|
Cần đảm bảo cân đối cung, cầu xăng, dầu trong mọi tình huống (Ảnh: A.N) |
Xả quỹ bình ổn đã hợp lý?
Việc trích lập, sử dụng Quỹ bình ổn giá (QBOG) đang được thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư 103/2021. Theo đó, không chi quỹ trong trường hợp các yếu tố cấu thành giá cơ sở ở kỳ công bố tăng dưới 7% so với giá cơ sở ở kỳ trước liền kề, trừ trường hợp mức tăng giá ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống người dân.
Đối chiếu với các kỳ điều hành giá gần đây, mức chênh lệch giữa giá cơ sở kỳ công bố với giá cơ sở kỳ trước liền kề đều dưới 7%. Do đó, việc cơ quan điều hành không sử dụng QBOG là thực hiện đúng theo hướng dẫn tại Thông tư 103/2021. Tuy nhiên, thông tư cũng nêu rõ có thể chi quỹ để giảm bớt đà tăng giá trong trường hợp mức tăng giá xăng dầu ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống người dân.
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính, số dư QBOG xăng dầu tính tới ngày 31/7 là hơn 7.438 tỉ đồng, tăng gần 1,8 lần so với cuối năm 2022 và là mức cao nhất kể từ quý I/2021.
Tại kỳ điều hành gần nhất vào ngày 21/9, giá xăng E5 RON92 tăng 726 đồng/lít, lên 24.197 đồng/lít; xăng RON95 tăng 877 đồng/lít, lên 25.748 đồng/lít. Bên cạnh đó, các mặt hàng dầu diesel, dầu hỏa và dầu ma-dút cũng đồng loạt tăng giá. Tuy nhiên, liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định chỉ chi quỹ ở mức 300 đồng/lít đối với xăng E5 RON92, xăng RON95, dầu hỏa và dầu diesel.
Từ đầu năm 2023 đến nay, có 27 kỳ điều chỉnh giá xăng dầu với 16 lần tăng, 7 lần giảm và 4 lần giữ nguyên giá. So với thời điểm đầu năm, giá xăng E5 RON92 đã tăng 3.300 đồng/lít; giá xăng RON95 tăng khoảng 3.400 đồng/lít.
Nhiều ý kiến chuyên gia đánh giá, mức chi QBOG rất khiêm tốn. Chẳng hạn, trong 3 tháng trở lại đây, tại các kỳ điều hành giá ngày 5/9, 21/8 và 11/8, cơ quan điều hành giá chỉ xả quỹ đối với mặt hàng dầu ma-dút. Kỳ điều hành ngày 1/8 chỉ xả quỹ cho dầu diesel và dầu hỏa. Các kỳ điều hành ngày 21/7 và 11/7 không sử dụng quỹ cho bất cứ mặt hàng nào. Riêng kỳ điều hành ngày 11/9, liên bộ quyết định chi quỹ cho 2 mặt hàng E5 RON92 và RON95 nhưng ở mức rất thấp, lần lượt 22 đồng/lít và 14 đồng/lít.
Liên Bộ Công Thương - Tài chính khẳng định các quyết định trích lập và chi QBOG thời gian qua đều được thực hiện một cách linh hoạt, hợp lý, tạo dư địa để bình ổn giá xăng dầu trong bối cảnh thị trường thế giới vẫn có xu hướng diễn biến phức tạp.
Về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, tuy giá xăng dầu tăng liên tục ở các kỳ điều hành vừa qua nhưng không tăng sốc. Do đó, việc trích lập, chi QBOG đã được cơ quan điều hành cân nhắc, tính toán trên biến động giá thực tế. Mặt khác, so sánh với số dư QBOG lên đến gần 10.000 tỉ đồng vào năm 2020, ông Đinh Trọng Thịnh cho rằng số dư 7.400 tỉ đồng hiện nay chưa phải quá lớn.
Ông Nguyễn Tiến Thoả - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài Chính cũng đánh giá: Hiện nay, cơ chế hình thành QBOG thu nhiều hay ít, chi nhiều hay ít hoàn toàn phụ thuộc vào sản lượng xăng dầu mua vào bán ra. Đây không phải là chuyện thu lập quỹ hay chi sử dụng không công bằng, mà gốc của nó trước hết là ở hạn mức nhập vào do Bộ Công Thương phân giao cho các đầu mối. Do đó, Bộ Công thương cần đánh giá, kiểm tra để có biện pháp điều tiết cho phù hợp. Đặc biệt là xem có góc khuất về việc này có những đầu mối nhập về ít hoặc không theo theo hạn mức được phân giao nhưng rồi lại mua bán lòng vòng với số lượng lớn hơn số lượng mà mình được phân giao nhập vào để được chi QBOG nhiều hơn, dẫn đến quỹ âm để có sự tiếp thu, chỉnh lý cho phù hợp.
