Sự cố môi trường biển miền Trung, 1 năm nhìn lại 

1 năm đã trôi qua kể từ sự cố môi trường ngày 6/4/2016 tại 4 tỉnh miền Trung, mặc dù vẫn còn đối diện với nhiều khó khăn phía trước, nhưng hàng vạn ngư dân và các ngành kinh tế biển đã và đang từng bước phục hồi để ổn định lại cuộc sống và sản xuất.

Nổi sóng… môi trường

Sự kiện môi trường biển miền Trung bắt đầu vào ngày 6/4/2016, tại vùng biển Vũng Áng và các xã Kỳ Lợi, Kỳ Hà (TX Kỳ Anh, Hà Tĩnh) xuất hiện hiện tượng cá chết rải rác.

Sự cố môi trường tại 4 tỉnh miền Trung khiến cho hạng vạn ngư dân sống bám biển lâm vào cảnh lao đao.

Từ ngày 10/4, nhiều ngư dân sống ven biển xã Quảng Đông (Quảng Trạch - Quảng Bình) phát hiện cá chết tấp vào bờ. Liên tiếp mấy ngày sau đó ngư dân vùng biển xã Nhân Trạch (huyện Bố Trạch), Bảo Ninh (TP.Đồng Hới) và Ngư Thủy (huyện Lệ Thủy)… cũng phát hiện nhiều loại cá chết bất thường nổi trên mặt nước và trôi dạt vương vãi khắp bờ biển.

Hiện tượng cá chết tiếp tục lan vào phía Nam. Cụ thể, từ ngày 16 - 19/4, khoảng 20km bờ biển huyện Vĩnh Linh và Gio Linh (Quảng Trị) xuất hiện cá chết hàng loạt. Ở Thừa Thiên - Huế, cá chết bắt đầu từ 15 - 21/4, tại bãi biển các huyện Phong Điền, Phú Vang, Phú Lộc, sau đó lan vào đầm Lập An (thị trấn Lăng Cô) và xã Lộc Vĩnh (huyện Phú Lộc)…

Hiện tượng cá chết hàng loạt lần đầu tiên xảy ra trên diện rộng đã gây hoang mang dư luận. Chính phủ đã nhanh chóng chỉ đạo các cơ quan chức năng cùng khẩn trương vào cuộc, tiến hành thu gom, chôn lấp, xử lý số cá chết, hỗ trợ ngư dân, tích cực điều tra nguyên nhân thảm họa.

Sau đó, tập đoàn Formosa đã nhận trách nhiệm, xin lỗi Chính phủ, toàn thể nhân dân Việt Nam và bồi thường 500 triệu USD.

Sự cố môi trường đã khiến các ngành kinh tế biển như đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản, các ngành phụ trợ hậu cần nghề cá, du lịch biển của các tỉnh miền Trung lâm vào tình cảnh điêu đứng, cuộc sống của hàng vạn người dân gặp nhiều khó khăn.

Chỉ tính riêng tại tỉnh Hà Tĩnh, toàn tỉnh có 6.983 tầu cá; 2.259ha ao, hồ, bãi triều; 31.692m 2 nuôi lồng bè; 127ha sản xuất muối; 47.960 lao động, trong đó lao động trực tiếp 44.280 người, lao động gián tiếp 3.680 người bị ảnh hưởng, thiệt hại do sự cố.

Tổng giá trị thiệt hại kê khai bước đầu là 1.947,2 tỷ đồng.

Khắc phục sự cố

Sau sự cố nghiêm trọng, một trong những lo lắng lớn nhất của người dân là hệ thống xả thải của Fomorsa.

Ghi nhận tại vùng biển Vũng Áng những ngày đầu năm, ngư dân tại các xã vùng ven biển có những chuyến đi thu được những mẻ cá sau những ngày “biển chết”.

Với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan có liên quan, sau sự cố Formosa đã khắc phục được 51/53 lỗi vi phạm về bảo vệ môi trường. Hoàn thành khoảng 96 % tiến độ kết quả thực hiện cam kết với Chính phủ và người dân Việt Nam.

Trong số này có việc xây trạm xử lý nước tuần hoàn dập cốc, xây lắp bồn lọc nước, hồ nuôi cá tạm thời, bố trí tổng cộng 16 khu vực lưu trữ chất thải nguy hại… Formosa còn hai lỗi chưa khắc phục hoàn thành là lập kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu cho toàn nhà máy và chuyển đổi công nghệ dập cốc ướt sang khô.

