Sử dụng vốn đầu tư công chưa hiệu quả, đầu tư dàn trải 

(ĐCSVN) - Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, sáng 15/6, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tiếp tục trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Nội dung chất vấn gồm: Giải pháp cụ thể để huy động các nguồn lực trong xã hội cho đầu tư phát triển; việc phân bổ, thông báo kế hoạch vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước; tăng cường quản lý, kiểm soát, tránh lãng phí trong đầu tư công; trách nhiệm của bộ, ngành trong việc thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trả lời chất vấn trực tiếp trước Quốc hội từ 16h25 chiều ngày 14/6. Trả lời chất vấn trong 7 phút cuối phiên chất vấn hôm qua, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thừa nhận hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công thời gian qua chưa hiệu quả, dẫn tới đầu tư dàn trải, nhiều dự án có vốn được phê duyệt gấp 3 lần so với khả năng thu xếp vốn.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng 15/6. (Ảnh: BL)

Quy định rõ trách nhiệm bộ, ngành với dự án quan trọng quốc gia

Mở đầu phiên chất vấn sáng 15/6, trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) về trách nhiệm của ngành đối với các dự án trọng điểm quốc gia, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, theo Luật Đầu tư và Luật Đầu tư công hiện nay chỉ có "dự án quan trọng quốc gia", chứ không còn dự án "trọng điểm". Về trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có 3 chức năng là Chủ tịch Hội đồng thẩm định Nhà nước; giám sát và tham mưu huy động, phân bổ vốn đầu tư cho thực hiện dự án nếu sử dụng ngân sách Nhà nước.

“Bởi vậy, để xác định được trách nhiệm các bộ, ngành ra sao trong các dự án này thì cần nêu lại các quy định trách nhiệm các bộ, ngành nằm ở các quy định pháp luật nào, được nhận diện, nhận danh ra sao?. Vì thế, trong báo cáo sơ bộ gửi tới Quốc hội chúng tôi đã nêu chi tiết các quy định, Nghị định... quy định trách nhiệm các bộ, ngành", Bộ trưởng cho biết.

Bộ trưởng cũng cho biết thêm, giai đoạn 2011 – 2015, Bộ đã thẩm định một dự án quan trọng quốc gia là sân bay Long Thành, đã báo cáo Quốc hội ở kỳ họp thứ 2 và gần đây thẩm định dự án cao tốc Bắc Nam đang được trình tại kỳ họp này.

Với câu hỏi của đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh) về việc thu hút FDI trong lĩnh vực nông nghiệp thời gian qua hạn chế, khó khăn, Bộ trưởng thừa nhận thực tế thu hút vốn ngoại vào nông nghiệp đang khá thấp, chỉ khoảng 0,9%. Nguyên nhân là do điều kiện đất đai của ta nhỏ lẻ, manh mún, không có diện tích lớn như “cánh đồng mẫu lớn”, nên chưa thể áp dụng khoa học kỹ thuật. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng hạn chế, nguồn lực hạn chế, kết nối hạn chế và thủ tục phức tạp, nên chưa hấp dẫn để các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào. Vì vậy, Việt Nam thu hút chưa đến 1% FDI vào nông nghiệp.

Để giải quyết vấn đề này, theo Bộ trưởng, giải pháp là mở rộng hạn điền, tích tụ ruộng đất lớn hơn. Đồng thời, phải có quy hoạch vùng nguyên liệu rõ ràng, phải kết nối được các doanh nghiệp, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng công nghệ cao. “Hiện chúng ta đang sửa quy định để ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có cả doanh nghiệp nước ngoài để thu hút đầu tư vào nông nghiệp", Bộ trưởng nói.

Công tác chuẩn bị nhiều dự án có vấn đề, chưa nghiêm

Trả lời câu hỏi của đại biểu về kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn, giải pháp khắc phục những vướng mắc trong thực hiện Luật Đầu tư công, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được Bộ xây dựng từ tháng 8/2014, sau đó  được Quốc hội thông qua. Hiện số vốn này đã giao được 88% và chỉ còn gần 200.000 tỷ đồng chưa giao. Số vốn này tại một số dự án chưa đủ thủ tục, dự án đầu tư đường ven biển, vốn điều lệ cho các ngân hàng, các dự án trọng điểm quốc gia (đường cao tốc Bắc – Nam, sân bay Long Thành…).

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, việc giải ngân vốn, thu xếp vốn đầu tư còn chậm trong thời gian qua đã làm ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng. Trong thời gian tới, Bộ sẽ đẩy nhanh tiến độ giải ngân để các địa phương chuẩn bị có kế hoạch đầu tư 2018 - 2019.

Đối với vấn đề phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản, theo luật, sau năm 2014, các bộ, ngành địa phương sẽ không được làm phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản. Từ 31/12/2014 trở về trước, số nợ xây dựng cơ bản khoảng 11.000 tỷ và đã thu xếp được vốn để xử lý hết. Đối với các chương trình mục tiêu quốc gia, số nợ đọng xây dựng cơ bản là 15.000 tỷ, hiện còn nợ 9.000 tỷ đồng. Số nợ đọng này chủ yếu tập trung vào lĩnh vực giao thông và dự kiến trong giai đoạn 2016 - 2020 sẽ thanh toán được hết khoản nợ này.

