Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang thăm cấp Nhà nước Nhật Bản


Nhật hoàng và Hoàng hậu Nhật Bản đón
Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang và phu nhân tại Hoàng Cung. Ảnh: TTXVN.

Từ ngày 29/5 đến ngày 2/6/2018, Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang và Phu nhân thăm cấp Nhà nước Nhật Bản.

Chuyến thăm diễn ra đúng vào thời điểm Việt Nam và Nhật Bản kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Quan hệ giữa hai nước đang ở giai đoạn tốt nhất trong lịch sử, có sự tin cậy cao. Chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang và Phu nhân tới Nhật Bản khẳng định Việt Nam kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế; tăng cường quan hệ gần gũi và sự tin cậy chính trị giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, góp phần thắt chặt hơn nữa mối quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản - Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á.

Trong thời gian chuyến thăm, Nhà Vua và Hoàng hậu đã long trọng tổ chức Lễ đón và Quốc yến chào mừng Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang và Phu nhân. Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang đã hội đàm với Ngài Shinzo Abe, Thủ tướng Nhật Bản; gặp gỡ lãnh đạo các giới chính trị, kinh tế Nhật Bản; tham dự và phát biểu tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư Việt Nam và đi thăm tỉnh Gunma.

Tại các cuộc hội đàm, hội kiến, các nhà lãnh đạo hai nước bày tỏ vui mừng trước sự phát triển nhanh, thực chất và toàn diện của quan hệ Việt Nam-Nhật Bản trong 45 năm qua. Hai bên hoan nghênh sự phát triển mạnh mẽ của hợp tác kinh tế giữa hai nước thời gian qua, nhất trí tiếp tục thúc đẩy tăng cường liên kết kinh tế theo tinh thần hai bên cùng có lợi. Nhật Bản sẽ tiếp tục hỗ trợ mạnh mẽ sự tăng trưởng bền vững của Việt Nam, đặc biệt chú trọng vào lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng chất lượng cao, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế và đào tạo nguồn nhân lực…

Hai nước trao đổi bốn văn kiện ký kết, bao gồm: Công hàm trao đổi dự án viện trợ không hoàn lại cấp học bổng phát triển nhân lực trị giá 745 triệu Yên (tương đương 6,77 triệu USD); Công hàm trao đổi dự án viện trợ không hoàn lại cải tạo phục hồi đường cống thoát nước cũ, xuống cấp bằng công nghệ không đào hở (SPR) tại Thành phố Hồ Chí Minh trị giá 1,96 tỷ Yên (tương đương 17,8 triệu USD); Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực quản lý đất đai, tài nguyên nước, đo đạc, bản đồ, thông tin không gian địa lý, khí tượng thủy văn và viễn thám ký giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường của Việt Nam và Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản; Biên bản Hợp tác về xây dựng và phát triển đô thị (giai đoạn 2018-2021) ký giữa Bộ Xây dựng của Việt Nam và Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản.

Kết thúc chuyến thăm, hai bên đã thông qua Tuyên bố chung Việt Nam-Nhật Bản.

Diễn đàn an ninh “”Đối thoại Shangri-La 2018”” tại Singapore

Trong 3 ngày (từ ngày 1 đến ngày 3/6),tại Singapore đã ra Diễn đàn an ninh thường niên “Đối thoại Shangri-La”” (SLD) lần thứ 17 với 5 phiên toàn thể và 4 phiên họp đồng thời. Bên cạnh bài phát biểu dẫn đề của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại phiên khai mạc, đại biểu các nước tại Diễn đàn lần này đã tập trung thảo luận, trình bày quan điểm của mình xoay quanh các chủ đề chính như vai trò lãnh đạo của Mỹ cùng các thách thức an ninh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương; chống leo thang khủng hoảng Triều Tiên; định hình trật tự an ninh đang biến đổi của châu Á; những khía cạnh mới của chủ nghĩa khủng bố và hoạt động chống khủng bố; nâng cao chất lượng hợp tác an ninh khu vực. Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam đã có bài phát biểu khẳng định rõ quan điểm đường lối cùng chính sách quốc phòng của Việt Nam, góp phần cùng các nước phân tích và định hình trật tự an ninh đang biến đổi tại châu Á nói chung cũng như khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói riêng.