“Tôi cho rằng, hiện nay, cơ chế hình thành QBOG thu nhiều hay ít, chi nhiều hay ít hoàn toàn phụ thuộc vào sản lượng xăng dầu mua vào bán ra. Đây không phải là chuyện thu lập quỹ hay chi sử dụng không công bằng, mà gốc của nó trước hết là ở hạn mức nhập vào do Bộ Công Thương phân giao cho các đầu mối. Do đó, Bộ Công thương cần đánh giá, kiểm tra để có biện pháp điều tiết cho phù hợp. Đặc biệt là xem có góc khuất về việc này có những đầu mối nhập về ít hoặc không theo theo hạn mức được phân giao nhưng rồi lại mua bán lòng vòng với số lượng lớn hơn số lượng mà mình được phân giao nhập vào để được chi QBOG nhiều hơn, dẫn đến quỹ âm để có sự tiếp thu, chỉnh lý cho phù hợp” - ông Nguyễn Tiến Thoả nhấn mạnh.
Cần đảm bảo cân đối cung cầu trong mọi tình huống
Xăng dầu là nhiên liệu đầu vào thiết yếu của nền kinh tế, ảnh hưởng trực tiếp tới mọi mặt của đời sống - xã hội. Vì vậy, theo ông Nguyễn Tiến Thoả, để quản lý hiệu quả giá các mặt hàng xăng dầu, đảm bảo vận hành theo cơ chế thị trường cần nhiều giải pháp, song tập trung vào 3 giải pháp quan trọng nhất.
Thứ nhất, trong cơ chế thị trường muốn điều tiết giá không có đột biến xảy ra về mặt cung, cầu thị trường thì trước hết phải đảm bảo cân đối cung, cầu trong mọi tình huống và luôn luôn phải có dự trữ chiến lược để bảo đảm cân đối cung cầu trong các điều kiện, kể cả lúc nhu cầu tăng cao cũng như có những biến cố thiên tai, địch họa xảy ra.
Thứ hai, phải bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh xăng dầu có cạnh tranh thực sự, để bảo đảm được giá xăng dầu của các doanh nghiệp theo tín hiệu của thị trường, và đảm bảo không có sự lệch pha giữa giá thế giới và trong nước như chúng ta đã và đang lưu hành hiện nay.
Thứ ba, vai trò của Nhà nước trong quan lý rất quan trọng, đặc biệt là giải pháp kiểm soát các hành vi lạm dụng vị thế thống lĩnh thị trường để định giá bất hợp lý. Từ thống lĩnh thị trường dẫn đến liên kết độc quyền để khống chế giá, không hình thành giá thị trường để thu lợi ích, làm phương hại đến lợi ích của người tiêu dùng, của Nhà nước. Bên cạnh đó, các hành vi gian lận thương mại, lũng đoạn giá cả thị trường cũng phải được kiểm soát tốt hơn khi chúng ta thực hiện tự do hóa giá cả đối với kinh doanh xăng dầu.
Đó là các dài pháp lâu dài, còn trước mắt, theo ông Nguyễn Tiến Thoả, phải cải tiến việc trích lập và chi QBOG khác đi. Tức là phải quy định rõ về thu mua để trích lập, chỉ thu để trích lập QBOG khi giá thị trường xuống thấp, và chi thì không nên vừa chi lại vừa trích lập Quỹ.
Bên cạnh đó, về chi QBOG, ông Nguyễn Tiến Thoả cho rằng, phải bám sát quy định của Luật giá. Đây là mặt hàng bình ổn giá, khi nào Nhà nước áp dụng biện pháp bình ổn giá thì phải có công bố là trong thời gian này do giá thị trường thế giới tăng cao, do giá xăng dầu trong nước tăng cao… nên Nhà nước áp dụng các biện pháp bình ổn giá cần thiết, trong đó có việc chi QBOG xăng dầu. Chứ còn trong thời gian vừa qua, chúng ta chi cứ đều đều và không theo quy định của Luật giá thì không được. Và, việc chi Quỹ để bình ổn giá có thời hạn nhất định, khi nào hết thời gian bình ổn giá thì phải công bố bãi bỏ việc sử dụng Quỹ để cho thị trường vận hành bình thường./.