Giải đáp thắc mắc của đại biểu về vướng mắc đầu tư công và trình tự xử lý, Bộ trưởng cho biết, vướng mắc chủ yếu do Luật Đầu tư công là bộ luật mới nên việc triển khai còn lúng túng, một số nội dung chưa đúng với quy định của pháp luật, đặc biệt là chất lượng chuẩn bị dự án chưa tốt. “Công tác chuẩn bị dự án của chúng ta thật sự có vấn đề. Nhiều dự án còn tồn tại những điểm chưa tốt, còn lỏng lẻo, chưa nghiêm trong công tác chuẩn bị. Một số địa phương đôi khi chỉ đưa ra dự án để xin, sau đó về mới lên công tác chuẩn bị chi tiết”, Bộ trưởng nói.

Người đứng đầu ngành Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết thêm: Nhiều năm trước, việc đề xuất dự án thường gấp 3 lần số vốn chúng ta có thể cân đối thực hiện, dẫn đến vốn bị dàn trải. Từ khi có Luật Đầu tư công, số này đã được giảm đi đáng kể, trong giai đoạn 2012 - 2013 có khoảng 15.000 dự án thì nay giảm đi hai phần ba, chỉ còn 4.000 – 5.000 dự án, điều này sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ thực hiện, sớm đưa các dự án vào sử dụng. Sắp tới Bộ cũng sẽ rà soát lại toàn bộ quy định, nghị định hướng dẫn (Nghị định 136, Nghị định 15) để công tác này chặt chẽ nhưng vẫn đảm bảo được thuận lợi, dễ thực hiện.

Chưa hài lòng với phần trả lời của Bộ trưởng, các đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP. Hồ Chí Minh), Nguyễn Văn Thể (Sóc Trăng), Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh) tranh luận, đặt câu hỏi: Luật Đầu tư công không hề giao Chính phủ quy định chi tiết thẩm quyền ủy quyền, nên quy định HĐND có thể ủy quyền cho thường trực HĐND phê duyệt một số loại dự án là phạm luật.  Đồng thời, Luật Đầu tư công và nghị định của Chính phủ, với nhiều thủ tục, dường như đang làm chậm, thậm chí là "rào cản" cho việc thu hút đầu tư, đặc biệt là theo hình thức đối tác công - tư. Bộ trưởng cho biết ý kiến về vấn đề này?

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng cho biết, trong Luật Đầu tư công không nêu thường trực HĐND. Tuy nhiên, trong thực tế, HĐND một năm họp 2 lần. Quy định trong luật thì những quyết định này phải ban hành trước 31/10. Do đó, một số địa phương bị vướng trong việc ra quyết định nếu địa phương họp sau ngày 31/10. Việc này sẽ được báo cáo Chính phủ để làm rõ xem có vi phạm luật không, nhưng tinh thần là để tháo gỡ cho các địa phương ở điểm đó.

Trước khi cổ phần hóa phải rà soát lại quỹ đất

Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) về việc giá trị đất sau khi cổ phần hóa, khiến thất thoát, lãng phí, Bộ trưởng thừa nhận đúng là có vấn đề giá trị của doanh nghiệp, liên quan đến đất trong cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước.

Theo Bộ trưởng, khi cổ phần hóa, phần đất mà doanh nghiệp thuê của Nhà nước và trả tiền hằng năm không được tính vào giá trị tài sản khi định giá doanh nghiệp. Tuy nhiên, sau cổ phần hóa, nếu chuyển đổi mục đích sử dụng đất thì phần lợi ích này lại thuộc về doanh nghiệp.

Do vậy, Bộ đang xây dựng các giải pháp để tránh làm thất thoát phần giá trị tăng thêm này. Bộ có kiến nghị các doanh nghiệp nhà nước trước khi cổ phần hóa phải rà soát lại quỹ đất, nếu không sử dụng, phải trả lại nhà nước. Bên cạnh đó, phải công khai hóa, minh bạch các khu đất đang sử dụng và sau cổ phần hóa. Nếu thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất phải thực hiện đấu giá lại, định giá lại giá trị tài sản của Nhà nước. Khi đó, các doanh nghiệp sẽ phải nộp bổ sung phần sau khi định giá lại.

Đối với một số công trình hiện nay, việc đầu tư lớn cho hạ tầng đã khiến giá trị đất hai bên đường và giá trị đất cả khu tăng lên rất nhiều. “Một số công trình hiện nay sử dụng vốn đầu tư của Nhà nước giúp giá trị đất của cả khu vực tăng lên, tuy nhiên phần tăng lên này sau đó doanh nghiệp lại là người được hưởng, dù không bỏ vốn đầu tư”, Bộ trưởng nói.

Về giải pháp, Bộ trưởng đề nghị phải xây dựng các giải pháp để mang lại giá trị địa tô cao hơn cho đất nước; khi giải tỏa mặt bằng, cần thực hiện giải tỏa thêm diện tích hai bên đường và sau khi xây dựng xong hạ tầng cơ bản sẽ thực hiện đấu giá khu đất đó nhằm tạo giá trị tăng thêm...“Nhà nước bỏ tiền làm quy hoạch, đầu tư hạ tầng , thiết kế… kể cả hạ tầng giao thông, đô thị sau đó mới đấu giá. Chứ để doanh nghiệp làm hạ tầng, thiết kế đô thị, sau khi đã hoàn thiện hạ tầng giao thông... thì giá trị địa tô tăng lên. Tuy nhiên phần này lại thuộc về doanh nghiệp, chứ không phải Nhà nước”, Bộ trưởng cho biết./.

Bích Liên
510 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 556
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 556
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 84612572