Hội thảo thu hút đông đảo đại diện lãnh đạo ban ngành liên quan (Ảnh: K.D)

Đánh giá về tác động của xăng E5 với tính năng kỹ thuật ô tô, xe máy, PGS Phạm Hữu Tuyến, Viện Cơ khí động lực, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, việc sử dụng xăng E5 giúp cải thiện công suất động cơ, công suất tiêu hao nhiên liệu, giảm đáng kể phát thải HC, CO (do quá trình cháy E5 được cải thiện nên lượng CO2 tính theo chu trình khép kín sẽ giảm do nguồn nguyên liệu sử dụng để chế tạo ethanol sẽ hấp thụ một phần). Ngoài ra, sử dụng xăng E5 giúp bảo vệ môi trường, phát triển nông nghiệp và góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Nhiên liệu E5 hoàn toàn có thể sử dụng an toàn trên động cơ xăng đang lưu hành ở Việt Nam mà không cần phải thay đổi về kết cấu hay vật liệu chi tiết.

Trên thế giới, xăng sinh học đã được sử dụng rộng rãi tại Mỹ, châu Âu, Brazil. Ở nhiều quốc gia, Chính phủ quy định ô tô bắt buộc phải chạy bằng xăng sinh học. Trong khối ASEAN, Phi-líp-pin và Thái Lan là 2 quốc gia đi đầu trong việc sử dụng nhiên liệu sinh học. Phi-líp-pin đưa Luật Nhiên liệu sinh học vào năm 2006 quy định bắt buộc sử dụng xăng E5 từ năm 2009, E10 từ 2011; Thái Lan sử dụng xăng E5 từ năm 2005, năm 2008 bắt đầu bán xăng E20 và E85, đến nay chủ yếu tiêu thụ E10.

Còn tại Việt Nam, xăng E5 được xác định là hỗn hợp của xăng không chì và ethanol nhiên liệu, có hàm lượng ethanol từ 4-5% theo thể tích, ký hiệu là E5. Theo ông Nguyễn Nam Hải, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ), các Quy chuẩn kỹ thuật (QCVN) về xăng E5 được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng quy định trong QCVN 1:2015/BKHCN và sửa đổi 1:2017 QCVN 1:2015/BKHCN (quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xăng, nhiên liệu diezel và nhiên liệu sinh học). Tiêu chuẩn kỹ thuật (TCVN) về xăng E5 được quy định tại TCVN 8063:2015 về xăng không chì pha 5% Ethanol - yêu cầu kỹ thuật và phương pháp thử. Phụ gia sử dung để pha xăng E5 phải đảm bảo phù hợp với các quy định về an toàn, sức khỏe, môi trường và không gây hư hỏng động cơ và hệ thống tồn  trữ, vận chuyển và phân phối nhiên liệu. Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng là cơ quan đầu mối quản lý nhà nước các tổ chức công nhận, thử xăng E5; thực hiện thanh tra chuyên ngành về chất lượng xăng E5 lưu thông trên thị trường đều đảm bảo theo quy định, chưa có bất kì khiếu nại nào của người tiêu dùng về chất lượng xăng E5. Đến nay, cả nước có 6 tổ chức thử nghiệm, 5 tổ chức chứng nhận, 3 tổ chức giám định chuyên trách đánh giá sự phù hợp xăng dầu.

Khẳng định việc thay thế nhiên liệu truyền thống bằng nhiên liệu sinh học là tất yếu, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng  nhấn mạnh, khi triển khai trên diện rộng, phạm vi toàn quốc, cần tính kỹ đến việc đẩy mạnh truyền thông, nâng cao hiểu biết của người tiêu dùng cũng như phân tích đầy đủ các lợi ích đem lại cho xã hội, cộng đồng. Bộ Công Thương - với chức năng quản lý Nhà nước về năng lượng nói chung cũng như xăng dầu nói riêng, luôn lắng nghe mọi ý kiến của các doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân, người tiêu dùng để chỉ đạo điều hành cho phù hợp với tình hình diễn biến thực tế với phương châm kết hợp hài hòa lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng, luôn coi người tiêu dùng là trung tâm của sự phát triển bền vững.

Một điểm bán xăng sinh học E5 tại Hà Nội (Ảnh: K.D)

Tuy nhiên, Theo tính toán của Bộ Công Thương, từ đầu năm 2018, khi loại bỏ xăng A92 thay thế bằng E5, cả nước sẽ cần khoảng 5,5 triệu mét khối xăng E5, tương đương cần 275.000 mét khối E100. Nguồn cung cấp E100 dự kiến từ các nhà máy sẽ vào khoảng 520.000 m3/năm, đủ cung cấp nhu cầu pha xăng E5. Đến thời điểm hiện tại, mặc dù các doanh nghiệp rất nỗ lực trong việc chuẩn bị nguồn cung và hệ thống bán lẻ xăng E5. Tuy nhiên, theo ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, nhà nước cũng cần hỗ trợ kinh phí đối với những doanh nghiệp nhỏ để họ không bị thụt lùi lại phía sau trong lộ trình đúng đắn mà Chính phủ đề ra bởi chi phí cho những thay đổi về cơ sở vật chất, bồn bể, trạm phối trộn… là một con số không hề nhỏ. Thêm vào đó, đối với các cửa hàng tư nhân, đại lý đang nhập xăng từ các doanh nghiệp đầu mối, việc thuyết phục họ chuyển sang bán xăng sinh học đang gặp khó khăn bởi tâm lý lo ngại xăng sinh học hao hụt nhiều hơn xăng khoáng truyền thống. Mặt khác, hiện người tiêu dùng cũng chưa thật sự mặn mà với loại xăng E5 khi tỷ lệ tiêu thụ xăng E5 trên thị trường mới chỉ đạt 9% trên tổng lượng tiêu thụ xăng khoáng, nhất là khi chênh lệch giữa giá bán lẻ của xăng E5 và xăng khoáng RON92 không đủ sức thu hút người tiêu dùng.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Phú Cường, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng cùng tham gia với các bộ, ban ngành liên quan để xử lý các vấn đề tồn tại, thực hiện đúng lộ trình Chính phủ đã đề ra.

Theo ông Nguyễn Phú Cường, do thời hạn chỉ cho phép sản xuất kinh doanh xăng E5 RON 92 và xăng khoáng RON 95 sắp đến gần nên phải tăng cường đẩy mạnh các chiến dịch truyền thông tới cộng đồng, thay đổi nhận thức người tiêu dùng để hiểu rõ tác dụng, hiệu quả của nhiên liệu sinh học; làm tốt công tác thị trường, mở rộng mạng lưới tiêu thụ, đặc biệt là các vùng sâu, vùng xa với phương châm “vừa mở rộng thị trường vừa tuyên truyền”; nhanh chóng khởi động, đưa vào sản xuất trở lại nhiên liệu sinh học của 2 nhà máy tại Dung Quất và Bình Phước. Tiếp tục nghiên cứu, phát huy sáng kiến kỹ thuật để tiết kiệm nhiên liệu đầu vào, chi phí sản xuất và hạ giá thành sản phẩm. Với các vùng nhiên liệu, cây nhiên liệu cho sản xuất nhiên liệu sinh học cần có rà soát cụ thể, có chiến lược ngắn, trung và dài hạn, nhằm đảm bảo nguồn cung ứng kịp thời chất lượng cao, đảm bảo công ăn việc làm của nông dân, an sinh xã hội của vùng và giảm thiểu tác động môi trường, đảm bảo sự phát triển bền vững.

Kim Dung