Standard Chartered: Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng nhanh nhất ASEAN 

(Chinhphu.vn) - "Việt Nam có khả năng sẽ tiếp tục là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ASEAN trong năm 2018 và 2019"...

 

Theo Standard Chartered, lĩnh vực sản xuất của Việt Nam dự kiến sẽ có năm thứ hai liên tiếp ghi nhận mức tăng trưởng hai con số trong năm nay.

Ngân hàng Standard Chartered vừa phát đi thông cáo về báo cáo dự báo kinh tế Việt Nam. Báo cáo có tựa đề "Vietnam - Fast, not furious, growth" (tạm dịch: Việt Nam - tăng trưởng nhanh nhưng không nguy hiểm).

Thời báo Kinh tế Việt Nam dẫn báo cáo này cho hay Standard Chartered duy trì dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ đạt 7% trong năm 2018, nhờ khu vực sản xuất hàng điện tử có vốn đầu tư nước ngoài phát triển mạnh mẽ và hoạt động tiêu dùng gia tăng.

Lĩnh vực sản xuất và nông nghiệp được dự báo sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng chính trong nửa cuối năm nay.

Ông Chidu Narayanan, chuyên gia kinh tế khu vực châu Á của Standard Chartered nhận định: "Việt Nam tăng trưởng 7,1% trong nửa đầu năm, trong đó quý 2 có chậm lại một chút so với mức 7,4% của quý 1, điều này phù hợp với dự báo của chúng tôi. Kể từ khi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu nổ ra đến nay, đây là năm đầu tiên mức tăng trưởng trong quý 2 chậm hơn quý 1. Chúng tôi tin rằng đây là dấu hiệu cho thấy sự tập trung vào tăng trưởng bền vững trong trung hạn. Chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng kinh tế trong nửa cuối năm nay sẽ tiếp tục duy trì mạnh mẽ, dù chậm hơn một chút so với nửa đầu năm".

"Việt Nam có khả năng sẽ tiếp tục là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ASEAN trong năm 2018 và 2019 - giống như năm 2017. Chúng tôi lạc quan về triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong trung hạn nhờ hoạt động sản xuất diễn ra mạnh mẽ khi dòng vốn FDI chảy vào lĩnh vực sản xuất điện tử vẫn duy trì ở mức cao", cũng theo dự báo của chuyên gia Standard Chartered.

Theo báo cáo trên, lĩnh vực sản xuất dự kiến sẽ có năm thứ hai liên tiếp ghi nhận mức tăng trưởng hai con số trong năm nay và tăng trưởng của lĩnh vực nông nghiệp cũng sẽ tiếp tục phục hồi trong nửa cuối năm; trong khi đó, lĩnh vực xây dựng bị chậm lại do mức tăng trưởng thấp ở mảng bất động sản.

Xuất khẩu hàng điện tử trong năm 2018 được dự đoán sẽ tăng trưởng mạnh mẽ, dù thấp hơn so với năm 2017, mang đến cho Việt Nam thặng dư thương mại và hỗ trợ tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Ngân hàng Standard Chartered duy trì nhận định dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam sẽ ở mức cao trong năm 2018, 2019 và 2020, với mức vốn đăng ký đạt 17 tỷ USD mỗi năm; vốn FDI sẽ tiếp tục chảy mạnh vào lĩnh vực sản xuất, đặc biệt là sản xuất hàng điện tử, trong trung hạn.

Báo cáo cũng nhận định mức tăng trưởng ổn định ở lĩnh vực dịch vụ, đi đầu là hoạt động thương mại diễn ra mạnh mẽ ở trong nước, sẽ hỗ trợ tăng trưởng chung của cả năm 2018.

Lĩnh vực dịch vụ, vốn đóng góp gần 40% cho nền kinh tế, dự kiến sẽ tăng trưởng mạnh trong nửa cuối năm, sau khi đạt mức tăng 7% trong nửa đầu năm.

Sự phát triển của mảng dịch vụ thuê ngoài (business process outsourcing - BPO), được hỗ trợ bởi nguồn nhân lực trẻ, được đào tạo tốt và chi phí thấp, sẽ thúc đẩy quá trình tăng trưởng của lĩnh vực dịch vụ trong trung hạn.

Mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 4/10 cũng công bố nền kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng 6,8% trong năm nay. Dự báo trên đã được Ngân hàng Thế giới điều chỉnh tăng từ mức 6,5% đưa ra vào tháng 4.

Lý giải cho sự điều chỉnh này, các chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới cho rằng tăng trưởng của 3 quý vừa qua của Việt Nam rất tích cực, xuất khẩu đang được đẩy mạnh và những nền tảng duy trì tăng trưởng cao đang phát huy hiệu quả.

So với dự báo cả khu vực Đông Á - Thái Bình Dương tăng trưởng ở mức 6,3% năm nay thì kinh tế Việt Nam vẫn đang tăng trưởng tích cực, cao hơn so với mức trung bình. Chủ nghĩa bảo hộ và biến động trên thị trường tài chính sẽ tiếp tục là thách thức cho tăng trưởng trung hạn của các nước khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam.

Theo các chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới, có 4 hướng để đón đầu và xử lý các rủi ro nói trên là: Tạo dư địa chính sách như cẩn trọng với vĩ mô và linh hoạt tỷ giá; tiếp tục mở cửa đầu tư và thương mại; tăng cường chiều sâu cải cách nội tại nền kinh tế và tăng cường an ninh kinh tế.

Thu Hà

394 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 489
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 489
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88967247