Phát biểu tại phiên toàn thể cuối cùng của đối thoại, Bộ trưởng Quốc phòng Singpore Ng Eng Hen nhấn mạnh, mặc dù trật tự quốc tế trong cả lĩnh vực an ninh và thương mại được xây dựng từ sau Chiến tranh Thế giới thứ 2 đến nay vẫn chưa bị phá vỡ, song diễn biến khu vực cùng sự thay đổi cán cân quyền lực của các nước lớn đang khiến cho trật tự khu vực châu Á-Thái Bình Dương thay đổi. Đáng chú ý, một số hành động đơn phương của Mỹ trong điều chỉnh, áp đặt các chính sách thương mại cùng việc triển khai các hệ thống khí tài quân sự của Trung Quốc tại Biển Đông đang đi ngược lại với các quy tắc hiện có và làm gia tăng các thách thức an ninh tại khu vực. Trong bối cảnh đó, các bên cần tăng cường phối hợp xây dựng và củng cố một trật tự dựa trên luật pháp quốc tế để tiếp tục duy trì xu thế phát triển và thịnh vượng của khu vực. Nhân dịp này, ông Ng Eng Hen cho biết Singapore đang nỗ lực phối hợp với các bên liên quan để xây dựng khung hướng dẫn tránh va chạm ngoài ý muốn trên không giữa các máy bay quân sự tại khu vực, hy vọng sẽ được thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM) diễn ra vào tháng 10 tới.

Bên lề đối thoại, Trung tướng Nguyễn Đức Hải, Viện trưởng Viện chiến lược, Bộ Quốc phòng Việt Nam (thành viên đoàn đại biểu Việt Nam) cho biết đại biểu các bên tại đối thoại lần này đều nhấn mạnh cần tăng cường đối thoại để giải quyết và ứng phó với xu hướng thay đổi trật tự tại châu Á nói chung và khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói riêng. Đối thoại và xây dựng lòng tin chiến lược sẽ giúp giảm bớt các thách thức an ninh cùng những hành động thiếu kiềm chế của tất cả các bên, đặc biệt là các nước lớn tại khu vực. Bên cạnh đó, đại biểu các nước cũng khẳng định tất cả các quốc gia cần chung tay duy trì và bảo vệ một môi trường hòa bình, ổn định để cùng nhau phát triển.

Bắt đầu từ năm 2002, SLD do Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) tài trợ được tổ chức thường niên tại Singapore. Diễn đàn thường quy tụ nhiều quan chức quốc phòng và học giả của khoảng hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới tham gia.

Khủng hoảng chính trị tại Italy

Những ngày qua, chính trường Italy liên tục rơi vào thế bế tắc trong việc thành lập chính phủ. Sau hơn 2 tháng rưỡi khủng hoảng kể từ sau cuộc bầu cử Quốc hội hồi tháng 3, đến ngày 23/5, những bế tắc đã được tháo gỡ khi Tổng thống Italy Sergio Mattarella chỉ định Giáo sư luật Giuseppe Conte làm Thủ tướng, theo đề xuất của đảng Phong trào 5 sao (M5S) và đảng cực hữu Liên đoàn (LN), và giao nhiệm vụ cho ông Conte đứng ra thành lập chính phủ. Tuy nhiên chỉ 5 ngày sau khi nhậm chức, ông Conte đã phải từ chức vì không thành lập được chính phủ, do tổng thống Mattarella không chấp nhận việc ông Conte đề cử cựu Bộ trưởng Công nghiệp Paolo Savona làm Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính trong chính phủ mới.

Trong bối cảnh đó, ngày 28/5, Tổng thống Italy Mattarella đã chỉ định ông Carlo Cottarelli, 64 tuổi, cựu Giám đốc điều hành của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), làm Thủ tướng lâm thời để thành lập chính phủ mới và chuẩn bị cho việc tổ chức cuộc bầu cử trước thời hạn. Tuy nhiên, tất cả các đảng phái đều tuyên bố sẽ phản đối một chính phủ kỹ trị khi bỏ phiếu tại Quốc hội, đồng thời sẽ thúc đẩy bầu cử sớm vào mùa Thu tới nếu không thể thành lập một chính phủ liên minh.

