Sự bứt phá của các nhà bán lẻ Việt 

(Chinhphu.vn) - Sự có mặt của các nhà bán lẻ nước ngoài vào Việt Nam chính là cơ hội và động lực để các doanh nghiệp Việt thay đổi và thành công. Bởi vì cơ hội luôn có, điều quan trọng là nắm bắt nó với chiến lược và bước đi phù hợp.

 

Để chuyên nghiệp hoá, Saigon Co.op quyết liệt triển khai việc nâng cao thái độ phục vụ, tạo tối đa sự thuận lợi cho khách hàng. Ảnh:VGP/Tấn Thanh

Đó là đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, các doanh nghiệp (DN) bán lẻ hiện đại tại hội thảo quốc tế “Xu hướng bán lẻ thị trường Việt Nam 2018-2020 và định hướng phát triển của Saigon Co.op” diễn ra ngày 7/11 tại TPHCM vừa qua.

Lâu nay, các cụm từ “thị trường bán lẻ thua tại sân nhà”, “phần nhiều miếng bánh của ngành bán lẻ Việt Nam là của DN ngoại” hay “60-70% thị phần bán lẻ hiện đại rơi vào các thương hiệu nước ngoài”… được nhiều người nhắc đến mà bỏ qua các khảo sát của các tổ chức đánh giá thị trường trung lập đã khẳng định thị phần bán lẻ nói chung và thị phần bán lẻ hiện đại tỉ lệ thị phần ưu thế vẫn thuộc về các DN Việt.

Mới chỉ xét về số lượng siêu thị, dù có nhiều nhà bán lẻ nước ngoài thâm nhập vào Việt Nam từ sớm và đã tăng tốc độ phát triển về quy mô cũng như độ phủ các siêu thị như BigC với 35 siêu thị, Aeon 4 siêu thị, MM Mega Market 19, Lotte Mart 13 siêu thị… Tuy nhiên, đại đa số các thương hiệu này mới chỉ có mặt tại 4 thành phố lớn và các trung tâm của một số tỉnh, thành phố khác.

Trong khi đó, các DN bán lẻ Việt, hiện có Saigon Co.op đang được đánh giá là nhà bán lẻ hàng đầu với 100 siêu thị trên tổng cộng hơn 600 điểm bán phủ rộng 64 tỉnh, thành phố. Tiếp đến là nhà bán lẻ mới nổi VinMart hiện nay cũng đã phát triển hệ thống lên tới 65 siêu thị VinMart và khoảng 1.000 cửa hàng VinMart+, phủ rộng gần 30 tỉnh, thành phố.

Mới chỉ nhìn vào con số về hệ thống các siêu thị của DN bán lẻ Việt, chúng ta sẽ so sánh được ngay thị phần bán lẻ hiện đại ở Việt Nam phần lớn đang thuộc về ai.

Ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc thương mại Kantar Worldpanel Việt Nam cho biết, theo khảo sát của Kantar Worldpanel Việt Nam, có khoảng 60% lượng khách hàng tại 4 thành phố lớn và ở các siêu thị đang thuộc về các DN ngoại. Nhưng trên toàn quốc hiện có tới 73% khách hàng đến với các DN Việt. Có thể nói, nhà bán lẻ nội chiếm tới 3/4 thị trường Việt Nam.

Và theo phân tích của ông Nguyễn Huy Hoàng, khối DN ngoại đang tập trung nhiều cho phát triển hệ thống và mới chỉ đang phục vụ khách hàng chủ yếu ở khu vực thành thị, trong khi Việt Nam dân số ở thành thị chỉ chiếm trên 34% nên thị phần của họ chắc chắn không thể vượt DN Việt. Bên cạnh đó, cũng là hình thức bán lẻ hiện đại nhưng do nắm bắt được tâm lý, hiểu sở thích, thị hiếu của người tiêu dùng nên các DN Việt dễ dàng đáp ứng cho đại đa số người tiêu dùng hơn.

Đơn cử như tại hệ thống của Saigon Co.op, toàn bộ mô hình bán lẻ từ đại siêu thị, siêu thị Co.op Mart đến Co.op Food đều thuần Việt. Ở đây, người tiêu dùng vẫn có được những sản phẩm Việt phù hợp khẩu vị, sở thích (đồ chế biến sẵn, các mặt hàng đa dạng thuần Việt) nhưng lại theo phong cách bán lẻ hiện đại (máy lạnh, thanh toán thẻ, tích điểm, khuyến mãi…).

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thành Nhân, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, để thực sự đứng vững và phát triển mạnh từ đó chiếm lĩnh “sân nhà”, các DN Việt cần phân tích các điểm mạnh, điểm yếu của các DN ngoại để tìm ra chiến lược phát triển đúng đắn. Cụ thể, nhà bán lẻ ngoại mạnh hơn nhà bán lẻ Việt ở tiềm lực tài chính, huy động vốn với lãi suất thấp; kinh nghiệm quản lý nhờ lịch sử hình thành lâu đời; đã có sự nghiên cứu thói quen của người tiêu dùng và sức mạnh trong liên kết (DN ngoại có sự liên kết toàn cầu, từ chuỗi cung ứng sản phẩm, đến tiêu thụ hàng hóa).