Sở TN&MT Hà Tĩnh chính thức vận hành Trung tâm quan trắc tự động giám sát việc xả thải của Formosa. Các dữ liệu đầu vào của hệ thống sẽ được kết nối trực tiếp từ điểm xả thải của Formosa đến Trung tâm quan trắc tự động của Sở TN&MT Hà Tĩnh với mục đích kiểm soát các hoạt động môi trường của Công ty này. Hoạt động quan trắc được thực hiện 24/24 và cập nhật 2 phút/lần. Nếu các thông số vượt ngưỡng hoặc có dấu hiệu bất thường, Sở sẽ vào hiện trường lấy mẫu kiểm tra.

Song song với việc giảm sát chặt chẽ hệ thống xử lý môi trường của Fomorsa, Chính phủ và các địa phương tích cực tiến hành công tác bồi thường, đền bù thiệt hại cho người dân các tỉnh miền trung, giúp người dân khắc phục khó khăn và dần ổn định cuộc sống.

Cho đến nay, tỉnh Hà Tĩnh đã hỗ trợ trên 6.240 tấn gạo cho gần 19.250 hộ dân (67.988 khẩu); hỗ trợ cho các chủ tàu, thuyền không lắp máy và lắp máy dưới 900CV trên 5.000 chiếc, tổng số tiền trên 23 tỷ đồng; hỗ trợ mua 100% phí mua thẻ bảo hiểm y tế với 2.847 thẻ được cấp mới; hỗ trợ 2 năm học phí cho học sinh…

Kết quả chi trả bồi thường đến ngày 2/3/2017, UBND tỉnh đã phê duyệt được 1.029 tỷ đồng/1.200 tỷ đồng Trung ương cấp ứng; UBND các huyện, thị xã, thành phố đã chi trả được 977,7/1.029 tỷ đồng được phê duyệt.

Theo các ngư dân, biển đang dần hồi sinh, đặc biệt thời gian gần đây, ngư dân đánh được rất nhiều cá trích, cá bạc má…, đây chính là động lực để ngư dân vươn khơi đánh bắt hải sản trở lại.

Có mặt tại xã Kỳ Ninh một ngày cuối tháng 3/2017, hàng chục tàu, thuyền tấp nập vào ra. Đã quá trưa, nhưng nhịp sống của biển còn sôi động. Tranh thủ ngày nắng ráo, ngư dân nơi đây sửa chữa, đóng mới tàu, thuyền sau khi nhận tiền đền bù sau sự cố môi trường đợt 1. Có thể nhận thấy, những vất vả, lo toan, những ngày đầu sự cố đi qua, những ngư dân xã Kỳ Ninh sớm bắt nhịp cuộc sống với biển trở lại sau khi biển an toàn.

Chị Hoàng Thi Hương, xóm Tam Hải, xã Kỳ Ninh cho biết, sau khi được hỗ trợ, đền bù, người dân tiếp tục ra khơi bám biển. Đặc biệt, nhiều người dân tự nguyện góp vốn cùng chủ tàu sửa chữa tàu, nâng cấp, mua sắm ngư cụ và thiết bị, cộng với chi phí xăng dầu chuẩn bị cho các chuyến biển mới.

Tại xã Kỳ Ninh hiện có gần 150 tàu cá có công suất trên 90CV, có thể bám biển dài ngày, ngoài ra hàng trăm chiếc thuyền nhỏ của ngư dân đi lộng cũng đã sẵn sàng vươn khơi. Thời tiết nắng ấm, thuận lợi cho việc đánh bắt nên nhiều ngư dân tại bãi ngang của xã Kỳ Ninh đã ra khơi ngay trong những ngày đầu năm mới.

Theo các ngư dân, biển đang dần hồi sinh, đặc biệt thời gian gần đây, ngư dân đánh được rất nhiều cá trích, cá bạc má…, đây chính là động lực để ngư dân vươn khơi đánh bắt hải sản trở lại.

Ông Lê Công Đường - Chủ tịch UBND xã Kỳ Ninh cho biết: “Hiện nay, 100% tàu thuyền của xã đã đánh bắt trở lại. Dù ở ngoài khơi hay trong lộng cũng thu về những khoang thuyền đầy cá. Tổng sản lượng đánh bắt toàn xã mỗi chuyến dao động từ 30 - 40 tấn hải sản các loại”.