Nhằm tìm được một thỏa thuận để chấm dứt bế tắc thành lập chính phủ, ngày 30/5, lãnh đạo đảng Phong trào 5 Sao (M5S) Luigi Di Maio đã đề xuất thỏa hiệp với Tổng thống Sergio Mattarella. Theo đó, Luật sư Giuseppe Conte đã quay trở lại cương vị Thủ tướng và ông Conte đã chấp nhận đề xuất này.

Ngày 31/5, ông Giuseppe Conte đã trình lên Tổng thống Sergio Mattarella danh sách nội các do mình đề cử. Trong danh sách nội các này, cựu Bộ trưởng Công nghiệp Paolo Savona được đề cử chức vụ Bộ trưởng phụ trách các vấn đề Liên minh châu Âu (EU), trong khi Giáo sư Kinh tế Chính trị thuộc Đại học Tor Vargata Rome, ông Giovanni Tria, được đề cử giữ chức Bộ trưởng Kinh tế như một sự nhượng bộ… Phát biểu tại Phủ Tổng thống sau khi đề xuất danh sách nội các, ông Conte nói: "Chúng tôi sẽ tích cực làm việc để đạt được các mục tiêu chính trị đề ra trong thảo thuận cương lĩnh lãnh đạo đất nước, chúng tôi sẽ có quyết tâm cao trong việc cải thiện đời sống của người dân Italy".         

Những diễn biến liên tục trong những ngày qua trên chính trường Italy đã cho thấy những mắt xích yếu trong Liên minh châu Âu, khiến người ta lo ngại có thể bị chia rẽ thêm một lần nữa.

Hội nghị quốc tế về hòa bình Libya

Ngày 29/5, tại Paris đã diễn ra hội nghị quốc tế về Libya do Pháp đăng cai tổ chức tổ chức dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc. Sự kiện này tiếp nối những nỗ lực của cộng đồng quốc tế và Liên hợp quốc kể từ năm 2011 nhằm mục tiêu mở ra một giai đoạn ổn định và hợp tác mới cho tất cả người dân Libya.

Tại hội nghị, các phe phái ở Libya đã đạt được thỏa hiệp, nhất trí tổ chức bầu Quốc hội và Tổng thống vào cuối năm nay. Ðây là bước đột phá cần thiết nhằm tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng ở Libya kéo dài hơn 7 năm qua.

Một lộ trình hòa bình đang dần hiện ra cho Libya sau thời gian dài bế tắc. Quốc gia Bắc Phi này đã rơi vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng kể từ sau làn sóng nổi dậy của "Mùa xuân Arab" và cuộc chiến do phương Tây phát động nhằm lật đổ chế độ M.Gaddafi. 7 mùa xuân đã đi qua, song Libya vẫn chưa thể khôi phục an ninh và ổn định bởi sự chia rẽ giữa các phe cánh, bộ tộc. Hiện ở quốc gia này tồn tại hai chính quyền với các lực lượng vũ trang riêng, gồm GNA hoạt động tại Tripoli do Thủ tướng Sarraj lãnh đạo và một chính quyền đối lập của Tướng Haftar tại miền Đông. Không những vậy, nhiều khu vực ở Libya hiện nay tiếp tục bị cuốn vào vòng xoáy xung đột khi các nhóm phiến quân liên tiếp mở cuộc tiến công nhằm vào những cơ sở dầu mỏ, gây ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động sản xuất của quốc gia xuất khẩu dầu mỏ từng đứng thứ ba khu vực.

Trong bối cảnh đó, cộng đồng quốc tế rất lo ngại sự chậm trễ trong việc tìm giải pháp chính trị ở Libya sẽ khiến bạo lực leo thang và đe dọa sự ổn định của khu vực. Do đó, việc tại hội nghị của Liên hợp quốc lần này, các bên đối địch tại Libya đạt thỏa thuận tại Paris về tổ chức cuộc bầu cử vào tháng 12 tới được cho là bước đi quan trọng hướng tới hòa giải. Hy vọng mới cho hòa bình ở Libya đang được mở ra, dù lộ trình phía trước còn nhiều gian nan.

Mỹ bắt đầu áp đặt mức thuế quan đối với sản phẩm nhôm và thép nhập khẩu

Ngày 31/5, Mỹ thông báo sẽ áp thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng nhôm và thép của các nước Liên minh châu Âu, Canada và Mexico, chấm dứt thời hạn miễn trừ kéo dài 2 tháng (đến hết ngày 31/5) đối với các mặt hàng này.

