Sự hội tụ và phát huy những giá trị văn hóa Việt Nam trong chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” 

50 năm đã đi qua nhưng âm hưởng của chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” vẫn vang vọng mãi như một khúc tráng ca bất tử của thế kỷ XX. Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” là sự kiện lịch sử trọng đại - biểu tượng chiến thắng của bản lĩnh, trí tuệ và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Đây là chiến thắng có ý nghĩa lịch sử và thời đại sâu sắc, góp phần rất quan trọng đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đi đến thắng lợi hoàn toàn. Chiến thắng này còn là sự hội tụ và phát huy những giá trị văn hóa Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, thể hiện trên những phương diện sau:

Trước hết, đó là sự hội tụ của giá trị văn hóa giữ nước. Trong suốt 4000 năm dựng nước và giữ nước của dân tộc đất nước ta đã luôn phải chống lại sự xâm lược và đồng hóa của ngoại bang. Chính vì vậy, văn hóa gữ nước, ý thức giữ nước đã trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt các thế hệ, ăn sâu vào tiềm thức mỗi người Việt. Nó cũng trở thành nguồn cội làm nên nghệ thuật chiến tranh nhân dân của Việt Nam để bảo vệ Tổ quốc. Tính cố kết cộng đồng trong văn hóa làng xã Việt Nam là cơ sở của văn hóa giữ nước, cũng là cơ sở để ta xây dựng lực lượng Phòng không - Không quân trong thế trận chiến tranh nhân dân trên mặt trận đối không gồm: không quân, tên lửa, pháo cao xạ, súng máy phòng không, súng bộ binh của các lực lượng dân quân tự vệ… tạo thành lưới lửa phòng không dày đặc, nhiều tầng, nhiều lớp, đánh địch từ xa đến gần, tập trung hỏa lực tiêu diệt máy bay địch. Mặt khác, mỗi khi các sân bay của ta bị phá hỏng, các lực lượng quân, dân tại chỗ kịp thời khôi phục lại, tạo điều kiện để không quân ta xuất kích chiến đấu cùng các lực lượng khác.

Thứ hai, đó là tinh thần, ý chí “dám đánh, biết đánh và quyết đánh thắng” kẻ thù xâm lược. Trong lịch sử chống giặc ngoại xâm, dân tộc Việt Nam luôn phải đương đầu với kẻ thù mạnh hơn gấp bội nếu xét riêng về kiềm lực kinh tế, quân sự. Tuy nhiên, trải qua các triều đại phong kiến cho đến thời đại Hồ Chí Minh, dân tộc ta luôn biết cách dùng sức mạnh chính trị, tinh thần để nhân lên sức mạnh quân sự, từ đó làm nên chiến thắng cuối cùng. Và chính từ những bài học lịch sử ấy của dân tộc đã tạo nên niềm tin chiến thắng, hun đúc nên tinh thần, ý chí “dám đánh, biết đánh và quyết đánh thắng” giặc Mỹ xâm lược trong cuộc chiến đấu 12 ngày đêm bảo vệ vùng trời Hà Nội 12/1972, đập tan ý đồ “đưa miền Bắc Việt Nam trở về thời đồ đá” của đế quốc Mỹ.

Thứ ba, phát huy phẩm chất, cốt cách con người Việt Nam dũng cảm, kiên cường, bất khuất, chí nghĩa, chí tình, tương thân, tương ái. Trong chiến dịch 12 ngáy đêm cuối năm 1972, dưới làn mưa bom bão đạn khủng khiếp của kẻ thù, quân dân Hà Nội, Hải Phòng vẫn kiên cường, bất khuất, nén đau thương, mất mát để chắc tay súng trên từng trận địa phòng không, từng chiến hào. Sau mỗi đợt đánh phá của giặc Mỹ, người dân Hà Nội tương trợ nhau gượng dậy khăc phục mất mát, đau thương, hỗ trợ lực lượng phòng không củng cố trận địa. Nhân dân các tỉnh lân cận giang rộng vòng tay đón người dân Hà Nội, Hải Phòng về sơ tán trong tình thương yêu đùm bọc của tình anh em, nghĩa đồng bào. Tính quả cảm, kiên cường, bất khuất của người Việt Nam còn được thể hiện đậm nét ở những gương chiến đấu, anh dũng hi sinh của người dân và chiến sĩ, trong đó không thể không nhắc đến Liệt sĩ, anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Xuân Thiều khi cùng chiếc MIG-21 trở thành quả đạn thứ 3 lao vào hạ gục B-52 của Mỹ.

