Một tuần sau khi bị nước ngoạm hàng trăm khối đất sau vườn, ông Nguyễn Văn Tiếp (81 tuổi, trú thôn Bích La Thượng, xã Triệu Long, H.Triệu Phong) vẫn chưa đêm nào ngủ yên vì sợ khi tỉnh dậy thì ngôi nhà đã bị cuốn trôi. Ông lo lắng nói: “Ngày 8.12, từng mảng đất sau vườn nhà tôi trượt xuống sông. Giờ khu nhà dưới gồm bếp, công trình phụ chỉ còn cách điểm sạt lở hơn 1 m thôi. Chỉ một trận lũ nữa chắc nhà tôi đi tong”.
Tại xã Triệu Long, sạt lở xảy ra nghiêm trọng và uy hiếp tuyến đường liên thôn ở thôn Đâu Kênh. Nước lớn đã cuốn phăng đất đá và những gốc tre trồng giữ đất, có nơi khoét sâu vào đường. Hiện người dân và chính quyền địa phương tạm thời dùng tre làm hàng rào cảnh báo nguy hiểm...
Sông Thạch Hãn cũng đang đe dọa trực tiếp cầu Đại Lộc (nối H.Triệu Phong với TP.Đông Hà). Ngay dưới chân cầu, sạt lở diễn biến khá phức tạp và kéo dài theo bờ sông cả 1 km, có nơi khoét sâu 5 m, đe dọa sự an toàn của cây cầu trị giá 60 tỉ đồng.
Chờ tìm nguồn vốn
Ông Nguyễn Hữu Cần, Bí thư Chi bộ thôn Bích La Thượng, cho biết người dân trong vùng sạt lở luôn bất an, nhất là những nhà chỉ cách bờ sông vài mét. Ở đây, người dân chủ yếu sống bằng nghề nông, phải dành dụm nhiều năm mới có đủ tiền xây nhà, bây giờ lâm cảnh đi không được mà ở cũng không xong.
Ông Lê Văn Sơn, Phó chủ tịch UBND xã Triệu Long, xác nhận toàn xã có 1,2 km dọc sông Thạch Hãn bị sạt lở, trong đó 4 điểm nặng nhất nằm ở thôn Bích La Thượng, thôn Đâu Kênh, thôn Đại Lộc Hạ. “Xã lấy đâu ra vốn mà làm, nên chúng tôi trình lên cấp trên sớm có kế hoạch xây dựng kè chống xói lở khẩn cấp...”, ông Sơn nói.
Ông Phan Quang Giải, Phó chủ tịch UBND H.Triệu Phong, cho biết địa bàn huyện có nhiều điểm sạt lở dọc sông, muốn khắc phục cần nguồn kinh phí quá lớn trong khi ngân sách huyện không kham nổi. Trong khi đó, ông Hồ Xuân Hòe, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị, cho hay sở vừa lập đoàn công tác kiểm tra các điểm sạt lở, trước mắt yêu cầu chính quyền địa phương dựng hàng rào cảnh báo nguy hiểm và có giải pháp xử lý tạm thời.
“Ngành sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh báo cáo với Chính phủ, các bộ ngành T.Ư. Đối với những vị trí sạt lở có nguy cơ ảnh hưởng tính mạng và tài sản người dân, ngành đã tham mưu cho UBND tỉnh và lập chủ trương đầu tư, tìm kiếm nguồn vốn khẩn cấp. Nhưng trước mắt địa phương cần thực hiện các biện pháp truyền thống như đóng cọc tre, gia cố các kết cấu như đá hộc, có thể huy động sức dân”, ông Hòe nói.