Cuộc sống “hồi sinh” trở lại

Trong văn bản gửi các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Bộ TN&MT khẳng định môi trường biển tại 4 tỉnh này đã an toàn. Văn bản số 380/BTNMT-TCMT của Bộ TN&MT nêu rõ, kết quả kiểm tra trước ngày 22/8/2016 cho thấy hàm lượng các chất ô nhiễm trong môi trường biển từ sự cố môi trường do Công ty TNHH Hưng nghiệp Gang thép Formosa Hà Tĩnh gây ra đã giảm dần theo thời gian.

Các khu công nghiệp phụ trợ cho dự án Formosa cũng đang bắt đầu có kế hoạch phát triển trở lại.

Bộ TN&MT tiếp tục thực hiện đánh giá bổ sung tại các khu vực: Sơn Dương – Hà Tĩnh (diện tích khoảng 300 km2), cửa Nhật Lệ – Quảng Bình (diện tích khoảng 330 km2) và hòn Sơn Chà – Thừa Thiên Huế (diện tích khoảng 160 km2). Kết quả cho thấy, chất lượng nước biển, trầm tích đáy ở 3 khu vực này đã ổn định, đều nằm trong giới hạn cho phép của QCVN 10 – MT: 2015/BTNMT,QCVN 43: 2012/ BTNMT đối với vùng nuôi trồng thuỷ sản và bảo tồn thuỷ sinh.

Sau sự cố môi trường, mọi hoạt động tại Khu kinh tế Vũng Áng bị ngưng trệ thì nay đã bắt đầu có dấu hiệu “hồi sinh” trở lại.

Trao đổi với Infonet, ông Hoàng Thanh Tùng – Phó ban Khu kinh tế Vũng Áng cho biết: “Trước sự cố môi trường vừa qua, Formosa tạm ngừng hoạt động để khắc phục sự cố đã kéo theo các ngành công nghiệp phụ trợ khác phải dừng lại. Tuy nhiên, qua một năm các cấp Bộ, ngành trung ương và địa phương cùng với Formosa đã nỗ lực tiến hành tìm ra nguyên nhân, khắc phục và xử lý, đến nay Formosa đã khắc phục được hầu hết các lỗi và thời gian tới sẽ đi vào vận hành thử lò cao.

Trước sự khởi động lại của Formosa thì các dự án phụ trợ cũng đã tiến hành đầu tư khởi động động trở lại như: Công ty Human City, Khu công nghiệp Phú Vinh, Công ty TNHH Quốc tế Polaris… Trước sự hoạt động trở lại của các ngành công nghiệp phụ trợ thì trong thời gian tới các ngành các dịch vụ khác chắc chắn sẽ có chiều hướng trở lại…”.

Hơn hết, bức tranh đời sống ngư dân đã có phần thay đổi. Theo số liệu thống kê, hiện nay, các hoạt động nuôi trồng, khai thác, kinh doanh thủy hải sản trên địa bàn đã cơ bản trở lại bình thường. Số tàu khai thác ven bờ công suất dưới 90 CV hoặc không lắp máy hoạt động đạt tỷ lệ 70-80%, tàu công suất trên 90 CV từ 85-90%. Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, trên 4.500 tấn hải sản đã cơ bản được thu mua hết và tiêu thụ ổn định. Ngoài ra, nuôi trồng thủy sản cũng có bước phát triển đáng mừng khi diện tích nuôi trồng thủy sản mặn lợ cuối năm 2016 đạt 100% kế hoạch với 2.777 ha; hiện nay, các địa phương đang tập trung cải tạo ao hồ, chuẩn bị thả giống vụ nuôi năm 2017.

Thay vào cảnh những con tàu của ngư dân đắp chiếu nằm bờ, chợ cá không còn tiếng lao xao, bến cảng buồn hiu hắt vào những ngày đầu sự cố thì nay, các bến cảng đã tấp nập thuyền ghé giao thương. Cùng với đó là những nụ cười giòn của các lão ngư, của tiểu thương khi trúng được những mẻ cá lớn và chọn được mối hàng tươi, ngon.

Nỗi lo tuy vẫn còn, nhưng với sự nỗ lực của các cấp chính quyền từ Trung ương và địa phương trong việc giám sát chặt chẽ việc xả thải của Formosa, nỗ lực khắc phục hậu quả sau sự cố đã và đang góp phần “hồi sinh” cuộc sống, lấy lại niềm tin về phát triển bền vững của người dân.

953 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 268
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 268
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88179292