Ngay lập tức, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker đã tuyên bố, quyết định của Washington là không thể chấp nhận và Liên minh châu Âu sẽ áp đặt các biện pháp trả đũa. Bộ trưởng Thương mại Anh Liam Fox cũng cho biết ông lấy làm thất vọng khi Mỹ áp thuế thép (25%) và nhôm (10%) nhập khẩu lấy lý do vì "an ninh quốc gia".

Ngày 31/5, Canada và Mexico đã công bố các biện pháp đáp trả gần như ngay lập tức sau khi Mỹ quyết định áp mức thuế mới đối với mặt hàng nhôm và thép nhập khẩu từ Canada, Mexico và Liên minh châu Âu. Theo đó, Canada sẽ áp thuế lên hàng loạt mặt hàng của Mỹ có tổng giá trị lên tới 16,6 tỷ USD, bắt đầu từ ngày 1/7 tới. Trong khi đó, biện pháp đáp trả của Mexico với Mỹ nhằm vào các mặt hàng gồm thép, chân giò lợn, táo, nho và phó-mát, vốn có xuất xứ từ các bang của Mỹ ủng hộ ông Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016. Bộ trưởng Kinh tế Mexico Ildefonso Guajardo cho biết, Mexico sẽ áp dụng biện pháp trên cho đến khi được Chính phủ Mỹ miễn trừ thuế nhập khẩu nhôm và thép.

Ngay sau quyết định chấm dứt thời hạn miễn trừ thuế nhập khẩu đối với mặt hàng nhôm và thép trên, các nhà phân tích cho rằng, quyết định này của Mỹ có thể sẽ châm ngòi cho một cuộc chiến thương mại với các đồng minh hàng đầu của Mỹ ở châu Âu. Không những vậy, quyết định này còn phủ bóng lên hội nghị các bộ trưởng tài chính Nhóm các nước phát triển lớn nhất thế giới (G7) vào ngày 31/5 tại Canada. Quá trình tái đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) cũng được nhận định sẽ phải kéo dài thêm và có nhiều bế tắc.

Hạ viện và Thượng viện Philippines thông qua dự luật về vùng Bangsamoro

Ngày 31/5, Thượng viện Philippines đã nhất trí thông qua dự thảo Luật cơ bản về Bangsamoro (BBL), theo đó thay thế Vùng tự trị ở khu vực Mindanao Hồi giáo (ARMM) thành lập năm 1989 bằng Vùng Bangsamoro mới ở miền Nam nước này.

Trước đó, Hạ viện Philippines cũng đã thông qua dự thảo của Hạ viện về vấn đề trên. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte  coi đây là vấn đề cấp thiết.

Dự kiến, Quốc hội Philippines sẽ tiến hành cuộc họp lưỡng viện để tổng hợp nội dung hai dự thảo luật. Dự thảo cuối cùng sẽ được gửi trở lại hai viện Quốc hội để thông qua trước khi được chuyển tới Tổng thống Rodrigo Duterte ký ban hành thành luật. Các nghị sĩ hy vọng sẽ thông qua dự thảo cuối cùng vào ngày 23/7, trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khóa 17.

Nội dung BBL do các nhà đàm phán của Chính phủ Philippines và lực lượng Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro soạn thảo sau khi ký thỏa thuận hòa bình hồi năm 2014, với hy vọng chấm dứt hoạt động ly khai đã kéo dài hàng chục năm tại khu vực Mindanao ở miền Nam Philippines. Khi đó, thỏa thuận hòa bình toàn diện này đã được đánh giá là vô cùng có ý nghĩa lịch sử khi nó mở ra cơ hội và triển vọng chấm dứt xung đột bao lực về sắc tộc, tôn giáo và ly khai lãnh thổ kéo dài đã hơn 4 thập kỷ tại khu vực miền Nam Philippines.