Thứ tư, phát huy tinh thần tự lực, tự cường của dân tộc Việt Nam và tranh thủ sự giúp đỡ của bầu bạn quốc tế. Trong cuộc tập kích chiến lược này, Mỹ đã huy động 193/404 chiếc Máy bay B-52 hiện có; 1077 máy bay chiến thuật (cả tiêm kích và cường kích (trong đó có 01 biên đội F-111 với 50 chiếc) chưa kể hàng trăm máy bay trinh sát, máy bay gây nhiễu, máy bay tiếp dầu, máy bay chỉ huy dẫn đường; 6 tàu sân bay, 60 tàu chiến các loại của hạm đội 7. Đối đầu với lực lượng khổng lồ ấy là lực lượng Phòng không - Không quân của ta với 05 Trung đoàn tên lửa, 06 Trung đoàn pháo cao xạ, 04 Trung đoàn Không quân tham gia bảo vệ Hà Hội, Hải Phòng, trong đó có 23 tiểu đoàn tên lửa SAM-2, khoảng 50 máy bay tiêm kích MIG - đây là là những vũ khí hiện đại được Liên Xô và các nước XHCN viện trợ, thể hiện tinh thần đoàn kết, giúp đỡ của bầu bạn quốc tế. Ngoài ra có 08 Trung đoàn cao xạ của Quân khu 3, Quân khi Việt Bắc và dân quân tự vệ 9 tỉnh với 1.316 khẩu pháo cao xạ các loại. Có thể thấy, về tương quan lực lượng, tiềm lực của chúng ta quá nhỏ bé so với Mỹ. Ấy vậy mà chúng ta lại giành thắng lợi cuối cùng. Chính ý chí tự lực tự cường là vấn đề có ý nghĩa quyết định cho chiến thắng ấy. Ý chí ấy trước hết thể hiện trong việc chuẩn bị những phương án đối phó với B-52 của Mỹ ngay từ khi chúng chưa xuất hiện trên chiến trường Việt Nam nhờ những dự báo sâu sắc, chính xác của lãnh tụ Hồ Chí Minh: Năm 1962, khi giao nhiệm vụ cho Quân chủng Phòng không - Không quân , Bác hỏi Đại tá Phùng Thế Tài, Tư lệnh Quân chủng (sau này là Thượng tướng): “Chú đã biết gì về B-52 chưa?”. Ngày 13/2/1964, khi đến thăm một đơn vị phòng không bảo vệ Thủ đô, Bác đã căn dặn cán bộ, chiến sĩ: “Phải kiên quyết bắn rơi máy bay địch nếu chúng liều lĩnh xâm phạm bầu trời miền Bắc nước ta”. Cũng trong năm này, khi Mỹ đem bom bắn phá miền Bắc lần thứ nhất, Bác hỏi cán bộ lãnh đạo, chỉ huy Quân chủng Phòng không - Không quân: “Các chú đã chuẩn bị đánh B-52 như thế nào rồi?". Lúc này B-52 chưa xuất hiện trên chiến trường Việt Nam, ta chưa có tài liệu về B-52 nhưng câu hỏi của Bác một lần nữa nhắc nhở Quân chủng sẵn sàng đánh loại “siêu pháo đài bay” này. Đầu năm 1968, khi làm việc với đồng chí Phùng Thế Tài, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Người đưa ra dự báo: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B-52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua... Ở Việt Nam, Mỹ sẽ nhất định thua, nhưng nó chỉ thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”. Thực hiện những lời căn dặn của Bác ngay từ năm 1966, Trung đoàn 238, Sư đoàn 363 (Quân chủng PKKQ) đã nhận lệnh cơ động từ Hải Phòng vào Vĩnh Linh (Quảng Trị) với nhiệm vụ rất đặc biệt- nghiên cứu cách đánh B-52, làm cơ sở, phương án tác chiến, sẵn sàng đối phó khi Mỹ đem B-52 đánh phá miền Bắc. Mặt khác, tinh thần tự lực tự cường còn được phát huy trong việc bộ đội ta đã có nhiều sáng tạo trong cách đánh và cải tiến vũ khí để đánh máy bay Mỹ, góp phần làm nên chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” với việc bắn rơi 81 máy báy Mỹ, trong đó có 34 chiếc B52; 47 máy bay chiến thuật các loại, máy bay trực thăng, máy bay trinh sát, bắt sống và tiêu diệt nhiều giặc lái.

Thứ năm, phát huy sức mạnh của văn học nghệ thuật trong cổ vũ tinh thần quyết chiến, quyết thắng. Có thể nói, văn học nghệ thuật đã góp phần đắc lực có công tác tuyên truyền, cổ vũ quyết tâm chiến đấu. Đêm 27/12/1972, nhạc sĩ Phạm Tuyên viết ca khúc “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” tiên liệu chiến thắng sánh ngang chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử năm 1954. Nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật của các văn nghệ sĩ cách mạng ra đời ngay trên trận địa khắc họa cuộc chiến đấu anh dũng của quân và dân miền Bắc đã làm lay động dư luận quốc tế và nhân loại tiến bộ, giúp cho thế giới thấy rõ tính chính nghĩa của ta và tội ác của đế quốc Mỹ xâm lược. Các họa sĩ Hà Nội cũng tích cực tham gia vẽ những khẩu hiệu, tranh cổ động,... thể hiện tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” trên mọi đường phố Hà Nội, góp phần quan trọng cổ vũ, động viên tinh thần kiên cường, bất khuất của quân và dân ta trên những trận địa phòng không ác liệt.

Có thể khẳng định rằng, việc hội tụ và phát huy những giá trị văn hóa Việt Nam đã tạo nền tảng cho việc xây dựng sức mạnh chiến tranh nhân dân trong cuộc chiến đấu đánh bại cuộc tập kích chiến lược đường không, chủ yếu bằng máy bay B-52 của đế quốc Mỹ, góp phần làm nên Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” cách đây vừa tròn 50 năm. Minh Huyền

 

314 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 724
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 724
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76854887