực lượng đủ mạnh, đủ sức cạnh tranh sòng phẳng trên thị trường trong nước, quốc tế và ngày càng có đóng góp nhiều hơn cho đất nước”.
|
Ông Phan Đăng Tuất, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Bên cạnh đó, ông Phan Đăng Tuất, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, Chủ tịch Công ty tư vấn PNA cho rằng, quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đang được chỉ đạo quyết liệt và diễn ra nhanh chóng.
Trong quá trình cổ phần hóa, ông Phan Đăng Tuất mong muốn các cơ quan chức năng tạo điều kiện để các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam được tham gia bởi tiềm năng của các doanh nhân tư nhân Việt Nam còn rất lớn; doanh nhân tư nhân có những khả năng tốt trong quản trị, thích ứng với thị trường và họ mong muốn cơ hội để tiếp nhận quản trị các doanh nghiệp nhà nước.
“Chúng ta cần có các cơ chế, chính sách và tạo điều kiện để các doanh nhân tư nhân Việt Nam có cơ hội để thể hiện sức mạnh; tận dụng được tài nguyên quản trị doanh nghiệp tư nhân Việt Nam; có cơ hội giữ được các thương hiệu lớn của quốc gia. Các doanh nhân tư nhân luôn sẵn lòng tham gia quản trị các doanh nghiệp nhà nước nếu có được cơ hội”, ông Phan Đăng Tuất phát biểu đồng thời đề nghị Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam cùng các cơ quan hữu quan nên tập hợp các kiến nghị của các doanh nghiệp tư nhân về cơ chế, chính sách để góp phần có tiếng nói chung trong hoạch định, kiến tạo chính sách với Đảng và Nhà nước về tiếp tục thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân./.
Nguyễn Hoàng