Xả súng tại Bỉ khiến 4 người thiệt mạng

Ngày 29/5, một vụ súng xảy ra tại trung tâm thành phố Liège, miền Đông nước Bỉ, đã xảy ra khiến 4 người thiệt mạng. Cảnh sát thành phố Liège cho biết, hung thủ đã nổ súng bắn chết 2 cảnh sát. Lực lượng an ninh đã bắn hạ tên này sau khi y bắt giữ một phụ nữ làm con tin trong khuôn viên trường phổ thông Léonie de Waha. Ngoài ra, một người qua đường cũng thiệt mạng trong vụ việc và 2 người khác bị thương.

Cảnh sát xác định, thủ phạm của vụ nổ súng trên là Benjamin Hermann, sinh năm 1982, từng có nhiều tiền án như trộm cắp, đánh nhau và buôn bán ma túy... Tên này đang trong thời gian tại ngoại và vừa ra tù cách đây một ngày.

Hiện các nhà điều tra đang tập trung điều tra liệu thủ phạm hành động một mình hay có đồng phạm. Người phát ngôn Văn phòng công tố Liên bang Bỉ Eric Van Der Sypt đánh giá vụ nổ súng trên có dấu hiệu của một vụ khủng bố. Thẩm phán Tòa án sơ thẩm liên bang Bỉ, ông Wenke Roggen cũng cho biết, thủ phạm đã hô “Allahu Akbar”, một từ trong tiếng Arab có nghĩa là “Thánh Ala vĩ đại”, nhiều lần trong khi thực hiện vụ nổ súng.

Những năm gần đây, châu Âu, trong đó có Bỉ, liên tục phải đối mặt với nguy cơ khủng bố trước sự trở lại của các tay súng thánh chiến. Các vụ tấn công khủng bố đẫm máu, xảy ra liên tiếp tại nhiều thành phố lớn của châu Âu như Paris và Nice (Pháp), Brussels (Bỉ), Munich, Frankfurt (Đức)…, đã phơi bày những lỗ hổng an ninh của châu Âu đồng thời cho thấy Lục địa già là một mục tiêu dễ bị tổn thương trong cuộc chiến chống khủng bố. Trong bối cảnh đó, các nhà phân tích cho rằng, việc tốt nhất là tổ chức tốt mạng lưới an ninh châu Âu trên cơ sở củng cố năng lực của các cấu trúc hiện có và tăng cường sự hợp tác giữa các quốc gia thành viên. NếuLiên minh châu Âu không hành động mang tính phối hợp thì vấn đề đảm bảo an ninh và chống khủng bố vẫn là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn.

Sách “Hoàng Hoa sứ trình đồ” được công nhận là di sản tư liệu thế giới

Ngày 30/5/2018, tại Gwangju, Hàn Quốc, cuốn sách cổ “Hoàng Hoa sứ trình đồ” của Việt Nam đã được UNESCO ghi danh vào danh sách các Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương của UNESCO.

Đây là cuốn sách của dòng họ Nguyễn Huy (xã Trường Lộc, Huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) được sao chép lại năm 1887 từ bản gốc của Thám hoa Nguyễn Huy Oánh. Cuốn sách miêu tả việc đi sứ của sứ bộ Việt Nam sang Trung Hoa, với phần chính là bản đồ ghi chép bằng nhiều hình ảnh, thông tin phong phú, quý hiếm về hành trình đi sứ của Sứ bộ Đại Việt thế kỷ XVIII do Nguyễn Huy Oánh (1713-1789) biên tập, hiệu đính và chú thích trong các năm 1765-1768, từ các tài liệu của nhiều thế hệ đi sứ trước, đồng thời bổ sung thêm các chi tiết liên quan đến chuyến đi năm 1766 -1767 do ông làm Chánh sứ.

“Hoàng Hoa sứ trình đồ” được các nước đánh giá cao, là một hồ sơ quý hiếm nói về quan hệ ngoại giao giữa hai nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong thế kỷ thứ 18, đóng góp vào việc duy trì nền hòa bình giữa các dân tộc trong khu vực và trên thế giới

Tính đến thời điểm này, Việt Nam có 7 di sản tư liệu thế giới là: Mộc bản triều Nguyễn (được công nhận năm 2009), Bia Đề danh tiến sĩ tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám (được công nhận năm 2011), Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm (được công nhận năm 2012), Châu bản triều Nguyễn (được công nhận năm 2014), Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế và Mộc bản trường học Phúc Giang (hay còn gọi là Mộc bản Trường Lưu) đều được công nhận năm 2016./.                                            

 

Lê Duy