Vì vậy, để cùng phát triển, bên cạnh phát triển mạng lưới, xây dựng tính chuyên nghiệp trong phân phối từ chuỗi cung ứng, khả năng quản trị, chiến lược phát triển đa dạng hóa nguồn hàng và chuyên nghiệp hóa dịch vụ, các nhà bán lẻ Việt cần tạo ra các chuỗi liên kết với nhau, trong đó có vai trò dẫn dắt của những DN lớn cùng nhau khai thác kênh phân phối bán hàng tại các điểm bán trong nước để cùng win-win.

Hiện nay, đã có nhiều mối liên kết của các nhà bán lẻ Việt như Saigon Co.op với Tổng Công ty Thương mại Sài gòn; VinGroup với Vinatex, Ocean Mart tạo thành chuỗi cửa hàng tiện lợi VinMart xuất hiện ở mọi nơi… Đây chính là một trong những giải pháp trước mắt để các DN bán lẻ Việt nâng cao năng lực cạnh tranh ngay tại thị trường trong nước.

 

Saigon Co.op đặt mục tiêu phục vụ 2 triệu khách hàng tại hơn 2.000 điểm giao dịch tại Việt Nam và các vùng lân cận trong năm 2020. Ảnh: VGP/Tấn Thanh

Saigon Co.op - vai trò của nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, vai trò dẫn dắt của những DN lớn để liên kết và cùng nhau khai thác kênh phân phối bán hàng cũng như tạo động lực cho các DN nội khác là vô cùng quan trọng.

Trong thời gian qua, cùng với sự chuyển mình, phát triển của những nhà bán lẻ nội địa, Saigon Co.op, với thương hiệu Co.opmart đang là thương hiệu dẫn đầu của ngành bán lẻ Việt Nam. Theo công bố kết quả khảo sát của Kanta trong “Brand Health Check”, liên tiếp từ năm 2016, 2017 đến tháng 9/2018 Co.opmart vẫn là siêu thị được người tiêu dùng yêu thích và tin tưởng nhất.

Với mô hình kinh doanh linh hoạt cùng các bước đi vững chắc, tiến dần từ nhỏ tới lớn, đặt mục tiêu tiết giảm chi phí nhưng không ngừng gia tăng lợi ích tối đa cho khách hàng và tối ưu hoá lợi nhuận, đã đưa Saigon Co.op, DN có doanh thu trên 1 tỷ USD/năm, lên vị trí bán lẻ số 1 Việt Nam, nằm trong top 500 DN bán lẻ châu Á-Thái Bình Dương.

Để thể hiện vai trò đứng đầu của nhà bán lẻ số một Việt Nam, Saigon Co.op đã tăng cường mở rộng quy mô và độ phủ của hệ thống trên toàn quốc với 100 siêu thị, 2 đại siêu thị và 233 Co.op Food. Tại hệ thống của Saigon Co.op có 30.000 mặt hàng các loại, trong đó tỉ lệ hàng Việt đạt mức hơn 90%, tỉ lệ hàng Việt trong thực phẩm đạt 95%.

Đặc biệt, nhằm tạo thuận tiện, tối ưu hoá chất lượng phục vụ, DN đã tiên phong cho ra mắt 2 mô hình mới Sense Market và cửa hàng tiện lợi Cheers.

Chia sẻ về vai trò của nhà bán lẻ hàng đầu, ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng Giám đốc thường trực Saigon Co.op cho biết, Saigon Co.op sẽ tiếp tục phát triển những mô hình bán lẻ mới để có thể đạt 2 triệu khách hàng tại hơn 2.000 điểm giao dịch tại Việt Nam và các vùng lân cận trong năm 2020.

Để thực hiện được mục tiêu nói trên, Saigon Co.op đã tiến hành rà soát tổng thể và xây dựng chiến lược phát triển phù hợp với chuyển biến của tình hình thực tế. Tập trung nguồn lực triển khai 4 dự án quan trọng là nhân sự, công nghệ thông tin, không gian mua sắm và logistics.

Tiếp đến, tại các điểm bán, Saigon Co.op cũng đã quyết liệt triển khai việc nâng cao thái độ phục vụ, công bố điểm bán hàng bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời, đẩy mạnh thành công việc nhượng quyền thương hiệu Co.op Food tại các tỉnh, thành và đưa vào hoạt động thành công mô hình kinh doanh mới Cheers.

Để tiếp tục tăng năng lực cạnh tranh với các thương hiệu bán lẻ ngoại, DN sẽ tập từng bước ứng dụng công nghệ để nâng cao trình độ tiêu dùng, nâng cao mô hình bán lẻ trên cơ sở vẫn giữ giá trị truyền thống của văn hoá Việt; đa dạng hóa, phát triển thành công nhiều loại hình bán lẻ phục vụ hầu hết các phân khúc khách hàng như hệ thống Co.opXtra, siêu thị Co.opmart, cửa hàng thực phẩm Co.op Food, Trung tâm thương mại Sense City, kênh mua sắm truyền hình HTV Co.op…

Nhằm dần thay đổi thói quen mua sắm của người dân ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa (nơi thị trường bán lẻ truyền thống chiếm tỷ lệ hơn 90%) Saigon Co.op đã xây dựng chiến lược xâm nhập vào những thị trường nói trên bằng các mặt hàng nhu yếu phẩm tiêu dùng cần thiết với giá cả bình ổn phù hợp với thu nhập của người dân.

Bên cạnh đó, để phát triển bền vững, Saigon Co.op sẽ tập trung xây dựng doanh nghiệp xanh là môi trường siêu thị thân thiện, thương hiệu xanh.

Minh Thi

286 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 934
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 934
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76418887